Sinh năm 1983, vẫn còn rất trẻ nhưng Bùi Quang Minh (Minh Beta) đã sở hữu những thành tích đáng nể: GMAT 750 điểm (98%), TOEFL 113/120 điểm, tốt nghiệp hạng ưu đại học Sydney (Úc), được nhận học bổng Fulbright và hoàn thành khoá học MBA tại Đại học Harvard.
Bên cạnh những thành tích học tập xuất sắc, cái tên Minh Beta cũng khá nổi tiếng trong giới trẻ. Bài hát “Việt Nam ơi” do chính anh sáng tác và thể hiện trước khi đi du học đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và được rất nhiều bạn trẻ cover lại.
Tuy nhiên, sở trường và đam mê chính của cựu sinh viên Harvard vẫn là công việc kinh doanh. Trước khi sang Mỹ du học, Minh đã thể hiện khả năng kinh doanh với chuỗi cửa hàng bánh Doco Donuts & Coffee. Ngày trở về, Minh ấp ủ một dự án lớn trong lĩnh vực truyền thông, giải trí…
Để tìm hiểu rõ hơn về chàng trai trẻ tuổi này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng anh.
Từ Doco Donuts đến Harvard
Được biết trước khi đi học MBA tại Harvard, anh đang khá thành công trong kinh doanh với chuỗi cửa hàng Doco Donuts?
Doco Donuts là dự án kinh doanh đầu tiên của tôi, được thực hiện khi tôi trở về Việt Nam sau 2 năm làm việc tại Singapore. Thời điểm đó, trào lưu bánh Donuts đang phát triển rất mạnh ở nhiều nước châu Á. Vì thế, tôi nghĩ nó sẽ gặt hái thành công tại Việt Nam.
Đối với tôi, Doco Donuts là bước đi đầu tiên để khởi nghiệp và để kiểm tra khả năng của bản thân. Năm 2009, tôi bắt tay vào mở một cửa hàng ban đầu ở phố Hàng Bông với số vốn khoảng 300 triệu đồng.
Lần đầu bước chân vào kinh doanh, chắc hẳn anh đã gặp phải không ít khó khăn?
Đúng vậy. Thời điểm đó tôi chưa bao giờ làm kinh doanh, nên mọi thứ tôi làm rất không bài bản. Khi bắt đầu, tôi mới chỉ biết tự mình làm tất cả, chứ chưa biết cách xây dựng đội ngũ để cùng mình phát triển. Từ thiết kế, bài trí cửa hàng cho tới tuyển dụng nhân viên, phát triển quy trình, tôi đều tự tay làm hết… Nó vừa khiến tôi kiệt sức, vừa khiến công việc không được vận hành hiệu quả như mong muốn.
Cũng may mắn là Doco Donuts nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng và chỉ mất 3 tháng để tôi thu hồi lại vốn đầu tư từ cửa hàng đầu tiên. Những địa điểm tiếp theo của Doco Donuts đều được phát triển dựa vào lợi nhuận của những cửa hàng trước đó. Nói cách khác, tiền của dự án đủ để nuôi dự án.
Sau 2 năm hoạt động, Doco đã có 6 cửa hàng trên toàn quốc và mang lại cho tôi một khoản lợi nhuận như mong đợi.
Thực sự với Doco Donuts, ngay từ đầu tôi đã không đặt mục tiêu dài hạn. Khi triển khai mô hình DOCO, tôi định hướng để phát triển sản phẩm theo phân khúc đồ ăn “thời trang”, nghĩa là nó có thể lên xuống theo phong trào. Trong một giai đoạn nhất định, giới trẻ có thể rất chuộng bánh donuts, nhưng sau đó phong trào sẽ dần “xẹp” xuống để nhường chỗ cho các món ăn thời thượng khác. Vì thế trước khi trào lưu này đi xuống, tôi đã quyết định dừng lại.
Mặt khác, ngay khi tốt nghiệp đại học, tôi đã có dự định đi học MBA rồi. Dự án Doco Donuts vì thế rất phù hợp với tôi tại thời điểm đó: nó vừa dễ để mở rộng, vừa dễ thoái vốn. Doco giống như một điểm dừng chân ngắn hạn của tôi để chuẩn bị cho những kế hoạch xa hơn.
Những kế hoạch xa hơn mà anh nói đến là gì vậy? Nó có liên quan đến quyết định đi du học của anh không?
Sau khi làm Doco Donuts 3 năm, tôi bắt đầu nhận ra rất rõ ràng những thiếu sót của bản thân. Tôi thấy mình đã chạm tới điểm tới hạn của khả năng và nhận ra góc nhìn của tôi chưa đủ rộng. Khi bắt đầu với Doco, tôi chỉ nghĩ tôi phải làm gì đó để khẳng định bản thân mình, để có tiền, để giàu, để đi chơi và hưởng thụ. Những lý do đó rất vị kỉ và nó khiến tôi cảm thấy tôi có một “sức ì” rõ rệt.
