
Tốt nghiệp Đại học Oxford- Một trong những trường đại học danh tiếng bậc nhất thế giới, ra trường đi làm tại ngân hàng lớn của London.
Đó tưởng chừng như là niềm mơ ước của nhiều bạn trẻ. Nhưng Vân Trần – cô gái Hà Nội gốc đã từ bỏ công việc đáng mơ ước ấy để khởi nghiệp từ những ổ bánh mì mang hương vị truyền thống.
Cô và cộng sự của mình là những người tiên phong đưa Bánh mì Việt Nam vào từ điển Oxford và ghi tên món ăn này vào bản đồ ẩm thực thế giới. Bài phỏng vấn thú vị dưới đây sẽ hé lộ nhiều bất ngờ về cô gái Hà Nội khởi nghiệp nơi đất khách.

1. Được biết chị tốt nghiệp Đại học Oxford, ra trường làm việc tại một ngân hàng lớn ở London. Vậy tại sao chị lại quyết định bỏ việc ngân hàng để bán bánh mì?
Rời New York và chuyển đến London làm việc trong một ngân hàng lớn, tôi nhận thấy cuộc sống và làm việc ở thành phố New York làm tôi ngán những buổi trưa vội với bánh mì kẹp trong các cửa hàng tiện lợi. Đôi lúc tôi tự hỏi có phải mình đã bị nhấn chìm quá nhiều vào cuộc sống công nghiệp? Đến London, đầu tiên tôi chỉ nghĩ mình sẽ ở đây 3 tháng. Nhưng nhịp sống, cuộc sống ở London đã thay đổi tôi. Có thể nói, nó đã kéo tôi lại với bản thân mình và tôi nhìn thấy mình trong đó.
Và đó là lúc chúng tôi muốn dệt mơ ước của mình vào “khúc vải” London. Tôi muốn hiểu thành phố này như một người trong cuộc, như một người bản xứ chứ không phải là một người du mục. Ăn, ngủ, làm việc và cùng mơ giấc mơ London trong sự ấm ấp của con người nước Anh và sự hội tụ tinh hoa trong một thành phố quốc tế.
Năm 2008, bắt đầu bằng quầy chợ nhỏ cuối tuần ở Broadway market. Rồi trong 2 năm, chúng tôi đã nhận được nhiều sự quan tâm của báo chí và giải thưởng. Hoạt động của một quầy chợ không chỉ là một dự án của niềm đam mê vào mỗi duy nhất ngày thứ Bảy trong tuần mà dài hơn là cho chúng tôi một tuần đầy cơ hội. Tất cả mọi hoạt động một quầy chợ tưởng chừng như đơn giản nhưng cần một quy trình và chiến lược quản trị để giữ cho mọi thứ hoạt động lâu dài.
Ngã rẽ này của công việc trùng với sự ra đi của mẹ tôi, bà bị một dạng ung thư hiếm. Tại thời điểm này, tôi vẫn còn làm việc cả ngày ở văn phòng, chủ yếu hầu hết thời gian là nghiêm trang tại bàn làm việc và ăn trưa tại các khu High Street hay đồ ăn sẵn trong siêu thị. Chính sự ra đi của mẹ làm tôi suy nghĩ nhiều hơn, ý thức nhiều hơn đến việc có bao nhiêu chất bảo quản, bao nhiêu chất phụ gia trong các thức ăn có sẵn ở tất cả các khu đô thị bận rộn. Ngay cả khi mọi thứ đều tươi mới, thời hạn sử dụng của các sản phẩm làm cho chúng không tự nhiên bằng nhiều cách khi nó đi vào cơ thể chúng ta, đó là những gì đã nhắc nhở tôi và luôn làm tôi trăn trở.
Chính bước ngoặc đó đã cho tôi một dịp suy nghĩ để nhìn lại, dừng lại tìm một con đường về ăn uống lành mạnh, xác định lại chọn lựa nghề nghiệp và định nghĩa lại với thành công này sẽ mang đến cho tôi thêm những ý nghĩa quan trọng gì. Năm 2011, chúng tôi mở cửa hàng đầu tiên mang tên Bánh Mì 11.

