Trong bối cảnh du học sinh tại Mỹ tiếp tục tăng thì nhu cầu chọn đúng trường ngày càng trở nên bức thiết và không chỉ là trách nhiệm của phụ huynh.
Du học sinh VN tại Mỹ tiếp tục tăng
VN hiện đang xếp thứ bảy trong số những nước có nhiều học sinh – sinh viên (HS-SV) nhất tại Mỹ, theo thống kê mới nhất của hệ thống dữ liệu về du học sinh (SEVIS) do Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh nội địa Mỹ cùng quản lý. Báo cáo quý mới nhất của SEVIS cho thấy hiện có 25.982 HS-SV VN tại Mỹ, đưa VN vượt qua Đài Loan (23.503) và tiệm cận với Nhật Bản (26.187).
Tiến sĩ Mark Ashwill, nguyên đại diện tại VN của Viện Giáo dục quốc tế (IIE, trụ sở New York) nhận định: “Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục, chắc chắn VN sẽ vượt qua cả Nhật Bản để trở thành nước xếp thứ sáu về số lượng du học sinh tại Mỹ. Trong giai đoạn 10.2014 – 2.2015, tổng số du học sinh VN tăng 11%, cao nhất trong tốp 10 các nước và vùng lãnh thổ”.
Theo Open Doors 2014, bản báo cáo thường niên về biến động trong giáo dục quốc tế ở Mỹ do IIE công bố, chỉ riêng số lượng SV VN hiện theo học tại các cơ sở giáo dục đại học của Mỹ năm học 2013 – 2014 đã tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, từ 16.098 lên 16.579 sinh viên. Theo báo cáo này, đây là năm thứ 13 lượng SV VN tại Mỹ liên tục tăng. Cũng theo Open Doors 2014, VN đã lọt vào top 20 nước có nhiều SV du học nhất ở Mỹ từ năm học 2006 -2007 và top 10 từ 2010 – 2011.
Tiến sĩ Ashwill dẫn ra một số lý do chính để giải thích cho xu hướng này: khả năng tài chính ngày một dồi dào của các gia đình VN; hệ thống giáo dục Mỹ, bao gồm cấp phổ thông, ngày càng được ưa chuộng; các gia đình VN không có nhiều niềm tin với hệ thống giáo dục trong nước; tính chủ động của các trường đại học Mỹ trong việc tiếp cận thị trường va khách hàng VN.
Các tiêu chí cần quan tâm
Trong bối cảnh hiện naỵ, việc chọn một trường học tại Mỹ sao cho phù hợp nhất với người học VN trở thành vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết.
Theo các chuyên gia, việc chọn đúng và trúng trường xoay quanh những tiêu chí quan trọng liên quan đến người học như: năng lực, sở nguyện, mục tiêu, khả năng tài chính… Tất cả những tiêu chí trên sẽ giúp người học và phụ huynh gút lại danh sách các trường mà mình muốn nhắm đến.
Giáo sư Jim Cobbe, một học giả của chương trình Fulbright đã có nhiều nghiên cứu về giáo dục VN, cho biết: “Ngoài những tiêu chí trên, tôi còn muốn lưu ý sinh viên VN các yếu tố sau: nơi mình sẽ theo học (thành phố lớn hay nhỏ; thời tiết như thế nào vì nhiều người VN không chịu được thời tiết lạnh ở một số bang). Thứ hai, nếu người học không có khả năng được nhận vào các trường danh tiếng (ví dụ như những trường được liệt kê trong báo cáo của US News & World), thì tốt nhất là nên theo học ở các trường công của Mỹ. Bởi lẽ, chi phí ở trường tư sẽ cao hơn nhiều và mức độ khả tín thì khó đánh giá sát sao được từ xa. Việc chọn học 2 năm đầu ở các trường cao đẳng cộng đồng sau đó chuyển tiếp lên 2 năm cuối ở đại học cũng là một yếu tố nên cân nhắc đối với những ai không dư dả tài chính”.