Thành công trong nhiều vai trò từ luật sư cho đến đệ nhất phu nhân – vợ cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton rồi chính thức dấn thân vào chính trường trong vai trò là thượng nghị sĩ, ngoại trưởng cũng như ứng viên tổng thống… bà Hillary Clinton đã đưa mình trở thành một những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Cựu Ngoại trưởng kiêm Cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton, 68 tuổi vừa chính thức tuyên bố sẽ ra tranh cử chức Tổng thống Mỹ năm 2016. Đây là lần thứ hai bà Hillary ra tranh cử Tổng thống Mỹ. Hồi năm 2008, bà bị thua trong cuộc đua giành đề cử của Đảng Dân chủ để ra tranh cử chức tổng thống Mỹ trước ứng cử viên Barack Obama.
Khi đó, chiến dịch của bà bị chỉ trích là truyền tải sự ngạo mạn, không phù hợp với hình ảnh tiến bộ của Đảng Dân chủ – yếu tố khiến bà thất bại trước ông Obama. Đến nay, nhiều người tin tưởng rằng, những bài học đắt giá sau thất bại hồi năm 2008 chắc chắn sẽ là kinh nghiệm quý báu giúp bà Hillary tiến gần hơn tới chiến thắng trong lần thứ 2 ra tranh cử.
Bà Hillary Clinton tên đầy đủ là Hillary Diane Rodham Clinton sinh ngày 26.10.1947 tại Chicago, bang Illinois. Bà tốt nghiệp trường Wellesley College vào năm 1969 và Đại học Yale năm 1973 với bằng Tiến sĩ Luật. Tại Đại học Yale, bà đã gặp người chồng tương lai của mình, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Cặp đôi kết hôn vào năm 1975.
Ít người biết rằng, khi còn trẻ, bà Hillary đã gia nhập Đảng Cộng hòa và được đánh gia là thành viên tích cực trong nhóm các đảng viên trẻ. Tuy nhiên, sau đó bà đã thay đổi quan điểm chính trị và gia nhập Đảng Dân chủ – đối thủ số 1 của Đảng Cộng hòa.
Năm 1972, bà Hillary Clinton bắt đầu tham gia các chiến dịch của ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ George McGovern.
Sau khi tốt nghiệp trường luật, năm 1974, bà tham gia vào nhóm tham mưu cho Ủy ban Tư pháp của Hạ viện.
Sau đó, bà chuyển đến Arkansas, nơi chồng bà, ông Bill Clinton khởi nghiệp chính trị.
Cùng năm đó, Hillary tham gia công tác giảng dạy tại Đại học Luật Arkansas. Năm 1976, bà vào làm việc cho Công ty Luật Rose ở Little Rock ở Arkansas và sau đó, năm 1978 được chọn vào hội đồng quản trị của Công ty các dịch vụ tư vấn pháp lý (Legal Services Corporation) của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter (nhiệm kỳ 1977– 1981). Bà làm việc ở đây cho tới năm 1981.
Cùng năm 1978, khi ông Bill Clinton tranh cử thành công chức Thống đốc Arkansas, bà Hillary trở thành Đệ nhất phu nhân của Arkansas và giữ danh hiệu này tổng cộng 12 năm (1979-1981 và 1983-1992).Trong suốt thời gian đảm nhiệm vai trò Đệ nhất phu nhân của Arkansas, bà Hillary Clinton đã chứng tỏ là một phụ nữ năng động, tích cực tham gia các sự kiện công cộng, đặc biệt trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế và bảo vệ quyền trẻ em. Từ năm 1982 đến năm 1992, bà vẫn theo đuổi nghề luật sư.
Nữ luật sư Hillary trở thành Đệ nhất phu nhân Mỹ sau chiến thắng của chồng, ông Bill Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1992.
Theo đề nghị của ông Bill Clinton, năm 1993, bà Hillary trở thành người đứng đầu của nhóm nghiên cứu về Công tác Cải cách y tế quốc gia.
