Nguồn: Alonzo L. Hamby, Outline of U.S. History (New York: Nova Publishers, 2007), Ch. 2.
“Vậy dân tộc Mỹ, dân tộc mới ấy là gì?”
– Nhà văn kiêm nhà nông học người Mỹ J. Hector St. John de Crevecoeur, 1782
Những dân tộc mới
Phần lớn dân di cư tới Mỹ vào thế kỷ XVII là người Anh, nhưng cũng có cả người Hà Lan, Thụy Điển và Đức ở miền Trung, một số người Pháp theo đạo Tin Lành ở bang Nam Carolina và một số nơi khác, nô lệ châu Phi chủ yếu ở miền Nam, và rải rác những nhóm nhỏ người Tây Ban Nha, người Italia, người Bồ Đào Nha sống ở khắp các thuộc địa. Từ sau năm 1680, nước Anh không còn là điểm xuất phát chủ yếu của phong trào di cư do số lượng người Scotland và Scotland-Ireland (tín đồ Tin Lành ở Bắc Ai-len) đã nhiều hơn. Ngoài ra, hàng chục ngàn người di tản đã rời bỏ Tây Bắc Âu để tránh chiến tranh, những cuộc đàn áp và chế độ chiếm hữu ruộng đất.
Đến năm 1690, dân số nước Mỹ đã tăng lên tới một phần tư triệu người. Kể từ đó đến năm 1775, cứ 25 năm con số này lại tăng lên gấp đôi cho đến khi đạt mức trên 2, 5 triệu người. Mặc dù các gia đình thường chuyển đến hết thuộc địa này tới thuộc địa khác song giữa các thuộc địa vẫn có những nét rất khác biệt. Những nét đặc thù đó thậm chí còn nổi rõ hơn giữa ba nhóm thuộc địa phân định theo khu vực.
New England
New England nằm ở miền Đông bắc. Đất đai nơi đây nhìn chung cằn cỗi, đầy sỏi đá, hiếm nơi bằng phẳng và mùa đông kéo dài. Điều đó khiến cuộc sống thuần nông thật khó khăn, chật vật. Có lẽ vì thế mà những người dân ở New England đã lợi dụng sức nước và xây dựng các nhà máy xay ngũ cốc và các xưởng cưa. Những cánh rừng bạt ngàn gỗ đã khuyến khích nghề đóng tàu phát triển. Những bến cảng ở vị trí vô cùng thuận lợi đã thúc đẩy thương mại. Biển đã trở thành nguồn lợi lớn. Ở Massachusetts, chỉ riêng nghề đánh bắt cá tuyết cũng đã nhanh chóng đem lại sự giàu có.
Do người định cư đầu tiên tập trung rất đông trong các làng và các thị trấn quanh các cảng biển nên nhiều người ở New England đã tiếp tục nghề kinh doanh hoặc buôn bán. Những đồng cỏ thuộc đất công và những cánh rừng đã đáp ứng mọi nhu cầu của người dân thị trấn làm việc trên các nông trại nhỏ gần đó. Dân cư tập trung cũng giúp xây dựng trường làng, nhà thờ và tòa thị chính để người dân có thể gặp gỡ trao đổi những vấn đề cùng quan tâm.
Thuộc địa Vịnh Massachusetts tiếp tục mở rộng thương mại. Từ giữa thế kỷ XVII trở đi, thuộc địa này đã trở nên giàu có và Boston trở thành một trong những hải cảng lớn nhất nước Mỹ.
Những cánh rừng ở miền Đông Bắc là nguồn cung cấp gỗ sồi để đóng tàu thủy, gỗ thông để làm cột buồm và hắc -ín để lấp kín những khe ghép của tàu. Nhờ tự đóng được tàu và giong buồm tới các hải cảng khắp nơi trên thế giới, những người thợ đóng tàu tài hoa của thuộc địa Vịnh Massachusetts đã đặt nền móng cho lĩnh vực thương mại ngày càng đóng vai trò quan trọng. Đến cuối thời kỳ thuộc địa, một phần ba đội tàu mang cờ nước Anh đã được đóng ở New England. Cá, các cửa hàng trên tàu và đồ gỗ đã thúc đẩy xuất khẩu phát triển. Những lái buôn và những người làm vận tải ở New England chẳng bao lâu sau đã phát hiện thấy rượu rum và nô lệ là những món hàng béo bở. Một trong những kiểu làm ăn táo bạo – nếu không muốn nói là phi đạo đức – của họ thời bấy giờ là buôn bán tay ba. Các lái buôn mua nô lệ từ duyên hải châu Phi bằng rượu rum New England, rồi bán nô lệ ở Tây ấn (West Indies), và tại đây họ mua mật đường mang về nhà bán cho các nhà sản xuất rượu rum địa phương.
Các thuộc địa miền trung
Xã hội ở các thuộc địa miền Trung đa dạng và phong phú, hòa đồng và khoan dung hơn nhiều so với ở New England. Nhờ sự lãnh đạo của William Penn, Pennsylvania vận hành thật suôn sẻ và tăng trưởng nhanh chóng. Đến năm 1685, dân số ở đây đã lên tới xấp xỉ 9.000 người. Thủ phủ của thuộc địa là thành phố Philadelphia có những con đường rộng lớn và rợp bóng cây, những ngôi nhà xây bằng gạch, đá vững chắc và những bến tàu nhộn nhịp. Đến cuối thời kỳ thuộc địa, khoảng một thế kỷ sau, đã có 30.000 người sống ở đây, đại diện cho nhiều ngôn ngữ, tín ngưỡng và nghề nghiệp. Tài năng kinh doanh và thành công của họ đã biến Philadelphia trở thành một trong những trung tâm hưng thịnh bậc nhất của Đế chế Anh.
