Mặc dù Luật Cải tổ Di trú chưa được quốc hội thông qua nhưng 2014 vẫn là một năm diễn ra những sự kiện di trú rất đáng quan tâm tại Mỹ. Là nền kinh tế số một thế giới, cũng là quốc gia đứng đầu về di trú, thay đổi lớn về chính sách di trú và nhập cảnh của Hoa kỳ không những có ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình kinh tế và chính trị nội địa mà còn tác động đến quan hệ quốc tế và kinh tế đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Các con số thống kê di trú chính xác của năm 2014 sẽ được công bố vào khoảng giữa năm, nhưng theo dự đoán năm 2014 Mỹ cấp khoảng 1 triệu thẻ định cư mới (thẻ xanh), một con số tương đối cố định trong khoảng gần 10 năm nay, trong đó người Mexico, Trung quốc, và Ấn độ là ba nhóm dẫn đầu. Hai lý do chính khiến số người nhận thẻ xanh hàng năm đi vào ổn định là do các dự luật về tăng cường nhập khẩu chuyên viên công nghệ cao (chương trình visa H1B) và hợp pháp hóa người nhập cư bất hợp pháp đều không nhích được bước nào trong nghị trình của quốc hội liên bang. Cùng với những dấu hiệu phục hồi kinh tế khả quan, số người nhập cư bất hợp pháp cũng tăng theo, dự đoán tăng khoảng 16% so với năm ngoái.
Với cộng đồng người Việt, năm 2014 có những con số đáng chú ý. Người Việt tiếp tục đứng thứ 5 trong số công dân Mỹ sinh ở nước ngoài, khoảng trên 1,2 triệu, sau Mexico, Trung quốc, Ân độ, và Philippines. Trong năm có 24,286 người Việt vào Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình trong đó có 2448 thuộc diện vợ/chồng, 3,049 là cha hoặc mẹ của công dân Mỹ trên 21 tuổi, và 18,789 thuộc các diện khác trong gia đình. 459 người Việt nhập cư vào Mỹ theo các diện lao động cao cấp (chủ yếu từ hai chương trình visa H1B và L1). Đến tháng 7/2014 đang có 19,279 sinh viên Việt nam đang học tập ở Mỹ, giảm 7% so với năm ngoái. Tuy nhiên Việt nam vẫn đứng thứ 8 về số sinh viên du học tại Mỹ (visa F1 và J1). Sau 6 năm bị đình hoãn, Hoa kỳ cho phép nối lại chương trình nhận con nuôi Việt nam cho trẻ trên 5 tuổi, trẻ cùng cha mẹ, và trẻ cần chăm sóc đặc biệt. Tỷ lệ người Việt được cấp visa B (du lịch/hội thảo) đạt mức cao nhất trong lịch sử, chỉ có 14.3% số người phỏng vấn bị trượt, thấp hơn cả Singapore, nước có tỷ lệ trượt 16.6%.
Cũng liên quan đến Việt nam, lần đầu tiên người Việt nằm trong nhóm di dân dẫn đầu vào Mỹ theo diện đầu tư, chỉ đứng sau Trung quốc/Đài loan, Hàn quốc và Mexico. Chương trình di dân đầu tư có tên EB5 cho phép tối đa 10,000 hồ sơ mỗi năm. EB5 được ví như chương trình di dân dành riêng cho Trung quốc vì hàng năm có tới trên 9,000 hồ sơ từ Trung hoa Lục địa và Đài loan. Vốn đầu tư tối thiểu của di dân EB5 là 500 nghìn đôla vào các vùng đang có tỷ lệ thất nghiệp cao, và 1 triệu đô la ở ngoài các khu vực đó. Ngoài ra, gói đầu tư phải tạo được hoặc duy trì tối thiểu 10 việc làm ở địa phương. Năm 2014 Việt nam có 121 nhà đầu tư và gia đình nhập cư vào Mỹ theo diện này.
