“Cứ theo đuổi đam mê và cống hiến vô vụ lợi, các bạn sẽ dần đạt được ước mơ của mình.” đấy là một trong bí quyết giúp Bùi Minh Triết may mắn thực hiện những công trình nghiên cứu cùng các giáo sư tại Harvard Medical School (HMS) và Stanford School of Medicine trong hè này.
Cùng sinhvienusa tìm hiểu những bí quyết để Triết có được những thành tích đáng nể này nhé!
Xin chào Triết, chúc mừng bạn đã vinh dự được hội đồng khoa học ở Khoa Hoá Sinh và Dược Lý Phân Tử ở Harvard Medical School (HMS) nhận vào dự án nghiên cứu đào tạo các nhà khoa học và bác sĩ trẻ của năm 2015. Bạn có thể chia sẻ bí quyết để có được cơ hội này?
Bí quyết đối với mình chỉ có hai. Thứ nhất là “Kiên trì và Nỗ Lực”. Nước Mỹ là một nơi có tính cạnh tranh rất khốc liệt mà du học sinh thì có vô vàn những bất lợi về cơ hội so với học sinh bản xứ. Những chính sách ưu đãi về nghiên cứu và cơ hội việc làm đối với du học sinh thì phải nói là ít hơn rất nhiều. Muốn thành công thì một du học sinh phải nỗ lực gấp 10 lần so với những bạn học sinh Mỹ thì mới có thể nắm bắt được cơ hội để bắt đầu theo đuổi giấc mơ của mình. Đôi khi mình phải hy sinh rất nhiều thời gian rãnh của bản thân, phải từ bỏ nhiều sở thích cá nhân (bóng đá, âm nhạc, dancing…) để kiên trì theo đuổi mục tiêu cuối cùng của mình.
Thứ hai là “Đam mê.” Nếu bạn không biết mình muốn làm gì và tại sao mình lại theo đuổi con đường mình đang chọn, thì có lẽ bạn đã đi sai con đường và rất khó có thể theo kịp những người đang đi trên con đường đó. Các bạn phải có định hướng rõ ràng kể từ khi bắt đầu đặt chân lên đất nước này, phải hoạch định kế hoạch tương lai của mình (6 tháng, 1 năm, 3 năm, 10 năm…), và tốt nhất là nên biết rõ là mình muốn làm gì sau khi tốt nghiệp để 4 năm đại học trôi qua một cách lãng phí.
Mỗi người chỉ có 24 giờ đồng hồ một ngày, và lựa chọn để làm những gì trong 24 giờ ấy sẽ quyết định sự thành công của người ấy. Và mình thì cũng đã có sự lựa chọn riêng của mình. Mình dành 24 giờ ấy để làm quen dần với cái khó khăn sự nghiệp nghiên cứu để có thể chuẩn bị cho bản thân mình đủ khả năng để hoàn thành giấc mơ mình ấp ủ kể từ khi đặt chân lên đất Mỹ. Nếu như các bạn không ngại để mình thổ lộ ước mơ của bản thân thì mình xin được viết vài dòng. Mình mong muốn tìm ra phương thức để ngăn ngừa quá trình di căn của ung thư, đặc biệt là đối với ung thư trẻ em. Nếu như Martin Luther King đã có một giấc mơ về một “thế giới đại đồng,” không phận biệt màu da sắc tộc của ông thì mình cũng có một giấc mơ cho riêng mình. Nơi giấc mơ ấy, mình thấy những tế bào khỏe mạnh hồi phục, sinh trưởng mạnh mẽ, chiến đấu chống lại những tế bào ung thư ác tính. Nơi giấc mơ ấy, mình sẽ thấy những nụ cười lại rạng rỡ trên khuôn mặt của bệnh nhân ung thư thời kì cuối, và thấy những giọt nước mắt hạnh phúc của những người thân bệnh nhân, của cha mẹ, con cái, vợ chồng họ… Cứ theo đuổi đam mê và cống hiến vô vụ lợi, các bạn sẽ dần đạt được ước mơ của mình.
Mình nghĩ ngoài thời gian nghiên cứu bạn cũng cần một ít thời gian cho những sở thích của bản thân cũng như các hoạt động cồng đồng. Bạn có thể chia sẻ thêm về điều này?
Mình hiện là phó chủ tịch (Vice-President) của hôi Hóa Học Danh Dự (Chemistry Honor Society) và đồng phó chủ tịch (Co-Vice President) của hội Sinh Học Danh Dự (Biology Honor Society) trường McDaniel. Nhiệm vụ chính của Vice President là mời những giáo sư hay những nhà nghiên cứu của các trường đại học hay viện nghiên cứu các nơi về trường để thuyết trình về các đề tài nghiên cứu nhằm nâng cao hiểu biết và đam mê các môn khoa học tự nhiên. Ngoài ra, mình cũng phải phối hợp với các giáo sư của trường để tạo ra một môi trường học tâp Hóa Học và Sinh Học năng đông hơn với các hoạt động như là trực tiếp thảo luận về những vấn đề khoa học nổi bật của năm chẳng hạn như Giải thưởng Nobel của các năm và ý nghĩa tầm cỡ của các nghiên cứu đoạt giải. Về hoạt động cộng đồng thì, hè năm 2014, mình có phối hợp với Shervin Etemad, một người bạn đồng nghiệp người Iran cùng làm nghiên cứu với mình tại Yale School of Medicine, để tổ chức một cuộc chạy bộ từ thiện dành cho các trường và các bệnh viện tại New Haven, nhằm gây quỹ và nâng cao ý thức cộng đồng về ung thư vú và ung thư cổ tử cung. Khi hoạt động gây quỹ kết thúc thì tụi mình cũng thu được một số tiền khá lớn và đã tặng cho quỹ ung thư của bệnh viện Yale-New Haven để làm quỹ nghiên cứu.
