Trong bài viết này mình muốn đề cập tới một số khác biệt văn hóa mà các du học sinh Việt (trong đó có mình) hay gặp phải khi mới sang Mỹ. Các khác biệt văn hóa này đôi khi chúng gây cho ta nhiều phiền toái khi mới ở xứ người. Có những điều đã trở thành thói quen khi ở quê nhà, sang Mỹ phải thay đổi thật là khó. Có những điều rất đơn giản vì chỉ là kiến thức phổ thông nhưng các bạn lại hoàn toàn không biết.
Mình hi vọng chia sẻ này của mình sẽ giúp các bạn tránh được một số lỗi “việt vị” ngớ ngẩn và tự tin hơn khi ở Mỹ.
Văn hóa thành thật và “cảnh sát công dân”
Đây có lẽ là câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi khi một người mới tới Mỹ.
Tại sao không thấy cảnh sát ở trên đường, bốt giao thông…như ở Việt Nam? (Nhưng gọi 911 thì chỉ 2 phút sau cảnh sát sẽ xuất hiện).
Tại sao các cửa hàng, siêu thị không bắt khách phải gửi túi đồ trước khi mua sắm như ở Việt Nam?
Tại sao sinh viên không quay cóp như ở Việt Nam?
…
Và nhiều cái Tại sao nữa. Câu trả lời duy nhất có lẽ là vì xã hội Mỹ đề cao tính thành thật. Thành thật tức là không nói dối, không ăn trộm ăn cắp, mắc lỗi thì phải cố gắng sửa lỗi…
Còn nếu bạn nghĩ không ai biết thì mình muốn làm gì mà chẳng được? Dù ở Mỹ mọi người có vẻ sống khá độc lập, hàng xóm hầu như chẳng ai biết ai với nhau, nhưng họ lại có tính trách nhiệm công dân cao. Mỗi người dân chính là một người cảnh sát. Nếu họ nhìn thấy ai đó làm bậy, họ sẽ lập tức báo cho cảnh sát dù chuyện đó chẳng có ảnh hưởng gì đến họ. Hay nếu ở trên lớp bạn không may lỡ lời nói vài câu có tính kì thị chủng tộc chẳng hạn, ai đó nghe được sẽ báo với quản lý của trường (có thể họ chẳng buồn nói cho bạn biết). Những trường hợp như vậy không hiếm và không chỉ du học sinh mà người Mỹ vẫn mắc phải. Chính vì tính tự giác công dân rất cao như vậy nên tại sao bạn thấy ai cũng rất phục tùng luật pháp.
Hay mình lấy ví dụ chuyện bạn được mời đi tham gia một buổi tiệc. Nếu bạn không muốn đi thì cứ trả lời thẳng là Không, và nếu tốt hơn cả thì cho họ biết lí do vì sao, ví dụ “I don’t want to go. I had another appointment that day”. Còn nếu bạn chẳng có lí do gì cả thì cũng đừng nghĩ ra lí do để thoái thác. Họ không cần bạn phải làm vừa lòng bằng cách nói dối. Cứ thẳng thắn, nói là “I just feel I want to stay home. I hope to join you another time”. Nói cảm ơn nữa, vậy là đủ.
Nếu bạn mới sang nghe tiếng Anh không hiểu, hãy cứ thành thật nói mình không hiểu và hỏi lại chứ đừng cố tỏ ra mình có vẻ hiểu mọi người đang nói gì. Đến lúc người ta hỏi lại mà mình ú ớ thì thật vô duyên.
Người Mỹ đề cao tính thành thật hơn tất cả. Vì thế nếu bạn chẳng may mắc lỗi nhưng thành thật nhận lỗi, họ sẽ rất vui vẻ bỏ qua cho bạn (và họ nói forgive là forget luôn chứ không nghĩ ngợi nhiều). Xã hội Mỹ là xã hội cởi mở với lỗi lầm, thất bại (có lẽ vì thế mà người ta mới thành thật được). Còn nếu bạn cứ cố tình che đậy, cái kim trong bọc rồi thế nào cũng lòi ra (một phần vì có tai mắt “cảnh sát công dân” khắp nơi mà). Niềm tin đã mất đi thật khó lấy lại được.
