Phạm Đình Nguyên là một trong những doanh nhân Việt luôn “tạo sóng” với những ý tưởng “điên điên” – từ việc mua thị trấn Mỹ tạo cơn sốt truyền thông cách đây 2 năm, đổi tên thị trấn Mỹ đình đám cho đến cú tiếp thị không gian ngoạn mục năm rồi.
* Xin chúc mừng thị trưởng đã “gây náo loạn” thành công ở chợ Bến Thành. Ý đồ của ông là gì?
(Cười). Thực tình tôi không ngờ một ý tưởng nhỏ nhưng lại đem lại hiệu quả lớn. Chúng tôi chỉ muốn ra quân một cách khí thế. Chúng tôi muốn bắt đầu ở chợ Bến Thành mang tính chất biểu tượng của kênh bán hàng truyền thống.
Khi tôi đến đó gặp gỡ và mời các tiểu thương uống thử cà phê hòa tan PhinDeli, rất là bất ngờ hầu hết họ nhận ra tôi. Có người còn nói đùa: “Hôm nay ông thị trưởng đến đây làm gì đây?”
Bạn thấy đấy, nếu tôi không mua thị trấn Mỹ thì dễ gì mọi người ở đây biết đến tôi. Khi họ biết tôi như vậy, họ đã sẵn lòng mua hàng ủng hộ PhinDeli.
* Sẵn nói đến Buford, xin ông vui lòng cho biết, thị trấn hiện nay như thế nào?
Về mặt cơ bản thị trấn vẫn không thay đổi. Nghĩa là chỉ có một cư dân, nó vẫn tiếp tục được gọi là “Thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ”. Đây cũng là điều hấp dẫn du khách, đặc biệt là từ sau sự kiện “Người Việt mua thị trấn Mỹ” và đổi tên thành thị trấn cà phê Việt PhinDeli. Và người quản lý thị trấn vẫn là ông Don Sammons.
Đầu năm nay, ông chủ cũ đã giới thiệu cuốn sách Buford One, được nhiều người đón nhận – cũng ít nhiều tạo thêm danh tiếng cho thị trấn PhinDeli. Nhà xuất bản ở Việt Nam cũng đã làm việc để dịch cuốn sách này nhưng cho đến nay cũng chưa thỏa thuận được, nên sách dịch vẫn chưa ra. Tác giả sách đã trò chuyện với tôi hơn 8 tiếng để viết thêm 2 chương mới cho sách.
Có một vài thay đổi nhỏ liên quan đến thị trấn. Chúng tôi đã thay đổi hình ảnh 3 pa-nô dẫn vào thị trấn, sử dụng ý tưởng bức tranh tường thị trấn cà phê (bên trong cửa hàng tiện lợi), bao gồm: trồng, chế biến và thưởng thức. Nhiều người rất thích ý tưởng thiết kế này.
* Nhìn lại vụ mua bán “làm nước Mỹ tỉnh giấc” cách đây 2 năm, ông có đánh giá như thế nào về vụ mua bán lịch sử của mình?
Đôi khi ngồi nghĩ lại, tôi thấy chuyện xảy ra quá nhanh, như một cuốn phim vậy. Một người Việt như tôi tự nhiên làm chủ một thị trấn Mỹ, trở thành một sự kiện truyền thông quốc tế có thể nói đình đám nhất trong năm đó. Chưa hết, một năm sau đó tôi lại chính thức đổi tên Buford thành thị trấn cà phê Việt PhinDeli, bắt đầu một hành trình giới thiệu cà phê Việt vào thị trường Mỹ. Toàn những chuyện tày đình. Nhiều người cho đến giờ vẫn nói tôi điên. Tôi nghĩ, đôi khi bạn cần phải điên chỉ để chứng minh một điều: không gì không thể!
* Có bao giờ ông cảm thấy quyết định đó là sai không?
Nói thật, có nhiều lúc tôi cảm thấy chao đảo như thể mình đã quyết định sai theo kiểu bốc đồng. Nhất là khoảng thời gian mua xong thị trấn mà chưa có một kế hoạch gì cụ thể cho Buford. Tôi không dám gặp ai. Vì gặp ai họ cũng hỏi “Sao rồi ông thị trưởng”.
Sau khi tung ra PhinDeli, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Tôi bị cuốn hút vào các hoạt động của PhinDeli từ việc sản xuất, phân phối cho đến tiếp thị cà phê rang xay. Vì vậy nên không còn thời gian cho những lúc chao đảo nữa.
