Trong bài viết đầu tiên giới thiệu tổng thể về ArchAbroad, tôi lên kế hoạch khá cụ thể và chi tiết về việc blog sẽ phát triển ra sao. Các bạn chưa đọc bài giới thiệu chung về blog có thể tìm đọc lại để có cái nhìn khái quát hơn. Đây là bài viết thứ ba của blog và là bài viết mở đầu cho series AAA.DnP nằm trong mục lớn AA.Application. Bắt đầu từ bài viết này, chúng ta sẽ chính thức bắt đầu một cuộc hành trình. Hy vọng ga cuối sẽ là cổng một trường đại học như ý.
Do bài viết này bao quát cả một thời gian dài (thời gian xây dựng nền tảng) đề cập đến nhiều vấn đề cốt lõi nên nội dung khá dài (có thể lên đến 15 – 20 trang giấy A4), tôi chia bài viết này thành 2 phần. Sau đây là phần đầu tiên. Phần 01 Nội dung chính của bài viết này là những chia sẻ về việc chuẩn bị nền tảng cho việc du học. Chúng ta sẽ cùng nhau phân tích và trả lời các câu hỏi: Tại sao phải đi du học? Thời điểm bắt đầu? Du học bằng ngoại ngữ nào? Du học ở đâu? Cần phải chuẩn bị những gì? Trong khuôn khổ của phần một, tôi sẽ trả lời 5 câu hỏi đầu tiên. Câu hỏi cuối cùng sẽ được dành cho Phần 02.
TẠI SAO PHẢI ĐI DU HỌC?
Tôi nghĩ đây là câu hỏi rất quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất khi mỗi người nảy sinh ý định “vượt biển tìm tri thức.” Nhưng dường như câu hỏi này lại không được quan tâm đúng mức. Có lẽ do tâm lý của người Việt Nam, sống quá lâu trong môi trường học tập chất lượng quá tồi, luôn mặc định một ý nghĩ rằng du học chắc chắn là tốt, và vì chắc chắn nó tốt nên phải đi mà không quan tâm xem nó tốt thế nào? Tại sao nó lại quan trọng, vì câu trả lời của câu hỏi này sẽ là kim chỉ nam định hướng cho bạn xuyên suốt quá trình chuẩn bị. Nói rõ hơn, trả lời được câu hỏi này sẽ giúp bạn biết rõ mình đang làm gì, vì sao bạn lại làm việc đó. Một người sẽ làm việc tốt hơn nếu người đó hiểu rõ công việc mình đang làm và mục tiêu của công việc là gì. Một người không hiểu mình đang làm gì và để làm gì thì hỏi làm sao có thể hoàn thành tốt được.. “Tại Sao Phải Đi Du Học” là một câu hỏi mở, không có đáp án cụ thể, nó tùy thuộc vào cá nhân mỗi người. Có những người muốn trải nghiệm những nền văn hóa khác nhau, có người muốn có một tấm bằng nước ngoài để dễ dàng thăng tiến trong sự nghiệp,có người thì đi du học vì ý muốn gia đình…có muôn vàn những lý do. Tựu chung lại, các bạn hãy tìm cho mình một câu trả lời, một câu trả lời có thể gói gọn được trong một câu, chắc nịch. Vì có câu trả lời có nghĩa là bạn có một động lực, có một ngọn lửa trong lòng luôn luôn thôi thúc, truyền năng lượng cho bạn quyết tâm vượt qua những khó khăn, mệt mỏi, nản chí, và cám dỗ để đi đến đích.
Tôi xin chia sẻ suy nghĩ cá nhân của tôi về câu trả lời đó. Câu trả lời của tôi, cũng là động lực du học đó là Cơ hội được lựa chọn. Lựa chọn cái gì? Lựa chọn một nền giáo dục tốt hơn là điều đầu tiên dễ thấy, lựa chọn một cách sống khác, lựa chọn những luồng tư tưởng khác, và quan trọng hơn cả, đối với tôi, là lựa chọn một cuộc sống tốt hơn. Tôi không có ý nói cuộc sống ở nước ngoài tốt hơn ở Việt Nam, mỗi nơi có những ưu điểm và khuyết điểm riêng, khó khăn hay thuận lợi riêng. Tuy nhiên không thể cứ ở một nơi mãi mà khẳng định ở đó là tốt nhất. Có thể “dù có đi bốn phương trời” mà lòng vẫn nhớ về nơi đó và cảm thấy ở đó là tốt nhất và quay lại thì chúng ta cũng ít nhất có thể biết được lựa chọn của mình là đúng và không còn cảm thấy phân vân hay hối tiếc điều gì. Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, từ nhỏ đến lớn chúng ta có rất ít quyền được lựa chọn. Từ việc học môn gì, học ai, học trường nào đến việc khám chữa bệnh, việc bầu cử, chọn ai, đảng nào đều rất hạn chế. Tôi tin rằng một xã hội văn minh hơn, phát triển hơn, là nơi con người được nhiều quyền lựa chọn hơn. Chính vì thế, đối với tôi, đi du học, ngoài việc trau dồi kiến thức, là một bước để tạo cho mình quyền được lựa chọn, lựa chọn một cuộc sống tốt hơn, cho tôi, cho những người tôi yêu.