Mặc dù tín đồ phái Quaker giữ vai trò chủ đạo ở Philadelphia, song nhiều nơi khác ở bang Pennsylvania tính chất đại diện của nhóm dân số khác vẫn được đảm bảo rất tốt. Người Đức đã trở thành các nông dân khéo tay bậc nhất ở thuộc địa này. Các ngành thủ công như dệt, đóng giày, đóng đồ gỗ, mỹ thuật và các nghề khác cũng đóng vai trò quan trọng. Bang Pennsylvania cũng là cửa ngõ bước vào Tân Thế giới đối với những tín đồ Tin Lành ở Bắc Ai-len. Họ đã đến đây từ đầu thế kỷ XVIII. Một chức sắc bang Pennsylvania đã gọi họ là những con người xa lạ đầy mưu trí và dũng cảm. Họ căm ghét người Anh và nghi ngờ tất cả mọi hình thức chính quyền. Những tín đồ Tin Lành ở Bắc Ai-len có xu hướng định cư ở những vùng hẻo lánh nơi họ khai hoang, sống bằng nghề săn bắt và nông nghiệp tự cung, tự cấp.
Bang New York là ví dụ điển hình về tính chất đa ngôn ngữ của nước Mỹ. Đến năm 1646 cư dân sinh sống dọc theo sông Hudson gồm người Hà Lan, Pháp, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, người Anh, Scotland, người Ai-len, Đức, Ba Lan, Bô-hê-miêng, Bồ Đào Nha và Italia. Người Hà Lan tiếp tục có ảnh hưởng lớn về kinh tế và xã hội ở New York một thời gian dài sau khi New Netherland bị sụp đổ và hòa nhập vào hệ thống thuộc địa của Anh. Những mái nhà dâng cao của họ đã trở thành nét đặc trưng lâu dài trong kiến trúc của thành phố. Những lái buôn Hà Lan cũng đã giúp khu Manhattan có môi trường kinh doanh đầy náo nhiệt.
Các thuộc địa miền nam
Trái với New England và các thuộc địa miền Trung, các thuộc địa miền Nam chủ yếu là những khu dân cư thuần nông.
Khoảng cuối thế kỷ XVII, đời sống kinh tế và xã hội ở bang Virginia và bang Maryland phụ thuộc chủ yếu vào các chủ đồn điền lớn và các chủ trại tiểu nông. Các chủ đồn điền ở khu vực Tidewater nhờ có nguồn lao động nô lệ đã chiếm giữ hầu hết quyền lực chính trị và vùng đất màu mỡ nhất. Họ xây những ngôi nhà thật tráng lệ, sống theo kiểu quý tộc và luôn đón nhận những luồng văn hóa mới nhất từ nước ngoài.
Các chủ trại tiểu nông canh tác trên diện tích đất nhỏ hơn lại tham gia các hội đồng lập pháp và từ đó tìm cách tham gia vào đời sống chính trị. Tính thẳng thắn, bộc trực của họ luôn là lời cảnh báo với nhóm đầu sỏ chính trị bao gồm những chủ đồn điền lớn: không được xâm phạm quá mức quyền của những con người tự do.
Cư dân ở vùng Carolinas đã nhanh chóng biết cách kết hợp nông nghiệp với thương mại. Chính vì vậy, thị trường đã trở thành nguồn của cải vật chất khổng lồ đối với họ. Những cánh rừng bạt ngàn cũng là một nguồn thu: gỗ xẻ, hắc-ín, nhựa thông là nguồn nguyên liệu đóng tàu tốt nhất trên thế giới. Không phải phụ thuộc vào duy nhất một vụ canh tác như ở bang Virginia, hai bang Bắc và Nam Carolina sản xuất và xuất khẩu gạo, thuốc nhuộm màu chàm tím – một loại thuốc nhuộm được chiết xuất từ các loài cây địa phương dùng để nhuộm vải. Đến năm 1750, có hơn 100.000 người sống ở cả hai thuộc địa Bắc và Nam Carolina. Charleston, bang Nam Carolina, trở thành trung tâm thương mại và hải cảng hàng đầu trong khu vực.
Ở các thuộc địa ở cực Nam, cũng tương tự như tất cả mọi nơi khác, tăng trưởng dân số ở khu vực hẻo lánh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do không muốn định cư ở khu vực Tidewater chịu sự ảnh hưởng nặng nề của người Anh nên những người nhập cư từ Đức và tín đồ Tin Lành Bắc Ai-len đành di chuyển sâu vào đại lục. Những người không thể bảo vệ được những mảnh đất màu mỡ dọc bờ biển hoặc đất đai của họ đã trở nên bạc màu thì phát hiện những ngọn đồi về phía Tây là vùng đất mới trù phù đầy hứa hẹn. Dù còn gặp muôn vàn khó khăn song những cư dân nơi đây vẫn không ngừng ra đi. Đến thập niên 1730, họ đã đổ tới thung lũng Shenandoah ở bang Virginia và chẳng bao lâu sau, vùng đất này đã có rất nhiều những trang trại.
Những gia đình sống ở vùng giáp ranh với người da đỏ đã dựng những túp lều gỗ, khai vỡ đất hoang trồng ngô và lúa mì. Nam giới mặc quần áo da hươu hoặc da cừu còn phụ nữ mặc quần áo được may bằng vải họ đã dệt ở quê cũ. Thức ăn của họ gồm thịt hươu, nai, gà rừng và cá. Họ cũng có những thú tiêu khiển riêng – những bữa tiệc ăn thịt nướng ngoài trời, khiêu vũ, sưởi ấm ngôi nhà cho những cặp vợ chồng mới cưới, thi bắn súng và làm chăn bông. Các cuộc thi làm chăn cho đến nay vẫn còn là một truyền thống ở nước Mỹ.
