Hiện nay nhân tố gì quyết định cho thành công khi ứng tuyển du học? Đây là câu hỏi khó trả lời, bởi các ứng viên đều có sự chuẩn bị kỹ, điểm số cao và tự tạo cho mình những trải nghiệm – thành tích tốt về những hoạt động cộng đồng…
Cách đây hai năm, những học sinh nhắm đến việc du học đã cơ bản nắm được những thông tin tuyển sinh và có sự chuẩn bị.
Điều đó dẫn tới tình trạng, khi mọi người đều có sự chuẩn bị kỹ, cũng tài năng như nhau thì lúc này xuất hiện sự cạnh tranh giữa các phụ huynh với nhau, xem ai có tài chính mạnh hơn. Bởi có một thực tế, mặc dù những trường đại học Mỹ mình nhắm tới đều phi lợi nhuận nhưng cũng cần phải có những chi phí để vận hành như trả lương cho giáo sư cao nhằm thu hút đội ngũ giảng dạy chuyên môn chất lượng, xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư ký túc xá, thư viện, chương trình tiếp thị… Và đặc biệt cần những khoản tiền nhất định để có những gói hỗ trợ tài chính hấp dẫn cho người học. Suy ra các trường đều cần tiền.
Như vậy, trong việc lựa chọn những học sinh tài năng, điểm số cao thì phần ưu tiên sẽ thuộc về những em mà gia đình có đóng góp tài chính nhiều.
Do vậy, có một thực tế rất trăn trở vào mùa tuyển sinh những năm gần đây, là khoảng cách của những em học giỏi nhà nghèo và những em cũng học giỏi nhưng nhà có điều kiện ngày càng xa hơn. Ở Mỹ bất cứ ai, dù hoàn cảnh như thế nào thì cũng đều có cơ hội như nhau để đạt tới thành công. Nhưng với cục diện để được vào những trường đại học Top thì điều kiện tài chính của gia đình phải tốt. Như đã phân tích ở trên, dù hai ứng viên tài năng như nhau thì ít khi nào trường chọn bạn nhà nghèo hơn, bởi rõ ràng trường sẽ bỏ ra một khoản phí lớn để hỗ trợ.
Thực ra, điều này đã được người ta thống kê, mổ xẻ để tìm ra những nghịch lý. Chẳng han những trường Top như: Harvard, Yale… nói rằng không quan tâm hồ sơ tài chính của học sinh mà chỉ quan tâm đến thành tích, năng khiếu – tài năng của ứng viên thì cũng chưa hẳn như vậy. Họ không cần nhìn vào hồ sơ tài chính cũng phần nào biết được bạn có cần tài chính hay không, chỉ cần nhìn vào lý lịch phụ huynh.
Ngày xưa, thông tin tuyển sinh ít, những bạn có tài năng thì thực sự toả sáng, dạng tài năng thiên bẩm. Còn bây giờ tài năng có thể “đầu tư”. Chẳng hạn để chuẩn bị cho con du học, phụ huynh có thể chi tiền thuê thầy dạy đàn cho con một năm, dạy vẽ vài tháng… Và như vậy hoàn toàn có thể tổ chức những triển lãm tranh, một buổi biểu diễn. Như vậy điều kiện tài chính của gia đình không chỉ giúp “trang bị” tài năng cho em đó mà còn tạo ra bệ phóng bởi những thành tích mang tính dàn dựng (mặc dù điều đó không hề phạm pháp). Đây là điều mà những năm trước không, hoặc hiếm xảy ra bởi đơn giản họ không có thông tin, không biết những điều kiện gì để vào trường Top? Cần chuẩn bị mọi thứ ra sao?
Bây giờ một tài năng bẩm sinh hay một tài năng được đầu tư, đào tạo nhìn bề ngoài thì như nhau. Vậy trường sẽ chọn bên nào? Điều này một lần nữa lại quay lại vấn đề tài chính, bởi thời gian chuẩn bị cho du học hiện có thêm một hiện trạng khác. Những gia đình khá giả, một số người không muốn khai thật khả năng đóng góp được bao nhiêu. Đôi khi họ tự giảm đóng góp mặc dù khả năng tài chính có thể đóng góp nhiều hơn.
Nói thì đụng chạm nhưng thực tế ở Việt Nam việc được học bổng du học là một sự sĩ diện lớn, vì vậy việc bỏ ra 100% cho con đi học thì sợ người khác nhìn vô lại đành giá thấp, bởi đi du học chẳng qua là nhà giàu?! Vì vậy, họ thường có cách lựa chọn thông tin là bỏ tiền đầu tư cho con được học đầy đủ, luyện được nhiều môn kỹ năng hơn là dùng tiền đó đóng góp cho trường. Điều này làm cho những em nhà nghèo càng ít cơ hội vì rõ ràng, nhìn vào bảng tài chính, sự chênh lệch giàu – nghèo không còn thể hiện ở những con số nữa. Như vậy, những em học sinh học giỏi, nhà nghèo thường gặp bất lợi khi “chọi” với những em nhà có điều kiện hơn, phụ huynh đóng góp nhiều tiền thể hiện qua hồ sơ tài chính, hay nhà cũng giàu nhưng không thể hiện qua hồ sơ tài chính.
