Đọc được bài viết về suy tư của bạn sinh viên giữa về hay ở sau khi du học Mỹ, rồi đọc phần trả lời của anh Tuấn Anh, tôi cũng đã trăn trở rất nhiều. Ngày cuối tuần đỡ bận, tôi viết mấy dòng này để chia sẻ với góc độ của một người làm cha, một doanh nhân, có con đang du học Mỹ.
Khi tôi còn ở tuổi thiếu niên thì đất nước chìm trong bom Mỹ, nhưng khi đất nước hoà bình, kinh tế hội nhập, tôi luôn mong con mình đến Mỹ.
Sau bao năm bôn ba trên thương trường, nhà có chút điều kiện, tôi liền cho người con trai thứ đến Mỹ học tập.
Tôi muốn con tôi đến Mỹ bởi đằng nào cũng mất tiền cho con du học, tôi muốn con tôi được học tập, và quan trọng hơn là được sinh sống ở đất nước giàu, mạnh và năng động nhất thế giới. Tôi không quan tâm nhiều đến các bảng xếp hạng chỉ số GDP hay GDP đầu người, tôi chỉ biết thế giới giờ có 1 siêu cường, và đó là Mỹ. Tôi cũng biết đất nước này là nơi ươm mầm cho những phát minh vĩ đại, có những câu chuyện cổ tích của các tỉ phú siêu giàu, là đất nước mà người ta bán được cả vỉa hè thành làm Đại lộ Ngôi Sao, biến một hoang mạc thành thủ đô cờ bạc… Tôi muốn con tôi ở một môi trường năng động, sáng tạo và thích nghi với môi trường cạnh tranh khốc liệt, lý do đó đủ cho tôi bỏ gần 4 tỷ cho con tôi du học tự túc.
4 tỷ kể ra cũng to thật, nhưng nó cũng chỉ bằng 1 cái nhà liền kề ở ngoại vi Hà Nội hay một cái chung cư cỡ vừa ở trong nội thành. Nếu không có cái nhà ấy, tôi vẫn đủ nhà để ở. Đổi cái nhà đó cho con tôi du học, tôi tạo dựng nên một nền móng vững chắc cho cả đời con tôi. Cái giá đó tôi cho là không đắt.
Tôi là một người không được học hành bài bản, nên tôi muốn con tôi được học tử tế, học ở nơi tốt nhất để có thể tự hào với bạn bè, với họ hàng làng xóm. Điều này tôi nghĩ chẳng có gì sai, và khi nhậu với bạn bè, tôi không khoe với bạn bè là tôi kiếm được bao nhiêu tiền, tôi thường nói về con tôi du học Mỹ.
Ngay từ đầu tôi định hướng cho cháu học ngành chính sách công, để cho cháu về nước làm cơ quan nhà nước. Tôi không muốn cháu học ngành tài chính hay marketing bởi tôi sợ cháu sẽ ở lại Mỹ mà không muốn trở về Việt Nam. Tôi cũng đã có một cậu con trai lớn học kinh doanh và sẽ thay tôi kế nghiệp, còn đứa con thứ, tôi sẽ xin cho con vào nhà nước.
Tôi nghĩ rằng ai làm bố mẹ cũng muốn con mình thành đạt, thành đạt có thể trên thương trường hoặc trên chính trường, ở quê tôi, người được trọng vọng nhất không phải ông chủ doanh nghiệp giàu có mà là một ông người làng bên làm đến chức tổng cục trưởng của một bộ ở Hà Nội. Mơ ước làm quan có gì là xấu?
Tôi tính sẽ tìm chỗ làm tốt để cho con tôi trở về làm cho cơ quan hành chính nhà nước. Làm chính trị thì không thể kiếm nhiều tiền, ít nhất là trong giai đoạn đầu. Tôi sẽ lo cho cháu để cháu không phải nghĩ đến lương, chỉ cần chăm chỉ học hành, làm việc cho tốt. Phải không nghĩ đến tiền thì mới không tham lam, hoạnh hoẹ của dân để ăn vài đồng bạc lẻ.
Tôi biết nhiều người đã nghĩ rằng dùng quan hệ để xin cho con vào làm nhà nước là xấu, nhưng tôi không nghĩ thế. Tôi nghĩ những cháu đi du học nếu được đặt đúng vị trí sẽ phát huy được năng lực. Vậy tại sao tôi lại không dùng quan hệ của mình để giúp con tôi được đặt đúng vị trí? Để cháu nó có thể được quan tâm hơn, rút ngắn khoảng thời gian pha trà rót nước, để có thể học hỏi thêm nhiều điều, kết hợp với kiến thức, tầm nhìn ở Mỹ mà áp dụng vào hoàn cảnh ở Việt Nam.
Tôi định sẽ xin cho cháu vào ngành kế hoạch đầu tư, ở bộ phận thu hút đầu tư nước ngoài. 5-6 năm nữa, nếu mọi chuyện thuận lợi, cháu nó có thể vào Đảng rồi học các khoá về bồi dưỡng chính trị, rồi được đề bạt lên phó phỏng, trưởng phòng, và các chức vụ cao hơn nữa. Tôi nghĩ điều đó cũng đâu có gì là xấu.
Tôi được biết rằng hầu như ở mọi nơi trên thế giới này, sự kết hợp giữa kinh tế và chính trị là con đường an toàn và bền vững để tạo nên sự phát triển lâu dài. Ở nước mình, làm nhà nước mà trong sạch thì nghèo, nhưng nếu con tôi đi làm mà không phải lo đến tiền lương để chi tiêu, thì nó sẽ yên tâm công tác, không phải tạt té kiếm chác, nếu nó thăng tiến được trên con đường đó, thì tôi nghĩ không chỉ tốt cho con tôi, cho dòng họ nhà tôi, mà còn tốt cho xã hội. Vậy nên, nhìn ở góc độ nào đó, việc lo cho con một chỗ làm tốt trong bộ máy công quyền, với những người cha làm doanh nhân như chúng tôi, cũng cần xã hội có cái nhìn công bằng và thiện cảm hơn.
Lê Văn Lâm
(Hà Nội)
————-
Các bạn muốn chia sẻ quan điểm với tác giả hoặc có câu hỏi cho các thắc mắc của mình về các vấn đề liên quan đến du học Mỹ như phương pháp học, bằng cấp, tuyển sinh, xin việc … muốn nhận tư vấn từ cộng đồng, xin vui lòng gửi email về sinhvienusa.org@gmail.com. Xin trân trọng cảm ơn