Ở thời đại truyền thông còn chưa đa dạng, nó mang lại tiếng cười và niềm hân hoan cho nhiều đứa trẻ, trong đó có tôi. Với tôi, “kỷ lục thế giới” đơn giản là vậy – những gì khác lạ và mang niềm vui cho mọi người.
Cùng với nhu cầu giải quyết các tranh cãi về kỷ lục, đó cũng chính là một trong những tiêu chí đề ra khi ngài Hugh Beaver lập ra sách Guinness. Nhưng có vẻ như ở nước ta gần đây, “lập kỷ lục” không còn đơn thuần là để cho vui nữa, mà đã trở thành một cuộc đua săn nơi ai cũng muốn có phần.
Nhiều kỷ lục ra đời mà tôi không hiểu: từ nồi lẩu to nhất, bánh chưng to nhất, bánh mì dài nhất, cho đến bức tranh ghép bằng… kẹo cao su lớn nhất. Càng ngày người ta càng tìm đủ mọi cách để “nhất” một cái gì đó, khiến tôi nghĩ thời điểm Việt Nam lập kỷ lục là “nước có nhiều kỷ lục nhất” sẽ không còn xa.
Nguyên do của tình trạng trên một phần vì tính thương mại. Điều này cũng dễ hiểu, khách hàng chỉ quan tâm tới sản phẩm số một, nên việc lập kỷ lục sẽ thu hút được nhiều người chú ý. Vì vậy, một phần lớn những kỷ lục vô thưởng vô phạt đến từ các doanh nghiệp muốn PR sản phẩm của họ.
Nhưng theo tôi, lý do quan trọng hơn của chứng loạn kỷ lục là tâm lý trọng danh. Nhiều tổ chức và cá nhân luôn muốn tìm cho được “cái gì đó nhất”, bất kể cái danh đó có thực chất và thực sự cần thiết hay không.
Trong khi Guinness tuyên bố không tính phí xác thực kỷ lục, thì ở Việt Nam muốn được “lập kỷ lục” phải bỏ một khoản chi phí từ 5 đến 50 triệu đồng. Điều này khiến việc trở thành kỷ lục gia mất đi ý nghĩa. Trong một xã hội mà người ta không quan tâm đến những danh hiệu viển vông, thì chắc chắn không ai chi tiền cho những việc như thế.
Nhìn rộng ra, việc “mua danh” không chỉ dừng lại ở các kỷ lục của cá nhân hay doanh nghiệp. Nó còn hiện hữu ở phong trào xây cổng chào bạc tỷ ở các địa phương hay các công trình vô cùng tốn kém chỉ để được được gắn danh hiệu “số một”. Tôi không hiểu người đi đường cần gì ở cây cầu có con rồng thép dài nhất châu Á, hay con đường có nhiều hoa phượng nhất Việt Nam.
Có những công trình, ví dụ như dự án dựng tượng mẹ Việt Nam anh hùng (đã tạm dừng), phải tăng kinh phí gấp 5 lần (500 tỷ đồng) so với dự tính, để trở thành “lớn nhất Đông Nam Á”.
Chuyện về các kỷ lục ở nước ta làm tôi liên tưởng đến hình tượng “con voi trắng” ở Thái Lan. Đây là loài thú linh thiêng và quý hiếm, nhưng để chăm sóc thì vô cùng tốn kém. Bởi thế, Vua Xiêm ngày xưa thường ban loài vật này cho đối thủ hoặc các viên quan bị thất sủng, nhằm khiến họ khuynh gia bại sản khi tiêu tiền chăm sóc chúng.
Những công trình dán nhãn kỷ lục chỉ vì sự khát danh, theo tôi, là những “con voi trắng” lãng phí trong xã hội. Chúng ta cần voi trắng hay những con voi được việc?
Theo http://vnexpress.net/
Xem bài gốc tại đây