
Qua Mỹ vào cuối năm 2009, Tăng Quốc Cường đã có hơn bốn năm học tập tại đây, anh chọn ngành quản trị kinh doanh quốc tế và quản trị thương hiệu tại trường San Francisco State University với tâm niệm: Học để xây dựng thương hiệu Việt.
Bài 1: Tăng Quốc Cường: “Thành công đến từ những cố gắng không ngừng nghỉ”

Lý do chính để Cường chọn ngành này là vì anh nhận ra được nhu cầu rất lớn của ngành quản trị thương hiệu. Bất kỳ một doanh nghiệp nào muốn đưa được sản phẩm dịch vụ của mình đến với khách hàng ở khắp mọi nơi cũng cần một thương hiệu mạnh và bền vững. Đặc biệt là ở Việt Nam thời điểm hiện tại, ngành này chưa thực sự được quan tâm đúng mức và có rất nhiều điều kiện phát triển. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam “thua dễ” ngay trên sân nhà trong cuộc chiến thương hiệu với các công ty nước ngoài. Rất nhiều sản phẩm của Việt Nam có chất lượng cao và có nhiều tiềm năng để cạnh tranh ở thị trường nước ngoài, tuy nhiên vì nhiều lý do vẫn chưa ra được biển lớn hoặc chỉ được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, sau đó được bán ra thị trường dưới tên một thương hiệu nước ngoài nào đó.
Cường cho biết, khác với ở Việt Nam, vấn đề phát triển thương hiệu và thúc đẩy kinh doanh quốc tế rất được đặc biệt quan tâm, coi như bài toán sống còn cho rất nhiều doanh nhiệp Mỹ, kể cả ở những tập đoàn lớn hay những công ty mới khởi nghiệp.
Theo Quốc Cường, anh muốn áp dụng những kiến thức học được về kinh doanh quốc tế với môi trường đa văn hoá ở các vùng lãnh thổ khác nhau vào thực tế sau khi tốt nghiệp. Sau đó, Cường mong muốn sẽ về Việt Nam hoặc làm các dự án có liên quan đến Việt Nam. Trong tương lai lâu dài, khi đã có trải nghiệm trong môi trường quốc tế, Cường dự định sẽ thực hiện các dự án để quảng bá hình ảnh của Việt Nam, sản phẩm, thương hiệu Việt ra thị trường quốc tế.
Ngoài thời gian học tập tại trường San Francisco State University, anh còn đang thực tập tại một công ty start-up có tên NameCoach tại Stanford – một công ty chuyên về phát triển ứng dụng công nghệ và giúp người sử dụng phát âm chính xác tên của người khác, đặc biệt các tên khó phát âm của các bạn đến từ nhiều nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau. Hiện tại ứng dụng đang được sử dụng tại hơn 100 trường đại học trên khắp nước Mỹ.
Cường cũng đang làm cùng nhóm phát triển kinh doanh của công ty phụ trách giới thiệu hình ảnh thương hiệu doanh nghiệp đến với người sử dụng thông qua các trường đại học trên khắp nước Mỹ cũng như mạng xã hội Twitter và Facebook. Tại đây, anh có cơ hội làm việc trực tiếp và học hỏi được rất nhiều từ chính môi trường thực tiễn.

Theo Cường, để tìm một công việc để làm hoặc thực tập không khó tại San Francisco. Tại khu vực vùng vịnh San Francisco và đặc biệt là thung lung Silicon hàng năm có đến hàng ngàn công ty start-up được thành lập, đa số là các công ty về phần mềm và ứng dụng công nghê cao. Đã có vô số câu chuyện thành công, tiêu biểu với những cái tên như Google, Instagram, Ebay, Uber, hay Airbnb.
“Mình muốn thực tập cho một công ty start-up thay vì cho một tập đoàn lớp đã thành danh vì mình nhận thấy khả năng tạo ảnh hưởng và cơ hội phát triển ở các công ty start-up cao hơn rất nhiều. Hơn thế việc làm cho một công ty start-up sẽ giúp mình học hỏi và cảm nhận được từ bên trong những cơ hội, thử thách, khó khăn trong quá trình xây dựng một công ty start-up để sau này thực hiện ước mơ tự xây dựng riêng một doanh nghiệp của mình.” – Cường chia sẻ
Với mong muốn sở hữu một công ty start-up riêng cho mình cùng ước mơ đưa thương hiệu của chính người Việt đi khắp thế giới Cường đã từng bước hiện thực hóa giấc mơ ấy. Bước đi đầu tiên trên chặng hành trình chinh phục mục tiêu sẽ giúp anh có cơ hội học tập kiến thức về quản trị kinh doanh quốc tế và quản trị thương hiệu cũng như cơ hội tìm hiểu thêm những khó khăn trở ngại trong quá trình thành lập một công ty khởi nghiệp.

Nếu bạn đang có mong muốn du học ở Mỹ, hãy mạnh dạn theo đuổi ước mơ vì nếu bạn có niềm tin và luôn kiên định với mục tiêu, rồi một ngày giấc mơ ấy sẽ thành hiện thực, đó có thể là một trong những quyết định khiến cuộc đời bạn rẽ sang một hướng tốt đẹp hơn.
“Ngoài vấn đề học tập ở trường, đi học và sinh sống ở một đất nước với văn hoá, ngôn ngữ, phong tục hoàn toàn khác biệt các bạn sẽ có cơ hội thử thách và trang bị cho bản thân mình những kỹ năng mà có thể bạn rất khó có thể tìm được trong những môi trường quen thuộc. Hơn thế, hoà nhập vào những nền văn hoá mới không chỉ giúp các bạn mở mang tầm mắt và có những cái nhìn khách quan hơn về thế giới bên ngoài, việc này có thể giúp các bạn nhìn ra được nhiều hơn những nét thú vị trong văn hoá của chính chúng ta mà khi ở quê nhà có thể bạn không có cơ hội nhận ra.
Chúc tất cả các bạn may mắn và sớm thực hiện ước mơ của mình.” – Cường chia sẻ.
“Theo kinh nghiệm bản thân và trong một lần trò truyện với một chuyên viên tuyển dụng của Google trong một sự kiện ở trường, đa số những công ty tuyển dụng các ngành về kinh doanh, kỹ thuật ở Mỹ đánh giá kinh nghiệm thực tế và thành tích hoạt động ngoại khoá của sinh viên cao hơn rất nhiều điềm trung bình (GPA) của sinh viên đó trên lớp.”
Email của Quốc Cường:
cuongtang11@gmail.com
Hạnh Nguyễn