Xã hội, trường học và văn hóa
Một nhân tố quan trọng kìm hãm giai cấp quý tộc hùng mạnh hay quý tộc lớp dưới xuất hiện ở các thuộc địa là khả năng bất kỳ người nào sống ở một thuộc địa đã được thành lập đều có thể tìm được một chỗ ở mới giáp biên giới. Vì lẽ đó, những nhân vật có quyền sinh quyền sát ở Tidewater dần dần buộc phải nới lỏng những chính sách chính trị, những yêu cầu cấp đất và những nghi lễ tôn giáo trước nguy cơ người dân đổ xô đến sinh sống ở biên giới. Một nhân tố khác cũng không kém phần quan trọng với tương lai của họ là việc thành lập những trung tâm giáo dục và văn hóa ở nước Mỹ trong giai đoạn thuộc địa. Trường Đại học Havard được thành lập năm 1636 ở Cambridge, bang Massachusetts. Đến cuối thế kỷ, trường Đại học William và Mary được xây dựng ở bang Virginia. Một vài năm sau, trường Đại học Connecticut, sau này trở thành trường Đại học Yale, cũng đã được thành lập.
Nhưng đáng chú ý hơn là sự lớn mạnh của hệ thống trường học do chính quyền quản lý. Việc Thanh giáo đề cao việc tín đồ đọc trực tiếp Kinh thánh đã đề cao tầm quan trọng của việc xóa mù chữ. Năm 1647, chính quyền thuộc địa Vịnh Massachusetts đã ban hành Đạo luật chống quỷ sa tăng, yêu cầu tất cả các thị trấn có 50 gia đình trở lên phải mở một trường trung học dạy tiếng La-tinh (để đào tạo học sinh chuẩn bị vào đại học). Ngay sau đó, tất cả các thuộc địa khác ở vùng New England, ngoại trừ bang Rhode Island, đều theo tấm gương này.
Những người hành hương và những tín đồ Thanh giáo đã mang theo những tủ sách bé nhỏ của họ và tiếp tục nhập sách từ Luân ôn. Đến đầu thập niên 1680, những người kinh doanh sách ở Boston đã trở nên phát đạt nhờ bán các tác phẩm văn học, lịch sử, chính trị, triết học, khoa học, thần học và văn chương cổ điển. Năm 1638, nhà xuất bản đầu tiên ở các thuộc địa của nước Anh và là nhà xuất bản thứ hai ở Bắc Mỹ đã được xây dựng tại trường Đại học Harvard.
Trường học đầu tiên tại bang Pennsylvania được mở cửa vào năm 1683. Trường này dạy đọc, viết và kế toán sổ sách. Sau đó, mỗi giáo xứ Quaker đều mở trường tiểu học cho trẻ em. Việc giảng dạy ở cấp cao hơn – dành cho các môn ngôn ngữ, lịch sử và văn học cổ điển – được thực hiện ở Trường công ái hữu (Friends Public School). Trường này vẫn còn hoạt động cho đến tận ngày nay ở Philadelphia mang tên William Penn Charter School. Trường giảng dạy miễn phí cho học trò nghèo, nhưng các bậc phụ huynh nếu có điều kiện thì vẫn được yêu cầu trả học phí cho con cái của họ.
Ở Philadelphia có rất nhiều trường học tư thục không gắn bó với tôn giáo đã dạy ngôn ngữ, toán học và khoa học tự nhiên. Có một số trường học buổi tối cho người lớn. Phụ nữ không hoàn toàn bị xem thường, nhưng mọi cơ hội học tập của họ chỉ giới hạn trong việc học những kỹ năng làm việc nhà. Gia sư cũng dạy thêm tiếng Pháp, âm nhạc, khiêu vũ, hội họa, hát, ngữ pháp và thậm chí ghi chép sổ sách kế toán cho những cô con gái của các gia đình giàu có ở Philadelphia.
Vào thế kỷ XVIII, sự phát triển về tri thức và văn hóa của Pennsylvania đã được phản ánh qua hai nhân cách lớn – James Logan và Benjamin Franklin. Logan là thư ký của chính quyền thuộc địa và chính tại thư viện riêng của ông, anh chàng Franklin trẻ tuổi đã tìm thấy những tác phẩm khoa học mới nhất. Năm 1745 Logan đã cho xây một tòa nhà làm nơi lưu trữ bộ sưu tập sách của ông, đồng thời ông đã viết di chúc tặng cả tòa nhà lẫn số sách cho thành phố.
Franklin thậm chí còn đóng góp nhiều hơn vào đời sống trí tuệ của thành phố Philadelphia. Ông đã thành lập câu lạc bộ tranh luận – hạt nhân của của Hội Triết học Hoa Kỳ sau này. Những nỗ lực của ông đã dẫn tới việc xây dựng một viện hàn lâm và sau này trở thành trường Đại học Tổng hợp Pennsylvania. Ông cũng là người tiên phong trong việc thành lập thư viện cho mượn sách thu phí. Ông đã gọi đây là hình mẫu của tất cả những thư viện thu phí ở Bắc Mỹ.
Ở các thuộc địa miền Nam, các chủ đồn điền và nhà buôn giàu có thuê gia sư từ Ai-len hay Xcốt-len để kèm cho con cái họ. Một số người đã cho con cái đi học ở Anh. Do có nhiều cơ hội khác như vậy nên tầng lớp thượng lưu ở Tidewater không quan tâm tới việc phát triển giáo dục công. Hơn nữa, các nông trại và đồn điền phân tán cũng khiến cho việc lập các trường học cộng đồng trở nên khó khăn. Vì lẽ đó, chỉ có rất ít các trường học miễn phí ở bang Virginia.
Tuy nhiên, niềm khát khao được đi học không bó hẹp trong phạm vi những cộng đồng đã có tổ chức. Ở khu vực biên giới, tín đồ Tin Lành từ Bắc Ai-len mặc dù chỉ sống trong những túp lều tồi tàn nhưng lại là những người vô cùng ham học. Họ ra sức mời gọi những mục sư thông thái tới khu định cư của mình.
Sáng tác văn chương ở các thuộc địa vẫn chỉ tập trung ở New England. Tại đây người ta quan tâm đặc biệt đến những chủ đề tôn giáo. Những bài thuyết giáo là những ấn phẩm phổ biến nhất của ngành xuất bản. Vị mục sư Thanh giáo nổi tiếng, đức cha Cotton Mather, đã viết khoảng 400 tác phẩm, trong đó Magnalia Christi Americana là bức tranh thu nhỏ toàn bộ lịch sử vùng New England. Nhưng tác phẩm nổi tiếng nhất thời đó là trường thi Ngày tận thế của Đức cha Michael Wigglesworth, mô tả lời phán quyết cuối cùng bằng những ngôn từ đầy khiếp sợ.
