Là người gắn bó sâu sát với nhiều hoạt động của Hội Thanh niên Sinh viên VN tại Hoa Kỳ, chị Tô Diệu Liên chia sẻ về tinh thần hướng về quê hương đất nước của những người Việt trẻ.
Tô Diệu Liên xuất thân trong một gia đình có cha là công chức và mẹ là giảng viên ĐH ở tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chị được cấp học bổng thạc sĩ ngành Chính sách và Quản lý công, và sau đó tiếp tục được cấp học bổng toàn phần, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Phân tích Chính sách Công tại ĐH Massachusetts (Mỹ).
Chị còn là một trong những người Việt ở Mỹ tổ chức biểu tình chống việc đặt giàn khoan 981 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của VN trước trụ sở của phái đoàn Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc tại New York. Chị hiện phụ trách công tác thiện nguyện của Hội Thanh niên Sinh viên VN tại Hoa Kỳ.
* Theo chị, các bạn trẻ Việt ở Mỹ có thờ ơ với tình hình đất nước, vận mệnh dân tộc không?
– Có và không. Tôi ở Mỹ được 4 năm rưỡi, đã gặp nhiều bạn thanh niên VN hoặc gốc Việt đang đi học, đi làm ở đây. Nhiều người trong số họ luôn bị ám ảnh bởi việc phải kiếm được nhiều tiền để có cuộc sống sung túc cho bản thân và gia đình.
Tất nhiên việc đó hoàn toàn chính đáng. Nhưng khi thấy họ thờ ơ với những gì đang diễn ra ở VN, hoặc nghĩ rằng họ chắc chắn chẳng thể làm được gì để góp phần thay đổi, cá nhân tôi cảm thấy buồn và tiếc.
Tuy vậy tôi cũng được gặp rất nhiều người trẻ tài năng, luôn hừng hực nhiệt huyết, luôn tin rằng họ có thể làm một điều gì đó để đóng góp cho VN.
Dù họ thành công hay không, chỉ riêng nỗ lực của họ đã rất đáng được trân trọng rồi. Bài học lớn nhất tôi rút ra khi được tiếp xúc và quan sát những người bạn này là: Hãy hành động, đừng chỉ ngồi một chỗ và mơ.
* Sinh sống ở môi trường đầy cạnh tranh và áp lực như ở Mỹ, chắc hẳn chị cũng có những bí kíp riêng. Chị có thể bật mí một vài điều để giúp các bạn trẻ vượt qua những áp lực của cuộc sống, công việc, hòa nhập với môi trường xung quanh, và nắm bắt cơ hội?
– Luôn đối mặt với mọi thứ bằng một cái tâm học hỏi và phải bền chí. Tôi từng bị căng thẳng rất nhiều vì áp lực công việc, học hành. Tôi từng khóc lóc, tủi thân vì bị phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc. Tôi đã từng so sánh con đường đi của bản thân với các bạn bè tôi ở VN và đang được thăng tiến, đang có cuộc sống sung túc và… kiếm rất nhiều tiền trong khi tôi phải sống dè sẻn bằng số học bổng khiêm tốn.
Ở Mỹ, tôi dường như phải học lại mọi thứ từ đầu, từ văn hóa bản địa cho đến cả nhiều ngàn trang sử chính trị nước Mỹ viết bằng thứ tiếng Anh cách đây hơn cả trăm năm… Thế nên, tôi phải xác định rằng khó khăn là vô vàn, và chiến đấu với trở lực là một điều vô cùng bình thường mỗi ngày, rằng hãy quên đi ngày xưa ở VN tôi từng được giải a b c d gì, làm được những điều đáng tự hào x y z nào đó để tập trung vào việc làm tốt từng công việc thay vì cảm thấy thất vọng và chán nản.
Tôi học được rằng, người ta chỉ trưởng thành nhiều nhất trong khó khăn và thất bại, chứ không phải từ thành công và những lời tán dương chúc tụng.
Nhưng dần dà tôi nhận ra, tôi cũng đang có rất nhiều thứ mà bao bạn bè tôi ao ước. Tôi có những trải nghiệm quý giá ở một môi trường hoàn toàn khác xa với VN, và có thể tận dụng nó hay không là tùy thuộc ở bản thân mình.