THỜI ĐIỂM DU HỌC
Khi đã xác định được động lực và mục đích của việc đi học, bạn sẽ nghĩ tới việc chọn thời điểm du học. Du học là không phải là một việc sớm chiều có thể đạt được. Sinh viên nước ngoài muốn được nhận vào trường đại học ở chính nước họ cũng cần phải có thời gian chuẩn bị chu đáo, huống hồ sinh viên Việt Nam còn vướng rào cản ngôn ngữ, văn hóa, sự chênh lệch về trình độ, kiến thức, kỹ năng. Chính vì vậy, từ khi một người manh nha ý tưởng đi học nước ngoài đến khi tim đập thình thịch khi nhân viên hải quan nước ngoài đóng dấu nhập cảnh vào hộ chiếu là một quá trình dài, đòi hỏi mồ hôi công sức và rất nhiều cố gắng. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm được. Cái bạn cần là một lộ trình khoa học và quyết tâm thực hiện lộ trình đó. Dựa vào kinh nghiệm bản thân, tôi chia lộ trình đó thành nhiều giai đoạn như trong biểu đồ sau (Biểu đồ 1) và Chuẩn Bị Nền Tảng (Building Foundations) là bước đầu tiên (Giao đoạn A-B) trong lộ trình đó.
Cần thời gian bao nhiêu, như thế nào, cho mỗi giai đoạn thực sự là rất khó để khắng định tuyệt đối vì mỗi người có năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, hay khả năng tài chính khác nhau. Không thể áp đặt một chuẩn chung tuyệt đối cho mọi người. Tuy nhiên, tôi sẽ tạo ra một chuẩn chung tương đối dựa vào kinh nghiệm cá nhân (một sinh viên kiến trúc học đại học ở Việt Nam, tất cả mọi thứ gồm trình độ học vấn, vốn ngoại ngữ, khả năng tài chính đều ở mức bình thường, muốn đi du học ngay sau khi tốt nghiệp đại học mà không đi làm ở Việt Nam) để các bạn có thể dựa vào và xây dựng một chuẩn cho riêng mình. Điều đầu tiên là bạn nên suy nghĩ về việc chọn thời điểm đi du học. Chính vì việc du học không thể sớm chiều, bạn cần phải chọn một thời điểm trong tương lai và lên kế hoạch từ hiện tại đến thời điểm đó. Có những người, như tôi, muốn đi học cao học ngay khi tốt nghiệp đại học, và không muốn đi làm nhiều trước khi đi du học. Có những người lại lựa chọn đi làm một vài năm ở Việt Nam để có kinh nghiệm rồi đi du học sau. Lựa chọn là của mỗi người, tôi không thể nói thế nào tốt hơn. Tuy nhiên có một điều có thể khẳng định, đi du học ngay sau khi tốt nghiệp đại học sẽ hạn chế cơ hội xin học bổng của bạn hơn. Qua tìm hiểu thì tôi thấy hầu hết các học bổng của chính phủ nước ngoài mà sinh viên Kiến Trúc có thể xin như Fulbright của Mỹ, học bổng chính phủ Bỉ, học bổng chính phủ Hà Lan,…đều đòi hỏi sinh viên phải có kinh nghiệm làm việc từ 2 đến 3 năm tính từ thời điểm tốt nghiệp (ghi trên bằng đại học) đến thời điểm nộp đơn xin học bổng. Cũng có những học bổng không đòi hỏi sinh viên phải có kinh nghiệm như VEF (Vietnam Education Foundation), cũng của chính phủ Mỹ, thì lại không trao cho sinh viên ngành kiến trúc. Về những học bổng du học mà sinh viên kiến trúc Việt Nam có thể xin được tôi sẽ nói rõ hơn ở bài thứ sáu của series này (DnP.06 Financial Aids Sources – Các Nguồn Hỗ Trợ Tài Chính). Tóm lại là quyết định thời điểm du học cũng rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến khả năng xin học bổng của bạn và một số vấn đề khác. Nói thế không có nghĩa là đi du học ngay sau khi tốt nghiệp đại học là không tốt, quy luật bù trừ, bạn thiệt cái này sẽ được lợi cái khác. Những gì có lợi/bất lợi của việc đi du học ngay sau khi tốt nghiệp sẽ được tôi nói rõ vào dịp khác. Trong bài này tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm mà tôi trải qua, đó là hướng đi du học sớm sau khi tốt nghiệp đại học mà không đi làm ở Việt Nam. Theo kinh nghiệm và quan sát của bản thân, tôi đi đến một kết luận là: Thời gian lý tưởng cần có từ khi hình thành ý định du học đến khi hoàn thành (bắt đầu nhập học ở nước ngoài) là 4 năm. Có thể nhiều người sẽ cho là quá dài hay quá ngắn nhưng như tôi đã nói, cái đó tùy thuộc vào điều kiện của từng người. Nói 4 năm không có nghĩa là ít hơn thì không thể du học được, chính bản thân tôi thì thời gian đó cũng không được đến 4 năm, nhưng tôi cho rằng 4 năm là quãng thời gian vừa đủ để đạt được độ chín, không quá gấp gáp, vất vả, cũng không quá thừa thãi dẫn đến chây ì. Tôi sẽ giải thích ở phần sau.