Năm 1704, Cambridge, Massachusetts, đã phát hành tờ báo đầu tiên thành công ở các thuộc địa. Đến năm 1745 đã có 22 tờ báo được xuất bản ở Bắc Mỹ thuộc Anh.
Ở New York, một bước tiến quan trọng trong nguyên tắc tự do ngôn luận đã diễn ra với trường hợp của Johann Peter Zenger, chủ bút Tuần báo New York (New York Weekly Journal) bắt đầu hoạt động từ năm 1733 và là tiếng nói đối lập với chính quyền. Sau hai năm xuất bản, vị thống sứ không thể chịu nổi những lời mỉa mai chua cay của Zenger được nữa, và đã ra lệnh tống giam Zenger vì tội đăng tải những lời bôi nhọ xúi giục nổi loạn. Zenger vẫn tiếp tục biên tập cho tờ báo của mình trong suốt chín tháng chịu tù giam. Chính sự kiện đó đã khiến công chúng ở các thuộc địa hết sức quan tâm. Andrew Hamilton, vị luật sư trứ danh bênh vực cho Zenger, đã lập luận những lời cáo buộc do Zenger đăng tải trên báo là sự thật chứ không phải là bôi nhọ. Bồi thẩm đoàn đã tuyên án Zenger vô tội và ông đã được trả tự do.
Các thị trấn càng trở nên giàu có thì càng làm người ta lo sợ rằng có thể điều đó đang lôi kéo cả xã hội đi theo những điều trần tục, và đã góp phần gây ra làn sóng phản đối của tôn giáo trong thập niên 1730 – hay còn gọi là phong trào Tỉnh ngộ Vĩ đại. Nguyên nhân của phong trào này xuất phát từ George Whitefield, người theo giáo phái thức tỉnh lòng mộ đạo ở Wesley đến từ nước Anh năm 1739, và Jonathan Edwards, người phục vụ trong nhà thờ giáo đoàn ở Northampton, Massachusetts.
Whitefield đã bắt đầu phong trào thức tỉnh lòng mộ đạo ở Philadelphia và sau đó mở rộng tới New England. Mỗi một lần ông thu hút tới 20.000 người tới dự thông qua những màn kịch và tài diễn thuyết đầy xúc cảm. Những cuộc nổi loạn mang tính tôn giáo đã lan khắp New England và các thuộc địa miền Trung khi các mục sư rời bỏ các nhà thờ để đi thức tỉnh lòng mộ đạo.
Trong số những người chịu ảnh hưởng của Whitefield và phong trào Tỉnh ngộ Vĩ đại có Edwards. Đóng góp to lớn nhất của ông thể hiện qua bài thuyết giảng năm 1741 mang tên “Những kẻ tội lỗi nằm trong tay Chúa trời giận dữ”. Edwards không sử dụng kịch nghệ mà truyền đạt những thông điệp của mình với phong thái bình thản và sâu sắc. Ông lập luận rằng các nhà thờ đã ra sức tìm cách tước khả năng cứu thế của Cơ đốc giáo trước những tội lỗi. Kiệt tác vĩ đại của ông mang tựa đề “Về tự do ý chí” (1754) đã cố gắng hòa giải phái Can-vanh với phong trào Khai sáng.
Phong trào Tỉnh ngộ Vĩ đại đã mở đường cho sự ra đời của các giáo phái Phúc âm (các nhánh Cơ- đốc giáo tin vào khả năng cải tà quy chính của mỗi cá nhân và sự không thể sai lầm của Kinh thánh không bao giờ sai) và thức tỉnh lòng mộ đạo. Các phong trào này tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và tôn giáo ở Mỹ, đồng thời làm suy yếu địa vị của giới tăng lữ và kêu gọi các tín đồ đề cao lương tâm của chính họ. Có lẽ điều quan trọng nhất là phong trào đã thúc đẩy các giáo phái phát triển mạnh mẽ. Kết quả là, điều đó đã khuyến khích công chúng chấp nhận nguyên tắc khoan dung tôn giáo.
Thành lập chính phủ thuộc địa
Trong tất cả thời kỳ đầu của chế độ thuộc địa, có một đặc điểm rất đáng chú ý là Chính phủ Anh có rất ít ảnh hưởng mang tính kiểm soát ở đây. Tất cả các thuộc địa, ngoại trừ bang Georgia, đều xuất hiện với tư cách là các công ty của các cổ đông, hoặc sở hữu phong kiến nhờ chiếu chỉ của nhà vua. Việc nhà vua đã trao chủ quyền trực tiếp cho các công ty cổ phần hoặc các địa chủ đối với các khu định cư ở Tân Thế giới chắc chắn không có nghĩa là những người đi khai hoang ở Mỹ được tự do, nằm ngoài tầm kiểm soát từ bên ngoài. Chẳng hạn, theo các điều khoản trong điều lệ của Công ty Virginia thì toàn bộ quyền hành của chính phủ được trao cho chính công ty. Tuy nhiên, hoàng gia cho rằng công ty sẽ nằm trong lãnh thổ của nước Anh. Do vậy, cư dân ở Virginia sẽ không có tiếng nói nhiều trong chính quyền của họ một khi nhà vua giữ quyền lực tuyệt đối.
