Không chỉ “ôm” trọn học bổng tiến sĩ kinh tế 5 năm của Đại học Harvard, Châu Thanh Vũ (21 tuổi) còn được 7 trường đại học xếp hạng cao nhất về ngành kinh tế của Mỹ gọi tên, gồm: ĐH Princeton, Stanford, Chicago, Yale, Columbia, Minnesota và Học viện Công nghệ Massachusetts.
Từng giành gần 10 học bổng đại học toàn phần…
“Ẵm” cùng lúc học bổng tiến sĩ toàn phần của 8 trường đại học danh tiếng Mỹ, Thanh Vũ khiến nhiều người “ngả mũ” thán phục. “Lục lọi” tiểu sử của Vũ, có lẽ sẽ không ít người phải trầm trồ khi biết rằng, trước đây, chàng trai Ninh Thuận từng giành 7 học bổng đại học toàn phần danh tiếng ở Mỹ, Đức và Canada…
Tốt nghiệp cấp 2 tại Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, Thanh Vũ lên TP. Hồ Chí Minh theo đuổi giấc mơ trở thành kĩ sư phần mềm. Theo học lớp Chuyên Tin, trường Phổ thông Năng khiếu, anh chàng liên tục mang về nhiều huy chương, giải thưởng cao trong các cuộc thi về Tin học cấp quốc gia và thành phố.
Dẫu vậy, một ngã rẽ bất ngờ đã đến. Năm lớp 11, tổ chức United World College (UWC – Trường Liên kết Thế giới) của Việt Nam trao tặng Vũ học bổng toàn phần học 2 năm cuối phổ thông ở Mỹ.
Sau chuyến du học thời cấp 3, Vũ xác định, ước mơ lớn nhất là “trở thành một nhà kinh tế vĩ mô để có thể dễ dàng thay đổi trực tiếp cuộc sống của nhiều người”, mà trước tiên là vùng quê còn nhiều khó khăn của Vũ.
“Mình sinh ra ở Ninh Thuận và chứng kiến nhiều cảnh nghèo, nên từ trước tới nay mình rất muốn công việc của mình sau này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội.
Thời gian học ở trường UWC, mình gặp được rất nhiều bạn có tư tưởng, chí hướng, và làm những hành động rất cụ thể để theo đuổi mục tiêu. Điều đó tạo động lực để mình quyết định chuyển sang học kinh tế luôn, dù trước kia là học sinh chuyên tin.
Mặt khác, môn kinh tế khá hấp dẫn với mình vì nó giải đáp những câu hỏi thiết thực của xã hội bằng cách áp dụng của toán học và tin học. Do đó đối với một người rất thích khoa học nhưng muốn làm việc ở những mảng xã hội như mình thì đây là lựa chọn rất tối ưu”, Thanh Vũ chia sẻ.
Giành gần 10 học bổng đại học toàn phần, Vũ chọn theo học trường ĐH Princeton, một trong những trường có khoa kinh tế tốt nhất của Mỹ. Năm 3 đại học, anh chàng đạt danh hiệu Sinh viên xuất sắc nhất khoa kinh tế của ĐH Princeton danh tiếng.
“Mách nước” cách chinh phục 8 học bổng tiến sĩ toàn phần “khủng”
“Không thể phủ nhận thay đổi lớn lao và tích cực mà những công ty như Facebook hay Google mang đến cho hàng tỷ người trên Trái đất, nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ những người trong xã hội, khái niệm thay đổi đối với họ không thể bắt đầu bằng một chiếc điện thoại cầm tay đời mới mà là một chính sách hỗ trợ lao động, chính sách giá, chính sách thuế đúng đắn…”, luôn mang niềm trăn trở ấy, từ năm 2 đại học, Thanh Vũ đã chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển học bổng tiến sĩ để theo đuổi giấc mơ kinh tế.
Mới đây, Thanh Vũ trở thành 1 trong 33 ứng viên (trên tổng số khoảng 800 hồ sơ ứng tuyển) giành được học bổng tiến sĩ kinh tế toàn phần 5 năm (79.000 USD/năm) tại đại học Harvard, Mỹ.
Chàng trai 21 tuổi tiếp tục hứng “mưa” học bổng tiến sĩ từ các trường được có khoa kinh tế tốt nhất Mỹ và thế giới. Gồm: Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ĐH Princeton, ĐH Stanford, ĐH Chicago, ĐH Yale, ĐH Columbia và ĐH Minnesota.
