Với hồ sơ học tập bao gồm IELTS 8.0/9.0, và điểm chuyên ngành trên 8,0,… Nguyễn Minh Luân đã được lựa chọn để trở thành thông dịch viên và thư ký nhỏ tuổi nhất trong đoàn tiếp đón Tổng thống Ấn Độ vào ngày 14 – 17/9 vừa qua.
Lựa chọn thay thế
Nguyễn Minh Luân nói rằng, việc được lựa chọn trở thành 1 thành viên của đoàn đón tiếp Tổng thống Ấn Độ đến như 1 cơ duyên trong cuộc đời. Bởi lẽ, để được tham gia vào đoàn, ứng viên không chỉ phải có lý lịch tốt, thành thạo tiếng Anh mà còn cần thông hiểu về văn hóa của đất nước Ấn Độ.
Luân bảo: Nếu mình apply từ đầu chưa chắc đã được chọn bởi thường những người có kinh nghiệm sẽ được ưu tiên. Tuy nhiên, đến sát thời gian đón ngài Tổng thống thì một thành viên trong đoàn bị ốm và Luân đã được tiến cử. Vị trí dành cho chàng trai 20 tuổi này là thông dịch viên kiêm thư ký đoàn đón tiếp Tổng thống Ấn Độ của Lãnh sự quán Ấn Độ.
Nguyễn Minh Luân là thành viên trẻ tuổi nhất trong đoàn đón Tổng thống của Lãnh sự quán Ấn Độ
Không phải nộp CV và phỏng vấn, việc của Luân chỉ là gửi bản đăng ký và lý lịch, chuẩn bị đầy đủ kiến thức về cả văn hóa bản địa để hoàn thành tốt nhất công việc được giao.
Tại đây, công việc chính mà Luân đảm nhiệm là phụ trách điều phối và hỗ trợ các Liaison Officer (tạm dịch là nhân viên liên lạc, chịu trách nhiệm theo sát một thành viên cấp cao của chính phủ Ấn Độ) khi có việc khẩn cấp.
“4 ngày vừa qua là 4 ngày tuyệt vời đối với mình. Gặp những người mình chưa từng biết, tiếp xúc và trò chuyện với họ, làm quen với những phong tục, văn hóa mới chỉ biết qua sách vở, cái gì cũng mới, cũng đòi hỏi bạn phải ghi nhớ và làm việc chính xác” – Luân nói.
Luân chụp ảnh cùng Tổng thống và các lãnh đạo cao cấp của Ấn Độ
Ngoài giờ làm việc, các quan khách cấp cao rất thân thiện, họ sẵn sàng giảng giải cho chàng trai người Việt hiểu rõ hơn về văn hóa Ấn như là: Vì sao Phật tử phải xuống tóc khi đi tu? Hay tại sao Phật giáo bị thất truyền tại đất nước này?.
Luân bảo: “Cách phát âm tiếng Anh của người Ấn hơi khó nghe nên mình luôn rất tập trung khi nói chuyện với họ. Nhiều khi bí quá, cứ phải “Excuse me”, “Pardon” (Xin lỗi, ngài nói gì ạ?) cũng thấy rất ngượng, may là các quan khách ai cũng thân thiện và sẵn sàng nói lại giúp mình”.
Khi phái đoàn vừa đến Việt Nam, Luân ngay lập tức được giao nhiệm vụ dẫn Thư ký cấp cao của ngài Tổng thống đi mua sắm quà lưu niệm, tranh vẽ. Cũng trong những ngày này, Luân còn có cơ hội tham dự buổi gặp mặt của ngài Tổng thống với cộng đồng người Ấn tại Việt Nam và chụp hình chung với ngài.
Ngày đưa phái đoàn ra sân bay, Minh Luân ngồi xe cùng các quan chức cấp cao và có dịp giới thiệu, giải đáp thắc mắc về những địa điểm hay tại TP. Hồ Chí Minh. Luân tâm sự: “Điều đáng quý ở 4 ngày này là mình đã có được nhiều mối quan hệ mới, học hỏi được nhiều kinh nghiệm và giao lưu, chia sẻ văn hoá Việt – Ấn với bạn bè nước bạn”. Với Luân đây sẽ là bước khởi đầu cho chặng đường dài phía trước của chàng trai 20 tuổi nhiều tham vọng và đam mê.
Ước mơ trở thành giảng viên tiếng Anh
Với bảng thành tích học tập đáng ngưỡng mộ, ít người biết rằng, Luân từng trải qua cảm giác của 1 người trượt đại học. “Hồi đó, mình thiếu 0,5 điểm để vào ngành Ngữ văn Anh, nên phải vào khoa Ngữ văn Pháp của trường”.
Thế nhưng sau 1 năm học niềm đam mê môn Anh văn vẫn sôi sục khiến chàng trai này quyết xin chuyển sang khoa Ngữ văn Anh nhưng không được chấp nhận. Không từ bỏ, Luân đã gặp thầy trưởng khoa Đông phương để xin học ngành Úc học.
Nỗ lực không ngừng có lẽ chưa đủ để nói về khoảng thời gian Luân chuyển từ một khoa khác sang, phải học lại năm đầu để theo kịp các bạn. “Mình đã chủ động liên hệ các giảng viên phụ trách môn để xin “chỉ thi chứ không phải đến học”. Tất nhiên, “một thằng khoa Pháp sang yêu cầu không phải học mà chỉ thi” khiến các giáo viên… sốc và không khỏi ngờ vực. Trải qua một vài bài kiểm tra nhỏ và “lâu lâu vào ngồi học một tí” đã khiến các giảng viên tin tưởng Luân hơn. Qua đến học kỳ 2, cậu được phép thi chứ không cần học nhưng ở một số môn như Biên dịch, thay vì ba người làm một bài thi thì với Luân gắt gao hơn là một mình một đề.
Ước của của chàng trai 20 tuổi là trở thành 1 giảng viên tiếng Anh
“Thú thật mà nói những môn chuyên ngành ở năm nhất không khó và một phần do đã có nền tảng sẵn về ngoại ngữ nên mình không tốn quá nhiều thời gian để ôn tập” – Luân chia sẻ. Vì vậy, năm học đầu tiên tại khoa Đông phương học, điểm chuyên ngành của Luân trên 8,0. Ngoài ra, chàng trai cũng có điểm số IELTS đáng ngưỡng mộ với điểm số 8.0/9.0.
20 tuổi, chàng trai Nguyễn Minh Luân đã và đang cố gắng hết sức để thực hiện mơ ước trở thành 1 giáo viên tiếng Anh, truyền thụ cho nhiều bạn trẻ khác niềm say mê với môn ngoại ngữ.
BOD: 11/10/1994
SV năm thứ 3 khoa Đông phương học (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)
IELTS: 8.0/9.0
Thành viên nhỏ tuổi nhất trong phái đoàn đón Tổng thống Ấn Độ ngày 14-17/9/2014.