2. Khi quyết định kinh doanh bánh mì, chị có tin rằng mình sẽ thành công hay không? Và thời điểm đó tại Anh đã có nhiều tiệm bánh mì Việt Nam hay chưa?
Tôi luôn bị mê hoặc và ám ảnh trong việc tạo ra các thứ phải đẹp và mang đến hạnh phúc cho con người trong cuộc sống. Suy nghĩ này đã giúp cho tôi không ngần ngại khi làm tất cả mọi thứ riêng mình. Với tôi trước đây sự trưởng thành và làm việc trong ngành công nghiệp ẩm thực hay mở một cửa hàng là thứ mà chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ chọn lựa.
Tôi có kinh nghiệm trong ngành tài chính nhưng với ngành ẩm thực dường như mọi thứ rất mới mẻ và rất ít kinh nghiệm, nhưng tôi đã luôn nghĩ rằng tôi đang sống trong giấc mơ của tôi và tôi có lý do để biến nó thành hiện thực. Lúc đầu mọi người muốn tôi chọn lựa một giải pháp tốt đẹp là vẫn duy trì có một chỗ làm ổn định bên cạnh việc quản lý một doanh nghiệp phụ. Nhưng mọi thứ không dễ dàng như thế. Công việc của tôi vô cùng khắt khe về thời gian, tôi làm từ 60-80 giờ một tuần là bình thường, ngoài ra tôi phải bay đi bay lại, di chuyển rất nhiều theo yêu cầu công việc. Còn việc kinh doanh là cả một sự dày công nuôi dưỡng, nếu bạn không chăm sóc nó tốt, cung cấp cho nó hết những gì bạn có, nó sẽ khó phát triển và đơm hoa kết trái . Làm một thứ gì đó mà người khác đã làm, duy trì một thứ gì đó chỉ vì thu nhập không làm tôi quan tâm, tôi muốn làm thứ gì đó mà chưa ai thực hiện.
Ở nước Anh đa phần mọi người biết đến đồ ăn Việt qua Phở. Ngay từ ngày đầu khi bắt đầu bằng 1 quầy chợ nhỏ cuối tuần Broadway Market, chúng tôi quyết tâm gìn giữ cái tên tiếng Việt Bánh Mì chứ không muốn thay thế bằng bất kỳ cái tên nào khác và chọn nó thành tên của doanh nghiệp. Số 11 tượng trưng cho 11 mẫu cắn của tình yêu, của nỗi nhớ quê nhà, của niềm mong mỏi mang hạnh phúc đến cho người khác thông qua ăn uống. Chính nhờ nỗ lực của chúng tôi mà giờ đây “bánh mì” nằm trong từ điển Oxford. Có thể nói, chúng tôi là những người đầu tiên bán bánh mì ở đây và cố gắng giới thiệu cho thế giới biết đến ẩm thực Việt hấp dẫn như thế nào.
3. Trên thế giới đã có rất nhiều loại bánh mì nổi tiếng như Hamburge, Doner Kebab… Vậy theo chị bánh mì Việt Nam có gì khác biệt so với các loại bánh mì đã có thương hiệu khác?
Vẻ ngoài rất Tây, bên trong rất ta.
Chúng tôi là người đầu tiên kinh doanh bánh mì Việt Nam ở London. Thật khó để chọn ra món ngon nhất của Việt Nam để trở thành thế mạnh vì Phở dường như đã quá phổ biến ở các khu người Việt trên toàn thế giới. Tôi chọn bánh mì vì nó là một “ổ hài hoà”, bên ngoài mang cái nhìn rất phương Tây nhưng nội dung bên trong từng ổ là hương vị Việt Nam đậm đà.