Năm 1998, bê bối ngoại tình của cựu Tổng thống Bill Clinton với cô thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky nổi lên, khiến dư luận nước Mỹ chấn động. Trái với dự đoán của nhiều người rằng, một người có cá tính mạnh mẽ và độc lập như Đệ nhất phu nhân Hillary sẽ chia tay người chồng đã bội bạc mình, bà lại chọn cách tha thứ và cùng ông Bill Clinton vượt qua sóng gió.”Tha thứ là một sự chọn lựa. Tôi hoàn toàn tôn trọng những người không chọn cách đó, có thể do cuộc sống của họ. Còn với tôi, đó là lựa chọn hoàn toàn đúng đắn”, bà nhấn mạnh.
Thậm chí, khi nói về người tình của chồng, thực tập sinh Monica Lewinsky, bà Hillary tỏ ra rộng lượng khi cầu chúc cô gái gặp nhiều may mắn. “Theo tôi, mọi người cần hướng về tương lai”, cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ chia sẻ.
Dù vậy, sau này, trong một cuộc phỏng vấn, bà Hillary thừa nhận giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời bà chính là thời điểm phải đối mặt và tìm cách giải quyết vụ bê bối tình ái giữa chồng và cô thực tập sinh Monica Lewinsky.
Ngày 7.11.2000, cuộc đời bà Hillary Clinton bước sang một trong mới khi bà được bầu làm Thượng nghị sĩ bang New York và chính thức bắt đầu sự nghiệp chính trị riêng. Bà tái đắc cử chức Thượng nghị sĩ vào năm 2006.
Ngày 20.1.2007, bà tuyên bố ra tranh cử đề cử của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008. Đối thủ chính của bà là Thượng nghị sĩ Barack Obama. Trong cuộc cạnh tranh này, đáng tiếc bà Hillary đã thất bại trước ông Obama.
Một thời gian ngắn sau đó, khi ông Obama giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, bà Hillary được chính đối thủ cũ của mình đề cử giữ chức Ngoại trưởng Mỹ. Bà chấp nhận đề cử này và sau khi nhận được sự phê duyệt của Thượng viện, ngày 21.1.2009, bà chính thức trở thành Ngoại trưởng Mỹ.
Trong gần 4 năm đảm trách cương vị Ngoại trưởng, bà Hillary đã công du đến 112 quốc gia trên thế giới. Bà từng lập kỷ lục là ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ công du 100 quốc gia trên toàn thế giới. Trước bà, chưa từng có một ngoại trưởng Mỹ nào tới thăm hơn 96 quốc gia.
Trong vai trò là một ngoại trưởng, bà Hillary tiếp tục chứng tỏ lập trường kiên định, cứng rắn của mình trong các sự vụ ngoại giao. Là một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm cùng sự khéo léo của một người phụ nữ, bà Hillary đã ghi dấu ấn đậm nét trên chính trường Mỹ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Năm 2013, Hillary Clinton được xếp thứ 5 trong top 15 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Tuy nhiên, tháng 2.2013, bà Hillary từ chức Ngoại trưởng, trao lại chức vụ cao nhất trong lĩnh vực ngoại giao của nước Mỹ cho người kế nhiệm là ông John Kerry.
Trong cương vị là Ngoại trưởng và Đệ nhất Phu nhân Mỹ, bà Hillary đã nhiều lần công du tới Việt Nam. Năm 2000, bà Clinton cùng chồng, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và cô con gái duy nhất của họ Chelsea chính thức tới thăm Việt Nam. Ông Bill Clinton là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995.
Chuyến thăm này đã giúp thúc đẩy Việt Nam và Mỹ ký hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ một năm sau đó (2001). 10 năm sau trên cương vị là Ngoại trưởng Mỹ, bà trở lại Việt Nam tham dự Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN tháng 7.2010 và đã gặp gỡ các lãnh đạo Việt Nam.
Tháng 10.2010, cựu Ngoại trưởng Mỹ một lần nữa trở lại Việt Nam để dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 17. Tháng 7.2012, bà có chuyến thăm Việt Nam lần thứ 4 kéo dài 2 ngày.