Tôi nghĩ, đôi khi bạn cần phải điên chỉ để chứng minh một điều: không gì không thể!
* Gần đây PhinDeli có tung ra cà phê hòa tan. Ông không tập trung vào “tinh hoa cà phê Việt” như những lời có cánh khi tung ra cà phê rang xay? Và cà phê hòa tan PhinDeli có gì đặc biệt?
Ngay từ đầu khi đặt tên công ty/thương hiệu, chúng đã nhấn đến chữ Phin. Rõ ràng là chúng tôi muốn giới thiệu tinh hoa cà phê Việt. Cho đến giờ định hướng này cũng không thay đổi.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, người tiêu dùng nói chung vì cuộc sống bận rộn nên vẫn muốn sự tiện lợi. Vì thế chúng tôi mới giới thiệu 2 loại cà phê hòa tan: cà phê đen 2in1 và cà phê sữa 3in1.
Đối với nhóm cà phê hòa tan này, điểm khác biệt lớn nhất là chúng tôi sử dụng 100% cà phê Việt theo công nghệ trích ly từ phin – nên cho bạn một hương vị cà phê phin đích thực, dù uống nóng hay uống đá.
Nhiều người bảo vội thì không thể ngon. Nhưng với cà phê hòa tan PhinDeli, tôi muốn chứng minh: bạn vẫn có thể thưởng thức cà phê ngon kể cả khi bạn vội. Không gì không thể!
* Trong ngày tung sản phẩm người ta thấy Ban Giám đốc DKSH cùng sát cánh với ông? Vai trò của DKSH là gì, thưa ông?
DKSH là đối tác phân phối phát triển thị trường của chúng tôi. Đây là tập đoàn làm dịch vụ phân phối hàng đầu thế giới về số lượng đội ngũ nhân viên, quản lý chuyên nghiệp, hỗ trợ hậu cần…
Khi chúng tôi đến DKSH đặt lời mời họ trở thành đối tác hỗ trợ phân phối, mở rộng thị trường thì Ban Giám Đốc rất là hào hứng. Mặc dù là thị trường cà phê hòa tan rất cạnh tranh nhưng họ tin vào chất lượng sản phẩm cũng như cách tiếp thị sáng tạo của PhinDeli.
Vì vậy, khi tôi đề nghị Ban Giám Đốc DKSH cùng tham dự Lễ tung hàng và cùng ra quân tại Chợ Bến Thành thì mọi người rất hào hứng, hăm hở lên xe tập kích vào chợ – tạo ra một tinh thần “Không gì không thể” trong đội ngũ các anh em bán hàng.
* Chiến lược truyền thông cho PhinDeli và kế hoạch tung hàng như thế nào?
Nói thật là chúng tôi không có nhiều ngân sách. Chúng tôi chỉ dựa vào chất lượng sản phẩm và khả năng sáng tạo ra thông điệp hấp dẫn. Chúng tôi tạo ra một câu chuyện hay được kể một cách mộc mạc, chân thành.
Chúng tôi không có tiền để phát sóng, quảng cáo rầm rộ theo kiểu cưỡng bức, dội bom như những thương hiệu anh đại khác. Thay vào đó, chiến lược truyền thông của chúng tôi là tạo ra những nội dung thương hiệu hấp dẫn. Khi đó khách hàng sẽ tự nguyện thưởng thức, tương tác, rồi chia sẻ cho những người khác.
* Một số chuyên gia tiếp thị có ý so sánh ông với Sir Richard Branson, chủ tịch tập đoàn Virgin. Người sáng lập này luôn tạo ra những câu chuyện giật gân, hấp dẫn cho báo chí. Ông có đi theo hình mẫu đó không?
Tôi cũng rất ngưỡng mộ những doanh nhân như Richard Branson, Steve Jobs. Họ là những người dám nghĩ, dám làm. Dám đeo đuổi những điều không thể.
Tôi không chắc là những cái tôi có giống với ông chủ của Virgin hay không. Có một điều là, tôi muốn tạo một niềm cảm hứng cho những bạn trẻ. Hãy bước ra ngoài “tấm chăn êm” làm điều mình muốn, để sau này mình không có phải hối hận khi nói “giá mà ngày ấy…”
Theo SGDN