Mặc dù di trú là trách nhiệm của chính phủ liên bang, luật lệ và chính sách xã hội ở mỗi tiểu bang có thể ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người di trú. Hiện đã có 17 tiểu bang thông qua luật Giấc Mơ cho phép trẻ em nhập cư bất hợp pháp đã hoàn thành trung học ở Mỹ được phép học đại học với mức học phí bằng với công dân; và 12 tiểu bang cấp bằng lái xe cho người nhập cư không có giấy tờ. Năm 2014 quốc hội Illinois thông qua luật tài trợ ghép tạng miễn phí cho người nhập cư bất hợp pháp với chi phí lên tới 70 nghìn đôla mỗi ca.
Nhìn chung, luật và chính sách ở cấp tiểu bang ngày càng cởi mở hơn với người nhập cư bất hợp pháp, hiện có khoảng trên 15 triệu người. Ở cấp liên bang, tuy Dự Luật Cải tổ Di trú vẫn bị đình trệ ở quốc hội những bước tiến hành pháp quyết đoán về di trú của tổng thống Obama được coi là đỉnh điểm về thay đổi chính sách di trú trong năm 2014. Cụ thể, tổng thống Obama đã khởi động một chương trình mới có tên “Hành động Trì hoãn với Cha Mẹ của Công dân và Thường trú nhân” cho phép khoảng 5 triệu người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ trước năm 2010 có con là công dân hoặc thường trú nhân Mỹ được tạm trú và được cấp giấy phép lao động trong 3 năm. Đồng thời, ông mở rộng một chương trình có sẵn, cho phép bất kỳ ai đến Mỹ bất hợp pháp trước 16 tuổi, tính từ ngày 1/1/2010, cũng được phép tạm trú và có giấy phép lao động trong 3 năm.
Đây là những hành động rất cương quyết mới nhất của Obama trong một chuỗi các nỗ lực nhằm thực hiện lời hứa của ông trong cả hai kỳ tranh cử tổng thống năm 2008 và 2012 giải quyết tình trạng cư trú không rõ ràng của khoảng trên 15 triệu người nhập cư bất hợp pháp, mà đa phần là dân nhập cư lậu đến từ Mexico. Cử tri Mỹ gốc Mexico đã nhanh chóng biểu hiện sự ủng hộ một chính sách gần như là ưu đãi đặc biệt dành riêng cho họ. Kết quả điều tra của Latino Decisions cho biết khoảng 90% cử tri gốc La tinh ủng hộ quyết định của vị tổng thống Dân chủ và 80% cho rằng đảng Cộng hòa sẽ phạm sai lầm nếu họ phản đối chính sách này. Tuy nhiên, một điều tra khác của PEW cho thấy đa số dân Mỹ da trắng, khoảng 62%, phản đối quyết định hành pháp về di trú của nhà trắng.
Quyết định hành pháp của tổng thống, khác với các bộ luật thông qua bởi quốc hội, chỉ có thời hạn hiệu lực giới hạn trong nhiệm kỳ của tổng thống đương nhiệm và sẽ hết tác dụng nếu như không được tổng thống tiếp theo gia hạn. Tuy nhiên, ông Obama đã tuyên bố trên truyền hình, để làm an lòng giới cử tri gốc La tinh, rằng tổng thống mới và quốc hội mới rất khó có thể đảo ngược quyết định của ông vì sẽ phải hứng chịu hậu quả chính trị nặng nề. Cử tri Mỹ gốc La tinh từ khoảng 10 năm nay đã thay thế người Mỹ da đen trở thành nhóm dân thiểu số đông đảo nhất và chiếm khoảng trên 11% trong tổng số cử tri Mỹ. Không một ai có thể đám ngừng lại một chương trình tạm cư và giấp phép lao động ảnh hưởng đến ít nhất 5 triệu người và gia đình của họ.
