“Các đơn vị nước ngoài có thế mạnh về kinh nghiệm, vốn, và công nghệ. Chúng ta có thế mạnh về văn hóa, về sự hiểu biết thị trường, và khả năng linh hoạt” – CEO Sendo Trần Hải Linh.
Ông Trần Hải Linh – Tổng Giám đốc CTCP Sen Đỏ (sàn thương mại điện tử Sendo.vn).
Ông Trần Hải Linh – Tổng Giám đốc CTCP Sen Đỏ (sàn thương mại điện tử Sendo.vn) chia sẻ với chúng tôi bí quyết khởi nghiệp trong ngành thương mại điện tử tại Việt Nam, và làm thế nào để có chỗ đứng trên thị trường trước sự tham gia ồ ạt của doanh nghiệp ngoại.
Thương mại điện tử – mảnh đất khởi nghiệp màu mỡ
Nhiều chuyên gia cho rằng: Đây là thời cơ vàng cho các doanh nghiệp Việt Nam khai phá và phát triển mảnh đất màu mỡ thương mại điện tử, nhưng thời cơ vàng này cũng sẽ qua đi rất nhanh và có thể sẽ không trở lại nếu các doanh nghiệp không kịp thời nắm bắt ngay lúc này. Xin ông cho biết ý kiến của mình.
Thị trường thương mại điện tử đang có sức tăng trưởng mạnh mẽ. Với các doanh nghiệp, đây là một cơ hội lớn để mở ra một kênh bán hàng mới, cắt bỏ các khâu phân phối trung gian, tiến gần hơn đến khách hàng cuối, nắm bắt nhu cầu khách hàng tốt hơn, giảm chi phí bán hàng.
Với cá nhân, đây là một cơ hội tuyệt vời để khởi nghiệp. Đã có những bạn trẻ 8x, 9x khởi nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, và có doanh thu đến mức hàng trăm triệu đồng/tháng chỉ với 1 – 2 người làm.
Để khởi nghiệp thành công trên lĩnh vực thương mại điện tử, theo ông, cần những yếu tố gì?
Kinh doanh thương mại điện tử không khó, nhưng cần sự quan tâm, theo dõi sát sao.
Để thành công trong lĩnh vực này, yếu tố quan trọng nhất vẫn là hàng hóa: Bạn chọn kinh doanh loại hàng gì, thị trường có nhu cầu không, mức giá có hấp dẫn không… Đây là các yếu tố quyết định đến thành bại của mọi người bán hàng, chứ không phải chỉ trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Yếu tố thứ hai là chất lượng dịch vụ. Dù bán online, bạn vẫn cần phải chú trọng việc tư vấn, trả lời câu hỏi của khách hàng, đóng gói sản phẩm nghiêm chỉnh, nhanh chóng thực hiện đơn đặt hàng của khách. Các yếu tố đặc thù của thương mại điện tử như thanh toán, vận chuyển, quảng cáo hiện nay rất phát triển, bạn có thể dễ dàng tìm thấy và sử dụng.
Rào cản: Thói quen mua sắm và rủi ro lừa đảo
Theo ông, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đang có những rào cản gì?
Rào cản lớn nhất hiện nay là sự nhận biết của thị trường, thói quen của người mua về thương mại điện tử chưa cao. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy tỉ lệ người mua sắm qua mạng đang tăng nhanh. Những hoạt động như Ngày mua sắm trực tuyến (Online Friday – PV) ngày 5/12 vừa qua là những hoạt động sẽ giúp nâng cao nhận thức của xã hội về thương mại điện tử. Hai yếu tố then chốt của thương mại điện tử là thanh toán và vận chuyển gần đây đã được cải thiện đáng kể.
[Xem thêm: Phát hiện hàng giả trên Online Friday, có thể ‘comment’ trực tiếp đến Bộ Công thương]
Một rào cản nữa là uy tín của người mua, bán qua mạng với nhau chưa cao, vẫn còn có rủi ro lừa đảo.
Gian lận thương mại hiện đang là một vấn nạn đối với cả doanh nghiệp làm ăn chân chính lẫn người tiêu dùng. Công ty ông đã có những biện pháp gì để hạn chế vấn nạn này?
Ở Sendo, chúng tôi trực tiếp lấy hàng của người bán để chuyển cho người mua và thu tiền. Do người bán và người mua không trực tiếp giao dịch với nhau mà thông qua chúng tôi nên chúng tôi hoàn toàn có thể đứng ra để phán quyết giao dịch, và bảo vệ quyền lợi của cả hai bên.
Trong trường hợp một trong hai bên có hành vi lừa đảo, chúng tôi sẽ tiến hành xử lý và hoàn tiền cho người mua, hàng cho người bán.
Trong lĩnh vực thanh toán, chúng tôi đã đầu tư hệ thống bảo mật PCIDSS cấp độ 1, là cấp độ cao nhất, để bảo đảm an toàn giao dịch cho khách hàng. Chúng tôi cũng làm việc với tất cả các nhà vận chuyển lớn trên toàn Việt Nam để cung cấp dịch vụ thu tiền tận nơi (COD).
Về vận chuyển, chúng tôi hợp tác với các đối tác của mình để vận chuyển hàng hóa tới khắp 63 tỉnh thành trong cả nước trong thời gian nhanh nhất.
Doanh nghiệp Việt mới chỉ chiếm ưu thế về số lượng
Tại thị trường bán lẻ, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn lép vế trước doanh nghiệp nước ngoài. Tại thị trường thương mại điện tử thì doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường này thế nào? Doanh nghiệp Việt đang đứng ở đâu trong thị trường này?
Trong mảng bán lẻ trực tuyến, các website của Rocket Internet, là một doanh nghiệp đến từ Đức, đang dẫn đầu thị trường. Trong mảng rao vặt thì có nổi lên một tên tuổi đến từ Na Uy. Ngoài ra, còn rất nhiều các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đang cạnh tranh trong thị trường này.
Theo đánh giá của chúng tôi, thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chiếm ưu thế về số lượng. Tuy nhiên, thị trường sẽ cần thêm một vài năm nữa để khẳng định vị thế trong ngành.
Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để nâng cao tính cạnh tranh của mình trên thị trường thương mại điện tử?
Các đơn vị nước ngoài có thế mạnh về kinh nghiệm, vốn, và công nghệ. Chúng ta có thế mạnh về văn hóa, về sự hiểu biết thị trường, và khả năng linh hoạt. Chúng ta cần tăng cường điểm mạnh và cải thiện điểm yếu.
Chúng tôi cũng mời thêm các nhà đầu tư chiến lược từ nước ngoài để giúp chúng tôi kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử mà họ đã có được trong quá trình đầu tư các công ty thương mại điện tử trên khắp thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Theo http://cafebiz.vn/
Xem bài gốc tại đây