Điều khác biệt nữa của bánh mì là chúng tôi hoàn toàn homemade. Sản phẩm của họ đa phần được sản xuất tại nhà máy theo dây chuyền và bằng máy móc công nghiệp. Các nguyên liệu thường là chế biến sẵn từ các nhà cung cấp. Các sản phẩm của Bếp Haus là hoàn toàn từ căn bếp, từ món đồ chua đến patê hay mayonnaise đều do chúng tôi tự làm ra và được bán ngay trong ngày.
4. Khi mới khởi nghiệp, khó khăn lớn nhất của chị là gì? Làm sao để tìm được các nguyên liệu để làm bánh mì Việt Nam ở nước Anh? Việc lựa chọn và thuê địa điểm ở London có khó không?
Khó khăn:
Đầu tiên là việc nghiên cứu cho công thức món ăn. Chúng ta đã quen với khẩu vị Việt, mặc dù gia đình tôi xa Việt Nam từ bé nhưng mẹ tôi vẫn luôn giữ đúng hương vị Hà Nội cũ trong bữa ăn tuổi thơ tôi. Để chinh phục khẩu vị người Tây, tôi đã phải mất khá nhiều thời gian thử nghiệm, cũng như thay đổi.
Thật sự là rất khó để giữ được khẩu vị đậm đà của đồ ăn Việt mà vẫn làm hài lòng vị giác khách Tây. Cuối cùng sau nhiều thất bại trong việc thử nghiệm, tôi đã làm được và giữ gần như trọn vẹn tinh tuý mùi vị món ăn Việt Nam trong khi vẫn phù hợp với cách ăn của người Anh. Chúng tôi sử dụng rất nhiều nguyên liệu địa phương. Tôi không nhập khẩu bánh mì, giò chả như các nhà hàng khác. Để có được tiêu chuẩn riêng cho nhà hàng, tôi làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp nước mắm hoặc gia vị phở ở London. Thậm chí tôi trở lại Hà Nội và đến tận Phú Quốc để tự tay chọn các loại gia vị như tiêu, ớt hay quế.
Thứ hai là vị trí cửa hàng, như tôi đã nói điều này là rất khó. London là một thị trường có tính cạnh tranh cao và đồng thời mặt bằng ở 1 thành phố đắt đỏ như London không hề là một bài toán dễ tìm lời giải. Bằng cái nhìn nhạy bén chúng tôi không chọn vị trí nằm trong các khu nhà hàng Việt Nam. Tôi đã rất khó khăn và nghiên cứu rất kỹ để tìm ra vị trí nào thuận lợi nhất có thể tiếp cận với các Londoner. Có thể nói chúng tôi là thế hệ người Việt mới ở nước Anh, chọn hướng đi mới và thách thức với đối thủ mới chứ không chỉ quây quần trong các khu người Việt. Đó là cơ hội cho chúng tôi khi đứng tách biệt.
Nằm trên con đường nhiều bóng nhân viên văn phòng bận rộn mỗi ngày, hay nhiều Londoners qua lại. Nơi họ có thể thuận tiện ghé thưởng thức một ổ bánh mì to hay một phần cơm nóng hổi dinh dưỡng thay vì những chiếc burgers hay sandwiches từ các nhà máy công nghiệp lạnh ngắt, nghèo nàn buồn chán.
Thứ ba là về nhân viên, họ chính là bộ mặt của công ty. Tôi luôn đề cao việc huấn luyện họ hiểu rõ nguồn gốc của đồ ăn Việt. Nhân viên của tôi đến từ nhiều nơi, họ không chỉ là người Anh, hay người Ý… Cho dù họ là người nước nào tôi vẫn hy vọng họ truyền tải được tốt nhất thông điệp của chúng tôi với khách hàng qua từng nụ cười và qua từng món ăn.
Thứ tư là về khách hàng, họ chính là người chủ, những ông bà hoàng. Nhiều khi trong các buổi buôn bán tấp nập, chúng tôi ngồi đó, nhìn từng dòng khách hàng ra vào. Với tôi nó như một đoạn phim quay chậm, tôi ngồi ấm áp trên ghế ngay gần cửa ra vào trong buổi trưa London. Tôi quan sát họ, khách hàng, cách họ bưng bê từng tô phở, hay cắn từng miếng vào chiếc bánh mì giòn tan. Tôi hiểu là mình đã đi đúng đường cho dù có nhiều khó khăn đã qua.
