Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) vừa thông báo việc Tổng thống Obama bổ nhiệm hai thành viên mới của Hội đồng quản trị là Tiến sỹ, Bác sỹ Chu Đình Quyền và Tiến sỹ Edmund Malesky, và tái bổ nhiệm một thành viên khác trong Hội đồng là bà Nguyễn Phúc Anh Lan.
Tiến sỹ, Bác sỹ Chu Đình Quyền hiện là Trưởng khoa Ung thư Giải phẫu thuộc Trung tâm Khoa học sức khỏe, Đại học Bang Louisiana tại Shreveport, Louisiana. Ông còn là Giám đốc chương trình nghiên cứu “Các bệnh ác tính bề mặt phúc mạc” và là Giáo sư Danh dự Charles Knight tại Đại học Bang Louisiana.
Tiến sỹ, Bác sỹ Quyền là Giáo sư Hoa Kỳ giảng dạy tại Việt Nam theo tài trợ của VEF trong năm 2009 và 2010. Ông cũng từng đảm nhận vai trò chủ trì và điều phối Hội nghị thường niên năm 2012 của VEF, được tổ chức tại Shreveport, Louisiana. Năm 2013, ông được nhận giải thưởng Tuổi trẻ Xuất Sắc dành cho người Mỹ gốc Việt (Vietnamese-American Youth Excellence Recognition Award) của Hội Văn hóa và Khoa học Việt Nam.Ông vinh dự được tờ U.S. News & World Report và công ty chuyên về dữ liệu bình chọn các bác sỹ, Castle Connolly, công nhận là một trong những “Bác sỹ hàng đầu”, và vào năm 2009 và 2010, ông được tờ USA Today vinh danh là một trong những “Bác sỹ có ảnh hưởng lớn nhất”. Tiến sỹ, Bác sỹ Quyền tốt nghiệp Cử nhân tại Đại học Dartmouth, và nhận bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh của Đại học Centenary, và bằng Tiến sỹ Khoa học Ứng dụng (M.D.) của trường Đại học Y khoa, Đại học Brown.
Tiến sỹ Edmund J. Malesky là Giáo sư Kinh tế Chính trị tại Đại học Duke, với những nghiên cứu tập trung vào kinh tế chính trị tại Việt Nam. Ông hiện là Giáo sư thỉnh giảng tại trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Singapore. Năm 2012, ông được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng huy chương vì những đóng góp cho sự phát triển kinh tế trong vai trò Trưởng nhóm nghiên cứu dự án “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam” (PCI), do Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.Ông là chuyên gia nổi tiếng về phát triển kinh tế, các thể chế chuyên chính, và kinh tế chính trị so sánh tại khu vực Đông Nam Á. Ông là tác giả của các bài báo trên những tạp chí hàng đầu về khoa học chính trị và kinh tế, bao gồm Tạp chí Khoa học Chính trị Mỹ (American Political Science Review), Tập san Chính trị (Journal of Politics), Tập san hàng quý về Khoa học Chính trị (Quarterly Journal of Political Science), Tập san Chính trị Anh (British Journal of Politics), Tập san Luật, Kinh tế và Tổ chức (Journal of Law, Economics, and Organization).
Tiến sỹ Malesky từng được nhận Học bổng Academy của Đại học Harvard (Harvard Academy Fellowship), Giải thưởng Gabriel Almond cho đề tài nghiên cứu xuất sắc nhất, Giải thưởng Bài báo xuất sắc nhất của Hiệp hội Kinh tế Chính trị Quốc tế, và Học bổng Rockefeller Bellagio (Rockefeller Bellagio Residency Fellowship).
Bà Nguyễn Phúc Anh Lan là quản lý các dự án đầu tư công nghệ thông tin tại Trung tâm nghiên cứu Ung thư MD Anderson, Đại học Texas từ năm 2002. Bà được bổ nhiệm lần đầu tiên vào Hội đồng quản trị của Quỹ Giáo dục Việt Nam năm 2012. Từ năm 1995 đến năm 2002, bà là Cố vấn chính về Công nghệ Thông tin và Quản lý dự án của Công ty Dịch vụ thông tin Metro/Tập đoàn Keane tại Houston, Texas.Bà giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hội Văn hóa và Khoa học Việt Nam từ năm 2005, và vào năm 1990, bà sáng lập Trung tâm Thanh niên Việt Nam tại Toronto. Năm 2011, bà được nhận Giải thưởng Nâng cao Quyền Lãnh đạo cho Phụ nữ của Quỹ vì sự phát triển phụ nữ Texas (Texas Women Empowerment Foundation). Bà Anh Lan tốt nghiệp bằng cử nhân và thạc sỹ chuyên ngành Khoa học Tin học tại trường Đại học Toronto, Canada.
Tiến sỹ Lynne A. McNamara, Giám đốc Điều hành Quỹ giáo dục Việt Nam đánh giá rất cao những đóng góp của Hội đồng Quản trị. “Hội đồng Quản trị Quỹ Giáo dục Việt Nam đã có những hướng dẫn, chỉ đạo quý báu cho các hoạt động và chương trình của chúng tôi. Các thành viên Hội đồng Quản trị có kinh nghiệm cũng như hiểu biết sâu sắc trong nhiều lĩnh vực nên đã đưa ra những đánh giá, nhận định có chiều sâu về mọi khía cạnh của hoạt động và tình hình tài chính. Tôi thực sự trân trọng nỗ lực và cam kết của họ đối với sứ mệnh và mục tiêu của Quỹ Giáo dục Việt Nam”.Quỹ Giáo dục Việt Nam được điều hành bởi Hội đồng Quản trị gồm 13 thành viên, trong đó có hai Thượng Nghị sỹ, hai Hạ Nghị sỹ, ba thành viên trong Chính phủ Hoa Kỳ và sáu thành viên khác do Tổng thống Hoa Kỳ chỉ định. Hội đồng Quản trị bổ nhiệm Giám đốc Điều hành với trách nhiệm quản lý các hoạt động của Quỹ thông qua hai văn phòng điều phối: Trụ sở chính ở Washington, D.C. và Văn phòng Đại diện tại Hà Nội, Việt Nam.
Quỹ Giáo dục Việt Nam là sáng kiến đặc biệt của Quốc hội Hoa Kỳ nhằm đưa Hoa Kỳ và Việt Nam xích lại gần nhau hơn thông qua trao đổi giáo dục tập trung vào các ngành khoa học, kỹ thuật, toán học, y tế, và công nghệ. Năm 2013 đánh dấu dịp kỷ niệm 10 năm hoạt động của Quỹ. Là hoạt động trọng tâm của Quỹ, tính đến thời điểm tháng 11 năm 2013, Chương trình Học bổng đã đưa 467 ứng viên sang học tập tại 92 trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ, trong đó phần lớn theo học chương trình tiến sỹ.Hai hoạt động chính khác của Quỹ là Chương trình Học giả, đưa công dân Việt Nam sang tham gia chương trình sau tiến sỹ tại Hoa Kỳ trong thời gian tối đa 12 tháng và Chương trình Giáo sư Hoa Kỳ giảng dạy tại Việt Nam, đưa giáo sư Hoa Kỳ sang Việt Nam giảng dạy từ một tới hai học kì thông qua hình thức dạy trực tuyến từ xa hoặc trực tiếp trên lớp. Nghiên cứu sinh và Học giả theo chương trình của VEF phải trở về Việt Nam sau khi hoàn thành khóa học tại Hoa Kỳ.