Một lời khuyên nho nhỏ với các bạn đang ở nước ngoài: Hãy tranh thủ đi du lịch đất nước bạn đang ở thật là nhiều; vừa chơi, mà lại vừa khám phá học hỏi được bao nhiêu điều hay về cuộc sống.
Có nhiều cách để du lịch, không nhất thiết phải tốn nhiều tiền đâu. Năm rồi tôi đã quyết tâm bỏ ra một tháng, dẹp hết công việc sang một bên để làm một chuyến đi vòng quanh nước Mỹ. Tôi và các bạn tự lái ô tô, đi được khoảng 18.000 cây số qua hơn 30 tiểu bang trong vòng một tháng.
* Chị có lời khuyên gì cho những bạn trẻ ở tuổi 20, mà nhiều người cho rằng là lứa tuổi tràn đầy sức sống, đầy khát vọng và ở giai đoạn đẹp nhất cuộc đời?
– “Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn mãi nguyền rủa bóng tối” – tôi nghĩ hầu như ai cũng biết câu nói này, nhưng dường như nhiều người thường không nhớ đến chân lý đơn giản đó.
Ai cũng biết đất nước VN còn rất nhiều vấn đề, rất nhiều bất công. Nhưng nếu bạn thực sự muốn đóng góp, tôi tin là bạn chắc chắn sẽ có cách riêng của bạn.
Hãy làm tốt những việc bạn có thể làm tốt nhất, và giữ một cái tâm sáng; chắc chắn bạn sẽ làm cho cuộc đời này, đất nước này đẹp hơn và khiến nó thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Và cuộc sống của bạn chắc chắn cũng sẽ hạnh phúc hơn, đủ đầy hơn.
Tôi rất thích một câu thoại của Peter Pan trong quyển tiểu thuyết Peter Pan in Scarlet: “Không phải ai cũng có thể giàu có. Không phải ai cũng có thể mạnh mẽ hay thông minh. Không phải ai cũng có thể xinh đẹp. Nhưng ai cũng có thể dũng cảm”.
* Bài viết đầy trăn trở của một sinh viên năm ba “Khi quê hương không có chỗ cho người trẻ” đăng trên TTO gần đây thu hút rất nhiều quan tâm và tranh luận của nhiều người.
Hỏi thật, chị có cảm thấy hoang mang không nếu có ý định quay về VN? Chị có thể chia sẻ gì với những người trẻ trong hoàn cảnh này?
– Quan điểm của tôi là nếu bạn thực sự giỏi, thực sự muốn cống hiến cho quê hương và sáng tạo trong cách làm, bạn sẽ tạo được giá trị khác biệt và sự thay đổi tích cực và nhất định có chỗ đứng ở quê hương.
Nói như vậy không có nghĩa là tôi phủ nhận thực tế rằng môi trường làm việc ở các tỉnh nói riêng (với các bạn trở về từ các thành phố lớn) hay ở VN nói chung (với những người trở về từ nước ngoài) còn có rất nhiều khó khăn và nhiều điều không như ý muốn. Nhưng tôi nghĩ đó không phải là hoàn cảnh của riêng VN. Tất cả những nước đang phát triển và kém phát triển đều có tình trạng tương tự thế này.
Theo tôi, bạn chỉ nên trở về nước khi bạn cảm thấy đủ sức lực, khả năng, bản lĩnh để có thể đóng góp cho quê hương.
Môi trường đào tạo ở các nước phát triển, điển hình là Mỹ, là nơi có thể giúp bạn phát triển khả năng của bản thân. Tôi tận dụng mọi cơ hội để rèn dũa và nâng cao năng lực của bản thân và xây dựng các mối quan hệ xã hội để khi trở về tôi có thể làm được một điều gì đó thay vì khổ sở, loay hoay, hoặc bị thui chột những gì tích cực tôi đã học được.
Theo Tuổi Trẻ
Xem bài gốc tại đây
———————
Hiện có gần 17.000 sinh viên, thực tập sinh VN đang theo học tại Mỹ.