Tháng 12 đến tự bao giờ, cơn mưa nhỏ trốn trong kẽ lá bỗng ào xuống mát lạnh, không phải cái lạnh se sắt hôm nào, nhưng cũng đủ làm tôi nhớ những ngày Đông năm xưa đến nao lòng. Mỗi cái tết đi qua, trong tôi lại trào dâng nhiều cảm xúc, để lại nhiều kỷ niệm vui, buồn. Nhưng có lẽ cái tết làm tôi nhớ nhất, để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong đời tôi cho đến bây giờ đó là cái tết năm 2000.
Tuổi thơ tôi gắn với những nhọc nhằn một nắng hai sương cùng mẹ. Ngày ấy tôi còn bé lắm khoảng ba tuổi thì bố tôi đã bỏ mẹ con tôi đi để theo người đàn bà khác. Có thể ông ấy muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó này và cũng có thể đi tìm tương lai cho mình lúc về già có con trai nối dõi vì mẹ tôi sinh hai chị em gái. Trong ký ức của tôi không có hình bóng ông ấy mà chỉ có mẹ thôi. Từ nhỏ đến khi lớn tôi chỉ biết trong vòng tay của mẹ, quấn quýt bên mẹ. Chỉ có mẹ tần tảo ngày đêm nuôi hai chị em tôi khôn lớn.
Tôi cứ nhớ cái dáng lam lũ của mẹ trên vườn rau khi hoàng hôn đã tím sẫm bầu trời. Thân hình gầy gò bàn tay rám nắng, chai sạn của gánh nặng cuộc sống đã làm mẹ già hơn trước tuổi. Nhìn sâu vào đôi mắt ấy tôi cảm nhận được nỗi vất vả mà mẹ phải trải qua, nhất là nỗi cô đơn của người phụ nữ không có chồng trong những ngày tết. Đó là điều sâu thẳm trong trái tim mà tôi cảm nhận được từ mẹ. Tôi thương mẹ tôi lắm.
Cũng như nhiều đứa trẻ khác rộn ràng chờ đợi ngày Tết đến để có dịp khoe quần áo mới. Lũ trẻ xóm tôi đứa nào cũng có quần áo, giày dép mới và đẹp cả, nhất là được khoác trên mình chiếc áo bông trong những ngày giá lạnh cuối năm. Tôi thèm muốn và ước ao có được như chúng bạn. Tôi định nói với mẹ mua cho mình một chiếc áo bông như thế nhưng nghĩ lại hoàn cảnh của gia đình mình nghèo quá nên tôi không dám nói. Mẹ rất hiểu và thương tôi, ôm tôi vào lòng an ủi “Thôi đừng buồn con ạ! mẹ sẽ mua quần áo mới cho con để đi chơi cùng bạn”. Tôi rưng rưng nước mắt và thương mẹ biết bao. Đêm đến, bên bếp lửa mẹ đã khâu lại chiếc áo bông cũ đã sờn và mặc cho tôi. Một sự ấm áp bốc tỏa từ tình thương của mẹ mà tôi cảm nhận được. Tuy không còn mới nữa nhưng nó cũng giúp tôi chống chọi lại giá lạnh của đất trời.
Vả lại, trận lụt lịch sử năm 1999 đã tàn phá nặng nề nhà tôi. Ngôi nhà ngói vách đất đã bị thủng nhiều lỗ, bao nhiêu gia súc gia cầm chết hết, hoa màu cũng bị hư hại. Sau trận lụt, từng lớp bùn màu nâu đặc quánh trôi ra vườn kết đọng lại, nhờ lớp bùn non ấy những mầm cây chui từ rơm rạ ẩm ướt mọc lên, thường là cải, ớt, cà chua.Vườn rau nhà tôi nhờ thế mà xanh mơn mởn, là nguồn thu nhập quan trọng bù đắp những thiệt hại sau lụt.
Mỗi luống rau chứa đựng biết bao công lao của mẹ, hết bón phân rồi vun xới, tưới nước, bó từng bó rau xếp ngay ngắn vào đôi quang gánh để mai đi chợ sớm giữa cái lạnh của đất trời.