Văn hóa đúng giờ
Cái này có lẽ ai cũng biết rồi. Người Mỹ không có thói quen giờ cao-su như người Việt. Cho nên nếu bạn được mời dự tiệc lúc 6h thì tốt nhất nên đến lúc 6h kém 5 (vì thường khi nói giờ bắt đầu thì người ta sẽ cố gắng bắt đầu đúng giờ đó, hoặc chỉ muộn hơn chút thôi). Điều này đôi khi rất khó với người Việt do thói quen đi muộn cố hữu, rồi bệnh hay làm cố. Mình để ý thấy mấy đồng nghiệp của mình dù quen đường xá mà còn tính dư thời gian hơn cả mình. Ví dụ chỉ đi từ office đến campus có 15 phút nhưng vì cả thời gian đỗ xe, đi bộ nữa nên họ tính dư đến gần 45 phút (trong khi mình nghĩ 30 phút là cùng). Nếu mà cứ theo cách tính của mình là kiểu gì lại cũng…đến muộn.
Còn nếu bạn tổ chức một buổi tiệc có cả người Việt lần người Mỹ? Kinh nghiệm của mình là hẹn các bạn người Việt đến lúc 5h thì mời các bạn người Mỹ đến sau khoảng nửa tiếng hoặc 1 tiếng là vừa nếu như bạn không muốn họ phải ngồi chờ đợi lâu.
Nếu bạn đã hẹn nhưng thay đổi ý định? Hãy cố gắng thông báo càng sớm càng tốt chứ đừng cho bạn của mình “leo cây” hay đến phút cuối mới thông báo.
Văn hóa email và 24 hour rule
Trong khi người Việt thích nói chuyện qua điện thoại thì người Mỹ chủ yếu giao dịch bằng email. Có vẻ như người Mỹ mặc định rằng cái gì viết ra thì mới có tính chính thức (official). Cho nên nhiều khi bạn đã thảo luận bằng miệng rồi, nhưng sau đó vẫn cần phải viết một cái email tóm lược và “xác nhận” lại.
Người Mỹ cũng không thích nghe điện thoại. Nếu bạn là sinh viên thì có khi cả năm bạn chẳng gọi điện cho ông thầy lần nào. Chỉ có 2 cách để giao tiếp là nói trực tiếp hoặc là email mà email được dùng nhiều hơn cả. Chính vì email có tính chính thức và quan trọng như vậy nên người Mỹ cũng mặc định là khi bạn nhận được email thì bạn nên trả lời trong vòng 24 giờ.
Có nhiều bạn khi mới sang không biết đến quy định “ngầm” này, nhận được email nhưng chưa biết phải nói thế nào nên cứ “ngâm tôm” cả mấy ngày. Tất nhiên có những email bạn không phải trả lời, nhưng nếu đó là một email chờ đợi câu trả lời từ bạn, thì dù bạn chưa thể có quyết định rõ ràng, bạn vẫn cần viết một email giải thích kiểu như “Thank you for your email. I will think about it. Can I let you know by this date…?”, để người gửi còn biết là bạn đang nghĩ gì với câu hỏi của họ.
Khi nhận được email mà không trả lời thì người Mỹ cho là hơi “rude” (thiếu lịch sự), giống như có ai đó hỏi bạn mà bạn cứ im lặng không thèm nói một câu. Khi viết email, bạn cố gắng viết ngắn gọn và “to the point”. Tránh dài dòng.
Sử dụng email cũng có cái lợi là bạn có thể chờ để suy nghĩ trả lời cho thấu đáo chứ không phải ngay tức khắc, nhưng chỉ trong 24 giờ thôi nhé.
