Đây là bài viết phản hồi cho bài Hạt ngô ở Mỹ của tác giả Hoàng Khánh Hòa.
Ngô Tố Linh
Thực phẩm biến đổi gien (GMO) chắc là một trong những vấn đề dễ gây tranh cãi nhất ở Mỹ, “sánh vai” cùng tiến hóa và biến đổi khí hậu. Tiến hóa có thật không hay chỉ là giả thuyết? Biến đổi khí hậu có thật không? GMO có an toàn để mà ăn được không?
Điều tôi muốn nói là, câu trả lời cho cả ba câu hỏi trên kia là có theo giới khoa học nói chung. Nếu hỏi các bạn Việt Nam, có ai bảo tiến hóa hay biến đổi khí hậu là bịa đặt? GMO không phải tự nhiên lọt vào thực phẩm, mà phải qua quá trình nghiên cứu và kiểm tra gắt gao của FDA – Bộ Nông nghiệp và Dược phẩm Mỹ. Tất cả các hội khoa học có uy tín của Mỹ đều đã chứng nhận là không có bằng chứng khoa học nào là GMO có hại cho sức khỏe.
Ví dụ:
“Đúng vậy, khoa học đã chỉ rõ: nâng cao cây trồng bằng công nghệ sinh học với những kĩ thuật phân tử hiện đại này (chỉ kĩ thuật biến đổi gien – lời người dịch) là an toàn” – Tổ chức Tiến bộ Khoa học Mĩ AAAS (http://www.aaas.org/news/statement-aaas-board-directors-labeling-genetically-modified-foods).
“Những thực phẩm biến đổi gene có bán trên thị trường quốc tế hiện nay đều đã trải qua đánh giá về an toàn, và không có khả năng gây hại đến sức khỏe con người. Hơn nữa, ở những nước cho phép lưu hành thực phẩm biến đổi gien, không thấy có tác động nào đối với sức khỏe người dân do sử dụng những thực phẩm này. – Tổ chức Y tế Thế giới WHO (http://www.who.int/foodsafety/areas_work/food-technology/faq-genetically-modified-food/en/)
Vậy thì tại sao GMO lại gây tranh cãi như vậy? Nếu an toàn thì tại sao không dán nhãn lên mà lại phải giấu giấu diếm diếm?
Thứ nhất là vì GMO nghe đáng sợ. Nếu không nhớ từ hồi phổ thông, thì gene là cái gì mình cũng không rõ, chưa nói đến “biến đổi gene”. Nghe đến “biến đổi” là thấy sợ rồi.
Sự thật là, hầu hết GMO ở Mỹ và trên toàn thế giới chứa có 2 gien “biến đổi”: Bt và Roundup Ready. Bt là một dạng trừ sâu sinh học, gien này làm ra một chất sâu ăn vào sẽ chết, nhưng hóa chất trừ sâu này chỉ hoạt động trong môi trường kiềm (pH cao) trong bụng côn trùng. Bụng người và động vật nói chung môi trường axit đậm đặc, nên hóa chất này hoàn toàn không có hại.
Roundup Ready là kháng thuốc trừ cỏ glyphosate. Khi cây trồng có gene này, người nông dân có thể phun thuốc trừ cỏ mà không hại đến cây, nhờ đó giảm công lao động, tăng năng suất và giảm giá thành. Cả 2 gien Bt và Roundup Ready đều đã được nghiên cứu nhiều năm và chứng nhận an toàn cho sức khỏe.
