Những cảnh báo về việc một số trường đại học danh tiếng của Mỹ từ chối nhiều học sinh đến từ các quốc gia châu Á vì nghi gian lận ngày càng nhiều hơn.
Cảnh báo tăng dần
Vài năm trở lại đây, tại châu Á, môi giới nhập học nổi lên như một ngành thương mại cực kỳ sinh lời.
Hãng tin Global Post của Mỹ từng có bài viết với tiêu đề “Người châu Á gian lận tràn lan để vào đại học Mỹ”.
Bài viết này khai thác khía cạnh tiêu cực từ nhóm người trẻ châu Á không có thực lực, nhưng gia đình có điều kiện kinh tế tốt, vì vậy mà phụ huynh sẵn sàng bỏ một khoản tiền lớn để con mình có tên trong danh sách sinh viên của một trường đại học danh giá. Theo Global Post, các công ty môi giới chào mời những đối tượng này bằng những bài tiểu luận viết thuê bằng tiếng Anh chuẩn, cùng bộ học bạ được làm giả, kèm theo hàng loạt chứng chỉ, bằng khen… cũng không phải hàng thật. Bên cạnh đó là những sinh viên giỏi sẵn sàng được thuê để đi thi hộ trong kỳ thi SAT (kỳ thi chuẩn hóa tuyển sinh vào đại học 4 năm tại Mỹ).
Tùy vào nhu cầu cụ thể của từng gia đình, đối tượng muốn nhập học mà giá cho dịch vụ này dao động từ 5.000 – 15.000 USD.
Còn theo tờ US News & World Report, nếu học sinh được chấp nhận vào một trong 10 trường hoặc 30 trường giỏi nhất, nhân viên môi giới có thể được thưởng từ 3.000 – 10.000 USD.
Khảo sát do Zinch China thực hiện cách đây vài năm đối với 250 sinh viên Trung Quốc đang theo học ở các trường Mỹ đã chỉ ra tình trạng gian lận trong ứng tuyển nhập học đại học của sinh viên Trung Quốc rất phổ biến. Khoảng 90% thư tiến cử gửi đến các trường đại học nước ngoài là giả, 70% tiểu luận được viết thuê và 50% bảng điểm phổ thông đã qua “xử lý”.
Trong mùa tuyển sinh 2013, Daniel Grayson – một cán bộ tuyển sinh của ĐH Tufts (Massachusetts, Mỹ) tiết lộ, ông đã phải ném bỏ ¼ số hồ sơ của sinh viên Thái Lan vì nghi ngờ họ đã gian lận hoặc tự sáng tác lên những câu chuyện tuyệt vời để gây ấn tượng với cán bộ tuyển sinh.
Theo CNN, do sự nuông chiều của cha mẹ khi thuê những huấn luyện viên dạy trả lời phỏng vấn và những cố vấn riêng giúp họ chuẩn bị và nói dối trong quá trình nhập học, độ tin cậy của các ứng viên Thái Lan nói chung ngày càng tệ hơn.
Học sinh Việt Nam có chung “số phận”?
Với hơn 16.500 sinh viên theo học tại Mỹ trong năm 2014, Việt Nam duy trì vị trí thứ 8 trong số các nước có nhiều du học sinh nhất tại nước này. Đáng chú ý là trong một vài năm gần đây, số lượng học sinh Việt Nam trúng tuyển vào các trường thuộc Ivy League của Mỹ tăng khá mạnh. Năm 2014 có khoảng 20 trường hợp học sinh Việt Nam được vào những trường học danh giá nhất của xứ cờ hoa.
Tuy nhiên, đi kèm với điều này là trên các mạng xã hội cũng như râm ran trong giới học sinh câu chuyện về thực lực của những học sinh được nhận và có học bổng vào những trường thuộc hàng “top”. Thậm chí, tên tuổi và giá cả của những “cao thủ” trong giới tư vấn du học cũng được đem ra bàn luận và phỏng đoán.