Văn hóa giao thông
Một điều rất cơ bản khi đi xe ô-tô ở Mỹ mà bất cứ ai trước khi xuống đường cũng phải học nằm lòng: Mang theo bằng lái, bảo hiểm xe, và để ý nếu bị xe cảnh sát đuổi theo sau thì phải tấp vô lề đường càng nhanh càng tốt. Và gì nữa, khi dừng xe thì thay vì chui ra khỏi xe để “trình bày” với cảnh sát như ở Việt Nam, bạn phải ngồi yên trong xe. Hạ cửa kính, chờ cảnh sát tới hỏi giấy tờ.
Chỉ có một sự khác biệt nhỏ như vậy thôi nhưng lại rất quan trọng. Có một người bạn của mình khi mới sang Mỹ do không biết luật này nên khi bị cảnh sát dừng xe, bạn ấy không chỉ chui ra khỏi xe mà hai tay lại còn đút túi quần. Chắc các bạn cũng đoán được phản ứng của anh cảnh sát lúc đó là gì rồi chứ? Rút súng ra ngay tắp lự. Vì sao ư? Vì cảnh sát lo sợ rằng bạn đang đút tay vào túi quần để rút súng ra đe dọa lại. Ở Mỹ mọi người có quyền được mua súng, sử dụng súng nên cảnh sát rất sợ khi ai đó “có vẻ” như đang chuẩn bị rút vũ khí. Trong những trường hợp đối diện với cảnh sát như vậy thì cách tốt nhất là giơ hai tay lên theo kiểu “đầu hàng” để thông báo rằng tôi không có vũ khí, không có làm gì nguy hiểm cả.
Một điều nữa là về chuyện cọ quẹt trên đường. Đi xe mà nhất là đỗ xe trong bãi rất dễ va chạm nhau. Chuyện hit-and-run (đâm xe rồi bỏ chạy) ở Mỹ không phải là hiếm, nhưng thường chỉ xảy ra ở những chỗ vắng người không ai biết chứ đang giữa đường mà cọ quẹt đố ai dám chạy (dù đường xá thưa thớt và chẳng thấy bóng cảnh sát bao giờ). Kinh nghiệm của mình sau vài lần xe cộ nhà mình bị đụng là nếu chẳng may gây tai nạn, bạn phải thành thật thông báo ngay với chủ xe bị hại. Nếu người chủ xe không có mặt ở đó thì gọi 911 tới làm chứng và giải quyết chứ đừng lấy lí do không thấy rồi bỏ đó mà đi. Thường với các va chạm nhẹ thì công ty bảo hiểm sẽ đền cho bạn và hồ sơ lái xe của bạn cũng chẳng bị ảnh hưởng gì. Còn nếu bạn hit-and-run mà bị phát hiện thì người ta có thể kiện bạn ra tòa. Tất nhiên là bạn sẽ chẳng muốn điều đó chút nào.
Đây chỉ là vài ví dụ điển hình mà mình xâu chuỗi lại. Khi bạn ở lâu thì bạn sẽ phát hiện ra nhiều sự khác biệt tinh tế hơn nữa, ví dụ người Mỹ dễ bắt chuyện nhưng khó thân, đôi khi họ lịch sự quá mức (họ sẽ không bao giờ chê bạn nấu ăn dở đâu), người Mỹ thích nhìn mọi thứ ở góc độ tích cực hơn là tiêu cực, họ không sành ăn như người Việt (cho nên đồ ăn Mỹ dở và hầu như ai ăn đồ Việt thì đều khen ngon)…
Bạn có thể không đồng ý với mình về những nhận xét trên, nhưng chắc bạn sẽ đồng ý với mình một điểm là nếu chúng ta có cái nhìn cởi mở và khiêm tốn, chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều điều thú vị và tích cực từ một nền văn hóa khác. Đúng vậy không?
Chúc bạn có một trải nghiệm tuyệt vời.
Hoàng Khánh Hòa
Email: hoahoangtk@gmail.com