5. Kinh doanh ở nước ngoài thì huy động vốn và tuyển nhân viên có khó không? Chị đã giải quyết vấn đề này như thế nào?

“Chúng ta có thể làm được tất cả với bắt đầu không có gì”, làm việc chăm chỉ như tính cách người Việt. Tôi huy động vốn từ khách hàng và được nuôi lớn từ khách hàng. Năm 2011, bằng từng ổ bánh mì nóng giòn đầy ấp kỷ niệm Việt Nam nơi khu chợ, chúng tôi khai trương cửa hàng bánh mì Việt Nam đầu tiên ở London mang tên Bánh Mì 11.
Và đến nay, năm 2015, với hiện tại là 3 chuỗi cửa hàng khoẻ mạnh, tấp nập thực khách hàng ngày, chúng tôi vẫn đang được nuôi lớn và chưa có ý định dừng lại.
Ở một thành phố cạnh tranh lớn như London, chúng tôi tự hào tạo được việc làm cho nhiều bạn trẻ. Họ là những người trẻ giàu đam mê và không ngừng lao động để tự khẳng định mình. Điều tôi luôn mong là họ có thể sống trong không khí của niềm đam mê và hương vị Việt Nam khi làm việc cho Bếp. Tôi muốn quảng bá hình ảnh Việt và giá trị Việt cho họ, vì họ là bộ mặt, là người cùng chúng tôi truyền tải vẻ đẹp món ăn Việt đến khách hàng.
6. Từ một nhân viên ngân hàng rồi chuyển sang làm bánh mì là 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Vậy chị đã học được bí quyết làm bánh mì từ đâu?
Xuất thân từ một gia đình Hà Nội gốc và am hiểu kỹ ẩm thực Việt qua cung cách sành ăn truyền lại từ gia đình bao đời, tôi hiểu đến sự chăm chút của từng món ăn. Và đặc biệt quan trọng mẹ tôi là người tạo cảm hứng cho tôi nhiều nhất, người đã dạy cho tôi hiểu đồ ăn có giá trị như thế nào khi đi vào cuộc sống.
Tất cả bắt đầu là câu chuyện của đôi bàn tay, của khối óc cùng tạo nên các giá trị thủ công và cuối cùng là để mang hạnh phúc đến cho nhau. Chúng tôi, với toàn bộ giá trị cuộc sống của mình, đã áp dụng bài học như thế nào là tiếp thu là chắt lọc tinh hoa từ người đi trước. Chúng ta có may mắn là người đi trước đã để lại cho người Việt một nền văn hoá lớn, giàu có. Mỗi món ăn là một di sản và tôi tự hào khi được truyền thụ các công thức từ người đi trước.

7. Người Phương Tây được xem là những thực khách rất khó tính. Vậy bánh mì 11 đã “mê hoặc” được họ như thế nào?
Chúng tôi chinh phục khách hàng bằng chất lượng. Ăn uống không chỉ no mà còn tốt và khoẻ và đặc biệt là sự tươi mới trong việc chọn lựa từ các nguyên liệu địa phương. Chúng tôi không phục vụ các món chiên xào hay nhiều dầu mỡ, mà quan tâm đến sức khoẻ lên hàng đầu.
Hình ảnh của chúng tôi không chỉ đơn giản là một cửa hàng bán đồ ăn Việt Nam thuần tuý. Tôi nhớ Hà Nội như những cuốn phim mùa hè trong mắt. Và tôi đang sống ở ngay trung tâm thế giới – London, tôi muốn truyền tải nó qua các bữa ăn ấm áp hương vị quê nhà.