Trước vấn đề này, giám đốc một trung tâm tư vấn du học khá có tiếng ở Hà Nội chia sẻ, hiện nay, việc “luyện thi” vào các trường “top” của Mỹ bắt đầu từ lớp 11, 12 như thời kỳ trước là chưa đủ, vì mong muốn của mọi người quá lớn, tham vọng cao hơn, mặt bằng chung cạnh tranh hơn. Do đó, vị giám đốc này cho biết cũng đã từng nhận được câu hỏi và đề nghị của phụ huynh như: Nếu con họ không có thời gian tham gia nhiều hoạt dộng ngoại khóa thì có thể xin chứng nhận được không? Phía trường bên Mỹ thường không kiểm tra ngay được thành tích thì mình cứ ghi vào có được không? Có nên xin điểm, làm lại hồ sơ học tập, xin thư giới thiệu như thế nào? Có thể nhờ giáo viên viết hộ bài luận không?…
Cũng theo vị này, cách đây vài năm đã từng có trường hợp học sinh Việt Nam gian lận và được một số trường của Mỹ nhận vào học, trong đó có trường xếp hạng cao. Tuy nhiên, sau đó học sinh này bị phát hiện và tất cả các trường đã tước lại thư mời.
Chị Trần Phương Hoa, giám đốc điều hành Summit Education Services, cho rằng “Gian lận hồ sơ là một sự cám dỗ quá lớn, nhất là khi việc phong bì phong bao ở Việt Nam quen thuộc”.
Tuy nhiên, theo chị Hoa, hiện nay các trường kiểm tra hồ sơ không quá khó, khi có mạng lưới cựu học viên (alumni) người Việt rộng khắp.
“Hơn nữa, có thể cho là vào được trường danh tiếng là rất oai. Nhưng vào rồi mà không học được cũng rất nguy hiểm, bởi ở đó toàn những người cực giỏi, nếu không có thực lực mình sẽ bị đuối.
Tôi biết có một sinh viên Việt Nam thuộc lứa đầu tiên vào được Ivy league của Mỹ đã phải ngừng học vì bị trầm cảm. Hay có trường hợp gian lận hồ sơ đã bị phạt và tước thư mời.
Hơn nữa, hãy nghĩ tới việc sau này nếu đạt thành công có thể sẽ bị bới lại đống hồ sơ từ thời học phổ thông, đại học xem có từng gian lận khi thi cử hay viết luận văn không…
Nếu chúng ta đi học với tâm thế như thế thật sự không tốt” – chị Hoa khẳng định.
Anh Nguyễn Khắc Nhật Minh, một trong số rất ít học sinh Việt Nam nhận học bổng toàn phần của ĐH Princeton, chia sẻ kinh nghiệm: “Ở Việt Nam, trừ những học sinh sinh viên ngoan nhất, còn đa phần trong thời đi học ai cũng từng… gian lận. Tuy nhiên, ở Mỹ việc gian lận bị đánh giá cực kỳ nghiêm trọng.
Tôi biết một người học khoa Văn ở Princeton có luận văn tốt nghiệp dài 396 trang, trong đó chỉ có một câu không đề rõ nguồn trích dẫn đã bị đình chỉ học một năm.
Vì vậy, nói về việc gian lận hồ sơ, theo tôi, nếu may mắn, run rủi được nhận vào trường thì vẫn có khả năng bị đuổi hoặc tước bằng tốt nghiệp nếu họ phát hiện ra mình có gian lận nào đó trong quá trình học hoặc trước khi vào trường”.
Anh Nhật Minh còn nhấn mạnh tới một hậu quả nghiêm trọng khác, khi nhìn tới những gì đã xảy đến với học sinh Trung Quốc. “Trong 4 năm học ở ĐH Princeton tôi không thấy học sinh nào từ Trung Quốc sang. Chỉ có học sinh Mỹ gốc Trung hoặc học trung học ở Anh, Mỹ, Hồng Kông…, chứ họ không nhận học sinh thẳng từ Trung Quốc nữa, vì họ không còn tin những hồ sơ gửi từ Trung Quốc nữa. Vì vậy mà, nếu mọi người cứ làm thế, chỉ khoảng 5 năm nữa học sinh Việt Nam sẽ không được nhận vào Mỹ nữa, hoặc ít nhất là những trường mà mình muốn vào.
Tôi chắc chắn là không ai muốn chuyện này xảy ra”.
Theo Việt Nam Net
Xem bài gốc tại đây