Dẫu vậy, tất cả các thuộc địa lại tự coi mình là các quốc gia hoặc các nước thịnh vượng chung, bình đẳng như nước Anh, và chỉ có quan hệ lỏng lẻo với chính quyền ở Luân Đôn. Ở một phương diện nhất định thì quyền lực tuyệt đối từ bên ngoài đã lụi tàn. Những người đi khai hoang – thừa hưởng truyền thống đấu tranh giành tự do chính trị ở nước Anh từ lâu – đã đưa những khái niệm tự do vào hiến chương đầu tiên của Virginia. Hiến chương quy định những người Anh đi khai hoang sẽ được hưởng tất cả các quyền tự do, quyền bỏ phiếu và quyền được miễn truy tố như họ đã sinh ra và sống ở vương quốc Anh của chúng ta. Do đó, họ cũng được hưởng tất cả mọi quyền lợi đã được quy định trong Đại hiến chương của nước Anh do vua John ban hành năm 1215 đảm bảo quyền tự do chính trị và dân sự cho người dân, và trong hệ thống án lệ. Năm 1618, Công ty Virginia đã ra chỉ thị cho vị thống sứ được cử sang cho phép những cư dân tự do trong các đồn điền được quyền bầu ra những người đại diện để cùng với viên thống sứ và hội đồng được bổ nhiệm thông qua các sắc lệnh vì lợi ích của thuộc địa.
Các biện pháp này đã có ảnh hưởng rộng rãi nhất trong toàn bộ thời kỳ thuộc địa. Kể từ đó, người ta đã nhất trí rằng những người đi khai hoang có quyền tham gia vào vào chính quyền của riêng họ. Trong mọi trường hợp, sau này khi ban chiếu, nhà vua đều quy định người dân tự do của xứ thuộc địa có quyền có tiếng nói trong việc ban hành những đạo luật ảnh hưởng đến họ. Do vậy, các chiếu chỉ ban cho gia đình Calverts ở bang Maryland, William Penn ở bang Pennsylvania, các chủ đất ở các bang Bắc và Nam Carolina và các chủ đất ở bang New Jersey đã nêu rõ đạo luật chỉ được thông qua nếu có sự chấp thuận của những người tự do.
Trong nhiều năm ở vùng New England, thậm chí đã có một chính phủ tự trị hoàn thiện hơn so với ở các thuộc địa khác. Trên tàu Mayflower, những tín đồ Thanh giáo người Anh đã thông qua một văn bản pháp lý đảm bảo sự vận hành của chính phủ mang tên Hiệp ước Mayflower “để chúng ta đoàn kết lại thành một chính thể dân sự để đảm bảo tốt hơn trật tự của chúng ta… và từ đó soạn thảo, xây dựng và ban hành những đạo luật, sắc lệnh, luật, hiến pháp và cơ quan công bằng và bình đẳng… đáp ứng tốt nhất nhu cầu và thuận lợi nhất cho lợi ích chung của cả thuộc địa…”.
Tuy không có cơ sở pháp lý cho phép những tín đồ Thanh giáo người Anh thành lập một hệ thống chính phủ của chính họ, song không có ai phản đối việc làm của họ, đồng thời theo Hiệp ước Mayflower, những người định cư ở Plymouth trong nhiều năm đã có thể giải quyết những công việc của riêng họ mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Công ty Vịnh Massachusetts. Công ty này cũng được phép tự trị. Như vậy, toàn bộ quyền lực nằm trong tay những người sinh sống ở thuộc địa. Lúc đầu, khoảng mười thành viên ban đầu của công ty đến Mỹ đã cố gắng thiết lập chế độ chuyên quyền. Nhưng không bao lâu sau, những người đi khai hoang khác đã đòi hỏi có tiếng nói trong những công việc chung và tuyên bố bất kỳ hành động nào khước từ đòi hỏi chính đáng đó của họ đều có thể sẽ dẫn tới việc di cư hàng loạt.
Các thành viên công ty đã phải chịu thua và quyền kiểm soát chính phủ đã được chuyển sang những đại biểu dân bầu. Kết quả là những thuộc địa khác ở vùng New England như bang Connecticut và bang Rhode Island – cũng đã trở thành những khu vực tự trị chỉ bằng cách đơn giản khẳng định họ không nằm trong tầm kiểm soát của bất kỳ một chính quyền nào khác, và ngay sau đó đã xây dựng hệ thống chính trị của riêng họ theo mô hình của tín đồ Thanh giáo người Anh ở Plymouth.
Chỉ trong hai trường hợp là yêu cầu cai trị bị loại bỏ. Đó là bang New York được ban cho em trai Charles đệ Nhị, Công tước xứ York (sau này trở thành vua James đệ Nhị) và bang Georgia được ban cho một nhóm những “người được ủy thác”. Trong cả hai trường hợp này, những điều khoản về cai trị đã chết yểu vì những người khai hoang đã nhất quyết đòi được đại diện ở cơ quan lập pháp mạnh tới mức chẳng bao lâu sau chính quyền đã phải chịu thua.
Giữa thế kỷ XVII người Anh đã sao lãng đến mức không theo đuổi chính sách thuộc địa vì cuộc Nội chiến (1642-1649) và nền cộng hòa Thanh giáo của Oliver Cromwell. Sau khi Charles đệ Nhị và triều đại Stuart được khôi phục vào năm 1660, nước Anh quan tâm tới quản lý thuộc địa hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi đó, việc quản lý của họ vẫn kém hiệu quả và thiếu kế hoạch đồng bộ. Các thuộc địa phần lớn bị bỏ mặc để tự do xoay sở.
Sự xa xôi cách trở do đại dương bao la cũng khiến cho việc kiểm soát các thuộc địa trở nên khó khăn. Thêm vào đó là tính chất rất riêng của cuộc sống ở nước Mỹ ở thời kỳ sơ khai. Xuất thân từ những đất nước có không gian chật hẹp xen lẫn là những thành phố đông dân, những người định cư đã tìm đến xứ sở dường như rộng lớn vô tận. Ở lục địa như vậy, các điều kiện thiên nhiên đã thôi thúc con người phát huy tinh thần tự lực và vì vậy những cư dân nơi đây đã quen với việc tự đưa ra những quyết định. ảnh hưởng của chính quyền đến những khu vực hẻo lánh rất chậm chạp. Do vậy, vô chính phủ là tình trạng phổ biến thường xuyên ở khu vực biên giới.
