Hai từ du học có nghĩa là đi học ở một nơi xa, một quốc gia khác quê hương của mình. Hiện nay xu hướng du học đang phát triển mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các bạn trẻ thuộc những quốc gia đang phát triển mong muốn đến các nước phát triển để trải nghiệm và để học tập tại một môi trường giáo dục tốt hơn.
Nói riêng về Việt Nam thì sao? Theo thống kế mới nhất của Bộ GD, hiện nay số lượng người Việt Nam ra nước ngoài để học tập là 60,000.
Con số này ngày càng tăng đã cho thấy việc du học là một trong những lựa chọn hàng đầu sau khoảng thời gian phổ thông, tốt nghiệp đại học hoặc hoàn thành luận văn thạc sĩ.
Học tại Việt Nam hay đi du học? Câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Dưới đây tôi xin đưa ra 5 lý do nên lựa chọn du học.
- Vượt ra chiếc hộp an toàn để ra ngoài thế giới
Ước mơ du học đều có thể tồn tại trong hầu hết bạn trẻ Việt Nam, nhưng mấy ai thực sự biến được ước mơ ấy thành hiện thực. Ước mơ chỉ mãi là ước mơ nếu bạn không lập kế hoạch hành động để đạt được điều mình muốn.
Nếu bạn không đủ dũng cảm và quyết tâm bước ra khỏi chiếc hộp an toàn mà bản thân tự tạo thì sẽ chẳng thể nào có cơ hội đón những điều tốt đẹp nhất từ thế giới ngoài kia đang đợi bạn. Đó có thể là nền tri thức vô tận của nhân loại, nền văn hóa khác biệt, đó có thể là sự đa dạng về sắc tộc, tôn giáo, đó có thể là các tuyệt tác từ thiên nhiên… Những điều trước kia bạn chưa bao giờ nhìn thấy và cảm nhận đủ rõ như thế.
Chiếc hộp an toàn ấy không dễ dàng gì vượt qua nhưng nếu đã chinh phục được thì cả thế giới kỳ diệu đang chờ bạn khám phá sẽ hiện ra trước mắt khiến bạn càng thêm tự tin vào bản thân và tự tin với ước mơ của chính mình.
- Tiếp cận một nền giáo dục tốt hơn hiện tại
Khác với nền giáo dục Việt Nam chỉ tập trung vào lý thuyết, sinh viên ít có điều kiện thực hành nền giáo dục tại các quốc gia phát triển chú trọng vào tính thực tiễn của từng vấn đề, từng kiến thức được học. Nền giáo dục lấy sinh viên làm trọng tâm đã tạo được tính chủ động, sáng tạo trong mỗi người. Tính phản biện trong mọi vấn đề, khía cạnh luôn được coi trọng từ đấy họ khuyến khích được sự khác biệt ở mỗi cá nhân. Tất cả những gì được học tại giảng đường đều luôn cập nhật với thực tế để sinh viên sau khi rời trường đều có thể tự tin tiếp cận bất kỳ môi trường làm việc nào họ mong muốn mà không bỡ ngỡ.
- Cơ hội trở thành công dân toàn cầu
Để trở thành một người công dân toàn cầu bạn cần những điều kiện cơ bản như: Ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn, sự am hiểu về các nền văn hóa khác nhau, khả năng hòa nhập cao… Vậy du học dóng vai trò gì trong việc giúp bạn trở thành một công dân toàn cầu. Đến với một đất nước nói tiếng Anh hoặc được học tập bằng tiếng Anh tại một đất nước khác cũng đã tạo nên cho bạn một cơ hội làm giàu thêm vốn tiếng Anh của mình. Ngoài ra, đi ra nước ngoài, đồng nghĩa với việc bạn đang đi giao lưu văn hóa với các nước bạn, với nhiều bạn bè đến từ khắp nơi trên thế giới, có thể khác nhau về màu da, sắc tộc, tôn giáo… Một yếu tố quan trọng không kém để trở thành công dân toàn cầu là kiến thức và sự hòa nhập. Du học cho bạn kiến thức đủ sâu và thực tiễn để bạn trang bị cho tương lai nghề nghiệp của mình. Và du học rèn bạn tự lập để từ đó tự hòa nhập với cuộc sống, con người mới.
- Nhận thức và định hình rõ mục tiêu cá nhân
Nhiều bạn đi du học với mục tiêu ban đầu chỉ là muốn bước ra khỏi Việt Nam để tiếp xúc với một nền giáo dục tiên tiến hơn, muốn được khám phá thế giới theo chính cách mình mong muốn. Tuy nhiên sau khi ra được nước ngoài, sau khi được tiếp xúc với nền giáo dục tiên tiến, sau khi được hòa nhập với bạn bè quốc tế, mỗi du học sinh lại thấy mình trong thế giới ấy. Họ sẽ nghe thấy rõ hơn tiếng nói nội tâm của mình, về điều mình thực sự muốn trong cuộc sống, về con đường sự nghiệp tương lai mong muốn theo đuổi. Quá trình du học là quá trình trưởng thành ở mỗi người, từ sự tự nhận thức họ xây cho mình mục tiêu cuộc đời rõ ràng hơn.
- Sự phát triển tương lai
Nhắc đến những tên tuổi nổi tiếng của Việt Nam đã từng đi du học ta không thể không nhắc đến Phạm Nhật Vượng, Mai Kiều Liên, Trương Gia Bình; hay những tên tuổi trẻ hơn như Lê Diệp Kiều Trang, Lê Trí Thông, hiện tại họ đã và đang đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của đất nước. Tại sao họ lại thành công? Có thể họ được đào tạo và phát triển trong một môi trường quốc tế. Du học cho bạn một nền tảng vững chắc để tạo cho mình lợi thế nghề nghiệp đủ mạnh. Con đường tương lai luôn luôn rộng mở cho các du học sinh dù họ ở lại hay về nước đi chăng nữa.
Trên đây là 5 lý do tại sao lại chọn con đường du học. Ý kiến của bạn về vấn đề này thì sao? Nên hay không nên đi du học? Liệu sinh viên chỉ học tại Việt Nam có đọ lại với những du học sinh?
Hạnh Nguyễn