
By Hoàng Khánh Hòa
Một ngày bạn ăn bao nhiêu ngô?
Nếu đi chợ ở Mỹ, bạn sẽ thấy ngô tươi (nguyên bắp) cũng có mùa của nó. Nếu muốn ăn ngô trái mùa thì thường là các bà nội trợ phải tìm đến khu đông lạnh hoặc mua ngô đóng hộp. Ngô hộp thì rất rẻ rồi, nên có khi ai mà thích ăn ngô thì ăn được quanh năm chăng?
Theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) thì Mỹ là nước đứng đầu thế giới về sản lượng ngô hàng năm, khoảng 351 triệu tấn[1], chiếm hơn một phần ba tổng sản lượng ngô thế giới trong đó khoảng 90% là ngô biến đổi gen[2]. Ngô biến đổi gen thường được dùng để làm thức ăn gia súc, năng lượng sinh học (biofuel) và các chế phẩm khác chứ không phải là loại ngô ngọt (sweet corn) mà chúng ta hay mua. Mặc dù vậy thì vào năm 2011, Monsanto, người khổng lồ trong lĩnh vực thực phẩm biến đổi gen (GMO) đã giới thiệu ngô ngọt biến đổi gen và bắt đầu bán ở một số siêu thị. Người tiêu dùng sẽ khó có thể biết được bắp ngô hay hộp ngô mà mình mua là GMO hay không vì Bộ Nông Nghiệp lẫn cơ quản quản lý thực phẩm FDA lâu nay không có quy định phải dán nhãn phân biệt thực phẩm biến đổi gen với các loại thực phẩm khác.
Tuy vậy ngô tươi và ngô hạt đóng hộp chỉ chiếm có 1% tổng sản lượng ngô sản xuất hàng năm ở Mỹ. Bạn sẽ tự hỏi nếu chúng ta không ăn nhiều ngô như vậy thì số còn lại đi đâu?
Không phải người tiêu dùng ở Mỹ nào cũng biết rằng một ngày họ đang dùng rất nhiều các chế phẩm làm từ ngô – có thể nói là đếm không xuể vì theo GS Michael Pollan, Đại học Berkeley thì khoảng một phần ba các sản phẩm bán trong các siêu thị như Walmart là có “dính dáng” đến ngô[3]. Ảnh minh họa dưới đây là danh sách các sản phẩm làm từ ngô (corn by-products) và bạn có thể thấy là chúng hiện diện khắp nơi trong nhà mình.
Một trong những chế phẩm từ ngô được sử dụng nhiều nhất là High Fructose Corn Syrup (HFCS). Nếu để ý đọc phần ingredients in trên vỏ hộp thì bạn sẽ thấy chữ corn syrup hay HFCS xuất hiện khá phổ biến. Dễ thấy nhất là nước ngọt Coca và Pepsi. HFCS chỉ mới xuất hiện những năm 1980, nhưng kể từ đó thì sản phẩm này đã trở thành sản phẩm hàng đầu thay thế cho đường vì giá rẻ hơn. Coca Cola và Pepsi đều đã thay đường bằng HFCS trong các sản phẩm của mình từ năm 1984 và tính trung bình cho đến nay thì một người Mỹ tiêu thụ khoảng 53 lbs (24 kg) HFCS một năm. Còn nếu tính cả các sản phẩm đường khác thì một năm một người Mỹ tiêu thụ khoảng 158 lbs (71 kg). Các nghiên cứu đã cho thấy việc ăn quá nhiều đường là nguyên nhân chính gây ra vấn nạn béo phì ở Mỹ. Dự tính là cho đến năm 2030, khoảng gần một nửa dân số Mỹ sẽ bị béo phì còn hiện tại đã là một phần ba[4]. Có lẽ vì HFCS khá rẻ hơn so với đường (30-40 cents/lbs tức là chưa tới 1$/kg) nên các công ty cũng rất “mạnh tay” khi cho đường vào sản phẩm. Bạn sẽ thấy HFCS không chỉ trong Coca Cola mà còn trong các món salad dressing, sữa chua, cake mix, kẹo cao su…