Đó cũng là lý do tôi quyết tâm đi học tiếp. Thời gian học MBA mang lại cho tôi rất nhiều thứ, không chỉ là kiến thức, kỹ năng và các mối quan hệ, mà góc nhìn của tôi cũng được mở rộng hơn rất nhiều. Tôi nhận thấy nếu chỉ theo đuổi những nhu cầu của cá nhân thì mình sẽ không bao giờ thấy thật sự thỏa mãn, tôi cần có những mục tiêu cao đẹp và rộng hơn thì mới có động lực để làm việc một cách bền bỉ và đam mê được.
Tôi cần gắn cuộc sống và công việc của mình với xã hội, làm sao để mình có thể góp sức khiến mọi thứ quanh mình tốt đẹp hơn và qua công việc mang lại những ảnh hưởng tốt, sâu rộng cho xã hội.
Tôi cũng nhận ra là mình không thể đơn độc trong công việc. Như chia sẻ ở trên, thời điểm kinh doanh Doco Donuts, tôi chưa biết cách xây dựng đội ngũ nên việc gì cũng phải tự làm, vừa vất vả vừa kém hiệu quả. Sau khi đi học về, tôi nhận ra tầm quan trọng của tập thể cố gắng xây dựng một đội ngũ cũng hết lòng vì cùng mục tiêu giống tôi.
Đối với tôi, đó mới là hạnh phúc đích thực. Nghe có vẻ lạ nhưng thời gian đi học ở Mỹ, tôi lại ngộ ra những giá trị rất Thiền, rất phương Đông. Có thể người Mỹ có một lối diễn đạt khác nhưng giá trị cốt lõi mà họ tâm niệm cũng tương đồng với chúng ta.
Vừa phải điều hành công việc vừa phải ôn thi để lấy học bổng du học, thành tích của anh vẫn rất ấn tượng. Anh có thể chia sẻ bí quyết của mình không?
Nếu tôi có lời khuyên nào cho các bạn muốn theo học MBA, tôi nghĩ là các bạn hãy chuẩn bị càng sớm càng tốt. Nếu bạn sớm xác định được là “tôi muốn học MBA” thì bạn sẽ chú ý để luyện tiếng Anh nhiều hơn, có thêm thời gian học GMAT hoặc GRE, cố gắng đạt kết quả tốt ở bậc đại học, và chăm chỉ tham gia các hoạt động ngoại khóa hơn…
Nhớ lại lúc mới được nhận vào Harvard, tôi vẫn còn thấy lâng lâng (cười). Tôi nghĩ, nếu các bạn xác định mục tiêu cho mình, hãy đừng ngần ngại đặt những giới hạn thật cao cho bản thân. Khi đặt mục tiêu du học, tôi đã quyết tâm là phải được học bổng, phải vào top 20 trường đại học hàng đầu của Mỹ.
Khi mình đặt mục tiêu thật cao thì mình sẽ cố gắng nhiều hơn để vượt qua được giới hạn của bản thân và chiến thắng sức ì hiện tại.
Mặt khác, một khi mình đã cố gắng hết sức thì cũng nên biết hài lòng với kết quả mình đạt được, dù có thế nào đi nữa. Tôi nghĩ trong bất cứ việc gì thì tâm thế tích cực và cầu tiến cũng là điều rất quan trọng.
Vậy anh có dự định quay trở lại với bánh Donuts không?
Tôi nghĩ thời của donuts, nhất là với cách làm cũ của tôi, đã qua rồi. Bây giờ nếu cố gắng tiếp tục với nó thì “có thể” nó sẽ vẫn hoạt động tốt, nhưng sau vài năm tôi lại phải tìm cách thoát ra, trừ khi tôi phải tiếp cận nó theo cách khác, như là cách Dunkin Donuts đang làm chẳng hạn. Tại thời điểm này, tôi không muốn đầu tư công sức thời gian để làm donuts sau một vài năm lại phải thoái vốn.
Quan trọng hơn, tôi đã có một mục tiêu xa hơn, được ấp ủ và triển khai từ lúc còn học tại Harvard và sẽ chính thức ra mắt vào cuối năm nay. Dự án mới này thuộc lĩnh vực truyền thông, giải trí, cũng là lĩnh vực tôi đam mê nhất.
Tôi tin rằng qua dự án này, tôi có thể bắt đầu theo đuổi mục tiêu dài hạn của mình là tạo nên các tác động tích cực cho xã hội.
(Còn nữa)
Lam Nguyên
Theo Infonet