
Trong tất cả các nền giáo dục thế giới thì Mỹ là xứ sở tiên phong với hệ thống giáo dục liberal arts (tạm dịch: giáo dục tổng quan–bao quát tất cả các môn học thường thức), mà không phải là hệ thống giáo dục chuyên sâu vào 1 ngành, nghề như ở Châu Âu trước đây. Do vậy, nền giáo dục Mỹ ở cấp độ cử nhân mang nhiều sứ mệnh sâu sắc hơn so với mục tiêu hướng nghiệp đơn thuần.
Thứ nhất, về học vị, theo kinh nghiệm từng làm thực tập tại một công ty consulting của tôi thì nhà tuyển dụng luôn chú trọng cả hai khía cạnh là fit (phù hợp) và specialization (chuyên môn). Việc một sinh viên tốt nghiệp cử nhân ở đâu thường là điều kiện cơ bản để nhà tuyển dụng đánh giá mức độ “fit” của sinh viên đó. Ví dụ, đối với các công việc về hai ngành “cao giá” nhất của Mỹ là business consulting và big laws, trừ khi bạn cầm một bằng MBA ở M7 (nhóm 7 trường kinh doanh danh giá nhất) hay JD ở T14 (nhóm 14 trường luật danh giá nhất) thì khả năng bạn được nhận làm việc mà không có bằng cử nhân ở Mỹ là khá thấp. Ngay cả khi bạn thuộc nhóm M7 hay T14, những người từng học cử nhân tại Mỹ vẫn luôn được ưu tiên. Tại sao? Đó là vì người tuyển dụng lo lắng bạn không thể hòa nhập vào văn hóa và tri thức của công ty họ.
Về phương diện sư phạm, hệ thống giáo dục liberal arts của Mỹ xây dựng trên quan điểm hòa hợp các tri thức căn bản. Như đã nói, không giống như những hệ thống chuyên môn khi mà sinh viên mỗi ngành học riêng một giáo trình, hệ thống giáo dục hệ đại học ở Mỹ bao gồm 1 curriculum chung của trường mà sinh viên ngành Y, Kỹ Sư, Chính Trị, Nghệ Thuật đều có thể chọn lớp để học chung với nhau. Giáo dục đại học ở Mỹ không ngừng lại ở việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp và cấp một tấm bằng. Nó mang tính nhân bản và hoàn thành sự phát triển tâm lý của con người. Theo quan điểm của tôi, việc bắt đầu du học từ bậc cử nhân, ngay khi chưa có khái niệm cụ thể về nghề nghiệp, là một điều nên làm. Đại đa số người Mỹ thay đổi môn học trong chương trình cử nhân và điều này là hữu ích do họ đã được thực sự tiếp xúc nhiều bộ môn khác nhau trong 1-2 năm học đầu tiên. Về chi phí, giáo dục bậc cử nhân tại Mỹ cho học bổng rộng rãi hơn nhiều. Cơ hội của bạn để tìm được học bổng hệ cử nhân tại Mỹ là khá tốt so với bậc Thạc Sĩ. Dù rằng bạn chắc chắn phải bỏ thêm tiền để học 4 năm cử nhân, giá trị kinh tế của số tiền học phí này là rất cao nếu trừ đi số học bổng mà bạn sẽ nhận. Ví dụ: một trường tư có học phí $50,000 năm rất thường cấp học bổng từ 50% đến toàn bộ học phí, và sắp xếp việc làm thêm, cho các sinh viên từ nước nghèo. Cơ hội để việc này xảy ra ở bậc Thạc Sĩ là khó hơn nhiều.
Về phương diện hình thành nhân cách và những khó khăn hội nhập khi du học ở tuổi 18, theo tôi đây là một trải nghiệm thú vị. Về lý thuyết thì độ tuổi 16-24 là độ tuổi định hình nhân cách lớn nhất. Do vậy, đối với một người muốn thực sự trở thành một công dân toàn cầu và hiểu thấu nhân sinh quan của những nước phát triển thì việc du học từ 18t, thậm chí là từ 16t, là rất nên làm. Nếu du học ở 22t, bạn sẽ ít có thời gian và phương tiện hơn để hòa nhập thực sự vào thế giới của người bản xứ. Có bao nhiêu bạn học Thạc Sĩ tại Mỹ mà đã có cơ hội thảo luận về Aristotle, Socrates, Freud, Adam Smith, Jared Diamond một cách thấu đáo và có tổ chức với những bạn Mỹ của mình? Khác biệt văn hóa và quá trình khó khăn để hòa nhập là một phần tất yếu của thế giới toàn cầu hóa hiện đại. Có bao nhiêu bạn học Thạc Sĩ từng “ăn dầm nằm dề” ở các Frats và Soros (hội kín sinh viên) để hiểu cách người Mỹ trở thành “cạ cứng” với nhau? Có bao nhiêu bạn du học Thạc Sĩ có đủ thời gian rảnh rỗi mà tham gia các khóa học film appreciation, dancing, các hoạt động ngoại khóa khác? Tôi cho là rất ít. Đây là các cơ hội chủ yếu dành riêng cho bậc cử nhân, nơi mà chương trình sư phạm được thiết kế chú trọng bồi dưỡng văn hóa thường thức.