Tuy nhiên, việc tự trị ở các chính quyền thuộc địa không có nghĩa hoàn toàn không có thách thức. Trong thập niên 1670, ủy ban Thương mại và Đồn điền trực thuộc hoàng gia được thiết lập nhằm áp dụng chế độ trọng thương ở thuộc địa đã tiến tới việc bãi bỏ hiến chương của Công ty Vịnh Massachusetts vì các thuộc địa chống lại chính sách kinh tế của Chính phủ Anh. Năm 1685, James đệ Nhị đã thông qua đề xuất thành lập lãnh thổ tự trị ở vùng New England và đưa các thuộc địa ở miền Nam kéo dài đến tận bang New Jersey vào thẩm quyền tài phán của New England, từ đó có thể tăng cường sự kiểm soát của hoàng gia đối với toàn bộ khu vực. Edmund Andros, thống sứ do hoàng gia cử sang, đã sử dụng mệnh lệnh hành chính để đánh thuế, áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn khác và bỏ tù tất cả những ai phản đối.
Khi những tin tức về cuộc Cách mạng Vinh quang (năm 1688-1689) phế truất James đệ Nhị lan tới Boston, toàn bộ dân chúng đã nổi dậy và tống giam Andros. Theo hiến chương mới, Massachusetts và Plymouth lần đầu tiên đã được hợp nhất vào năm 1691 thành thuộc địa Công ty Vịnh Massachusetts trực thuộc hoàng gia. Các thuộc địa khác ở vùng New England nhân đó cũng nhanh chóng khôi phục lại chính quyền trước đây của họ.
Tuyên ngôn về Quyền và Đạo luật Khoan dung của người Anh ban hành năm 1689 đã khẳng định quyền tự do thờ phụng của tín đồ Cơ- đốc giáo ở các thuộc địa cũng như ở Anh, và có những quy định hạn chế quyền lực của hoàng gia. Cũng quan trọng không kém là Chuyên luận thứ hai về chính quyền của John Locke (năm 1690) – cơ sở lý luận chính của cuộc Cách mạng Vinh quang. Chuyên luận của ông đã nêu lý thuyết về chính quyền không dựa vào quyền lực thần thánh, mà dựa vào khế ước. Chuyên luận thừa nhận con người ngay từ khi sinh ra đã được tự nhiên ban cho quyền sống, quyền tự do và quyền sở hữu, do đó cũng có quyền nổi loạn khi chính phủ vi phạm quyền của họ.
Đến đầu thế kỷ XVIII gần như tất cả mọi thuộc địa đều nằm dưới quyền tài phán trực tiếp của Hoàng gia Anh, nhưng lại theo những nguyên tắc được xác lập qua cuộc Cách mạng Vinh quang. Các thống sứ tìm cách thực thi những quyền mà nhà vua đã bị tước đoạt ở nước Anh, nhưng cơ quan lập pháp của thuộc địa, nhờ biết được những sự kiện diễn ra ở nước Anh, đã quyết tâm khẳng định quyền và quyền lợi tự do của họ. Thế mạnh của họ thể hiện ở hai quyền quan trọng cơ bản tương tự như của Quốc hội Anh – quyền bỏ phiếu về thuế và chi tiêu, và quyền đề xuất các dự luật chứ không chỉ đơn thuần phản ứng lại các đề xuất của thống sứ.
Các cơ quan lập pháp đã sử dụng những quyền này để giám sát quyền lực của thống sứ do hoàng gia cử tới và để thông qua các dự luật khác nhằm mở rộng quyền và phạm vi ảnh hưởng của họ. Những mâu thuẫn liên tục diễn ra giữa thống sứ và cơ quan lập pháp đã khiến bầu không khí chính trị ở thuộc địa ngày càng trở nên hỗn độn và càng khiến những người đi khai hoang ý thức về sự khác biệt trong lợi ích giữa Mỹ và Anh. Trong nhiều trường hợp, giới chức ở hoàng gia không hiểu ý nghĩa quan trọng trong việc làm của cơ quan lập pháp thuộc địa, và do vậy họ đã thờ ơ không để ý. Tuy nhiên, những tiền lệ và các nguyên tắc được xác lập trong các cuộc xung đột giữa cơ quan lập pháp thuộc địa và các thống sứ cuối cùng đã trở thành một bộ phận quan trọng trong hiến pháp bất thành văn của các thuộc địa. Bằng cách đó, các cơ quan lập pháp địa phương đã khẳng định được quyền tự trị của họ.
Cuộc chiến tranh với người Pháp và thổ dân da đỏ
Pháp và Anh đã can dự vào vô số cuộc chiến tranh ở châu Âu và Ca-ri-bê trong suốt thế kỷ XVIII. Mặc dù nước Anh đã chiếm được nhiều ưu thế – chủ yếu ở các đảo sản xuất nhiều đường ở Ca-ri-bê – song các cuộc đụng độ vẫn không phân thắng bại. Pháp vẫn duy trì được vị trí hùng mạnh ở Bắc Mỹ. Đến năm 1754, Pháp vẫn duy trì quan hệ rất tốt với một số bộ lạc thổ dân da đỏ ở Canada và dọc theo vùng Hồ Lớn. Họ đã kiểm soát sông Mississippi và xây dựng một đế chế hùng mạnh hình lưỡi liềm trải dài từ Quebec tới New Orleans nhờ việc xây dựng hệ thống các cảng biển và thương điếm. Người Anh vẫn chỉ giới hạn ở vành đai phía đông dãy Appalachian. Như vậy, người Pháp không chỉ đe dọa đế chế Anh mà cả những người đi khai hoang ở Mỹ bởi lẽ khi đã chiếm được thung lũng Mississippi, Pháp có thể ngăn chặn việc mở rộng cương vực của họ sang phía Tây.
