“Thêm một chút bền bỉ, một chút nỗ lực, và điều tưởng chừng như là thất bại vô vọng có thể biến thành thành công rực rỡ”. Nếu không có những tháng ngày cố gắng vượt qua chính bản thân mình thì cô bạn Tôn Nữ Hoàng Anh sẽ không thể nào hòa nhập với môi trường giáo dục tại Mỹ như hiện giờ. Cô bạn đã dành cho sinhvienusa.org một buổi trò chuyện về cuộc sống và học tập của mình tại Mỹ.
VƯỢT RÀO CẢN NGÔN NGỮ
(Hạnh Nguyễn) Được biết Hoàng Anh qua Mỹ gần 3 năm, đối với một người Việt lần đầu đặt chân đến đây, chắc hẳn bạn đã gặp không ít khó khăn? Bạn có thể chia sẻ với độc giả sinhvienusa.org biết những khó khăn bạn đã trải qua?
Hoàng Anh: Năm 2012 khi mới chân ước, chân ráo tới cái nơi người ta hay gọi “American Dream – Giấc mơ Mỹ” này mình thật sự rất sợ, dù lúc ấy mình đi với ba mẹ và em theo diện định cư. Sự cô đơn là điều đầu tiên mình đối mặt. Thời gian đầu, không có ai làm bạn, ba mẹ cũng không hiểu được khó khăn của bản thân nên không biết chia sẻ với ai. Mình nhớ lần đầu tiên mình học lớp Writing 115, đó là lớp đầu tiên mà chỉ có mình là người nói tiếng anh như ngôn ngữ thứ hai, còn lại đều nói tiếng anh thành thạo. Khó khăn để nghe thầy giảng, và cảm giác bị lép vế khi làm việc nhóm. Cảm thấy rất tủi thân và hơi bất lực. Rào cản về ngôn ngữ là lớn nhất đối với mình, đấy cũng là khó khăn lớn nhất mình cần vượt qua.
Nhưng sau này, mình quen với văn hoá và giỏi tiếng anh rồi thì mọi thứ trở nên tươi đẹp và vui vẻ hơn hẳn(cười)
(Hạnh Nguyễn) Mất bao lâu để Hoàng Anh hòa nhập được ở Mỹ? Làm thế nào để các bạn sinh viên khi mới qua Mỹ có thể hòa nhập nhanh chóng môi trường tại đây?
Hoàng Anh: Để thật sự hoà nhập thì H.Anh mất khoảng hai năm. Một năm đầu, mình học tiếng anh và tham gia từ thiện ở bẹnh viện để hiểu thêm về văn hoá. Năm thứ hai thì mình bắt đầu dạn dĩ hơn và tham gia vào hội Student Leadership ở trường.
Theo góc nhìn của H .Anh, ngoài tiếng Anh, để sinh viên Việt có thể hoà nhập được với cuộc sống của Mỹ còn cần thêm hai từ: Năng Động và Tư Duy Mở. Sinh viên Mỹ dù nam hay nữ đều rất năng động, họ làm mọi thứ từ thuyết trình, từ thiện, tổ chức sự kiện, khiêng vác,..Để hoà nhập, H.Anh cũng làm mọi thứ và tự vận động để nói chuyện, tìm hiểu người Mỹ. Họ rất hoà đồng và thân thiện.
Bên canh đó, tư duy mở rất quan trọng vì giúp một người mới đến một nền văn hoá có thể chấp nhận những điểm khác biệt. Chẳng hạn, một sinh viên 16 tuổi sẽ thẳng thắn phản bác quan điểm của mội người 40 tuổi, nếu không quen sẽ cảm thấy rất khó chịu. Ban đầu H.Anh rất ngại điều này vì nghĩ sẽ làm mất lòng người lớn, nhưng dần dần nhận ra đó là điều rất bình thường. Người Mỹ khá thoải mái và chân thành
Có một số bạn dù rất giỏi tiếng Anh nhưng vì ngại chơi với người Mỹ nên chỉ dành thời gian chơi với người Việt. Điều này khiến thời gian học sinh Việt ở Mỹ không được tận dụng hết để hiểu văn hoá và con người ở đây.
MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP TẠI MỸ
(Hạnh Nguyễn) Hiện Hoàng Anh đang theo học chuyên ngành gì và tại trường nào tại đây? Cơ hội việc làm sau khi ra trường như thế nào?
Hoàng Anh: H.Anh đang học ngành thiết kế Website (Web Design and Development) tại trường Portland Community College, thành phố Portland, bang Oregon. Trong năm sau, mình sẽ chuyển tiếp sang đại học với ngành Human Computer Interaction (HCI) ở trường đại học. Trong tương lai, mình mong muốn trở thành User Experiment Designer, (UX Designer).
Theo web boston.com, nghề UX designer nằm trong top 30 việc làm phát triển nhanh nhất vào năm 2018. Ngoài ra, lương trung bình của ngành khá cao, dao động từ 50,000 đến 80,000 một năm.
(Hạnh Nguyễn) Thường những bạn sinh viên khi mới qua đây đa số các bạn chọn Cao đẳng cộng đồng để học vì học phí ở những trường này tương đối rẻ. Nhưng để chuyển tiếp lên hệ đại học thì sẽ như thế nào? Sinh viên cần đáp ứng những yêu cầu gì mới có thể chuyển tiếp?
