(Nếu bạn thấy bài viết quá dài, hãy kéo xuống phần có đánh số thứ tự).
Cuối tháng 11 năm 2014, trang điện tử Bussiness Insider (Anh Quốc) đã liệt kê 25 trang web sẽ khiến bạn thông minh hơn (http://uk.businessinsider.com/25-websites-that-will-make-you-smarter-2014-11?r=US/ http://cafebiz.vn/life-style/quen-facebook-di-25-website-nay-se-giup-ban-thong-minh-hon-2014113014500547ca50.chn) với một lời giới thiệu rất “ngọt ngào”: thay vì lãng phí thời gian vào Facebook và Instragram, hãy biết tận dụng Internet một cách hữu hiệu hơn! Trong những cái tên được kể đến trong danh sách trên, hẳn bạn đã từng nghe nói đến TED, Duolingo hay Khan Academy. Trong một thời đại số hóa, khi mà mọi thông tin đều có thể được chia sẻ dễ dàng chỉ sau một cú click chuột, Internet đã trở thành một nguồn tài nguyên khổng lồ cho bất cứ ai ham mê khám phá. Tuy nhiên, với hàng triệu kết quả xuất hiện trên Google ngay sau vài giây tìm kiếm, sẽ thật khó cho bạn khi đứng trước một đại dương thông tin bị phân mảnh, cắt vụn và thiếu tính hệ thống. Không như một cuốn sách có sẵn mục lục, Internet đặt ra cho mỗi chúng ta một câu hỏi lớn về khả năng phân tích và tổng hợp. Đó là lý do cho sự xuất hiện của những trang web hỗ trợ, giúp bạn trở thành một người sử dụng “thông minh”.
Bạn có thể nghe những lời giới thiệu đi kèm quảng cáo như vậy ở bất cứ đâu. Vậy bạn đã thử xem các video trên TED, thử học một ngoại ngữ mới trên Duolingo hay cùng bạn bè tham gia phong trào “Anybody can learn to code” (Ai cũng có thể học lập trình)? Bạn đã thử và đã từ bỏ sau .. 1 tuần? Đừng buồn, vì bạn không phải là ngoại lệ. Tôi đã từng đăng ký rất nhiều khóa học trên Coursera, và tôi muốn chia sẻ với bạn trải nghiệm của mình.
Đứng thứ 2 trong danh sách những trang web được lựa chọn từ Bussiness Insider, Coursera là đại diện tiêu biểu của các khóa học đại trà-trực tuyến-mở (Massive Open Online Course) được hai giáo sư của đại học Stanford (Mỹ) phát triển từ năm 2012. Bùng nổ trong năm 2013, MOOC thực sự tạo nên một làn sóng học tập say mê, lôi cuốn hàng triệu người trên khắp thế giới. Có thể tóm gọn mọi ưu điểm của các khóa học này trong một câu nói: Bạn trở thành sinh viên đại học Harvard với 0 USD. Bằng cách liên kết với các trường đại học hàng đầu và cung cấp các bài giảng miễn phí từ các giáo sư danh tiếng, Coursera mang đến cho bạn cơ hội lựa chọn khóa học phù hợp nhất với bản thân. Không còn là giáo trình cơ sở cũ mèm, mơ hồ từ hình thức đến nội dung hay những môn tự chọn mà số lượng chỉ trên hai đầu ngón tay, trải ra trước mắt bạn hàng chục lĩnh vực từ kinh tế tài chính đến nghệ thuật hàn lâm, với hàng trăm khóa học để đăng ký làm học viên. Tất cả bằng đầu bằng một câu hỏi: “What would you like to learn about?” (Bạn muốn học gì?). Bạn mơ ước được ngồi trong giảng đường của đại học Chicago? Hãy tìm các khóa học do trường cung cấp. Bạn sợ rằng trình độ tiếng Anh của mình chưa đủ để nghe giảng, hãy thử bắt đầu bằng hai khóa học đã có phụ đề tiếng Việt: “Bên ngoài thung lũng Silicon: phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế chuyển dịch (Beyond Silicon Valley: Growing Entrepreneurship in Transitioning Economies) – Đại học Case Western Reserve và “Tâm lý học xã hội” (Social Psychology) –Đại học Wesleyan. Nếu như bạn chỉ cần vài giờ tập trung để nắm được nội dung của khóa học kinh tế có Việt Nam là một case study, thì khóa học của Wesleyan chính là ví dụ điển hình của các lớp học “phổ cập hàn lâm” trên Coursera với 7 tuần học, yêu cầu 4-8 giờ học tập/tuần. Chào mừng bạn đến với bước thứ nhất của “tự do học thuật”: bạn chọn khóa học mà bạn nghĩ là hợp với mình, và nhận ra có quá nhiều thứ phải đọc! Khóa học online đầu tiên mà tôi đăng ký là một khóa Dẫn nhập về Toàn cầu hóa (một chủ đề thật là hấp dẫn phải không?) và bỏ cuộc ngay ngày học thứ 2, vì liên tục nhận được email cập nhật các bài báo cần đọc liên quan đến chủ đề này. Internet có thể không ngừng phình to ra, nhưng ai cũng chỉ có 24 tiếng một ngày, trong đó bao gồm ít nhất 8 tiếng để ngủ, 8 tiếng dành cho trường lớp chính khóa, 2 tiếng dành cho việc ăn uống, 2 tiếng di chuyển, bạn còn 4 tiếng chia cho các hoạt động xã hội và quây quầy với gia đình. Bạn có chắc rằng mình có thể dành ra 2 tiếng để đọc và học thêm mỗi ngày?
