“Thiếu mảng xanh tạo nên áp lực khủng khiếp cho người dân sống trong thành phố, người lớn thì bị stress, trẻ em có quá ít chỗ để chơi, dẫn đến có quá nhiều trẻ em bị thiếu năng động hay tự kỷ…” – anh Võ Trọng Nghĩa, vị KTS truyền cảm hứng của We Choice Awards chia sẻ.
Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa sinh năm 1976, tốt nghiệp thủ khoa Học viện Kỹ thuật Nagoya (Nhật Bản) năm 2002, nhận bằng thạc sĩ hạng ưu của Đại học Tokyo năm 2004.
Với nhiều thành tích ấn tượng tại các sân chơi dành cho giới kiến trúc sư trên khắp thế giới, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đang dần khẳng định vị thế của kiến trúc Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới.
Những công trình độc đáo của người có cái tên đã nổi đình nổi đám trong giới kiến trúc này được tập hợp trong quyển “Vo Trong Nghia Architects” được xuất bản tháng 1/2015, do Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành.
Cũng trong năm 2014, Kênh truyền hình CNN quyết định đưa kiến trúc sư Việt Nam Võ Trọng Nghĩa vào danh sách Kiến trúc sư tiêu biểu năm 2014, để giới thiệu trong chuyên mục “Ones to Watch” vào tháng 1/2015.
“Ones to Watch” là một chương trình của CNN nhằm vinh danh những tài năng, tên tuổi lớn trong thế giới văn hóa, nghệ thuật.
Để có một buổi trò chuyện cùng KTS Võ Trọng Nghĩa quả thực không đơn giản khi hầu như quỹ thời gian của anh đã không còn trống. Hai văn phòng công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa ở Hà Nội và Sài Gòn đang tiếp nhận hơn 50 công trình kiến trúc khác nhau ở khắp mọi miền đất nước và rất nhiều các công trình ở các quốc gia trên thế giới đang được đưa vào xây dựng.
KTS Võ Trọng Nghĩa thường xuyên đi công tác từ các tỉnh trong nước cho đến các thành phố lớn ở nước ngoài. Rất may mắn khi sắp xếp được một khoảng thời gian rảnh trong vài giờ đồng hồ để tiếp chuyện chúng tôi, đó là một buổi sáng đầu tuần, khi anh vừa trở từ chuyến khảo sát Công trình “Nhà triển lãm Việt Nam” đang thi công ở Milan, Italy. Đây cũng là công trình lọt top 15 công trình kiến trúc được mong đợi nhất năm 2015 do tạp chí Dezeen bình chọn vào đầu năm nay.
Võ Trọng Nghĩa tiếp chuyện chúng tôi bằng những nụ cười. Khi anh hỏi tên từng người, anh cười. Khi anh giới thiệu về các công trình mình đã và đang thực hiện, anh cũng cười. Vẻ mặt của anh chỉ đột nhiên nghiêm nghị, khi anh nói đến vấn đề về cây xanh và môi trường sống trong xã hội hiện đại. Chúng tôi hiểu được rằng, KTS Võ Trọng Nghĩa dường như đã tự nhận trọng trách về mình, cũng như anh chia sẻ: “Trách nhiệm của chúng tôi, của những người làm kiến trúc, là phải trả lại màu xanh cho trái đất này”.
“Thiếu màu xanh tạo nên áp lực khủng khiếp cho người dân sống trong thành phố”
Khi trò chuyện cùng KTS Võ Trọng Nghĩa trong văn phòng của anh, tôi không cảm giác người ngồi trước mặt mình là một vị kiến trúc sư với các công trình tạo tiếng vang khắp thế giới, bởi Võ Trọng Nghĩa nói rất ít về kiến thức chuyên môn kiến trúc và xây dựng, anh không đề cập đến những con số, kết cấu, tính công năng ở những công trình của mình mà anh chỉ bày tỏ mối quan tâm to lớn đến môi trường, khí hậu, xã hội và con người. Tôi cảm giác anh giống như một nhà nghiên cứu xã hội học, một đại sứ về môi trường hơn là một người làm kiến trúc.