Hoàng Anh: Ở Mỹ, trong hai năm đầu, thông thường học sinh sẽ học các môn học cấp độ từ 100 đến 200 ở trường cao đẳng cộng đồng. Sau đó, họ sẽ chuyển tiếp sang đại học để học các môn ở cấp độ 300 trở lên. Hiện tại, H.Anh đang tập trung học các lớp về kiến thức phổ thông, chẳng hạn toán, sinh học, tâm lý học để chuyển tiếp sang trường đai học. Để chuyển tiếp, mình cần làm rõ những môn học nào ở trường PCC (Portland Community College) có thể đạt chỉ tiêu để chuyển tiếp sang trường đại học.
Để làm hồ sơ của mình nổi bật, những môn học mình chọn phải khó và thiên về tư duy, chẳng hạn như toán, hoá học.., ngoài ra phải liên quan đến ngành HCI như tâm lý học, thiết kế, một chút về lập trình.
(Hạnh Nguyễn) Bạn có thể giới thiệu đôi chút thông tin về trường mình đang học cũng như việc hỗ trợ học phí cho sinh viên của trường như thế nào?
Hoàng Anh: Trường Portland Community College là trường lớn nhất ở Portland, với hơn 4 cơ sở. Học phí trung bình của công dân là 7,000USD, của du học sinh là 20,000 USD. Nếu là công dân và thu nhập thấp thì se được chính phủ hỗ trợ đến hơn 5,000 USD một năm để đi học, còn du học sinh thì có thể kiếm học bổng ở trường. Ở đây, Hội du học sinh có thể giúp tư vấn về nghề nghiệp, học bổng cho du học sinh. Ngoài ra, du học sinh có thể tham gia các hoạt đông trong trường để kiếm thêm thu nhập: Hội Student Leadership, Lab Assistant, Cafeteria, Multi culture….
(Hạnh Nguyễn) Nền giáo dục của Mỹ khác gì so với Việt Nam? Hoàng Anh đã học được những gì trong suốt quá trình học tại đây?
Hoàng Anh: Ở trường PCC, trong hai năm đầu, H.Anh được hoàn toàn tự do trong việc đăng ký môn mình thích hoặc cần phải học. H.Anh tự lên chiến lược lấy những môn nào có ích trong việc chuyển tiếp sang trường đại học và có thể áp dụng vào ngành. Ví dụ, dù chuyên ngành của H.Anh là về thiết kế website, nhưng mình có thể lấy thêm các lớp Toán và Sinh học để nâng cao tư duy và vốn tiếng Anh. Ngoài ra, vì tự do chọn lớp nên H.Anh có thể quen thêm nhiều bạn đến từ nhiều ngành: Kế toán, Quản Trị kinh doanh, Khoa học máy tính, Thiết kế đồ hoạ… Chính sự tự do này giúp mình có nhiều cơ hội để tìm tòi ngành nào thật sự phù hợp với bản thân.
Vì mỗi học sinh tự chọn môn học nên hầu như không có văn hoá “lớp chúng ta”. Mỗi người là một cá thể riêng biệt.
Ở Việt Nam, các lớp gần như đã được sắp xếp sẵn tuỳ chuyên ngành. Nếu học một lớp thì cũng có rất nhiều học sinh cùng ngành học. Vì thế nâng cao tính đoàn kết lớp nhưng cũng giới hạn sự tự do chọn môn.
MÔI TRƯỜNG MỚI – CUỘC SỐNG MỚI
(Hạnh Nguyễn) Hiện tại cuộc sống của Hoàng Anh tại Mỹ như thế nào? Nó khác như thế nào so với lúc Hoàng Anh còn ở Việt Nam?
Hoàng Anh: Hiện tại, H.Anh đã và đang hoà nhập với văn hoá ở Mỹ. H.Anh tập thẳng thắn về quan điểm hơn, chân thành trong suy nghĩ và tự lập hơn. Vì đã quen và có nhiều bạn bè Mỹ ở trường nên mình tự tin hơn trong giao tiếp cũng như các hoạt động xã hội khác. Cảm thấy cuộc sống vui vẻ và nhiều năng lượng để bước tiếp trên hành trình chinh phục những giấc mơ của chính mình.
Ở Việt Nam, H.Anh hơi nhút nhát và lười (cười)
(Hạnh Nguyễn) Nếu có lời khuyên nào cho các bạn đang có ý định qua Mỹ học tập hoặc cho các bạn vừa đặt chân tới Mỹ thì Hoàng Anh sẽ nói gì?
Hoàng Anh: Người ta hay nói “Giấc mơ Mỹ” nó có nghĩa dù bạn là ai, dù hiện tại ban có đang như thế nào thì nếu có ước mơ, có mục tiêu và phấn đấu kiên trì đến cùng nhất định bạn sẽ đạt được. Sống tại Mỹ gần 3 năm mình đang dần cảm nhận được “Giấc mơ Mỹ”. Môi trường học tập và sinh sống tại Mỹ rất tốt, nếu bạn đang nuôi dưỡng ước mơ du học hay cố gắng biến nó thành hiện thật.
Đố với những bạn vừa mới qua Mỹ, có thể tùy vào mỗi bạn mà hoạch định chiến lược học tập riêng cho mình. Có bạn chuyên tâm học để tạo lợi thế cạnh tranh, có bạn làm nhiều việc để hoà nhập. Riêng H.Anh thì thấy việc lao vào làm các hoạt động từ thiện đến việc tham gia vào các tổ chức ở Mỹ sẽ giúp ích rất nhiều về mối quan hệ, kỹ năng giao tiếp, và hiểu biết văn hoá. Nó bổ trợ cho cơ hội kiếm việc và đạt học bổng rất nhiều.
Xin cảm ơn Hoàng Anh vì buổi trò chuyện chân thành này, chúc cho bạn ngày càng thành công trên con đường mình chọn cũng như luôn giữ trong mình ngọn lửa đam mê!
Hạnh Nguyễn