Nhiều bậc phụ huynh muốn con du học Mỹ nhưng ái ngại về khoản học phí quá cao nên đã chọn đi đường vòng, cho con học Community College trước rồi vào đại học (University) sau. Cách làm này có điểm lợi và bất lợi gì?
Cùng trao đổi với Phạm Minh Huy, một du học sinh vừa tốt nghiệp tại Santa Rosa Junior College (Community College) tại California.
Xin chào Huy, tới Mỹ từ năm cuối của lớp 12, Huy có thể cho các bạn học sinh lời khuyên: Nên đợi học xong phổ thông mới sang Mỹ học đại học hay nên đi từ năm cuối phổ thông trung học?
Học phổ thông bên này có cái lợi là xin VISA, có thể dễ hơn là xin VISA đi học đại học hoặc community college.
Thứ hai, trường phổ thông (các trường phổ thông nhận sinh viên quốc tế chủ yếu là trường tư) ở Mỹ đòi hỏi không cao như College hay University, chỉ cần biết tiếng Anh cơ bản. Thực ra học sinh Việt Nam sang Mỹ học phổ thông, chủ yếu gặp khó khăn về tiếng Anh, còn chương trình học nhẹ hơn nhiều so với ở Việt Nam, đặc biệt là các môn tự nhiên, bởi đa số học sinh Việt Nam học toán rất tốt. Rào cản ngoại ngữ thì sau khoảng 1-2 năm là các bạn có thể bắt kịp, nhưng các bạn cũng không nên chủ quan mà xao lãng bồi dưỡng kiến thức cho những năm college sau này.
Thứ 3, bắt đầu tới Mỹ từ khi học high school sẽ giúp các bạn hoà nhập dễ dàng hơn, tiếp thu tư duy Mỹ, các bạn dễ kết bạn hơn, dễ gặp được bạn thân người bản xứ hơn là lên đại học.
Thứ 4, học phổ thông bên này kiến thức có phần nhẹ hơn, các bạn có thể không quá khó để vượt lên chiếm top 1,2,3 trong lớp, trong trường. Khi mình có được vị trí đó thì mình có thể xin được học bổng vào trường đại học có thứ hạng cao ở Mỹ.
Tất nhiên đi học từ phổ thông cũng có cái bất lợi là bạn phải rời nhà từ khi 15-16 tuổi, chưa định hướng được kế hoạch nghề nghiệp tương lai; Chi phí cũng tốn kém hơn, gia đình bạn sẽ phải chi ra khoảng 20.000 USD/năm (học phí khoảng 11.000 USD , ăn ở hết 9-10.000 USD).
Sang Mỹ hồi mới học xong kỳ I lớp 12, hồi đó cảm giác của Huy thế nào?
Huy có tìm hiểu khá kỹ trước khi đi du học, cứ nghĩ biết rất nhiều về Văn hoá Mỹ rồi, nhưng sang đến đây thì không phải như mình tưởng tượng; văn hoá, cách sống ở Mỹ đa dạng quá. Huy học chuyên Anh, trong chuyến đi Nhật giao lưu văn hoá lúc học lớp 11 thì rất ok, nhưng đến TP Houston, Texas, hồi đầu chỉ nghe được 20-30%, mình nói người ta hiểu nhưng nghe thì không được, vừa tới sân bay đã bị sốc rồi. Phải mất một thời gian rèn luyện tích cực mới hoàn toàn thích ứng.
Ở Việt Nam gặp nhiều người Mỹ rất nổi bật, họ rất hào hứng trò chuyện, năng động, tò mò, tìm hiểu về văn hoá mình, khi vào trường thấy nhiều bạn trẻ rất “lạnh”, rất khác với những gì mình hình dung. Họ chỉ biết cuộc sống của họ …. Sự khác biệt không còn là đặc trưng của mình, mà nó trở thành sự kì quặc đối với một số người. Đó là cái sốc thứ hai.
May là việc học hồi đó mình đạt được kết quả rất tốt. Do được phổ cập nhiều kiến thếc ở phổ thông tại Việt Nam, Huy vượt trội trong các môn tự nhiên ở High school Mỹ, được là 1 trong ba người được học bổng khi tốt nghiệp.
Mô hình 2+2: 2 năm Community College, 2 năm Đại học
Chọn cách học từ College lên đại học, Huy có thể chia sẻ một vài thông tin về những ưu điểm/nhược điểm của loại hình đào tạo này so với học thẳng Đại học?
