Theo thống kê từ Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT), đến cuối năm 2014, có gần 110.000 công dân Việt Nam đang học ở nước ngoài, tăng khoảng 5% so với năm 2013. Trong đó chỉ có 10% đi học bằng học bổng, 90% tự túc.
Thống kê từ Học viện Giáo dục quốc tế (Institute of International Education), gần 40% sinh viên Việt Nam lựa chọn các chương trình du học tại Úc và Mỹ.
Theo Cục Đào tạo với nước ngoài, điểm đến được du học sinh Việt Nam ưa chuộng nhất là Úc. Năm 2013 – 2014, số du học sinh Việt Nam từ 26.015 tăng lên 27.550, khoảng 6%.
Tiếp đến là Mỹ, tăng gần 3% so với 2013. Nước đứng thứ 3 là Nhật Bản (tăng từ 13.000 lên 14.726 du học sinh).
Theo khảo sát “Bước đệm tiến tới thành công” của Ngân hàng HSBC công bố vào tháng 9.2014, gần 74% phụ huynh có ý định gửi con em đi du học bậc ĐH để được hưởng nền giáo dục tốt hơn.
Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi con số du học sinh tăng là điều vui mừng hay là sự thất bại của nền giáo dục Việt Nam khi niềm tin của phụ huynh ngày càng bị lung lay?
Ông Nguyễn Trọng Tuyên, Giám đốc Trung tâm ACET TP.HCM, cho rằng nhiều người du học có liên quan đến việc giáo dục Việt Nam chưa bắt kịp được chương trình tiên tiến của nước ngoài. Tuy nhiên, nói rằng đây là “sự thất bại của giáo dục Việt Nam” thì bất công.
“Lý do là đi học nước ngoài thường có 3 nhóm đối tượng có mục tiêu khác nhau. Một là những người thật sự có năng lực học tập, mong muốn được học kiến thức tiên tiến của thế giới. Nhóm khác là những học sinh có năng lực học không tốt, hy vọng học xong ở nước ngoài sẽ có hồ sơ cá nhân tốt hơn. Nhóm người du học để tìm cơ hội định cư. Có lẽ nhóm du học để định cư nhiều hơn những du học sinh chỉ học và nâng cao trình độ kiến thức”, ông Tuyên nói.
Theo Thanh Niên
Xem bài gốc tại đây