Kỳ bầu cử tổng thống năm 2012 và kỳ cầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ năm 2014 cho thấy cử tri gốc La-tinh là một phần rất quan trọng trong thành công hay thất bại của Đảng Dân chủ. Theo thống kê của Pew Research, cử tri gốc La-tinh bầu cho Obama với tỷ lệ 71% vào năm 2012, khi ông thắng cử, và giảm xuống tỷ lệ 62% vào năm 2014 khi phe Dân chủ mất cả lưỡng viện tại quốc hội. Tuy vẫn chiếm một đa số áp đảo trong tổng số phiếu của người Mỹ La tinh, đảng Dân chủ hoàn toàn không muốn sự suy giảm trong năm 2014 trở thành một xu thế. Là công cụ chính trị mà đảng Dân chủ thường nắm tay trên, nới lỏng chính sách nhập cư sẽ làm thỏa lòng nhóm cử tri La tinh, khối dân thiểu số đang tăng trưởng nhanh chóng nhất hiện nay. Nước Mỹ đang trải qua những thay đổi to lớn và nhanh chóng cả về thành phần dân số và thái độ với người thiểu số. Một báo cáo của Cục Điều tra Dân số Hoa kỳ cho thấy kể từ năm 2011 số trẻ em da trắng sinh ra trong năm đã bắt đầu ít hơn số trẻ em mới sinh từ các cộng đồng thiểu số.
Theo điều tra của Pew Research, mặc dù khoảng 51% dân Mỹ phản đối quyết định hành pháp đang được bàn tới của tổng Obama nhưng trên 70% muốn người nhập cư bất hợp pháp được ở lại Mỹ. Thái độ đang thay đổi của công chúng Mỹ được thể hiện qua ngôn ngữ hàng ngày. Cụm từ “nhập cư chưa có giấy tờ” ngày càng được dùng thường xuyên hơn “nhập cư bất hợp pháp”. Đã đến lúc phe Cộng hòa phải có những thay đổi thiết thực về di trú trước khi họ trở nên quá lỗi thời. Cùng với những dấu hiệu tốt đẹp của quá trình phục hồi kinh tế sau kỳ khủng hoảng, năm 2014 đánh dấu mức kỷ lục số hồ sơ đăng ký visa xin việc làm theo diện H1B.
Chương trình visa H1B cho phép 65,000 hồ sơ mỗi năm cấp cho người nước ngoài có bằng đại học làm việc trong các vị trí đòi hỏi kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm. Ngoài ra, những sinh viên nước ngoài tốt nghiệp bằng cao học và tiến sỹ tại Mỹ được cấp riêng 20,000 visa H1B mỗi năm. Ngay trong tuần đầu nhận hồ sơ H1B, Sở Di trú đã nhận được số hồ khoảng gấp đôi so với quota hàng năm buộc họ phải quay xổ số. Rất nhiều chuyên viên và sinh viên nước ngoài đã phải tiếc nuối vì không được cấp visa vào Mỹ làm việc mặc dù đã qua hết các vòng tuyển dụng và được công ty Mỹ bảo trợ hồ sơ việc làm. Quốc hội mới của Mỹ vừa bắt đầu làm việc trong tuần đầu tháng 1/2015.
Một trong những mục tiêu lớn của các dân biểu cả hai đảng trong nhiệm kỳ này là cải tổ Luật Di trú. Hai mấu chốt quan trọng của cải tổ di trú là vạch ra tiến trình hợp pháp hóa khoảng 15 triệu người nhập cư bất hợp pháp, và phát triển những chương trình visa và nhập cư dành cho chuyên viên quốc tế và những sinh viên du học có bằng cao học và tiến sỹ về công nghệ. Việc đảng Cộng hòa đang nắm đa số ghế tại cả lưỡng viện sẽ ép tổng thống Obama và phe Dân chủ phải nhượng bộ về visa nhập cư công nghệ, nhưng mặt khác sức ép chính trị ngày càng lớn của cử tri thiểu số cũng bắt phe Cộng hòa phải có những bước tiến thiết thực hơn trong vấn đề người nhập cư không có giấy tờ.
Theo Đinh Công Bằng
Xem bài gốc tại đây