Về việc tuyển sinh vào chương trình Thạc Sĩ, theo tôi thì cần phải cẩn trọng hơn. Việc đặt mục tiêu “bản CV hấp dẫn và một môi trường học tập không nhiều thử thách” (trích “Tại Sao Nên Đi Du Học Ở Tuổi 22 Thay Vì 18?”) là một chiến thuật ngắn hạn tốt nhưng chưa hẳn đã có lợi ích lâu dài. Nếu mục tiêu của bạn là biểu hiện ra sự giỏi giang trong điều kiện hạn chế về nhiều mặt, thì chiến thuật trên sẽ rất hữu hiệu. Ngược lại, nếu mục tiêu của bạn là tận dụng điều kiện thuận lợi sẵn có để trở nên giỏi giang, thì việc bỏ ra tiền bạc công sức để cạnh tranh ở một môi trường gay gắt là điều cần thiết và hữu ích hơn. Với kinh nghiệm từng làm việc tuyển sinh quốc tế tại một trường đại học Mỹ của tôi, thì đa số các trường Mỹ sử dụng phương pháp đánh giá nhiều mặt (holistic review) các ứng viên; không chỉ điểm số mà trường học và tính cách cá nhân (biểu hiện qua CV và bằng cấp) cũng được cân nhắc. Hơn nữa, việc xét tuyển đầu vào và học bổng ở cấp độ Thạc Sĩ ở đa số các trường tại Mỹ diễn ra tại cấp độ khoa (department level) và người đưa ra quyết định thường là các giáo sư trong khoa. Với việc giới giáo sư tại nước Mỹ vẫn do người bản địa hoặc người có gốc phương Tây chiếm đa số, các sinh viên từng học cử nhân tại Mỹ vẫn được ưu ái hơn vì đa số các giáo sư tin rằng nền giáo dục bản xứ chuẩn bị tốt hơn cho sinh viên tiến vào cao học. Do vậy sinh viên học cử nhân ngoài Mỹ thường bị yêu cầu phải dùng dịch vụ kiểm đinh WES cho các bắng cấp của mình và đôi khi bị yêu cầu phỏng vấn. Một điểm khác nữa là hầu hết các trường tại Mỹ đều yêu cầu thư giới thiệu (letter of recommendation) và kinh nghiệm nghiên cứu (nếu học Thạc Sĩ thiên về nghiên cứu), đây là những yếu tốt mà sinh viên tốt nghiệp trong nước khó có thể chu toàn.
Ở phía còn lại, sinh viên tốt nghiệp trong nước có lợi thế lớn khi xin các học bổng chính phủ và nhà nước. Khác với học bổng của trường thường không kèm điều khoản nào, các học bổng tổ chức/chính phủ thường có ràng buộc điều kiện làm việc sau khi tốt nghiệp (ví dụ như phải làm việc tại một tổ chức từ thiện hoặc tại quê hương). Đây là một điều quan trọng khác cần cân nhắc.