Nhiều bạn mong muốn được đi du học bằng học bổng nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo như tiếng anh, khả năng của bản thân… Theo bạn để có được học bổng mình cần trang bị những gì? Và những yếu tố nào giúp mình có tên trong danh sách cấp học bổng?
Ai cũng có nỗi lo cho riêng bản thân mình. Sẽ rất khó có thể tiến bộ nều bạn không đủ dũng cảm để chinh phục nỗi lo ấy. Tiếng Anh của bạn không giỏi, hãy đi học hoặc tự học lấy. Khả năng bạn không đủ, hãy tự trau dồi. Thế giới bên ngoài là một môi trường khốc liệt, nếu đủ ý chí và niềm tin, hãy mạnh dạn mà đi. Nếu vẫn cảm thấy sợ sệt thì mình khuyên bạn nên chấp nhận, đừng đi du học để rồi tạo gánh nặng kinh tế cho bản thân và gia đình. Ngoài những kĩ năng tiếng Anh như SAT > 2000, TOEFL > 90, khả năng viết essay tốt, hoạt động ngoại khóa, thì bản thân bạn chính là yếu tố giúp bạn gây ấn tượng cho các trường nhất. Có ước mơ to lớn, có kế hoạch rõ ràng, biết hoạch định tương lai. Thể hiện những điểm này trong essay của các bạn khi nộp đơn, trường đại học nào lại không muốn bạn là thành viên của họ. Nếu họ thích bạn, học bổng tự nhiên sẽ là của các bạn
Cảm ơn Triết về những chia sẻ thú vị đến độc giả của sinhvienusa!
Cùng xem bài viết Phỏng vấn chàng trai vừa nhận nghiên cứu tại Harvard Medical School tại đây
————————-
Các thành tích của Minh Triết trong lĩnh vực nghiên cứu:
Đã và đang tham gia vào 5 công trình nghiên cứu khoa học với giáo sư của các trường:
+ McDaniel College 2012: Nghiên cứu về amyloid fibril trong bệnh Alzheimer’s và Parkinson’s (với giáo sư Melanie Nilsson)
+ McDaniel College 2013: Nghiên cứu về tác dụng của “Chelating agents” [Ni(trenacac)(2-MeIm)]BPh4và [Co(trensal)(2-MeIm)]BPh4 trong chữa trị ung thư (với giáo sư Peter Craig)
+ Yale University, School of Medicine 2013-2014: Nghiên cứu về tiềm năng của Interferon-gamma inducible protein 10 (IP-10) trong chẩn đoán và điều trị ung thư buồng trứng và sinh non thiếu tháng (với giáo sư Michelle Silasi)
+ McDaniel College 2014-2015: Nghiên cứu về giải mã gen của ruồi giấm Drosophila và gen tương đồng của Drosophila với con người (với giáo sư Susan Parrish).
+ Harvard Medical School 2015: Nghiên cứu về tương tác thuốc với thụ thể G muscarinic α/β-adrenergic receptors và phương pháp “điều trị trúng đích” trong bệnh tim mạch và hen suyễn cấp (với giáo sư Andrew Kruse)
Các thành tích khác:
- – Báo cáo hội nghị khoa học ở University of Maryland, tháng 10 năm 2013.
– Báo cáo hội nghị khoa học ở Nhật Bản, hè 2013
- – Học bổng 4 năm tại McDaniel College.
– President’s List 2014-2015.
– Highest Honor Dean’s List 2012-2015 - – Một trong hai thành viên trẻ tuổi nhất của McDaniel College được kết nạp vào Phi Beta Kappa Society, hội học thuật danh giá và cổ nhất của nước Mỹ. (năm 2015)
(Trong số các thành viên có 17 tổng thống Mỹ, 38 nghị viện sĩ, và 136 nhà khoa học đat giải Nobel)
– Học sinh năm 3 duy nhất của trường được đề cử vào American Chemical Society (ACS), hội hóa học chuyên nghiệp lớn nhất của Mỹ và của thế giới tính đến nay. (năm 2015)
– Học bổng Harry Clary Jones cho học sinh xuất sắc nhất ngành hóa học của McDaniel College (năm 2015)
– Học bổng Elderdice cho học sinh giỏi từng năm của trường McDaniel College. (2013-2015)
Hạnh Nguyễn
——————————-
Hiện đang là Freelancer – Writer
Cộng tác với Sinhvienusa.org từ tháng 11/2014 cô đã có nhiều bài viết về chân dung các du học sinh xuất sắc đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hoa Kỳ.
“Tôi thích viết, dường như đó là một đam mê. Điều duy nhất bạn có thể để lại trước lúc ra đi chính là những câu chuyện kể về đời mình. Chính vì thế, tôi muốn được để lại đời càng nhiều bút tích của mình càng tốt ^^ – Một trong những câu nói yêu thích: Đừng bao giờ cố gắng trở thành người thành công mà hãy cố gắng trở thành người có nhiều giá trị hơn. – Albert Einstein”
Thông tin cá nhân của Hạnh Nguyễn:
– Facebook: https://www.facebook.com/nguyenthihong.hanh.7399
– Website: http://hnstory.com/