Đôi khi vì quá quy tắc với việc chinh phục khách hàng bằng chất lượng, tôi luôn luôn muốn mọi thứ hoàn hảo và có phần cầu toàn. Như việc tôi về Việt Nam đi đến tận làng nghề gốm truyền thống để đặt từng chiếc bát cho món Phở hay từng chiếc đĩa cho món bánh mì. Ngay cả đến đồng phục của nhân viên, tôi cũng muốn chúng hoàn hảo nhất. Không chọn được loại vải phù hợp tôi phải đổi nhà cung cấp đến khi nào tôi thấy chất lượng đó là tốt nhất và nhìn vệ sinh nhất có thể cho chiếc đồng phục.
Chúng tôi có được hình ảnh tốt từ báo chí, các tờ báo lớn như BBC, Times, Guardian, London Evening Standard, The Telegraph… Ngoài ra, Broadway Market vẫn là nơi chúng tôi gặp gỡ mọi người. Vẫn còn nhiều người không hiểu rõ đồ ăn Việt Nam nhưng khi họ là bạn, họ sẽ tìm đến chúng tôi lần thứ 2 và nhiều lần sau nữa. Ngoài ra chúng tôi có các kênh online marketing (facebook, twitter, instagram…) luôn cập nhật hoạt động hàng ngày, hàng tuần. Cũng như sự xuất hiện của chúng tôi trên các trang reviews lớn như Timeout, Tripervisor, Yelp bên cạnh các nhà hàng lớn…
Ngoài ra tôi và Thuỳ Anh cùng đồng tác giả cuốn “The Vietnamese Market Cookbook”, đó là một câu chuyện không quá ngắn, không quá dài để chúng tôi kể cho các độc giả hâm mộ như thế nào là sắc-hương-vị của đồ ăn Việt Nam. Hiện tại sách không chỉ bán ở Anh mà còn có mặt tại Mỹ với nhiều sự phản ánh tốt từ độc giả.
8. Tiêu chuẩn về vệ sinh ATTP, chất lượng phục vụ… ở các nước phát triển đặc biệt là Anh rất cao. Vậy chị và cộng sự đã phải chuẩn bị những gì để xây dựng và phát triển bánh mì 11 được khách hàng ưa chuộng?
Chúng tôi có internal audit hàng tuần, cross check giữa các shop hàng tháng. Ngoài ra chúng tôi có các food hygiene và safety consultant để giúp chúng tôi comply với các regulation/standards trong food hygiene and safety. Tất cả staffs đều phải mang găng tay khi làm việc và đều phải đạt chuẩn thông qua khoá training về food hygiene trước khi được làm chính thức.
9. Theo chị điều khó khăn nhất để kinh doanh ở nước ngoài là gì? Tại sao? Ngoài bánh mì chị có kinh doanh thêm món ăn Việt Nam nào không?
Như đã nói ở trên, có quá nhiều khó khăn khi kinh doanh như việc tạo ra món ăn cho đến tìm địa điểm, nhân viên cho đến việc chinh phục khách hàng. Lúc nào cũng vậy, khi đi qua một sự mạo hiểm bạn sẽ thấy mình thật liều lĩnh và hơn hết bạn nhận ra nhiều thứ mà nếu cho làm lại lần nữa bạn sẽ khắc phục tốt hơn. Tôi cũng vậy nếu như làm lại lần nữa, tôi sẽ dành thời gian nhiều hơn cho kế hoạch chuẩn bị để mọi thứ hoàn hảo nhất. Kinh doanh ở nước ngoài và đặc biệt ở thành phố lớn như London, bạn phải nhạy bén, phải chủ động và phải hiểu con người. Đặc biệt bạn phải hiểu giá trị của mình.