Học college thì rẻ hơn, như ở trường Huy học chỉ 2800-3000 USD/kỳ, còn Đại học là 9000-12000 USD/kỳ (ở California). Đầu tiên Huy học ở Texas, sau đó chuyển sang một trường community college khác tốt hơn ở California học. Huy đã học xong bằng Triết học, Quan hệ quốc tế và học thêm một bằng về nhân chủng học.
Học College chi phí thấp, yêu cầu đầu vào cũng thấp hơn, ngay cả với người chưa thoả mãn yêu cầu trình độ tiếng Anh thì họ cũng nhận và yêu cầu đi học khoá tiếng Anh (ESL- English as Second Language) do trường cung cấp. Học đến khi nào bạn vượt qua được bài kiểm tra tiếng Anh và trình độ yêu cầu (Placement Test) thì được vào học chương trình chính khoá (học Academic). Đa số các bạn xong Phổ thông Mỹ thì thoả mãn được yêu cầu ESL. Mình vượt qua được bài kiểm tra tiếng Anh, đủ điểm trình độ nên được vào học Academic luôn, rút ngắn được nhiều thời gian.
Mình áp dụng mô hình 2+2: 2 năm Community College, 2 năm Đại học
Mình học các môn đại cương và một số môn chuyên ngành (tuỳ theo yêu cầu của University bạn muốn nộp hồ sơ mà lấy các tín chỉ cần thiết, nhiều khi không nhất thiết hoàn thành bằng community college để chuyển tiếp), sau khi xong bằng thứ nhất, bổ sung thêm một số môn/ tín chỉ cần cho ngành khác thì có được tấm bằng cao đẳng thứ hai. Sau 3 năm mình xong 2 bằng cao đẳng và đang nộp hồ sơ vào một số trường đại học như University of California-Berkley, UC David, UCLA, mình muốn học tiếp đại học ngành Nhân chủng học, chuyên về văn hoá, phong tục tạp quán.
Thời gian ở Community College tạo nhiều điều kiện cho mình khám phá niềm đam mê thực sự để theo đuổi ngành học mình yêu thích. Theo mình, tại trường Community College, các giáo sư chủ yếu là giảng dạy nên họ sẽ tập trung việc truyền đạt kiến thức và hướng dẫn hướng dẫn sinh viên (Ở University, giáo sư thường giành nhiều thời gian cho nghiên cứu).
Chi phí cho học đại học khá tốn kém, riêng học phí khoảng 9-15 ngàn đô la/kỳ (4-5 tháng). Trên thực tế, rất nhiều bạn mất nhiều hơn 2 năm để chuyển lên Đại học vì nhiều trường Community College không đủ ngân sách để tăng số lượng lớp học dẫn đến các bạn chậm hoàn thành các tín chỉ University yêu cầu. Ngoài ra, đi làm thêm tại trường (giới hạn 20 giờ/ tuần) cũng giúp trang trải phần nào chi phí sinh hoạt.
Có nhiều cơ hội tìm được học bổng dành cho sinh viên community College chuyển tiếp lên University, nổi bậc nhất là Jack Kent Cooke Scholarship, có thể cho đến 40 nghìn đô mỗi năm học Đại học trong vòng 2 năm nhưng quá trình tuyển chọn khá gắt gao.
Cảm ơn Huy về cuộc trao đổi này.
Hoạt động nổi bật:
Phạm Minh Huy:
Học sinh chuyên Anh trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Vĩnh Long
Học bổng giao lưu văn hoá Thanh niên- Sinh Viên Đông Nam Á lần 2 tại Nhật Bản do chính phủ Nhật Bản tài trợ. (JENESYS Programme).
Chủ tịch Câu Lạc bộ Sinh viên Quốc tế tại trường Santa Rosa Junior College với nhiều hoạt động nổi bật như tổ chức Tuần lễ Giáo dục Quốc tế có sự tham gia các học giả, đại sứ Mỹ Lewis Lukens.
Đại sứ Sinh viên của trường Santa Rosa Junior College.
Tình nguyện viên của Hội chữ thập đỏ Mỹ, và AmeriCorp.
Email của Huy Phạm: ericpham221@live.com
Mời các bạn đón xem phần hai của bài phỏng vấn Minh Huy sẽ được đăng tải trong ngày mai. Huy sẽ chia sẻ về ngành học rất đặc biệt – Nhân chủng học, và bạn bày tỏ: “Mình muốn học sâu ngành này để góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam”.
Thanh Phong