Vào năm 1754 đã nổ ra một cuộc đụng độ vũ trang ở pháo đài Duquesne – Pittsburgh, bang Pennsylvania ngày nay – giữa một đơn vị lính chính quy của Pháp với du kích bang Virginia dưới sự chỉ huy của chàng trai 22 tuổi George Washington – một chủ đồn điền và là người lập bản đồ ở Virginia. Chính phủ Anh đã cố gắng giải quyết xung đột bằng cách triệu tập đại diện của các bang New York, Pennsylvania, Maryland và thuộc địa vùng New England. Từ ngày 19/6 đến 10/7/1754, Đại hội Albany đã gặp gỡ với người da đỏ Iroquois tại Albany, bang New York để cải thiện quan hệ với họ và đảm bảo họ sẽ luôn đứng về phía người Anh.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đã tuyên bố việc thành lập liên minh các thuộc địa Mỹ có ý nghĩa cực kỳ cần thiết để đảm bảo sự tồn tại của các thuộc địa này, đồng thời thông qua đề xuất của Benjamin Franklin. Kế hoạch Liên minh Albany đã quy định một tổng thống được nhà vua bổ nhiệm và một đại hội đồng bao gồm các đại biểu được các cơ quan lập pháp thuộc địa lựa chọn, trong đó mỗi thuộc địa sẽ có số đại diện tương ứng với tỷ lệ đóng góp tài chính vào ngân khố chung. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm về quốc phòng, quan hệ với thổ dân da đỏ, thương mại và khu vực định cư ở miền Tây. Điều quan trọng nhất là cơ quan này có quyền ban hành các sắc lệnh thuế. Tuy nhiên, không thuộc địa nào chấp nhận bản kế hoạch này vì họ không muốn phải để quyền đánh thuế hoặc kiểm soát mở rộng cương vực sang phía Tây rơi vào tay một cơ quan chính quyền trung ương.
Nhờ có vị trí chiến lược tốt hơn và bộ máy lãnh đạo giỏi hơn nên nước Anh cuối cùng đã chiến thắng trong cuộc xung đột với Pháp, cuộc xung đột thường được người Mỹ gọi là Cuộc chiến tranh với Pháp và thổ dân da đỏ, và người châu Âu gọi là cuộc chiến tranh Bảy năm. Chỉ có một phần rất nhỏ trong cuộc chiến tranh này diễn ra ở phía Tây bán cầu.
Trong Hòa ước Paris ký kết năm 1763, nước Pháp đã bỏ tất cả vùng đất Canada, Hồ Lớn và lãnh thổ phía Đông sông Mississippi cho người Anh. Giấc mơ về một đế chế Pháp ở Bắc Mỹ đã hoàn toàn sụp đổ.
Sau khi chiến thắng Pháp, nước Anh đã phải đương đầu với một khó khăn mà họ đã bỏ mặc từ lâu – cai trị đế chế của họ. Luân Đôn cho rằng họ cần phải tổ chức lại những vùng đất rộng lớn của họ để tạo điều kiện cho việc phòng thủ, làm hài hòa lợi ích rất khác nhau của các vùng và dân tộc khác nhau, đồng thời phân bổ công bằng hơn những phí tổn quản lý thuộc địa.
Chỉ riêng ở Bắc Mỹ, lãnh thổ của Anh đã tăng hơn gấp đôi. Nếu như trước đây cư dân ở đây chủ yếu là tín đồ Tin Lành người Anh thì giờ đây còn có thêm những người theo đạo Thiên Chúa nói tiếng Pháp từ Quebec và đông đảo thổ dân da đỏ mới theo Cơ đốc giáo. Việc phòng thủ và quản lý những lãnh thổ cũ và mới luôn đòi hỏi phải có những khoản tiền lớn và nhân lực ngày càng tăng. Bộ máy quản lý thuộc địa cũ rõ ràng không đủ để đáp ứng những yêu cầu này. Tuy nhiên, các biện pháp thiết lập bộ máy mới lại ẩn chứa nhiều mối hoài nghi từ phía những người đi khai hoang bởi lẽ họ thấy nước Anh không còn là người bảo vệ quyền lợi cho họ, mà chỉ là mối đe dọa với chính họ.
Một dân tộc phi thường?
Phải mất 175 năm sau khi một nhóm gồm hầu hết các thuộc địa của Anh được thành lập thì Hoa Kỳ mới trở thành một quốc gia. Nhưng ngay từ đầu, Hoa Kỳ là một xã hội hoàn toàn khác biệt trong con mắt của người châu Âu vốn quan sát họ từ xa, cho dù với niềm hy vọng hay nỗi lo sợ. Hầu hết những người định cư nơi đây – dù là thế hệ con cháu của giới quý tộc, những người bất đồng tôn giáo hay những người hầu bị bần cùng hóa – đều được cuốn hút bởi tương lai đầy triển vọng hoặc quyền tự do mà họ không thể có ở Cựu Thế giới. Những người Mỹ đầu tiên lại được hồi sinh một cách tự do, được khẳng định chính mình ở vùng đất hoang sơ không bị bất kỳ một trật tự xã hội nào cản trở, ngoại trừ cuộc sống nguyên thủy của những người thổ dân mà họ đã chiếm đất. Bỏ lại đằng sau gánh nặng của trật tự phong kiến cũ, họ hầu như không gặp phải bất kỳ trở ngại nào trong quá trình xây dựng xã hội dựa trên các nguyên tắc tự do chính trị và xã hội được xây dựng trong thời kỳ đầy khó khăn ở thế kỷ XVII và XVIII ở châu Âu. Dựa theo tư duy của nhà triết học John Locke, mô hình tự do đó đã đề cao quyền của các cá nhân và hạn chế quyền lực của chính phủ.
Hầu hết người nhập cư đến Mỹ đều xuất phát từ quần đảo Anh – chính thể tự do nhất ở châu Âu cùng với Hà Lan. Về tôn giáo, phần lớn trong số họ đi theo các nhánh khác nhau của giáo phái Can-vanh, đề cao cả mối quan hệ thần thánh và thế tục theo khế ước. Tất cả những điều đó đã mở đường cho sự ra đời của một trật tự xã hội được xây dựng trên nền tảng quyền cá nhân và sự uyển chuyển của xã hội. Việc xây dựng một xã hội trọng thương phức tạp và có trật tự chặt chẽ hơn ở các thành phố duyên hải trong thế kỷ XVIII cũng không cản trở xu thế này. Chính các thành phố này lại trở thành cái nôi của cuộc Cách mạng Mỹ. Đồng thời việc thường xuyên xây dựng lại xã hội với việc mở rộng biên giới phía Tây nhanh chưa từng thấy cũng đã góp phần thúc đẩy tư tưởng dân chủ – Tự do như vậy.