Chúng tôi hiện tại có 3 của hàng tại London, hai cửa hàng mang tên Bánh Mì 11 và 1 cửa hàng mang tên Bếp Haus. Không chỉ kinh doanh bánh mì, chúng tôi còn có các món ăn Việt Nam phong phú khác và không thể thiếu phở, bún… Đa phần đồ ăn Việt khi sang nước ngoài đều bị lai. Nhưng tôi muốn giữ hương vị chính thống. Không quá nhiều sauce, phụ liệu. Vẫn là heo quay giòn tan lớp da và phần thịt nồng nàn gia vị, vẫn là dưa leo với cà rốt chua ngọt, vẫn là ngò rí thơm và ớt cay nồng cùng mùi pâté và mayonnaise béo ngậy. Chỉ là mọi thứ được nâng lên ở một chất lượng tốt nhất. Tất cả đều tươi mới, là nguồn nguyên liệu chọn lọc từ các nhà cung cấp địa phương.
10. Hiện nay đã có rất nhiều bài báo ca ngợi bánh mì Việt Nam là ẩm thực đường phố ngon nhất thế giới? Chị nghĩ rằng mình là một trong số những người đầu tiên đưa bánh mì Việt Nam ra thế giới hay không?
Việc người tiêu dùng có thể nói được hai từ “bánh mì” là một bằng chứng chắc chắn cho sự thành công của chúng tôi. Vì chúng tôi là người đầu tiên mang từ Bánh Mì vào từ điển Oxford. Chúng tôi phát triển dựa trên sự ủng hộ của khách hàng, chính họ là những người giúp chúng tôi thành công và chúng tôi tự hào với thành công đó.
11. Lợi nhuận từ kinh doanh bánh mì tại London thế nào? Trong thời gian tới chị có những dự định gì để tiếp tục phát triển món ăn này? Trong kinh doanh không tránh khỏi sự cạnh tranh, chị đã có bí quyết nào để giữ vững và phát triển thương hiệu bánh mì mà mình đã gây dựng?
Mỗi ngày chúng tôi bán hàng trăm cái bánh mì, chưa kể món cơm hay bún là một trong những món bán chạy nhất của chúng tôi. Mỗi năm con số đó tăng 300%. Giá bánh mì : 6-7 Euro. Phở: 7-8 Euro.
Buổi trưa là buổi bán khá bận rộn vì đa phần khách hàng là nhân viên văn phòng. Về cuối tuần từ thứ 5 thứ 6 là dịp đông khách nhất. Cùng với dòng người đi chơi vào các ngày thứ sáu, họ ra phố ăn uống gặp gỡ, từ mọi nơi trong London kéo đến xung quanh khu Old Street. Và chúng tôi, luôn ở đó, phục vụ họ.
Bếp Haus là dự án lớn của chúng tôi với nhiều hướng đi. Trong tương lai căn bếp đó sẽ ngày càng rộng lớn hơn. Cùng với thương hiệu Bánh Mì 11 và Bếp Haus, chúng tôi còn cung cấp phục vụ đồ ăn cho các sự kiện, phân phối các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, thực đơn đa dạng thay đổi theo mùa với định hướng mở rộng nhiều chi nhánh, ra ngoài London và thậm chí ngoài nước Anh.
Tôi muốn tập trung vào việc phát triển không ngừng, cùng lúc đó chú trọng vào những giá trị cốt lỗi (những việc mà chúng tôi đang làm tốt nhất), hay nói cách là năng động trong đổi mới nhưng vẫn giữ được cốt lõi riêng của mình.

Chúng tôi đặt chất lượng lên hàng đầu và phát triển con người, trong nội bộ và cả với đối tác. Mục tiêu trên hết là đưa Bếp Haus trở thành một thương hiệu toàn cầu. Không chỉ mong muốn mang món ăn Việt và sản phẩm Việt đến với người tiêu dùng quốc tế, tôi muốn mình có thể đưa những giá trị ẩm thực Việt Nam, như việc chọn lựa và nấu nướng những nguyên liệu thiên nhiên, theo mùa và xuất xứ từ địa phương vào một môi trường hiện đại. Qua đó tôi muốn đưa việc nấu nướng trở nên nhẹ nhàng hơn, khơi đậy tình yêu nấu ăn như một nghệ thuật và giúp con người khoẻ mạnh hơn, hạnh phúc hơn.