Khi tôi hỏi, tại sao anh lại bận tâm quá nhiều đến những điều đó. Anh đáp: “Kiến trúc là để phục vụ cho con người và xã hội, nếu không hiểu những vấn đề đang xảy ra trong môi trường sống của chúng ta, thì không thể làm kiến trúc được”. Cuộc trò chuyện của chúng tôi tiếp tục xoay quanh chủ đề này…
Anh có thể chia sẻ một chút về hành trình đến với đam mê kiến trúc của mình không? Anh đã ấp ủ giấc mơ thực hiện những công trình xanh từ lúc nào?
Quê tôi ở Quảng Bình, tuổi thơ tôi gắn liền với thiên nhiên, khe suối, con đường làng, với gió và nước. Từ một cậu bé chặt củi, chăn trâu, tôi cũng như bao bạn trẻ khác, xác định học kiến trúc vì khi ấy người ta bảo nghề này sẽ làm giàu được. Rồi tôi lại nhận thấy, càng đam mê bao nhiêu thì… càng nghèo bấy nhiêu. Vì khi nhận một công trình, tôi luôn muốn làm tốt hơn, làm đến khi nào hài lòng thì thôi, dù phải lỗ vốn, phải bù thêm nữa.
Thế nhưng bây giờ, giàu hay nghèo với tôi không quan trọng nữa, miễn mình cảm thấy thỏa mãn, hài lòng là được. Từ khi chọn nghề kiến trúc, tôi đã nghĩ ngay đến chuyện làm kiến trúc như thế nào để thân thiện với xã hội, để cải thiện môi trường sống. Vì nói thật, ngày xưa, tôi ngồi trên lưng trâu, hai bên là những cánh đồng xanh mướt, bát ngát và dịu êm, thật sự thích hơn là ngồi máy điều hòa.
Từ trước đến nay, mọi người luôn quan niệm một công trình kiến trúc đẹp chỉ cần đảm bảo đủ 3 yếu tố chính là tính thẩm mỹ, tính bền vững và tính sáng tạo. Nhưng anh lại quan trọng chuyện có bao nhiêu cây xanh được trồng khi một công trình của mình đưa vào sử dụng. Vì sao mảng xanh lại là yếu tố hàng đầu được anh đặt lên trên tất cả?
Tôi ví dụ với bạn về hai đô thị lớn nhất của nước ta. TP.HCM và Hà Nội là hai thành phố thuộc loại có ít cây xanh nhất trên thế giới, chỉ bằng 1/40 Kuala Lumpur, 1/60 Singapore và 1/103 so với Hồng Kông. Thiếu mảng xanh tạo nên áp lực khủng khiếp cho người dân sống trong thành phố, người lớn thì bị stress, trẻ em có quá ít chỗ để chơi, dẫn đến có quá nhiều trẻ em bị thiếu năng động hay tự kỷ (inactive children).
“Nghề kiến trúc và xây dựng phát triển, những khối bê tông sắt thép mọc lên ngày càng nhiều, chúng đã tàn phá môi trường, tàn phá thế giới nên tôi mong muốn làm ra những công trình có thể trả lại mảng xanh cho trái đất này”.
Trong khi tổng diện tích cây xanh trên đầu người ở những thành phố lớn là cả trăm m2 cây xanh/người, thì ở Hà Nội chỉ 1m2 cây xanh/người. TP. HCM thậm chí còn thấp hơn. Đây là vấn đề của chung tất cả mọi người, mọi người phải đầu tư các mảng xanh ngay chính ngôi nhà mình đang ở, nếu mong muốn có được một đô thị xanh trong tương lai.