Tiêu chí lựa chọn để cấp học bổng tiến sĩ của trường Harvard bao gồm 3 lá thư giới thiệu của 3 giáo sư từng dạy hoặc làm việc, điểm trung bình đại học, độ khó của các môn toán và kinh tế đã học, bài nghiên cứu mẫu, cùng một số tiêu chí khác.
Thanh Vũ “bật mí”, để được học bổng tiến sĩ của các trường hàng đầu của Mỹ nói chung, thư giới thiệu của các giáo sư có vai trò rất quan trọng.
Anh chàng tâm sự: “Ứng viên phải có mối quan hệ thật tốt và được tin tưởng bởi 3 giáo sư của ngành. Trong khoa của mình có 120 sinh viên, nhưng mình học điểm khá cao, cộng với việc học một số lớp khó (mình có học một số lớp kinh tế chỉ dành cho những người đang theo học tiến sĩ ở trường mình – ĐH Princeton), nên các giáo sư rất ưu ái mình.
Từ những thành tích trong lớp học như vậy, thì mình thiết lập được mối quan hệ tốt hơn với giáo sư. Mình có cùng phụ nghiên cứu cho 2 giáo sư ở khoa, và được rất nhiều người sẵn sàng đưa lời khuyên, giúp mình chọn trường, nói chuyện về cuộc sống…
Lúc nộp đơn, mình đã nhờ 3 giáo sư mà mình thân nhất viết thư giới thiệu cho. 3 giáo sư mà mình nhờ viết thư giới thiệu là những giáo sư đầu ngành. Trong đó có một người từng được dự đoán sẽ đoạt giải Nobel, một người đang là Tổng biên tập một Tạp chí Khoa học kinh tế hàng đầu của Mỹ, và một người là giáo sư trẻ đang rất nổi tiếng trong phân ngành tài chính công.
Những người này có mối quan hệ rộng, từng làm việc ở cả trường MIT lẫn Harvard, nên đồng nghiệp của họ ở hai trường danh tiếng này tất nhiên rất tin tưởng họ khi họ viết thư giới thiệu cho mình.
Ngoài ra còn một số yếu tố khác như bài nghiên cứu mẫu, điểm số của những lớp toán, điểm số của những lớp của chương trình sau đại học mà mình học khi còn là sinh viên,… Những phần này thì mình chỉ biết “ráng cày” thôi chứ cũng không có gì đặc biệt”. (cười)
Dù nghiêng cảm tình về phía Harvard nhiều hơn, nhưng những ngày này, các giáo sư của 8 trường liên tục gọi điện thuyết phục, nên chàng 9X Việt còn… “hơi lung lay”.
Vũ cho hay, sau khi lấy bằng tiến sĩ, anh chàng muốn kết hợp giữa việc làm giáo sư với tư vấn chính sách cho một tổ chức công như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ thế giới, hay Chính phủ Việt Nam.
Thành tích học bổng của Châu Thanh Vũ:
– Học bổng Lawrence S.Ting cho học sinh xuất sắc năm 2008, 2009.
– HCB Olympic Tin học 30/4 cho khối lớp 10, HCV Olympic Tin học 30/4 cho khối lớp 11. Giải Nhì HSG Tin học TP.HCM năm 2009.
– Giải Nhì HSG Tin học Quốc gia năm 2009.
– Học bổng toàn phần tại trường Liên kết Thế giới UWC tại New Mexico, Mỹ trong hai năm 2009-2011.
– Học bổng toàn phần tại 7 trường ĐH của Mỹ, một ở Đức và một ở Canada.
– Học bổng toàn phần của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Các khu vực của Princeton để tham gia một khóa học về kinh tế – chính trị tại Nhật Bản năm 2012.
– Học bổng toàn phần để thực tập tại Khoa Thống kê của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) năm 2013.
– Học bổng toàn phần để tham gia nghiên cứu về những nguy cơ hệ thống toàn cầu, nhóm nghiên cứu được thành lập bởi các giáo sư ở Princeton, cũng như thực hiện một dự án nghiên cứu độc lập hè 2014.
– Làm việc khoa nghiên cứu của Ngân hàng Dự trữ Nam Phi tại thủ đô Pretoria năm 2014.
– Danh hiệu sinh viên năm 3 xuất sắc nhất khoa kinh tế của ĐH Princeton.
– Học bổng toàn phần tiến sĩ kinh tế tại 8 trường của Mỹ.
Theo Dân Trí
Xem bài gốc tại đây