Quay trở lại vì sao GMO nghe đáng sợ. Lý do thứ hai là vì công nghệ này quá mới, và mặc dù đúng là không có bằng chứng gì chứng tỏ GMO có hại, chúng ta cũng chưa có đủ thời gian để chứng minh là GMO không hề có hại trong lâu dài (ví dụ vài chục năm sau khi sử dụng thường xuyên, hoặc ảnh hưởng đến thệ hệ thứ 2, thứ 3…- chú giải của biên tập viên). Trong lịch sử nông nghiệp, chúng ta đã biến đổi cây trồng đủ các kiểu loại từ hàng ngàn năm nay bằng phương pháp chọn giống và lai tạo truyền thống rồi, GMO so với mức độ biến đổi mà chúng ta đã nhào nặn cây trồng, thực ra không là gì. Nhưng GMO quá mới, mấy chục năm không thể chứng minh được là vô hại (so với mấy nghìn năm của chọn giống truyền thống).
Một vấn đề nữa là nhiều “vết nhơ” của nông nghiệp và thực phẩm bị đổ oan sang GMO. Ví dụ như high fructose corn syrup (HFCS). GMO là công nghệ làm tăng năng suất cây trồng, ngô tự nhiên trở nên rẻ không ngờ, và được làm thành HFCS. HFCS có hại cho sức khỏe, nhưng không có nghĩa là GMO có hại cho sức khỏe. GMO chỉ mắc tội tiếp tay cho cái sự rẻ của HFCS thôi .
Vậy vì sao GMO không bị/được dán nhãn? Cái này chính là cái gây tranh cãi. GMO là công nghệ cao, do đó rất tốn tiền để phát triển và đưa vào sản xuất. Lẽ dĩ nhiên là các công ty lớn nhiều tiền như Monsanto, Dow và Pioneer sẽ nắm lấy cơ hội này. Lợi nhuận rơi vào họ rất nhiều. Trong khi người dân Mỹ nói riêng và người tiêu dùng khắp nơi nói chung vẫn còn mơ hồ và sợ hãi GMO, thì dán nhãn GMO chẳng khác nào cắt mất nguồn thu nhập của mấy người khổng lồ nông nghiệp nói trên. Do đó, đương nhiên họ sẽ vận động hành lang (vì họ có nhiều tiền) để GMO không bị dán nhãn. Còn những tập đoàn và tổ chức có lợi ích và lợi nhuận từ sự sợ hãi GMO sẽ đi vận động quần chúng để đòi dán nhãn GMO.
Vậy rốt cuộc, tiền vào tay ai, ai được lợi nhiều nhất từ GMO? Các bạn có thể tự đưa ra câu trả lời. Nếu các bạn tò mò muốn biết thêm về hậu quả sinh thái, hậu quả kinh tế, hậu quả xã hội của GMO, xin cho biết bằng comment dưới bài, tôi sẽ tiếp tục trao đổi.
Vì GMO không có hại, nhưng cũng không có lợi cho kinh tế xã hội như người ta quảng cáo, nên tôi không bênh nhưng cũng không cãi. Khi đi chợ ở Mỹ (hay ở đâu cũng vậy thôi), xin mọi người đừng quá sợ hãi GMO mà không dám ăn gì. Nếu không muốn ăn HFCS thì hãy chọn những thứ có ghi làm từ đường mía (Mexican Coke chẳng hạn, có bán ở nhiều siêu thị). Nếu không muốn ăn đồ ăn bị chế biến quá mức thì hãy mua đồ tươi và tự nấu. Các loại thịt mình có thể mua loại nuôi thả (free range) hoặc chế biến tối thiểu (minimally processed), chất lượng tốt hơn hẳn. Còn những thứ đã qua nhiều công đoạn chế biến lắm rồi (như dầu ăn, kẹo cao su, ngũ cốc ăn sáng…) thì có GMO hay không cũng không quan trọng nếu xét về mặt an toàn. Mình không nhất thiết phải mua loại hữu cơ (organic) với những thứ này, vì chỉ đắt tiền mà chất lượng cũng không có gì khác.
Đừng đi chợ trong sợ hãi. Hãy đi chợ có hiểu biết.
Bài viết trong mục Góc Nhìn thể hiện quan điểm của tác giả, không phải quan điểm của Sinhvienusa.org hoặc của Hội Thanh Niên sinh viên Việt Nam ở Mỹ.
Ngô Tố Linh