Hầu hết các khóa học trên Coursera đều có một danh mục đi kèm: Course Overview (Giới thiệu chung về khóa học) – Annoucements (Các thông báo) – Schedule of Reading (Lịch trình đọc) – Video Lectures (Video bài giảng) – Discussion Forum (Diễn đàn cho các học viên thảo luận và đưa ra các câu hỏi cho giáo sư) – Assigments (Bài luận: chủ đề và hạn nộp) – Resources (Tài nguyên: tài liệu bắt buộc, tài liệu tham khảo) – About Us (Giới thiệu đội ngũ phụ trách khóa học) – Surveys (Các khảo sát liên quan đến khóa học, do học viên đánh giá). Có hai mục mà tôi không bao giờ dám bén mảng đến: Discussion Forum và Assigments. Lý do rất đơn giản: tiếng Anh của tôi không đủ tốt để tranh luận với các học viên khác và tôi cũng chưa từng viết bất cứ một bài luận nào trong suốt hơn một năm qua. Đáng lẽ tôi nên cố gắng hơn một chút, vì khi áp lực điểm số đã bị loại bỏ hoàn toàn, thử tổng hợp lại những gì đã tiếp thu được, thể hiện mình đã hiểu bài bằng cách viết ra một cái gì đó không bao giờ là một sự lãng phí. Tuy nhiên ngoại ngữ không bao giờ là một rào cản giữa bạn với Coursera, vì các bài giảng đều có phụ đề tiếng Anh và nếu như giáo sư có lỡ nói nhanh hơn một chút so với khả năng nghe hiểu của bạn, hãy giảm tốc độ video xuống mức phù hợp. Và cũng đừng lo nếu bạn không đủ tự tin để thử sức với các bài kiểm tra, không có giáo sư nào yêu cầu bạn rời lớp học. Bạn vẫn sẽ tiếp tục được xem các bài giảng, theo dõi chương trình học mà không có bất cứ sự xáo trộn nào, ngay cả khi khóa học đó đã kết thúc từ ..mùa hè năm trước.
Sau thời gian và nội dung được thiết kế cho mỗi khóa học, hãy bàn thêm một chút đến vấn đề “kỹ thuật”. Không có gì để phàn nàn về nền tảng được phát triển bởi hai kỹ sư hàng đầu của Stanford (hãy tin như vậy!), vậy nên bạn sẽ phải đối phó với vấn đề từ chính máy tính hay kết nối Internet của mình. Hãy đảm bảo rằng bạn không phải mất đến 30 phút chờ đợi cho một video chỉ kéo dài 3 phút. Ngược lại, cũng nên dè chừng chính bản thân mình, vì khi tất cả các trình duyệt hiện tại đều có khả năng mở hàng chục tab một lúc, bạn rất dễ bị phân tâm bởi váy áo của các ngôi sao trong lễ trao giải Quả cầu Vàng.
Với một loạt các khó khăn như vậy, hẳn sẽ không quá lời khi nói các khóa học đại trà-trực tuyến-mở đang khởi đầu một thời đại “Tự học” mới. Bạn phải học cách làm chủ những công cụ tiếp cận tri thức hiện đại, trước khi chạm tay được vào tri thức thực sự. Khi đó, bạn sẽ trở nên “thông minh”, chắc chắn rồi. Nhưng bạn có chắc là bạn làm được không?
