Chàng cựu học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Huệ với khả năng tiếng Anh “cực đỉnh” – Vũ Nguyên Thái Dương xuất sắc đạt học bổng “Wesleyan freeman Asian scholarship” toàn phần dành cho sinh viên các nước châu Á theo đuổi học bậc ĐH tại Wesleyan University, Mỹ.
Tự học vẫn đạt điểm IELTS “khủng”
Học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Huệ vốn không còn xa lạ với anh chàng học “cực siêu” tiếng Anh của lớp Anh A – Vũ Nguyên Thái Dương (SN 1996).
Dương từng đoạt một loạt các thành tích ấn tượng: giải Nhất HSG Quốc gia môn Tiếng Anh (2014), giải Nhì HSG Quốc gia Tiếng Anh (2013), giải Nhì Olympic Tiếng Anh TP. Hà Nội (2012), giải Ba HSG Tiếng Anh TP. Hà Nội (2013).
Hoàn toàn tự luyện IELTS ở nhà mà không đến bất cứ trung tâm nào, Dương khiến mọi người ngưỡng mộ với số điểm gần như tuyệt đối: 8,5/9 IELTS (Điểm 4 kĩ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết: 8,5 – 7.5 – 9 – 8). Đó cũng là kết quả đạt được ở lần đầu tiên Dương tham dự kì thi này vào tháng 3/2013 – một số điểm mà ngay cả người bản ngữ còn khó đạt được.
“Xây dựng một nền tảng vững chắc về phần ngữ pháp, học vững ở trường là đã có thể chắc đến 80% kiến thức, em đọc thêm cuốn “English Grammar in use” để củng cố ngữ pháp. Còn việc ôn luyện 4 kĩ năng: Nghe – Nói – Đọc – Viết thì nên đi theo định hướng cụ thể (như TOEFL hay IELTS). Từ vựng cũng là một phần rất quan trọng, em sử dụng thẻ học từ vực flash card để ghi nhớ và tránh nhầm lẫn các từ.
Nói và Viết là 2 kĩ năng khó nhất trong bộ 4 kĩ năng sử dụng ngôn ngữ Anh, để khắc phục khó khăn này em tìm cho mình một môi trường phù hợp để giao tiếp (CLB Tiếng Anh, bạn nước ngoài…), sự trau dồi thường xuyên giúp chúng ta không ngại ngần hay bị “khớp” khi sử dụng tiếng Anh nữa”, Thái Dương chia sẻ.
Đúc kết kinh nghiệm từ chính bản thân và những “cao thủ” tiếng Anh mình có dịp học hỏi, Dương nói: “Vì không phải ai cũng học ngoại ngữ cho cùng một mục đích (thi học sinh giỏi, thi chứng chỉ, giao tiếp, …) nên em nghĩ những lời khuyên chung nhất sẽ là hữu ích.
Quan trọng nhất là phải dành quỹ thời gian không nhỏ cho việc học, không những học những cái mới, mà phần nhiều là học đi học lại những gì đã học cho nhuần nhuyễn. Học từ cả sách vở và cả các phương tiện truyền thông.
Tiếp đó là nên có thói quen ghi chép, dù là từ mới, cấu trúc câu, hay chỉ là một mẩu thông tin nào đó tâm đắc. Và cuối cùng là cần có sở thích, đam mê, cộng với thời gian, công sức hợp lí”.
Nhiều tài lẻ, ham học, ham vui, ham khám phá
“Với môn tiếng Anh, em học để thu về kiến thức, điểm số không phải là vấn đề quan trọng nhất”, Dương luôn đặt mục tiêu hiểu biết làm “cốt” của sự học. Không chỉ sở hữu thành tích tiếng Anh “khủng”, Dương còn vinh dự nhận danh hiệu HS tiêu biểu Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (2014). Anh chàng cũng đạt điểm SAT I khá ấn tượng: 2200/2400 điểm.
Chăm chỉ và ham học nhưng Dương cũng tự nhận mình là một người “ham chơi”. Anh chàng biết cách phân chia quỹ thời gian của mình cho việc học tập, nghiên cứu cũng như cân bằng với các hoạt động xã hội và thư giãn hợp lý.
“Lúc nào rảnh em lại ngồi làm mấy con thú nho nhỏ để tặng hoặc đánh guitar cho bạn bè nghe. Học hết sức – chơi hết mình là phương châm tích cực em áp dụng để vừa có thành quả với các mục tiêu, vừa tránh áp lực”, Dương nói.
Dương là đồng Chủ tịch của CLB Tiếng Anh trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ – CNH T.E.A.M English Club. Năm 2003, cậu tham gia vào đội TNV của Hội chợ văn hóa “Culture from Heart”. Trước khi rời ngôi trường cấp 3, Dương tham gia vào Ban tổ chức CNH Inspiration Day – Chương trình chào đón và định hướng tân học sinh (khóa 2013 & 2014) với mong muốn truyền lửa đam mê, hướng đi cho các “hậu bối”.
“Em thực sự rất vui khi được nhìn thấy những cố gắng của em và các bạn đã giúp các em mới vào trường cảm thấy ngôi trường còn lạ lẫm này là nơi đáng để gắn bó, yêu mến ngay từ ngày đầu tiên”, Dương tâm sự.
Xuất sắc giành học bổng của ĐH Wesleyan – một trong những trường hàng đầu về đào tạo Khoa học Xã hội Nhân văn tại Mỹ, Dương dự định theo đuổi chuyên ngành Kinh tế, Tin học và Đồ họa nhưng anh chàng vẫn muốn tìm hiểu thêm về các lĩnh vực khác trước khi có quyết định cuối cùng.
Dương chia sẻ, cậu muốn có nhiều cơ hội để du lịch, gặp gỡ nhiều người từ nhiều nơi, khám phá nhiều nền văn hóa thế giới, tham gia hoạt động bảo vệ động vật hoang dã và từ thiện thiết thực.
Anh chàng bộc bạch: “Quyết định đi du học Mĩ với em, và có lẽ với nhiều người khác, không chỉ vì mục đích học tập, mà còn vì mong muốn tìm được một cuộc sống mới. Nhiều khi em cảm thấy mình cũng như con chim nhỏ trong chiếc lồng – được nhìn thấy tất cả nhưng không chạm được tới gì, tâm trí ở ngoài kia nhưng chân vẫn bước trong song.
Chắc hẳn, nếu đã không cố gắng lấy đủ chút can đảm để apply trong năm trước thì em sẽ tiếp tục, không biết bao lâu nữa, cảm thấy như vậy. Em nghĩ, không ai có thể tạo nên sự thay đổi ngoài chính mình, chỉ cần mình dám đương đầu và vượt qua những khó khăn.
Sau này, khi quay trở về Việt Nam, nếu có cơ hội và đủ khả năng, em muốn làm điều gì đó để góp phần cải thiện giáo dục, đặc biệt cách dạy và học; giúp đỡ những người thất nghiệp, người nghèo không có khả năng chi trả cho việc sống ngày càng đắt đỏ, để ai cũng có cơ hội phát triển như nhau”.
Theo Dantri.com
Xem bài gốc tại đây