
Phạm Hoàng Lê đang thu được những thành công bước đầu trên hành trình trau dồi khả năng âm nhạc với những học bổng như: Libermann Scholarship của ĐH Duquesne và Music Scholarship của Trường Mary Pappert School of Music cũng như thành tích học Học sinh Xuất sắc của Trường Nhạc Mary Pappert 2 năm liền.
Theo bố mẹ sang công tác tại Đại sử quán Việt Nam ở Washington DC từ hè năm 2008, cô bạn Phạm Hoàng Lê hiện đang là sinh viên năm 3 chuyên ngành Biểu diễn Piano tại Trường Âm nhạc Mary Pappert, Đại học Duquesne, Pennsylvania.
Mời các bạn cùng sinhvienusa trò chuyện với cô bạn tài năng này:
Chào Hoàng Lê, được biết bạn có rất nhiều tác phẩm Piano đặc sắc, bạn có thể chia sẻ những tác phẩm đến mọi người cũng như cơ duyên nào đưa bạn đến với ngành nghệ thuật đặc biệt này?
Khác với nhiều học sinh Piano khác thích học nhạc cổ điển thời kỳ lãng mạn của Chopin, Liszt hay Rachmaninoff, mình lại yêu thích nhạc của Beethoven và Bach. Một phần mình chịu ảnh hưởng của thầy David Allen Wehr, người đã biểu diễn và ghi âm tất cả 32 bản Sonate của Beethoven. Hơn nữa, mình tin rằng những bản sonate của Beethoven là âm nhạc đỉnh cao của tri thức, không những đòi hỏi bạn cần am hiểu nhiều về lịch sử, lý thuyết âm nhạc mà còn phải gắn mình với những cảm nhận sâu sắc.
Một trong các tác phẩm của Beethoven mà mình biểu diễn trong Recital của năm 3 đại học là bản “Beethoven Piano Sonata in A-flat Major Op. 26”. Bạn có thể xmình phần biểu diễn của mình vào ngày 7/12/2014 vừa qua video bên dưới
Lúc 4 tuổi mình đã rất thích xmình phim “The Sounds of Music”, có thể hát theo những âm điệu đầy quyến rũ của bộ phim này, và rất thích chơi nghịch trên chiếc đàn điện tử Organ của anh trai, nên cả 2 anh mình mình được tạo điều kiện học Piano. Năm lớp 3, mình được nhận vào Nhạc Viện Hà Nội trong khi vẫn học cấp 1 tại trường Nguyễn Trãi và đây là bước tiến lớn trên con đường âm nhạc của mình.
Được biết bạn có rất nhiều thành tích tại trường như danh hiệu Học sinh Xuất sắc của Trường Nhạc Mary Pappert 2 năm liền vừa qua, cũng như gần đây nhất là 4.0 cho điểm học kỳ. Bạn có thể chia sẻ “bí quyết” giúp bạn đạt được thành tích trên?
Theo mình bí quyết của tất cả mọi việc mà con người làm được đều đến từ đam mê và nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân. Mình cũng không ngoại lệ, trong âm nhạc điều này càng cần thiết hơn. Đối với người Việt học nhạc, nhạc cổ điển không chỉ trừu tượng, đòi hỏi sự cảm nhận vốn không tự nhiên có thể nên mình luyện tập hàng ngày 4-5 giờ. Mình đã tranh thủ tất cả các giờ trống trong ngày để tập luyện; văn ôn võ luyện mà (cười). Mình luôn nghĩ nếu sự hoàn hảo không thể có thì vươn tới hoàn hảo là thách thức đáng để nỗ lực.
Bạn đến Mỹ cũng khá lâu, từ năm 2008 đến nay, bạn cảm nhận gì về nước Mỹ nói chung cũng như ngành học hiện tại nói riêng?
Học Piano ở Mỹ rất khác so với nhiều nước trên thế giới. Nước Mỹ rất nổi tiếng về nhạc Soul và Jazz, cả hai đều đòi hỏi sự sáng tạo, cảm thụ âm nhạc cao, biểu lộ những cảm xúc mạnh mẽ. Đặc điểm này đã có ảnh hưởng mạnh đến âm nhạc nói chung cũng như học và biểu diễn nhạc cổ điển nói riêng. Ngoài luyện tập kỹ thuật, mình quan tâm hơn tới mặt biểu cảm âm nhạc. Mình nghĩ biểu diễn âm nhạc mà thiếu cảm thụ thì âm nhạc sẽ thiếu cái hồn của nó. Trường nhạc ở Mỹ đã dạy và cho phép mình được tự do thể hiện chất âm nhạc và tình cảm của riêng mình.
Tại trường ngoài những môn chung như English, toán, lịch sử, tự nhiên, triết học, ngoại ngữ… còn khá nhiều các môn liên quan đến âm nhạc như các giờ học riêng với thầy, lịch sử và lý thuyết âm nhạc, chỉ huy âm nhạc, văn hóa và giảng dạy âm nhạc và tham gia luyện tập trong dàn nhạc, ban nhạc, … Do vậy, chương trình một ngày của mình luôn kín từ sáng sớm đến tối muộn. Ngoài những giờ lên lớp hoặc tham gia chung, mình luôn tranh thủ luyện tập đàn. Rất may cho học sinh chuyên piano như mình, được ưu tiên có phòng tập riêng với 100% đàn Steinway & Sons, một trong những loại đàn Piano để biểu diễn tốt nhất trên thế giới.
Trong tương lai bạn có kế hoạch phát triển sự nghiệp của mình tại Mỹ hay về Việt Nam?
Hiện mục tiêu thời gian tới của mình là học lên cao học chuyên ngành Biểu diễn âm nhạc. Mình nghĩ học âm nhạc không bao giờ là đủ và khi vẫn có cơ hội học tập mình sẽ tiếp tục học và muốn được học với các thầy giáo hàng đầu ở Mỹ và nếu có thể cả ở Châu Âu nữa. Về lâu dài mình mơ ước sẽ trở thành nghệ sĩ biểu diễn Piano và là giảng viên Piano ở Việt Nam. Mình muốn truyền tình yêu và kiến thức về âm nhạc cổ điển và cây đàn piano tới những người Việt Nam yêu âm nhạc, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Cảm ơn những chia sẻ của Lê, chúc cho những ước mơ của bạn sớm trở thành hiện thực.
—————-
——————
Một số thành tích của Lê
– Xếp thứ 1/465 học sinh khối lớp 9 của trường Woodrow Wilson.
– Xếp thứ 3/hơn 150 học sinh của trường Duke Ellington
– Được thừa nhận là thành viên của National Honor Society, của National Society of High School Scholars
– Xếp thứ 3 trong cuộc thi Piano-Advance Level của các trường phổ thông công lập của DC
– Chứng nhận chiến thắng trong cuộc thi Sonata của Hiệp hội Giáo viên khu vực Bắc Virginia và Maryland.
– Năm lớp 12, được nhận học bổng cao nhất vào học tại Trường Nghệ thuật Interlochen