Vì sao 4 năm? Tôi xin nhắc lại, trường hợp của tôi là một người học cấp 3 tại tỉnh khác, ngoài Hà Nội. Ước mong khi học cấp 3 chỉ là vào được Đại Học. Bước chân vào đại học không hề có ý định du học nên khi đó coi như bắt đầu từ đầu ở tất cả mọi thứ. Để các bạn hiểu rõ hơn một chút, tôi sẽ làm một phép đếm ngược. Ví dụ, mục tiêu của bạn là tháng 9 năm 2018 sẽ chính thức nhập học ở một trường đại học của Mỹ. Vậy thì các mốc thời gian quan trọng của bạn sẽ như sau:
09/2018 Nhập học
01/2018 Hoàn thành hồ sơ, nộp cho trường
11/2017 – 01/2018 Chuẩn bị và nộp hồ sơ
09/2017 Thi ngoại ngữ
09/2016 – 09/2017 Tập trung học ôn thi ngoại ngữ
09/2014 – 09/2016 Xây dựng nền tảng về kiến thức và ngôn ngữ
06/2014 – 09/2014 Đọc blog ArchAbroad của anh H đẹp trai, bắt đầu suy nghĩ nung nấu quyết tâm du học, sau đó nản chí bỏ cuộc rồi bắt đầu quyết tâm trở lại khi thấy bạn gái ham mê đọc ArchAbroad và quyết tâm đi du học vì muốn gặp a H bằng được.
Trên đây là một vài nét sơ phác về khung thời gian chuẩn bị cho việc du học, sở dĩ quá trình chuẩn bị cần nhiều thời gian như vậy là do tôi xét trên điều kiện các bạn vừa phải đi học đại học vừa phải chuẩn bị du học. Mà đối với các bạn học kiến trúc, mỗi lần làm đồ án thì thời gian đi vũ trụ còn không có huống hồ dành ra một ngày hai tiếng học Tiếng Anh. Các mốc thời gian như trên chưa hoàn toàn là chính xác do còn cần xét nhiều yếu tố khác nhau nhưng nhìn chung đã cho bạn một cái nhìn sơ lược về quy trình chuẩn bị. Kế hoạch rõ ràng và chi tiết hơn tôi sẽ nói trong bài sau (Xây Dựng Kế Hoạch Hai Năm). Kế Hoạch Năm là thuật ngữ chỉ giai đoạn 09/2016 – 09/2018 trong bảng trên. Để cho các bạn dễ hình dung, nếu bạn là sinh viên trường Kiến Trúc Hà Nội khóa 2013-2018, lớp 13K6 chẳng hạn, bạn muốn đi du học ngay sau khi tốt nghiệp. Bạn sẽ tốt nghiệp vào tháng 6/2018 là năm thứ 5 của bạn, thì bạn phải bắt đầu chuẩn bị sau khi bạn kết thúc năm thứ nhất 6/2014, tức là BÂY GIỜ.
LỰA CHỌN NGOẠI NGỮ KHI ĐI DU HỌC
Là một sinh viên Việt Nam có nghĩa là chắc chắn bạn sẽ không thể dùng tiếng mẹ đẻ để đi du học được, có thể nói là không bao giờ. Ngẫm lại nếu chúng ta khi giành độc lập lựa chọn tiếp tục sử dụng tiếng Pháp như phần lớn các nước thuộc địa của Pháp sau khi dành độc lập thì ít nhất các bạn đi Pháp sẽ không phải chật vật học tiếng như vậy. Hay như Singapore sau khi độc lập đã chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính nên sinh viên Singapore sang các nước Anh, Mỹ học không bao giờ phải thiTOEFL hay IETLS. Nếu làm vậy có lẽ đã tiết kiệm được bao nhiêu thời gian và tiền của của một nước thuộc hàng nghèo nhất thế giới.
Quay trở lại với việc lựa chọn ngôn ngữ, đúng, bạn không dùng Tiếng Việt để du học được đồng nghĩa bạn phải chọn một ngoại ngữ cho mình. Vấn đề là chọn ngoại ngữ nào. Một lần nữa tôi lại phải khẳng định không có gì tuyệt đối cả, học ngôn ngữ nào là do khả năng và sở thích cá nhân. Ngôn ngữ nào cũng có cái hay và lợi ích riêng. Việc lựa chọn là ở bạn. Tuy nhiên, theo ý kiến và kinh nghiệm cá nhân, tôi khẳng định: Tiếng Anh Là Ngôn Ngữ Đáng Học Nhất Thế Giới. Để chứng minh cho khẳng định này có lẽ sẽ phải tốn nhiều luận án tiến sĩ và sẽ có nhiều bạn học về Tiếng Anh hay Giáo Dục sẽ am hiểu hơn tôi, nhưng tôi có thể chỉ ra một số điểm như sau:
– Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới
Nói phổ biến ở đây không theo tính theo số lượng người bản ngữ (native speaker) mà tính theo số lượng người học Tiếng Anh như một ngoại ngữ (foreign language) hay như một ngôn ngữ thứ hai (second language). Jonathan Adams, trong bài viết “Tiêng Anh Cho Mọi Người” đăng trên tờ báo trực tuyến The Daily Beat ngày 15/08/2007, đã khẳng định “sự thống trị của Tiếng Anh như một ngôn ngữ quốc tế vẫn ngày càng lớn mạnh,” và tuy rằng tiếng Quan Thoại (ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc đại lục) đang ngày càng trở nên phổ biến với “hơn 40 triệu người không bản ngữ đang học tiếng Quan Thoại trên toàn thế giới” nhưng “ngay chỉ tại Trung Quốc, khoảng 175 triệu nguời đang học Tiếng Anh trong hệ thống giáo dục chính thống.” Có thể nói Tiếng Anh được giảng dạy và học tập như là ngoại ngữ số một tại hầu hết các quốc gia trên thế giới ngoại trừ…các nước nói tiếng Anh.
