Chúng ta rời khỏi nhà để theo đuổi giấc mơ của mình, nhưng đến khi được sải cánh bôn ba những miền đất mới, lại ngậm ngùi nhận ra trở về nhà đã thành một giấc mơ.
Đối với phần lớn du học sinh, có hai từ chỉ cần nhắc đến đã có thể khiến các bạn thở dài đầy ngao ngán. Từ thứ nhất là máy bay, và từ thứ hai, là Tết.
Tết và du học sinh, du học sinh và Tết. Hai chủ đề kị nhau từ muôn thuở, như thịt chó với nước chè, nhưng cứ luôn bị đặt cạnh nhau trong một mối nhân duyên bất đắc dĩ.
Vì có là du học sinh, có thông thạo ba ngoại ngữ, bôn ba bốn phương trời, thì vẫn là người Việt Nam, năm hết Tết đến ai cũng phải đối diện với búa rìu những câu hỏi như những nhát dao vô tình: “Thế Tết con/cháu/ấy có nhớ nhà không?”
Nhớ. Nhớ chứ. Tôi nhớ cành đào ngày Tết của bố, nhớ nồi canh măng của mẹ, nhớ nhạc Trịnh, trà nhài, Gặp nhau cuối năm, đi chùa, bao lì xì, trẻ con diện quần áo mới, nem rán, thịt đông, xin chữ thầy đồ.
Tôi nhớ đường phố Hà Nội vắng tanh đầy e ấp gió đông mơn trớn lạnh tê tái, nhớ bát phở nóng hổi xực mùi tỏi ớt chanh. Mỗi ngàycuối năm, chữ Tết lại xộc thẳng vào những miền kí ức thân thiết ấy, thả tự do những mùi vị, màu sắc, như một lời nhắc nhớ quặn lòng rằng Tết này, tôi, chúng tôi, không về nhà.
Chúng ta rời khỏi nhà để theo đuổi giấc mơ của mình, nhưng đến khi được sải cánh bôn ba những miền đất mới, lại ngậm ngùi nhận ra trở về nhà đã thành một giấc mơ.
Tết luôn là khoảng thời gian khó khăn nhất trong năm với những đứa con xa nhà, khi khoảng cách địa lý chiến thắng mọi tiến bộ công nghệ, mọi điều kỳ thú hấp dẫn nơi đất khách quê người. Với tôi, Tết là lúc tôi ý thức rõ nhất hai chữ Việt Nam trên hộ chiếu của mình, thấy như có một sợi dây vô hình gắn kết mỗi người con Việt trên mọi ngóc ngách.
Tết xa nhà không dễ, nhưng tôi nghĩ, tuổi trẻ ai cũng nên có một cái Tết xa nhà. Với tôi, tuổi trẻ là để đi, để ngã, để đứng dậy. Giữa một thời buổi chuộng ngoại, một thời đại của chém tiếng Anh, của văn hoá ngoại thống trị như hiện nay, ai cũng nên có cơ hội để nhìn lại và trân trọng cội nguồn gốc rễ của mình.
Cái Tết xa nhà thứ hai, tôi sẽ ở một đất nước mới, nói một thứ tiếng mới, tìm hiểu một nền văn hoá mới. Nhìn ra thế giới to lớn, cũng là để nhìn lại chính mình bé nhỏ. Tết là ở trong tâm, gia đình, cội nguồn đều ở trong tâm. Với tôi, gia đình, quê hương luôn là ngọn hải đăng, giúp tôi định hướng quay trở về sau những chuyến đi biền biệt.
Tết Ất Mùi, chúc cho mọi người tìm được sự bình an trong tâm giữa xô bồ bon chen thường nhật. Chúc cho những đứa con xa nhà ngày càng cứng cáp, tiếp tục khám phá những vùng đất, những tiềm năng mới.
Chúc cho mọi người con đất Việt năm mới “canh tân đổi mới”, nhưng vẫn giữ trọn cội nguồn của mình.
Theo Dân Trí
Xem bài gốc tại đây