12. Theo chị ẩm thực Việt Nam nói chung và bánh mì nói riêng có thực sự sánh ngang với những món ăn nổi tiếng khác trên thế giới hay không? Là một người Việt Nam, chị có lời nhắn nhủ gì đối với nhiều bạn trẻ có mong muốn đưa ẩm thực Việt Nam được ưa chuộng trên thế giới?
Chúng tôi tự tin với đồ ăn Việt. “Việt Nam chính là bếp ăn của thế giới”, chỉ là chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng. Người ta đã khá quen với các món Thái hay món Nhật. Nhưng đồ ăn Việt Nam còn khá xa lạ, chưa có đặc điểm nhận dạng và chưa có khái niệm rõ ràng trong tiềm thức thực khách. Có lẽ họ thấy cái gì đó bí ẩn, cái gì đó rất đường phố. Mà đồ ăn bí ẩn thường gây cảm giác sợ hãi và ngần ngại. Chính vì vậy chưa có nhiều người mở rộng khẩu vị với đồ ăn Việt. Nhưng tôi tin nếu chúng ta cùng làm tốt, cùng giới thiệu tinh hoa của ẩm thực Việt, tương lai không xa chúng ta sẽ đuổi kịp họ.
Chúng tôi hiểu rằng giá trị của đồ ăn Việt Nam là rất hài hoà và luôn tươi mới. Chính cách ăn có âm dương ngũ hành làm cho món ăn Việt Nam tốt cho sức khoẻ con người. Sự chắt lọc tinh hoa mấy nghìn năm không phải quốc gia nào cũng có. Khẳng định điều này khi ngày càng có nhiều người biết đến đồ ăn Việt, nhiều đầu bếp nổi tiếng thế giới là người Việt. Món ăn Việt ngày càng được trân trọng và tôi hiểu điều đó qua dòng người xếp hàng trong giá lạnh London để chờ đến lượt.
Tôi thấy rất nhiều người trẻ ngày nay không có được cách nghĩ độc lâp, chúng ta bị ảnh hưởng bởi những lựa chọn áp đặt của thế hệ đi trước và thông thường, đó là những lựa chọn an toàn. Thật khó khi quyết định từ bỏ sự nhàn hạ trên con đường nghề nghiệp mà cha mẹ vạch sẵn, để chọn cho mình một lối đi riêng. Tôi dám khẳng định có rất nhiều người thực sự không có đủ đam mê làm nên những chọn lựa. Bởi không có đam mê nào đủ phấn khích đối với họ, để họ có thể từ bỏ tất cả những thứ khác và theo đuổi duy nhất một niềm đam mê.
Chỉ có một số ít người có thể làm nên chuyện từ hai bàn tay trắng, những người có thể làm việc với những thứ họ chưa bao giờ được nhận, những người có thể tự vạch ra con đường cho bản thân. Đó là những người hiểu được rằng giấc mơ không thành hiện thực sau một đêm, mà việc biến giấc mơ thành sự thật là điều khó nhất chúng ta có thể làm trong đời.
Để làm được chuyện đó, tôi chỉ có một lời khuyên là dùng hết khả năng để tìm cho mình những đồng đội tốt nhất. Mọi doanh nghiệp đều được xây dựng bằng nỗ lực tập thể, mà theo tôi, là thứ mà người Việt thật sự rất thiếu. Về căn bản, chúng ta vẫn thiếu lòng tin khi làm việc với người không phải trong gia đình. Đây là cách nghĩ cần phải thay đổi để thích ứng và xây dựng những công ty chuyên nghiệp có đủ năng lực cạnh tranh trong một thế giới toàn cầu hoá.
Và cuối cùng là đam mê ẩm thực, bạn phải đủ tự hào về món ăn Việt để có thể truyền tải nó một cách mãnh liệt nhất. Hãy cùng nhau cho thế giới biết niềm vui của người Việt chính là chia sẻ các bữa ăn và chia sẻ sự quan tâm đến con người bằng sức khoẻ thông qua ăn uống.
Theo Học Làm Giàu
Xem bài gốc tại đây