– Tiếng Anh là ngôn ngữ, xét một cách toàn diện, dễ học nhất thế giới
Tất nhiên khó có thể khẳng định một như vậy mà không có một nghiên cứu cụ thể. Nhưng nhìn chung Tiếng Anh tương đối dễ học trong tương quan với các ngôn ngữ khác. Tiếng Anh gần như hoàn toàn không có dấu, cách viết chữ theo kí tự Latin đơn giản, dễ viết. Hệ thống ngữ pháp được nghiên cứu và hoàn chỉnh khá chặt chẽ. Số lượng các tài liệu hướng dẫn vô cùng phong phú, đa dạng. Hệ thống từ điển chi tiết, luôn được cập nhật, bổ sung, tạo điều kiện tối đa thuận lợi cho người học.
– Tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong giao dịch quốc tế, ngoại giao
Có thể nhiều bạn biết Ban Ki Moon, Tổng Thư Kí Liên Hiệp Quốc. Ông là một chính trị gia người Hàn Quốc. Nhưng theo bạn, khi ông trả lời phóng viên ở các cuộc họp báo, khi ông phát biểu về một vấn đề quốc tế, hay khi tiếp các nhà ngoại giao, ông sử dụng ngôn ngữ nào? Tất nhiên là Tiếng Anh. Liên Hiệp Quốc, tổ chức có thể nói là “quốc tế” nhất trong các tổ chức quốc tế, trên danh nghĩa sử dụng 6 thứ tiếng làm ngôn ngữ chính thức (Tiếng Anh, Tiếng Ả Rập, Tiếng Nga, Tiếng Quan Thoại, Tiếng Pháp, và Tiếng Tây Ban Nha), nhưng trên thực tế Tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất. Một lẽ đơn giản là không bao giờ một nhà ngoại giao đến từ Ai Cập lại nói chuyện với Thủ Tướng Nhật Bản bằng Tiếng Nga. Trong các giao dịch quốc tế hay tại các công ty đa quốc gia cũng vậy, Tiếng Anh luôn là ngôn ngữ hàng đầu.
Tóm lại, ngôn ngữ nên được lựa chọn nhất khi đi du học, theo tôi, là Tiếng Anh. Tôi không nói vì Tiếng Anh hay hơn các thứ tiếng khác, vì nó sang hơn, đẳng cấp hơn, đơn giản là nó phổ biến hơn và dễ học hơn. Tiếng Anh đang dần trở thành một ngôn ngữ toàn cầu, là thứ tiếng phổ thông mà ai cũng phải biết. Đã qua rồi cái thời mà những người biết Tiếng Anh được nhìn với vẻ trầm trồ, ngưỡng mộ, được coi là cái gì đó cao xa. Ở thời đại này, có Tiếng Anh chưa chắc đã là ưu điểm gì quá nổi trội nhưng những người trẻ không có Tiếng Anh mà cũng không có ngoại ngữ nào khác thì có thể coi là thụt lùi. Các bạn có thể nói rằng không đến mức như vậy. Có thể, tại thời điểm hiện tại này, ai không dùng Tiếng Anh thành thạo có thể chấp nhận được. Nhưng hãy nghĩ đến 20, 30 năm sau, khi ai ai cũng có thể dùng Tiếng Anh thành thạo và thậm chí còn học những ngôn ngữ khác. Nếu bạn chỉ có Tiếng Việt, có khác nào mù chữ? không những mù chữ, mà còn câm điếc nữa. Nói vậy để các bạn nhận thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ nói chung và Tiếng Anh nói riêng, hãy bắt đầu học ngay hôm nay. Tôi thường thấy người ta hay động viên nhau hay tự AQ với bản thân bằng một suy nghĩ là “Không bao giờ là quá muộn cả.” Tôi thì khẳng định một điều ngược lại “Không bao giờ là quá sớm,” không bao giờ là quá sớm để bắt đầu chuẩn bị cho du học, cho tương lai hay cho việc khởi sự học một ngoại ngữ. Vì vậy, hãy bắt đầu việc học ngoại ngữ ngay hôm nay. Nếu bạn đang là sinh viên đại học mà ngoại ngữ còn không ra sao thì như thế đã là “muộn” rồi và nếu bạn không vẫn không nghiêm túc học tập thì một chữ “quá” sẽ được đặt đằng trước. Đồng hồ đang kêu tích tắc (The clock is ticking) và cửa sổ đang đóng lại (Window is closing), liệu bạn có muồn bị bỏ lại đằng sau?