Ngoài ra, ngô còn được bào chế thành ti tỉ các sản phẩm hóa học khác nữa, từ các chất bảo quản thực phẩm cho đến keo dán, xà phòng, mỹ phẩm, thức ăn cho trẻ con (baby food), dược phẩm vv…Ngoài HFCS thì sản phẩm phổ biến khác làm từ ngô có lẽ là dầu thực vật (corn oil) và bột ngô. Dưới đây là một số tên sản phẩm phổ biến làm từ ngô để giúp các bạn dễ dàng nhận biết khi tiêu dùng thực phẩm hàng ngày[5]:
Baking powder
Caramel
Dextrin, Maltodextrin
Dextrose, Fructose
Malt syrup
Mono- and di-glycerides
Starch, food starch, modified food starch
Vanilla extract
Vegetable oil (thường khi nói dầu thực vật mà không đề rõ thì có thể đoán là làm từ dầu ngô – đơn giản vì giá rẻ)
…
Một lưu ý nữa là các loại thịt mà chúng ta ăn hằng ngày như gà, bò, lợn cũng có “dính dáng” đến ngô do ngô hiện nay là nguồn cung cấp thức ăn gia súc chính mà các đại công ty thực phẩm như Tyson Foods, Cargill…sử dụng trong các trại gia súc quy mô lớn. Rất dễ hiểu là việc cho gia súc ăn chỉ một loại thực phẩm, mà lại là thực phẩm biến đổi gen, hẳn sẽ có tác động ít nhiều tới chất lượng thịt cũng như sức khỏe của người tiêu dùng nó.
Ngô và thực phẩm biến đổi gen là một chủ đề khá nóng trong nông nghiệp những năm gần đây. Nhiều nước vẫn cấm sử dụng các sản phẩm biến đổi gen trong khi một số nước đã mở cửa cho ngô như Việt Nam. Những người ủng hộ GMO thường cho rằng người nông dân (và người tiêu dùng) sẽ hưởng lợi từ việc trồng cây biến đổi gen do hạn chế được sâu bệnh, tăng năng suất, giá rẻ vv…Phía phản đối GMO thì thường lo ngại về ảnh hưởng của GMO tới sức khỏe con người và cuộc tranh cãi này vẫn chưa ngã ngũ. Đứng ở góc độ người tiêu dùng thì điều quan trọng nhất là chúng ta biết mình ĂN gì. Ai đó có nói, You are what you eat.
Điều đáng tiếc ở Mỹ đó là vẫn chưa có luật về dán nhãn GMO cho nên nhiều khi người tiêu dùng chúng ta như bị tung hỏa mù – trừ khi là bạn có tiền mua hàng organic. Với ngô thì dường như loại thực phẩm này đã thống trị mọi ngóc ngách của đời sống ở Mỹ một cách “êm đềm”, lặng lẽ trong nhiều năm qua. Hi vọng là bài viết này giúp bạn hiểu hơn về ngô và thị trường thực phẩm ở Mỹ, qua đó có được lựa chọn tốt nhất cho bản thân và gia đình của mình/.
Hoàng Khánh Hoà
[1] http://www.usda.gov/oce/commodity/wasde/latest.pdf
[2] http://www.ers.usda.gov/data-products/adoption-of-genetically-engineered-crops-in-the-us/recent-trends-in-ge-adoption.aspx
[3] The Omnivore’s Dilemma – A Natural History of Four Meals, Michael Pollan, The Penguin Press, 2006.
[4] http://www.huffingtonpost.com/2012/09/18/us-obesity-2030-americans-obese_n_1893578.html
[5] http://www.vishniac.com/ephraim/corn-bother.html
2 thoughts on “Hoàng Khánh Hoà: Câu chuyện của hạt ngô ở Mỹ”
Comments are closed.