Đôi khi, trong quá trình học hỏi và khám phá thế giới, bạn lại có được thứ mà bạn không hề có ý định tìm kiếm. Tôi đã tìm thấy một bài giảng hé mở cho tôi nhiều thứ hơn là sách vở và các lý thuyết văn chương. Giáo sư của đại học Brown đã dành hơn 1 tiếng đồng hồ để nói cho tôi (dù ông không hề biết tôi là ai) về hiện trạng của ngành nghiên cứu nhân văn, về mối quan hệ giữa những nhân vật hư cấu và người đọc chúng ta. “Tôi sẽ báo cho các bạn một tin xấu: rằng khóa học này cũng không giúp bạn kiếm được công ăn việc làm.” Chương trình học cũng không có tham vọng mang lại cho học viên kiến thức nền tảng về văn học, về một chủ đề cụ thể hay cung cấp những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết như nhiều khóa học khác trên Coursera. Vậy điều gì đã khiến một khóa học “vô ích” như thế kéo dài trong 10 tuần? Như lời vị giáo sư đã giảng dạy tại Brown trong suốt lịch sử của ngôi trường đã nói về “personal discovery” (tự khám phá bản thân): “Personal discovery as lenses, lenses into worlds that are not our own.” (Tự khám phá bản thân là những ống kính, nhìn vào thế giới không phải của ta). Trong quá trình tìm kiếm sự đồng cảm trong mỗi cuốn sách, mỗi câu chuyện được kể và rộng hơn là mỗi gương mặt thoáng qua trong cuộc đời mình, chúng ta sẽ nhìn thấy một phần của chính mình trong người khác. Bạn đã “học để biết, học để làm”, vậy hãy tiếp tục “học để chung sống”. Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của những nền tảng như Coursera, nơi tất cả mọi người – không phân biệt độ tuổi, màu da, tôn giáo, đều có cơ hội ngang bằng nhau để vươn đến tri thức và áp dụng những điều đã học được để khiến cho cuộc sống của chính mình tốt đẹp hơn.
Bạn không phải thức trắng đêm để ôn luyện cho những kỳ thi chứng chỉ, không phải nộp hàng nghìn dollar để có một chỗ trong những trường đại học hàng đầu đầy tính cạnh tranh. Hãy nắm lấy cơ hội đang mở ra trước mắt. Bạn có thể nghĩ, tại sao tôi lại phải tiếp tục “học”, trong khi đã quá mệt mỏi với bài vở trên giảng đường? Nếu tôi thời gian đó để tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng các mối quan hệ, chuẩn bị cho một công việc ngay sau khi ra trường? Có thể bạn đúng, nhưng đừng quên khám phá chính bản thân mình, đừng quên đặt câu hỏi: Tại sao không?
Tôi sẽ tóm tắt lại những điều tôi đã học được từ Coursera:
- Đừng chọn một khóa học quá có cái tên quá chung chung hay bao quát một vấn đề quá rộng. Trừ khi bạn có nhiều thời gian và có khả năng tổng hợp tốt. Hãy đọc KỸ giới thiệu chung, thời gian và lộ trình học.
- Các trường đại học danh tiếng luôn là địa chỉ đáng tin cậy. Tuy nhiên không phải trường nổi tiếng nhất luôn cung cấp khóa học tốt nhất trong mọi lĩnh vực.
- Danh sách các khóa học được bình chọn là hay nhất: http://www.quora.com/What-are-some-of-the-best-Coursera-courses (tôi biết nó khá dài và tôi rất ghét các danh sách, nhưng bạn cũng nên tham khảo)
- Sắp xếp lịch học một cách hợp lý, cố gắng học đều để tiếp thu kiến thức liền mạch. Dành thời gian đọc các tài liệu có trong khóa học (rất quan trọng!)
- Chắc chắn rằng kết nối Internet của bạn không quá tồi nhưng cũng không quá tốt.
- Rủ bạn bè cùng học cho đỡ buồn và có người trao đổi.
- Tham gia Forum Discussion nếu bạn có thể.
Chúc bạn học tập với niềm hứng khởi!
Khiếu Anh
Theo http://hocthenao.vn/
Xem bài gốc tại đây