DU HỌC Ở ĐÂU
Sau khi lựa chọn ngôn ngữ, các bạn bắt đầu nghĩ đến việc nơi mà bạn muốn du học. Đây là một việc cũng rất quan trọng. Có thể nói không ngoa là đất nước mà bạn sẽ gắn bó trong thời gian du học sẽ là một phần quyết định cuộc sống tương lai của bạn sau này. Có những bạn cứ nghĩ đi du học là tốt rồi, đi nước nào cũng được nên trước khi đi không tìm hiểu kỹ. Đến khi sang đến nơi mới thấy môi trường đó không hợp với mình, không phát triển đúng khả năng được. Lúc đó mới đâm ra chán nản và xuất hiện những cái “biết thế.” Vì vậy, hãy dành cho mình một khoảng thời gian đủ dài để tìm hiểu và trả lời câu hỏi này. Khi tôi nói chuyện với nhiều người về ý tưởng đi Mỹ học Kiến Trúc, rất nhiều người đã hỏi lại với vẻ rất ngạc nhiên “Tại sao học Kiến Trúc lại đi Mỹ? Sao không đi Pháp? Kiến Trúc Pháp là tốt nhất thế giới cơ mà.” Lúc đó đến lượt tôi ngạc nhiên, tại sao người Việt Nam lại mặc định “học Kiến Trúc thì phải đi Pháp” như thế? Có lẽ đây là kết quả của quá trình thực dân và “khai hóa văn mình” của người Pháp ở Việt Nam, để lại một loạt những công trình và đô thị ở Việt Nam. Người Việt Nam từ trước đến nay chỉ biết có kiến trúc Pháp nên hình thành một suy nghĩ như vậy.
Để phân tích học kiến trúc ở đâu là tốt trong phạm vi bài viết này là việc không thể. Tôi đang xúc tiến chuẩn bị ra mắt một series khác ở blog này là Arch.Schools (nằm trong mục lớn AA.Study and Work) mà trong đó sinh viên kiến trúc Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới viết bài chia sẻ về việc học của mình. Qua series đó, tôi hy vọng sẽ cung cấp cho các bạn một cái nhìn rõ và sâu hơn, giúp các bạn có thể quyết định điểm đến của mình. Việc đầu tiên phải làm trước khi quyết định chọn học ở đầu là bạn phải tìm hiểu về việc học ở nước đó. Sau khi bài đầu tiên tôi viết trên blog này được đăng, có nhiều bạn ủng hộ và nói với tôi “mình cũng muốn đi du học nhưng thiếu thông tin quá, không biết tìm ở đâu.” Trước tiên tôi cảm ơn những bạn đã ủng hộ nhưng tôi cũng khẳng định luôn. Có thể vế sau của bạn này nói là đúng, tức là ở chỗ “không biết tìm ở đâu” nhưng nói “thiếu thông tin” là sai. Vào thời đại bùng nổ thông tin này mà nói “thiếu thông tin” là hơi đáng trách, có lẽ là do bạn chưa chịu khó tìm hiểu. Tất nhiên quá nhiều thông tin cũng gây nhiễu loạn và đôi khi bạn không biết bắt đầu từ đâu. Vậy thì trước tiên bạn hãy bình tĩnh và chịu tư duy một chút. Bạn thử nghĩ xem, muốn du học thì đầu tiên tìm thông tin ở đâu? Đầu tiên là thông tin đến từ chính phủ các nước mà bạn muốn đến. Mỗi nước sẽ có một website riêng quảng bá cho giáo dục của nước mình. Bạn chỉ cần vào google gõ “study in X” với X là tên một nước nào đó thì trang chủ về du học của nước đó sẽ hiện ra đầu tiên. Hầu hết các trang này là trang chính thức của nước đó, giới thiệu tổng quan về tất cả hệ thông giáo dục, chính sách, các hỗ trợ tài chính mà sinh viên quốc tế có thể được cấp khi học tại đó. Đó là những thông tin cơ bản và rất có ích mà các bạn nên tìm. Tôi có đính kèm một đường link để bạn download một file “bookmark” trong đó lưu lại những trang thông tin về du học ở hầu hết các quốc gia phổ biến. Bạn tải về rồi nhập (import) vào trình duyệt web của bạn như chrome, firefox, hay internet explorer, các trang sẽ hiện ra đầy đủ (bạn nào không biết import thì hỏi anh Google).
Khi nộp hồ sơ cho các trường, tất nhiên mục tiêu chính của tôi vẫn là các trường ở Mỹ nhưng cũng chuẩn bị cho mình các phương án dự phòng nên ngoài 4 trường ở Mỹ, tôi cũng đăng kí 1 trường ởSingapore, 1 ở Italy, 1 ở Thụy Điển và 1 ở Phần Lan nữa. Qua quá trình đó, tôi cũng rút ra một số đặc điểm về việc học kiến trúc và cuộc sống ở từng nơi.
Đông hay Tây?
Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều bạn chọn Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore hay thậm chí là Malaysia làm điểm đến du học. Một số lại chọn các nước phương Tây như Mỹ, Anh, các nước châu Âu hoặc châu Đại Dương. Vậy thì vấn đề đầu tiên là bạn chọn vùng văn hóa nào. Đối với bản thân tôi, tôi có khuynh hướng thích các nước phương Tây hơn vì một lý do đơn giản: mình là người Á Đông, các nước châu Á khác thì ít nhiều cũng có những nét tương đồng về tư tưởng và văn hóa nên cũng không quá lạ lẫm. Vì vậy nếu muốn tìm hiểu và trải nghiệm những thứ hoàn toàn mới và xa lạ thì nên đến các nước phương Tây, nhờ đó mà có cơ hội được so sánh hai nền văn hóa, hai luồng tư tưởng khác nhau, rút ra được những khuyết điểm của bản thân và có cơ hội hoàn thiện bản thân tốt hơn. Chắc các bạn ai cũng biết người Á Đông thì kín kẽ hơn, nhìn chung là có kiên trì và bền bỉ hơn nhưng lại hay rụt rè, có xu hướng co cụm và hòa vào cộng đồng hơn. Người phương Tây thì ngược lại, độc lập hơn, cá tính mạnh hơn, luôn có xu hướng khẳng định mình giữa đám đông, nhưng cũng thường thiếu tinh tế và kiên nhẫn hơn. Vì vậy, đi học ở các nước phương Tây tạo cho chúng ta cơ hội nhìn nhận bản thân rõ hơn. Kết hợp được những ưu điểm của cả hai nền văn hóa và hạn chế những khuyết điểm. Chính vì những lý do trên mà tôi thiên về hướng các nước phương Tây hơn. Tuy nhiên tôi cũng tìm hiểu cả Nhật Bản và Singapore, thậm chí nộp hồ sơ cho cả trường Đại Học Quốc Gia Singapore (NUS), nhưng lý do chính vẫn là để có phương án dự phòng. Tôi sẽ phân tích một số điểmgiải thích vì sao tôi không hứng thú với việc học ở hai nước này lắm.
Tôi đã từng có cơ hội đến Nhật Bản vào đầu năm thứ 5 đại học để tham dự một workshop kiến trúc dành cho sinh viên. Nhật Bản à, phải nói là vô cùng thú vị. Chắc các bạn không xa lạ gì với văn hóa Nhật Bản nhưng khi đến tận nơi tôi vẫn phải mắt tròn mắt dẹt. Người Nhật quả thật là một dân tộc độc đáo. Họ có xu hướng “hoản hảo hóa” mọi thứ, cải tiến mọi thứ để nó đạt được đến trình độ tuyệt mỹ, không thể nào tốt hơn. Tất cả mọi thứ họ chạm vào đều biến thành nghệ thuật. Những hoạt động tưởng như rất bình thường của đời sống như đọc truyện tranh, pha trà, nấu ăn, cắm hoa, gấp giấy….đều được nghệ thuật hóa đến mức đỉnh cao và có tên gọi riêng của nó. Chẳng những thế mà Người Nhật nổi danh trên thế giới với mọi thứ từ Doremon đến Maria Ozawa, từ Sushi đến nhảy Yasakoi, từ Origami đến Ikebana, từ Tadao Ando đến chiếc xe Toyota. Có thể nói rằng người phương Tây làm ra những thứ tốt nhất, người Nhật biến những thứ tốt nhất trở nên tốt hơn. Thậm chí đến việc xếp hàng họ cũng làm tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, tại sao tôi lại không thích học ở Nhật? Cái gì cũng có mặt trái của nó, đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng của nền văn hóa đặc sắc vào loại bậc nhất thế giới này là cả một nỗi buồn bất tận ở bên trong. Nhìn từ ngoài vào xã hội Nhật có thể rất hiện đại và cởi mở nhưng ấn chứa sau đó là một không khí phong kiến vô cùng nặng nề. Người Nhật rất giỏi giữ mình nên rất khó phán đoán được họ đang nghĩ gì. Hệ thống thứ bậc, tôn ti trật tự giữa các tầng lớp xã hội Nhật rất nghiêm ngặt. Khi đi làm, sếp ở công ty có quyền uy rất lớn và sự phục tùng cấp trên được coi là một chuẩn mực đạo đức với người Nhật, như trong xã hội phong kiến với các Võ Sĩ Đạo (Samurai) ngày trước. Sự phân biệt giới tính cũng còn rất nặng nề. Hầu hết các bạn gái Nhật đều có vẻ ngoài rất ngoan và nghe lời. Theo một cách nào đó, phụ nữ Nhật vẫn có xu hướng phục tùng nam giới và đó coi đó là một chuẩn mực đạo đức. Đó cũng là lý do trong các phim người lớn Nhật (JAV) nhân vật nữ thường có một vẻ chịu đựng hơn là tận hưởng như các bạn đồng nghiệp cùng ngành công tác ở Âu-Mỹ. Một điều nữa là người Nhật làm việc với cường độ rất cao, có thể đến 9h-10h đêm. Nhiều người không chịu nổi áp lực công việc đã phải tự sát. Bản thân tôi là người thích sống trong môi trường cởi mở, muốn tận hưởng cuộc sống thay vì chỉ có làm việc nên cảm thấy Nhật Bản không hợp với mình. Nói vậy không phải để nói xấu gì nước Nhật, chỉ đơn giản nó không hợp với tôi. Để đi du lịch thì rất tuyệt nhưng để gắn bó và quyết định tương lai của mình thì không. Thêm một lý do là tôi đã chọn Tiếng Anh để gắn bó, mà người Nhật thì không sử dụng Tiếng Anh nhiều, họ thậm chí còn có chút “danh tiếng” về khả năng Tiếng Anh của mình. Tôi muốn học ở một nơi mà tôi có cơ hội để cải thiện Tiếng Anh.