Ở châu Âu, các lý tưởng về quyền cá nhân diễn ra chậm hơn và khác biệt hơn. Khái niệm dân chủ thậm chí còn xa lạ hơn thế. Những cố gắng nhằm tăng cường quyền cá nhân và dân chủ ở quốc gia già cỗi nhất châu Âu đã dẫn tới cuộc Cách mạng Pháp. Những nỗ lực đập tan chế độ phong kiến mới đồng thời thiết lập quyền của cá nhân và tư tưởng bác ái dân chủ đã gây ra nỗi khiếp sợ, dẫn tới chế độ độc tài và chuyên quyền của Napoleon. Cuối cùng, điều đó đã dẫn tới những phản ứng và việc hợp pháp hóa trật tự cũ đang suy tàn. Ở Hoa Kỳ, hình ảnh châu Âu xưa đã bị nhòa đi trước những lý tưởng xuất hiện thật tự nhiên trong quá trình xây dựng một xã hội mới trên vùng đất hoang sơ. Những nguyên tắc tự do và dân chủ đã nổi lên rất mạnh ngay từ giai đoạn đầu. Một xã hội gạt bỏ những gánh nặng trong lịch sử châu Âu cuối cùng đã khai sinh một dân tộc tự thấy mình là phi thường trong lịch sử.
Những phù thủy ở Salem
Năm 1692, một nhóm thiếu nữ ở Salem Village, bang Massachusetts đã lâm vào những cơn đau đớn kỳ lạ sau khi nghe những câu chuyện do một người nô lệ da đỏ miền Tây kể lại. Họ đã kết tội một số phụ nữ là phù thủy. Dân thị trấn thấy khiếp sợ nhưng không hề kinh ngạc bởi niềm tin vào phép thuật phù thủy đã lan rộng ở cả Mỹ và châu Âu suốt thế kỷ XVII. Giới chức thị trấn đã triệu tập một phiên tòa để phân xử những lời cáo buộc về phép thuật. Trong vòng một tháng, sáu phụ nữ đã bị kết án và treo cổ.
Những điều gì xảy ra sau đó – tuy là một sự kiện riêng biệt trong lịch sử nước Mỹ – đã giúp người ta có một cái nhìn sáng rõ tới thế giới xã hội và tâm lý của xứ New England Thanh giáo. Giới quan chức thành phố đã triệu tập một phiên tòa để nghe những lời buộc tội thuật phù thủy và nhanh chóng kết án, hành hình một nữ chủ quán rượu làng Bridget Bishop, chỉ trong một tháng, năm phụ nữ khác đã bị kết án và bị treo cổ.
Tuy nhiên, cơn hoảng loạn ngày càng gia tăng phần lớn là vì tòa cho phép nhân chứng khẳng định họ đã từng nhìn thấy những kẻ bị cáo buộc là những linh hồn hoặc bóng ma. Thực ra những bằng chứng ma như vậy không thể chứng minh và cũng không thể kiểm chứng một cách khách quan. Đến mùa thu năm 1692, 20 nạn nhân trong đó có một số nam giới, đã bị hành quyết và hơn 100 người khác bị giam (năm người đã bị chết trong tù), trong số đó có vài người là những công dân nổi tiếng của thành phố. Khi những lời cáo buộc có nguy cơ lan khỏi Salem thì các vị mục sư ở khắp thuộc địa yêu cầu chấm dứt xét xử. Vị thống sứ đã nhất trí. Những người vẫn còn bị giam sau đó cũng được trắng án hoặc được ân xá.
Mặc dù chỉ là sự kiện đơn lẻ nhưng câu chuyện ở Salem lại khiến người Mỹ xôn xao suốt một thời gian dài. Hầu hết các sử gia nhất trí rằng Salem Village vào năm 1692 đã trải qua một cơn kích động (hysteria) lớn, lại được bồi thêm bởi niềm tin thực sự vào ma thuật. Mặc dù có một số thiếu nữ có thể đã đóng kịch song nhiều người lớn đã tham gia trò mê loạn này.
Khi phân tích kỹ hơn đặc điểm của những người cáo buộc và người bị cáo buộc, người ta còn phát hiện thấy nhiều điều hơn. Salem Village cũng giống như thuộc địa New England khi đó đang trong quá trình chuyển đổi từ một xã hội đa phần nông nghiệp với vai trò áp đảo của tín đồ Thanh giáo sang chế độ thế tục mang tính thương mại. Nhiều kẻ kết án là đại diện của nếp sống cũ gắn với nông nghiệp và giáo hội, trong khi một số người bị quy kết là phù thủy lại thuộc tầng lớp doanh thương đang ngày càng lớn mạnh gồm chủ cửa hàng và những lái buôn. Cuộc tranh giành quyền lực chính trị và xã hội giữa những nhóm cũ và tầng lớp thương nhân mới cũng là cuộc tranh đấu diễn ra liên tục trong các cộng đồng trong suốt chiều dài lịch sử nước Mỹ. Nhưng cuộc đấu tranh ấy cũng có những khúc ngoặt thật kỳ lạ và nguy hiểm khi mà công dân của họ lại bị nao núng trước niềm tin cho rằng ma quỷ xuất hiện trong nhà của họ.
Những vụ xét xử phù thủy ở Salem cũng trở thành một câu chuyện bi thảm về những hệ lụy chết người của việc tạo ra những lời cáo buộc thật giật gân nhưng giả dối. 300 năm sau, chúng ta vẫn gọi những lời cáo buộc giả dối chống lại nhiều người là “săn lùng phù thuỷ”.
Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
Xem bài gốc tại đây