Tóm lại, hai lựa chọn du học từ năm 18t (hay 16t) cho trình độ cử nhân (hay phổ thông) và thạc sĩ đều có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Nếu bạn là một người muốn được đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp và có xu hướng trở về nước làm việc trong môi trường văn hóa Việt Nam thì việc du học ở bậc cử nhận thật sự có phần lãng phí. Ngoài ra, nếu bạn có tham vọng học lên PhD thì việc học cử nhân trong nước sau đó học thạc sĩ tại Mỹ cũng là một lựa chọn không tệ. Ở một góc cạnh khác, nếu bạn xác định sẽ theo học Thạc Sĩ/ Luật Sư những ngành rất đắt tiền và khó có học bổng như MBA hay JD thì việc học cử nhân trong nước để tiết kiệm học phí về sau (và để dễ có kinh nghiệm làm việc tại công ty lớn trong nước) có thể cũng cần thiết. Tuy nhiên, nếu bạn thật sự muốn trải nghiệm một cuộc sống hòa nhập về sự nghiệp cũng như văn hóa. Hoặc bạn muốn hoạt động trong các lĩnh vực như kinh doanh và luật và sẵn sàng đầu tư tài chính cũng như thời gian để đạt hiệu quả cao nhất, thì việc theo học cử nhân tại Mỹ là một sự đầu tư khôn ngoan.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng việc theo học cử nhân tại Mỹ là một trải nghiệm đa chiều về cả văn hóa lẫn kinh tế. Việc đánh giá thấp cấp học cử nhân tại Mỹ xét theo quan điểm kinh tế hướng nghiệp phiến diện không thể phân tích được đúng đắn cái lợi của cấp học này. Bài viết này được viết nhằm phản hồi lại quan điểm trong bài “Tại Sao Nên Đi Du Học Ở Tuổi 22 Thay Vì 18?”—nơi mà những ưu điểm của du học Thạc Sĩ đã được tác giả làm rõ. Do vậy trong bài này tôi chủ yếu đề cập đến điểm mạnh của việc thụ hưởng giáo dục cử nhân tại Mỹ. Tuy nhiên tôi hoàn toàn đồng tình rằng chỉ du học tại bậc Thạc Sĩ cũng là một lựa chọn tốt. Tùy theo mục tiêu và trải nghiệm của học sinh, du học từ sớm hay trễ hơn, ở trình độ cao học, đều có thể là một lựa chọn đúng đắn.
Du học từ bậc cử nhân (sau đó học tiếp lên thạc sĩ) | Du học từ bậc thạc sĩ (trước đó đã hoàn thành cử nhân trong nước) |
– Chi phí cao nhưng cơ hội nhận được học bổng lớn hơn | – Chi phí thấp hơn nhưng ít cơ hội nhận được học bổng hơn |
– Học bổng thường không ràng buộc | – Học bổng thường bị ràng buộc |
– Có điều kiện thuận lợi hơn để tham gia nghiên cứu và học thuật nhưng ít thời gian hơn để học và đạt điểm cao nhất | – Có nhiều thời gian hơn để tham gia ngoại khóa và học nhằm đạt điểm cao nhưng ít có cơ hội tham gia nghiên cứu và học thuật |
– Có nhiều cơ hội để hòa nhập văn hóa và sự nghiệp ở Mỹ | – Có nhiều cơ hội để nghiên cứu thị trường Việt Nam |
– Có điều kiện trải nghiệm nhiều lĩnh vực học thuật khác nhau trước khi quyết định | – Định hình chuẩn xác lĩnh vực học thuật ngay từ đầu, tiết kiệm thời gian và công sức |
– Khả năng hòa nhập của một người 18t chắc chắn sẽ cao hơn | – Bản lĩnh của một người 22 tuổi chắc chắn sẽ dày dặn hơn |
– Khó khăn khi đi xin thực tập và có khả năng không xin được một vị trí thực tập sinh tốt | – Không khó khăn nhiều khi đi xin thực tập (trong nước) và có nhiều chuyện để kể trong CV |
– Bản CV tiêu chuẩn theo kiểu Mỹ, có thể không quá nổi bật nhưng được hầu hết hội đồng tuyển sinh tin cậy vì đã trui rèn trong môi trường học tập nhiều thử thách | – Bản CV hấp dẫn (nếu hội đồng tuyển sinh tin tưởng) và một môi trường học tập không nhiều thử thách |
– Học vị Thạc Sĩ và am hiểu tương đối về văn hóa cả Mỹ lẫn VN | – Học vị Thạc Sĩ và hiểu sơ về văn hóa Mỹ, rất am hiểu văn hóa VN |
– Khả năng xin việc tại Mỹ: cao
– Khả năng xin việc tại VN: cao |
– Khả năng xin việc tại Mỹ: hơi thấp
– Khả năng xin việc tại VN: rất cao |
——————————
Background người viết:
Trung Trần đã sinh sống ở Âu Châu và Mỹ từ năm 2005. Tác giả tốt nghiệp cử nhân tại University of Pennsylvania, Thạc Sĩ Giáo Dục tại Harvard University, hiện đang hoàn tất chương trình Thạc Sĩ Quản Trị Kinh Doanh tại Indiana University và sắp tới sẽ là nghiên cứu sinh Tiến Sĩ tại Trường Quản Trị HEC Paris (Pháp). Tác giả hoạt động tích cực trong lĩnh vực giáo dục; từng là Phó Chủ Tịch Học Thuật tại chapter Beta Delta Omicron của tổ chức Phi Theta Kappa, công tác tuyển sinh tại University of Pennsylvania, Cố Vấn Phát Triển tại Quỹ Học Bổng Huỳnh Tấn Phát, và là thành viên của TandemED Cambridge, một tổ chức giáo dục thuộc Harvard Innovation Lab từng dành tài trợ $130,000 từ quỹ Bill and Melinda Gates.