Singapore Tôi chưa có điều kiện đến Singapore, nhưng qua tìm hiểu và tiếp xúc với những bạn Sing, tôi thấy đây cũng là một đất nước rất thú vị và đáng học hỏi. Singapore chính thức trở thành một quốc gia độc lập từ ngày 9/8/1965 khi tách khỏi Malaysia (hay nói một cách phũ phàng hơn là bị đuổi khỏi Liên Bang Malaysia). Xuất phát điểm lúc đó của Singapore theo lời kể của một thày giáo dạy tiếng Anh mà tôi từng học thì “không có gì đáng kể ngoài một làng chài với hàng loạt cướp biển.” Vậy mà chỉ sau gần nửa thế kỷ, các “làng chài với cướp biển” đó trở thành một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, vượt cả Mỹ và một loạt các nước công nghiệp phát triển khác. Một đất nước như vậy rõ ràng đáng học tập. Xét riêng về kiến trúc thì Singapore cũng ngày càng phát triển với những công trình kiến trúc hoành tráng và độc đáo. Ngoài ra Đại Học Quốc Gia Singapore (NUS) cũng là một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu tại châu Á về kiến trúc bền vững. Tuy nhiên, lý do tôi không mặn mà lắm với Singapore, ngoài việc Đông – Tây như nói ở trên, còn ở việc Singapore quá nhỏ. Tôi là một người thích đi đây đi đó, trải nghiệm những vùng đất, con người và văn hóa khác nhau. Với chiều dài nhất của đất nước chỉ bằng quãng đường từ Bắc Ninh đến Hà Nội (xấp xỉ 40 km), các yếu tố tự nhiên không có gì nhiều. Tôi thực sự không nghĩ là mình sẽ thích gắn bó thời gian dài ở đây. Sau khi xác định rõ mình muốn học ở phương Tây, tôi bắt đầu tìm hiểu các nước này.
Câu hỏi bây giờ đặt ra: Châu Úc, Châu Âu hay Mỹ?
Có lẽ Australia và New Zealand cũng được tính là phương Tây. Hai nước này cũng có phong cảnh thiên nhiên rất hùng vỹ và phong phú. Tuy nhiên vị trí địa lý lại biệt lập, khá xa so với các châu lục khác. Học kiến trúc, tôi không chỉ muốn đi đây đó thăm thú thiên nhiên mà còn muốn tiếp xúc với văn hóa và kiến trúc của nhiều vùng nữa. Mà ở Australia và New Zealand thì đi lại đến các nước khác khó khăn, chi phí đắt đỏ nên tôi không có ý định sẽ học kiến trúc ở hai nước này.
Điều đầu tiên tôi nghĩ đến về việc học ở châu Âu là: đi du lịch. Quả thực châu Âu với chính sách liên minh, liên kết triệt để quả là thiên đường cho những ai muốn đi du lịch. Hiệp ước Schengen cho phép bạn đi lại tự do ở gần như tất cả các nước châu Âu (ngoại trừ Anh là phải xin thị thực). Nếu như nói đến tận hưởng cuộc sống thì tôi nghĩ châu Âu sẽ đánh bại Mỹ, danh sách “các nước đã từng đặt chân đến” mà bạn đăng ở Facebook sẽ “dài dằng dặc” so với một dòng lẻ loi “Mỹ” nếu bạn đi Mỹ. Một điều nữa tôi nghĩ châu Âu sẽ hấp dẫn nhiều bạn ở vẻ đẹp lãng mạn của nó. Châu Âu có lịch sử phát triển hàng ngàn năm, các yếu tố kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa xã hội chắc chắn là hơn hẳn Mỹ. Tôi đã từng có cơ hội đặt chân đến nước Ý và tôi phải nói là tôi mê mẩn các thành phố của Ý. Không gian các đô thị của Ý vẫn được đánh giá là đẹp và lãng mạn nhất thế giới. Hãy tưởng tượng một buổi chiều mùa thu, nắng chiều vàng ươm và trong vắt, giai điệu du dương của bản “Sóng Danube” ngân lên từ cây phong cầm của những nghệ sĩ bên kia đường, bạn ngồi trong một góc quảng trường thành phố cổ, thưởng thức một cây kem Ý (Gelato) vị dâu và hạt dẻ hay nhấm nháp một chiếc sừng bò với cà phê, bên cạnh là một cô gái đẹp tuyệt trần (mỗi tội ăn tranh kem của mình hơi nhiều). Có ai mà không muốn một trải nghiệm như thế. Bản thân tôi nếu được chọn nơi sống, tôi cũng sẽ chọn châu Âu với không gian đô thị sống động và cảnh quan thiên nhiên xinh xắn ở nông thôn thay vì những khu downtown bỏ hoang và vùng những nông thôn chỉ toàn ngô ở miền Trung Tây nước Mỹ.
Nhưng tôi vẫn chọn nước Mỹ.