Để các thành phố lớn đều là thành phố xanh, việc xanh hóa cần được nhân rộng hơn, cần có sự lan tỏa từ mỗi người dân, truyền được cảm hứng xanh đến với người dân có quá khó khăn không?
Hiện nay, tôi nhận được nhiều sự ủng hộ từ người dân. Nhưng điều tôi muốn làm nhất đó là góp phần mình vào việc truyền được cảm hứng đến với chính quyền thành phố, để họ ra quy định về “xanh hóa những mái nhà”.
Chúng ta có những mái nhà, nếu thành phố quy định tất cả nhà làm mới hoặc cải tạo (không thuộc diện bảo tồn) đều phải làm mái xanh (trồng cây, cỏ) mới được cấp phép, những dự án mới muốn được cấp phép đều phải xanh hóa 100% mái nhà. Như vậy, thành phố sẽ trở thành thành phố xanh cho tất cả mọi người.
“Đừng dành quá nhiều thời gian để nghe người khác nói gì về mình”
Ngay trên fanpage của anh, tôi thấy có nhiều bình luận như “Khi phủ xanh trên diện rộng, độ ẩm cao gây nấm mốc, ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình và sức khỏe cư dân”, hay “Cây cối càng nhiều, sâu bọ, rắn mối sẽ xuất hiện… rồi chi phí bảo dưỡng thì sao?”. Anh nghĩ thế nào về những phản hồi này?
Tôi không bao giờ để cảm xúc của mình bị chi phối vì những lời nói của người khác. Mọi người có quyền góp ý trên fanpage, tôi vẫn để nguyên như thế, không vấn đề gì.
Bạn muốn cây xanh, đẹp, thì lựa chọn loại cây, hoa mình sẽ trồng, như những cây hoa giấy vẫn sống thoải mái dù ít được chăm sóc. Bạn muốn mặc áo đẹp thì phải là áo phẳng phiu, khi kiếng bẩn thì phải lau, và cây hoa trong nhà cũng vậy, muốn đẹp thì con người phải cắt tỉa cành, diệt sâu bọ, việc đó không quá mất thời gian như mọi người tưởng tượng đâu.
Anh bảo rằng không quan tâm người khác góp ý về những ý tưởng, công trình của mình. Nhưng đôi khi có những góp ý mang tính xây dựng thì sao? Lắng nghe cũng là một cách để hoàn thiện bản thân chứ?
Một công trình làm ra, có người thích nhưng cũng có người không thích, điều đó quá bình thường. Một trong những vấn đề lớn nhất của con người đó là quá mất thời gian suy nghĩ xem người ta đang nói gì về mình. Khi làm việc, bạn cứ tập trung 100% năng lượng cho việc đó, đừng bị chi phối vì bất cứ điều gì.
Thông thường, vì bạn không tự tin nên mới phải băn khoăn những lời nói của người khác. Những khó khăn tất nhiên sẽ có, nhưng trong khó khăn luôn có cơ hội, bạn là người nắm bắt nó chứ không phải ai khác.
Với khối lượng công việc khổng lồ như thế, ngoài thời gian dành cho việc thiết kế, anh còn lại bao nhiêu thời gian để thư giãn, lướt internet, xem tivi?
Bạn thấy đó, tôi có máy tính trong phòng làm việc nhưng tôi rất ít khi sử dụng và lên mạng. Một ngày tôi dành 10 – 12 tiếng cho việc thiết kế. Tôi không quan tâm hôm nay bài viết, hình ảnh được bao nhiêu like, mọi người đang comment gì về mình. Chỉ riêng văn phòng ở HCM có 60 kiến trúc sư ngày đêm miệt mài làm việc, hơn 50 công trình đang phải thực hiện, nên thời gian để xem tivi, lướt internet, tôi dành để hỗ trợ công việc cho mọi người thì có ích hơn.