Ở Mỹ tình trạng này sẽ không xảy ra, bởi chỉ cần nhìn bảng truy thu thuế, người ta sẽ biết được khả năng tài chính của gia đình học sinh đó. Xu hướng hiện nay khi mà thông tin ngày càng được cung cấp đầy đủ, mỗi bạn đều có sự chuẩn bị hai đến ba năm để đi du học thì đây là là sự cạnh tranh giữa những phụ huynh với nhau, xem ai kinh tế mạnh hơn, chuẩn bị tốt hơn cho con. Nhà có tài chính tốt mà con cái năng khiếu, tài năng một tí thì họ rất biết cách đầu tư để nâng con họ lên. Trong khi đó, dù có năng khiếu, có tài nhưng không được tạo điều kiện thì cũng khó toả sáng hay tạo ra những thành tích để cạnh tranh khi du học. Để vào trường Top thì cần phải có sự đầu tư lớn, như vậy gia đình càng có điều kiện kinh tế thì cơ hội càng cao.
Vấn đề cốt lõi là các trường đại học Top lại không phải đi tìm chỉ tài năng nghèo mà họ đi tìm tài năng. Có nghĩa, họ không chỉ chăm chăm đi tuyển mỗi đối tượng con nhà nghèo học giỏi!
Vậy cơ hội nào cho những học sinh kinh tế gia đình khó khăn nhưng có tài năng, thành tích học tập tốt? Một số người lạc quan, rằng những em con nhà nghèo sẽ kể được những câu chuyện nhà nghèo và nỗ lực mưu sinh. Bởi, chỉ có trải nghiệm thì mới kể được thanh thoát và xúc động chính câu chuyện của mình; trong khi đó, một tiểu thư, công tử con nhà giàu không có trải nghiệm, nếu “than nghèo, kể khổ” thì câu chuyện không thể sinh động và đủ sức thuyết phục. Các nhà tuyển sinh cũng sẽ nhìn tổng thể bộ hồ sơ để hiểu được hoàn cảnh gia đình của bạn nên sẽ khó dàn dựng cuộc sống khó khăn mà vẫn học đàn, học vẽ với những thầy cô giỏi nhất. Đây gần như là tấm vé cuối cùng để đạt được những gói học bổng cao.
Ngoài ra, chương trình Thắp sáng khát vọng Việt do hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ (AVSPUSA) kết hợp với một số tổ chức và nhóm khác thực hiện đang có mục tiêu giúp các bạn tài năng nghèo định hướng được trường nào mình sẽ nộp học bổng, thể hiện bộ hồ sơ làm sao toát lên được điểm riêng biệt của mình. Tuy nhiên, cũng không thể nào đặt hy vọng vì nghèo nên mình sẽ đoạt học bổng bởi trường họ kiếm tài năng chứ không phải kiếm tài năng nghèo. Vì thế học sinh không có điều kiện cần phải nổ lực nhiều lần hơn (Hạn nộp đơn kéo dài đến ngày 30.4).
Ngoài ra, một điều an ủi khác đó là cần biết “lựa cơm gắp mắm”. Trúng tuyển, thích nghi với cuộc sống và môi trường học tập là một yếu tố khác, hết sức quan trọng. Bởi nếu trúng tuyển, sống trong môi trường bạn bè đều khá giả, là “siêu nhân” thì rất dễ bị mất hút hoặc lạc long, khó thích nghi với môi trường sống và học. Trong bài viết Được mất khi vào “trường top” cũng từng đề cập vấn đề này. Lựa chọn “thằng chột làm vua xứ mù” do vậy rất đáng cân nhắc.
Hãy trả lời câu hỏi: mình tài năng đến đâu? Tại sao họ phải chọn mình?
Chỉ còn ít tháng (tháng 11) là hạn chót các trường ở Mỹ. Đây là giai đoạn căng thẳng nhất đối với các em học sinh, những công việc nào cần lưu ý trong giai đoạn này?
Làm bài thi chuẩn hoá: Điểm số ảnh hưởng đến việc chọn trường. Chẳng hạn Top 20 thì điểm SAT phải trên 2.200 bởi hầu hết ứng viên có điểm số ngang hoặc trên số điểm này đều nộp hồ sơ ứng tuyển vào những trường này. Những em chuẩn bị muộn hoặc thi rồi nhưng chưa được vừa ý thì tháng 10 này sẽ có rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là các kỳ thi sẽ diễn ra liên tục. Hiện nay muốn du học phải chấp nhận một thực tế, là tính cạnh tranh ngày càng cao. Có nghĩa, tỷ lệ thi đạt điểm cao ngày càng nhiều. Nếu có điểm thấp hơn so với các ứng viên khác thì rõ ràng, còn rất nhiều việc phải sắp xếp, phấn đấu. Viết bài luận: Bài luận kể lại câu chuyện của bản thân để chứng minh mình là một học sinh xứng đáng được trường nhận vào. Theo lời của thầy giáo tham vấn tại Singapore của tôi: “Người Mỹ không muốn đến Việt Nam chỉ để uống Starbucks, nên đừng biến mình thành teen Mỹ. Nên thể hiện danh tính Việt Nam của mình trong môi trường sống tuổi thơ.” Hầu hết những em năm nay nắm được thông tin khá sớm và đầy đủ nên sự chuẩn bị đều khá kỹ lưỡng. Mong các bạn luôn cạnh tranh lành mạnh đúng thực lực của mình! |
Theo Người Đô Thị
Xem bài gốc tại đây