Thứ nhất, ở Mỹ, nhìn chung, các điều kiện học tập được đảm bảo hơn. Nước Mỹ vấn nổi tiếng thế giới về hệ thống cơ sở vật chất hiện đại và toàn diện của mình. Trường nơi tôi đang học, không phải trường thuộc hạng cao cấp ở Mỹ nhưng cũng có đủ những thứ mà khi ở Việt Nam thì trong mơ cũng không dám nghĩ tới. Những thứ như máy cắt laser để làm mô hình, máy CNC, các xưởng làm mộc, kim loại, thậm chí máy in 3-D. Khi còn học ở trường Kiến Trúc Hà Nội, trong một buổi sinh hoạt câu lạc bộ Kiến Trúc Trẻ, tôi đã có lần hứng lên “chém gió” rằng ở các trường bên Mỹ có loại máy in mà bạn chỉ cần dựng mô hình trong máy tính rồi nó có thể in ra nguyên một mô hình thật bên ngoài mà không phải làm gì thêm. Lúc đó tôi cũng không chắc là có thật hoặc là chỉ những nơi thật cao cấp mới có. Nhưng hiện tại ở Mỹ, hầu hết các trường kiến trúc đều được trang bị máy in 3-D như vậy cho sinh viên dùng, còn những thứ như máy cắt laser là những thứ tối thiểu, không thể tượng tượng được là trường kiến trúc mà không có máy cắt laser hay xưởng mộc. Thậm chí trường tôi đã vừa mới mua một hệ thống robot để làm môt hình. Nôm na là sinh viên dựng và thiết kế mô hình trong máy tính rồi các thao tác lắp ghép thành mô hình thật do robot đảm nhiệm, như sản xuất ô tô hàng loạt vậy (Tôi sẽ nói thêm trong loạt bài giới thiệu về các trường đại học ở Mỹ). Khi sang Ý chơi với bạn bè, tôi thấy các bạn vẫn phải miệt mài ngồi cắt mô hình bằng tay từng miếng từng miếng một. Công việc mất hàng giờ đồng hồ đó có thể giải quyết trong 5′ nếu ở Mỹ.
Thứ hai là hệ thống thư viện ở Mỹ, cũng như các cơ sở vật chất khác, thư viện rất được coi trọng ở các trường đại học Mỹ, thậm chí thư viện các trường đại học còn liên kết với nhau để chia sẻ tài liệu cho sinh viên. Tức là nếu bạn không tìm thấy tài liệu mình muốn ở thư viện trường mình thì có thể đặt thư viện trường khác cho bạn mượn, họ sẽ gửi về cho bạn.
Thứ ba, môi trường học tập cởi mở. Nước Mỹ vẫn nổi tiếng về sự thân thiện và quan hệ giữa giáo viên và sinh viên rất ít khoảng cách. Không rõ ở các trường khác ra sao nhưng ở trường tôi đang học có một quy định bất thành văn là nếu bạn là sinh viên, bạn có thể gọi giáo viên bằng tên “cúng cơm” mà không cần phải có đệm gì cả. Bạn có thể nói “trống không” như thế ngay ngày đầu tiên bạn vào lớp. Tôi có học một ông giáo sư tên là Wes, mỗi khi gặp ông này tôi đều nói “Hi Wes” còn ông ấy thì đáp lại “Hey, what’s up man.” Hai người đối đáp như hai sinh viên với nhau. Giáo viên xem bài bạn có thể ngồi lên bàn nói thì bạn cũng có thể đút tay túi quần hay ngồi lên bàn nói với giáo viên. Trong khi tôi thấy các bạn tôi học ở các nước châu Âu hay Nhật Bản thì giáo viên và sinh viên vẫn có nhiều khoảng cách. Gọi giáo viên bao giờ cũng phải có đệm “Professor” hay “Mr.” ở trước.
Những lý do thì có rất nhiều và có thể kể mãi không hết nhưng lý do lớn nhất mà tôi chọn học tập tại Mỹ vẫn là các cơ hội. Nước Mỹ, dù sao vẫn là một quốc gia thuộc loại trẻ trên thế giới, nên vẫn có phần cởi mở hơn châu Âu. Cơ hội để ở lại xin việc làm tại Mỹ, ít nhất là một năm sau khi tốt nghiệp vẫn rộng mở hơn ở châu Âu với chính sách nhập cư còn khá chặt chẽ. Vì vậy như tôi đã nói ở phần đầu của bài này, tôi chọn nước Mỹ vì ở đó có các cơ hội và tôi có thể có quyền được lựa chọn. Tôi sẽ dành thời gian so sánh kỹ hơn giữa châu Âu và Mỹ ở những bài viết khác.
Trên đây là một số phân tích và chia sẻ kinh nghiệm của tôi về những vấn đề mà một người cần cân nhắc khi bắt đầu có ý định du học. Tóm tắt lại, nó trả lời các câu hỏi Tại sao phải đi du học? Thời điểm bắt đầu? Du học bằng ngoại ngữ nào? Du học ở đâu? Đó đều là những câu hỏi cơ bản và quan trọng mà mỗi người cần phải tự trả lời trước khi chính thức bắt tay vào việc chuẩn bị du học. Câu hỏi còn lại và cũng là phần chính của giai đoạn Xây Dựng Nền Tảng là Cần Chuẩn Bị Những gìtôi sẽ đề cập đến trong phần hai của bài do bài viết này tương đối dài, dễ khiến người đọc mệt mỏi và thiết nghĩ cũng nên dành cho câu hỏi quan trọng này không gian riêng để các bạn nhìn nhận được mạch lạc. Tôi sẽ cố gắng đăng Phần 02 của bài viết này trong thời gian một tuần sau. Từ bây giờ đến lúc đó, các bạn có thể đọc Phần 01 và suy nghĩ về những gì được nêu ra. Nếu có thắc mắc, các bạn có thể hỏi tôi ở địa chỉ email ArchAbroad@hotmail.com. Chúc các bạn may mắn và làm được những việc có ích.
Theo archabroad.wordpress.com
Xem bài gốc tại đây