Tôi có tivi nhưng tôi không xem. Tôi có máy tính nhưng không lệ thuộc vào nó. Đừng lệ thuộc vào những điều đó, nó sẽ giết chết sự sáng tạo. Vì con người nếu lạc trong thế giới ảo quá lâu, họ sẽ không thích giao tiếp với người bên cạnh, họ cắt đứt mối quan hệ với thiên nhiên, trở nên lạc lõng… Đó là nguồn gốc dẫn đến những xung đột giữa người với người.
“Cách để mọi người hiểu được tầm quan trọng của kiến trúc xanh là truyền cảm hứng cho họ”
Không phải kiến trúc sư nào khi mới bắt đầu cũng hiểu rõ tầm quan trọng của các mảng xanh cho những công trình kiến trúc của họ. Anh đã từng nói rằng, làm được bao nhiêu công trình xanh không quan trọng bằng việc đào tạo được bao nhiêu kiến trúc sư có thể làm công trình xanh như mình. Vậy anh đã đào tạo những nhân viên trong công ty mình như thế nào?
Cách đào tạo của tôi là phải truyền được cảm hứng cho người khác. Tôi truyền đạt cho những nhân viên của mình biết cách gần gũi, thân thiện và yêu thiên nhiên. Mỗi ngày, các nhân viên sẽ dành ra 1 giờ đồng hồ để thiền, buổi sáng từ 8h – 8h30, buổi chiều từ 5h30 đến 6h. Việc thiền định mỗi ngày giúp tâm mỗi người được tĩnh lặng, đầu óc trong sáng, sự giao thoa giữa người và thiên nhiên được tái tạo lại. Từ đó tình yêu thiên nhiên sẽ đến với mỗi người, và họ sẽ muốn làm được những kiến trúc xanh.
Đó là cách anh truyền cảm hứng cho người khác, vậy đâu là cách để anh có được cảm hứng khi thiết kế một công trình?
Với tôi, điều kiện văn hóa xã hội ở Việt Nam khiến tôi có nhiều cảm hứng thiết kế nhất. Trước khi thiết kế các công trình kiến trúc, tôi đều nghĩ đến việc làm sao để đưa thiên nhiên vào công trình của mình. Còn về ý tưởng cho một thiết kế, thú thật là tôi không dành thời gian để suy nghĩ ý tưởng, nó đến rất tình cờ. Chẳng hạn trong lúc thiền định, một ý tưởng bất chợt nảy lên và thế là tôi bắt tay vào làm ngay.
KTS Võ Trọng Nghĩa và những công trình của anh từng nhận được rất nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế. Nhưng có lẽ việc được chọn là 1 trong 5 Đại sứ truyền cảm hứng của We choice Awards là giải thưởng đầu tiên không đánh giá trên những công trình kiến trúc mà dựa trên những thành tựu đóng góp của anh cho cộng đồng, những câu chuyện trong hành trình trả lại màu xanh cho trái đất của anh thực sự mang lại những cảm hứng tích cực cho cộng đồng. Anh cảm thấy thế nào với kết quả bình chọn này từ Hội đồng thẩm định We choice Awards?
Từ trước đến nay tôi nhận được rất nhiều giải thưởng, nhưng giải thưởng về việc truyền cảm hứng là giải có giá trị lớn nhất mà tôi nhận được. Khi một công trình kiến trúc được công nhận, thì vẫn chỉ là những dấu ấn cá nhân, tất nhiên sẽ quan trọng nhưng không quan trọng bằng việc cả một thế hệ, đất nước, nhóm người được mình truyền cảm hứng và cùng làm theo một hướng.
Tôi vẫn đang cố gắng truyền cảm hứng cho người dân cùng làm mái nhà xanh, tôi cũng mong sẽ góp được phần nào đó trong việc truyền cảm hứng với chính quyền thành phố, để thay đổi bộ mặt của đất nước, thay đổi cả một thế hệ.
Theo báo Trí thức trẻ.
Xem chi tiết tại đây.