Tôi thương mẹ quá chừng, tôi nói “ Để con chở một ít rau bằng xe đạp”. “ Thôi con ở nhà dọn dẹp nhà cửa đi” mẹ đáp. Nghe vậy chứ tôi lo lắng cho mẹ lắm, tôi đạp xe lên chợ thị xã Quảng Trị, đến góc chợ mẹ thường hay ngồi. Thấy người mua rất đông, mẹ bán không kịp tôi nhanh chân đến phụ giúp mẹ bán. Có người thương tình không lấy lại số tiền dư một đến hai ngàn đồng, nhưng mẹ nhất quyết phải trả lại cho khách. Chẳng mấy chốc mà gánh rau của mẹ bán hết. Tôi nghiệm ra rằng gần đến ngày 30 tháng Chạp, nhà giàu họ mua rau nhiều lắm cất trong tủ lạnh ăn dần mấy ngày tết, vì ngày mồng 4 Tết chợ mới hoạt động lại bình thường.
Ngày hôm đó mẹ con tôi rất vui vì bán được nhiều tiền gấp đôi mọi ngày. Tôi thu dọn đôi quang gánh của mẹ để chuẩn bị về, bổng mẹ nói “con đi đây với mẹ”. “ Đi đâu hả mẹ?”, “ Đi rồi sẽ biết”. Thì ra mẹ dẫn tôi đến quầy bán áo quần trên tầng hai của chợ. Không khí mọi người đi mua sắm thật náo nhiệt. Áo quần đủ màu sắc, đủ kiểu trông thật thích mắt. Mẹ dẫn tôi đi một vòng khắp các quầy hàng nhưng vẫn chưa mua được cái nào cả. Bởi vì hầu như cái nào cũng giá tiền trên trăm ngàn, trong lúc ngày hôm đó mẹ bán rau tất cả chỉ được hơn 50 ngàn. Tôi bảo với mẹ “Thôi về đi mẹ, con mặc cái áo bông cũ được rồi”. Thoáng nhìn khuôn mặt mẹ buồn chắc mẹ thương con lắm, không muốn con thiệt thòi và thua kém chúng bạn nên mẹ quyết định mua chiếc áo ấm màu đỏ mà tôi đã thích, bên tai tôi còn nghe mẹ nói với cô bán hàng ngày mai mẹ gửi số tiền còn lại.
Thế là cuối cùng tôi cũng có chiếc áo mới để tung tăng khoe cùng bạn bè. Ánh mắt mẹ cũng rạng rỡ niềm vui. Hạnh phúc lắm, háo hức lắm khi tôi được khoác lên mình chiếc áo mới ấy mang theo những chắt chiu, nhọc nhằn và yêu thương của mẹ.
Chỉ thế thôi khiến tôi nhận ra rằng hạnh phúc đôi khi thật giản đơn không đơn thuần chỉ là những món quà đắt tiền, to tát mà hạnh phúc là từ sự thương yêu, ấm áp mà mẹ giành cho con. Và con đã nâng niu, trân trọng chiếc áo mẹ mua ngày nào, mang theo trọn cả những tình thương tần tảo một đời vì chúng con. Tôi mãi khắc sâu vào trái tim mình những hơi ấm và tình yêu thương của mẹ trọn cả đời này “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, Đừng để buồn trên mắt mẹ nghe không”.
Trong nguồn cảm xúc trào dâng nhớ về mùa xuân cũ tôi đã làm bài thơ này để tặng mẹ kính yêu.
BÀI THƠ: MẸ HIỀN ƠI!
Gió vẫn gào, mưa vẫn rơi
Con vẫn ngồi đây, xứ sở quê người
Thả hồn theo từng đợt nưa rơi
Giờ này nơi quê nghèo chốn cũ
Mẹ lạnh không trong chiếc áo bạc sờn
Mẹ làm chi bên bếp lửa chiều hôm
Con như thấy bóng mẹ già tất bật
Chắt chiu từng giấc ngủ, miếng cơm
Để chúng con được lớn khôn bằng người
Nhớ lắm mẹ ơi! con nhớ lắm
Mái tranh nghèo có bóng mẹ thương
Con nay không bố chẳng còn cha
Chỉ còn chút tình thương của mẹ
Con e sợ ngày con về quê cũ
Vắng bóng mẹ già bên bếp lửa đang khơi
Thương số phận con mẹ gắng giữ gìn
Chút sức khỏe còn lại tuổi già mẹ nhé.
———–
Người viết: Lê Thị Thu Thanh
Địa chỉ : Bích Khê- Triệu Long- Triệu Phong- Quảng Trị-Việt Nam
Email: thuthanhbk1010@yahoo.com.vn
Mobiel: 0977946558