Mỗi năm Tết đến, xuân về là dịp để mọi người cùng tụ họp, sum vầy bên mâm cỗ gia đình thật hạnh phúc để thể hiện tình yêu thương của mình với những người mình yêu quý và ai nấy đều cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mỗi người.
Năm nay tôi đã 34 mùa xuân, cũng có nghĩa là đón được 34 cái tết. Mỗi cái tết đi qua đều để lại trong tôi nhiều kỷ niệm vui, buồn. Nhưng có lẽ cái tết làm tôi nhớ nhất, để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong đời tôi đến bây giờ đó là cái tết Canh Thìn năm 2000.
Cũng như nhiều đứa trẻ khác, mỗi khi tết đến là có dịp để khoe quần áo mới. Lũ trẻ xóm tôi đứa nào cũng có quần áo, giày dép mới và đẹp cả, nhất là được khoác trên mình chiếc áo bông trong những ngày giá lạnh cuối năm. Tôi thèm muốn và ước ao có được như chúng bạn. Tôi định nói với mẹ mua cho mình một chiếc áo bông như thế nhưng nghĩ lại hoàn cảnh của gia đình nghèo quá. Bố tôi đi xa bỏ lại mấy mẹ con tôi. Chỉ có mẹ vất vả tần tảo ngày đêm nuôi hai chị em tôi ăn học. Tôi thương mẹ tôi lắm.
Vả lại, trận lụt lịch sử năm 1999 đã tàn phá nặng nề nhà tôi. Ngôi nhà ngói vách đất đã bị thủng nhiều lỗ; lợn, gà, vịt đều chết hết. Đã thế, đêm 28 – 12 Âm lịch, kẻ trộm đã vào nhà lấy đi 20kg gạo. Số gạo đó mẹ tôi mua để ăn tết. Ôi thật là nghiệt ngã và đau khổ cho những kẻ nghèo khó như gia đình tôi. Nghĩ hoàn cảnh gia đình mình như vậy nên tôi không dám nói với mẹ mua áo mới. Mẹ rất hiểu và thương tôi, ôm tôi vào lòng an ủi “Thôi đừng buồn con ạ! Tết sang năm mẹ sẽ mua quần áo mới cho con để đi chơi cùng bạn”. Tôi rưng rưng nước mắt và thương mẹ biết bao.
Đêm giao thừa, bên bếp lửa nấu nồi bánh chưng sôi sùng sục, mẹ tôi đã khâu lại chiếc áo bông cũ đã sờn và mặc cho tôi. Một sự ấm áp bốc tỏa từ tình thương của mẹ mà tôi cảm nhận được. Tuy không còn mới nữa nhưng nó cũng giúp tôi chống chọi lại giá lạnh của đất trời.
Cũng trong cái tết năm đó, tôi còn nhớ một kỷ niệm buồn nữa, đó là tôi nhận được lá thư của chị gái tôi từ Sài Gòn gửi về cách đó vài ngày. Mở đầu lá thư chị viết: “Mẹ và em xa nhớ! Năm nay công ty của con gặp khó khăn về kinh tế nên con không về ăn tết với mẹ và em được…”. Tôi đọc thư cho mẹ nghe, cả hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở. Tôi thương chị gái tôi quá chừng, một mình ăn tết ở đất Sài Gòn chắc buồn và nhớ nhà lắm. Có lẽ chị gái tôi cũng có tâm trạng như vậy. Tôi cứ nhớ từ ngày 25 âm lịch trở đi, tôi lên bến xe thị xã để đón chị về, chị mua cho mẹ và tôi rất nhiều quà tết: nào là áo quần, bánh kẹo, mứt để ăn tết. Sáng ngày mồng Một, hai chị em tôi đến chùa để cầu may và hái lộc, sau đó đèo nhau về bà ngoại chơi để được mọi người lì xì… trông thật là vui. Thế mà năm ấy chị em tôi mỗi người mỗi ngã, đón một cái tết buồn hiu hắt.
Cùng với bao nhiêu mùa xuân của đất nước, cuộc sống của gia đình tôi cũng vượt qua những năm tháng gian khổ, nghèo khó ấy. Điều kì diệu ấy có lẽ chính là do tết đem lại, tết đem đến cho gia đình tôi một cuộc sống mới, một niềm tin mới, một sức mạnh mới để chúng tôi có thể cùng nhau vượt qua mọi khó khăn thử thách. Và tôi hiểu ra một điều, tết thực sự là một khởi đầu mới mẻ với mỗi người.
Mỗi lần tết đến, trong tôi lại trào dâng nhiều cảm xúc. Nhưng tôi cứ nhớ mãi cái tết năm ấy. Tôi thèm muốn được trở về bên mẹ ngồi nấu nồi bánh chưng đêm giao thừa, nghe mẹ kể chuyện ông Công ông Táo, sự tích cây nêu ngày tết; cùng với mẹ soạn đồ lễ cúng đêm giao thừa trong thời khắc giao thoa của trời đất…, một cảm giác kỳ lạ trong thời điểm năm mới mà tôi không thể nào quên được.
Người viết: Lê Thị Thu Thanh
Địa chỉ: Bích Khê – Triệu Long – Triệu phong – Quảng Trị
Email: thuthanhbk1010@yahoo.com.vn
Mobiel: 0977946558