Hoàng Khánh Hòa, University of Missouri-Columbia
Sau khi post bài Thịt/sữa ơi từ đâu ra mình nhận được một số phản hồi của bạn bè, “than thở” với mình rằng “Đọc xong bài của Hòa không biết ăn gì bây giờ?”.
Thực tình là mình cũng loay hoay với chính câu hỏi đó và cũng không có ý làm mọi người lo sợ đến mức không dám ăn gì cả. Mục đích chính, theo mình nghĩ, là chúng ta nên biết mình ăn gì, rủi ro đến từ các loại thực phẩm mình ăn vào là gì đi kèm với lợi ích về dinh dưỡng mà chúng mang lại. Và sau khi xem xét đến khả năng tài chính và các hạn chế khác như thời gian, khẩu vị…chúng ta sẽ có được lựa chọn tốt nhất cho bản thân và gia đình.
Việc tìm hiểu về thực phẩm và ưu tiên các loại thực phẩm sạch là một sự đầu tư dài hạn cho sức khỏe. Có những thứ chúng ta sẽ không thể thấy ngay được (giống như khi nói về chuyện ăn uống nhiều khi chúng ta AQ mà phát biểu “Có thấy ai chết đâu!” – đúng vậy, nếu sản xuất thực phẩm ăn vào chết liền thì các công ty làm ăn gì được nữa J).
Mình không phải là chuyên gia dinh dưỡng và cũng không phải là một người am hiểu về thực phẩm nên không dám đưa ra lời khuyên nào cho các bạn. Ở đây mình chỉ đúc kết một số kinh nghiệm từ GS Michael Pollan – một chuyên gia trong lĩnh vực này cộng với vài chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân.
- Eat food. Not too much. Mostly plants (Tạm dịch: Ăn nhưng không nhiều quá. Chủ yếu là rau)
GS Michael Pollan đã dành cả cuốn sách để phân tích nguyên tắc “vàng” này của ông. Bạn nào quan tâm có thể tìm đọc cuốn sách In the defense of food – An eater’s manifesto.
Ở đây, ông cũng nói rõ thực phẩm được hiểu là “đồ ăn thật” (real food) – hiểu đơn giản là các loại thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chế biến rất ít. Nếu như vậy thì nước uống có ga như Coca Cola hay các loại bánh kẹo sẽ không được gọi là thực phẩm.
- Khi mua thực phẩm đóng hộp thì chỉ mua những loại nào có từ dưới 5 thành phần trở xuống
Nếu bạn để ý đọc phần ingredient trên vỏ hộp sẽ thấy có rất nhiều loại thực phẩm trông tưởng đơn giản như là chiếc bánh quy mà thành phần có tới 20 loại thực phẩm cộng các chất hóa học khác nhau. Những loại thực phẩm kiểu này theo GS Pollan chúng ta nên tránh càng xa càng tốt vì bản thân chúng chẳng mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng. Với các loại thực phẩm này người ta gọi chúng là “empty calories” vì calories sinh ra chủ yếu là từ hai thành phần chính từ đường và mỡ.
- Không nên mua những gì người ta quảng cáo
Nguyên tắc 3 để nhằm bổ sung cho nguyên tắc 2 vì nhiều loại thực phẩm đóng hộp có dưới 5 thành phần nhưng cũng không béo tốt gì cho sức khỏe của bạn. Nếu xem truyền hình Mỹ bạn sẽ thấy các công ty như McDonald’s quảng cáo ra rả suốt ngày. Rồi từ baby food đến baby cereal cũng vậy (theo GS Pollan baby cereal là một trong những sản phẩm có lời nhất của General Mills – một hộp như vậy giá thành chẳng chỉ vài cents mà bán tới vài $ – thế mới bảo sao các công ty cứ đầu tư cho quảng cáo mạnh tay như thế!)
Và thử hỏi 1$ mua cả một bữa ăn sáng – What’s going on here!
- Muốn ăn sạch thì phải đi xe rách một tí
Đây là câu trả lời của vợ ông khi GS Pollan than thở “ăn bánh mì sandwhich “sạch” mà đắt quá”. Mình nghĩ cũng rất hợp lý vì như đã nói ở trên, chuyện ăn uống cũng là một khoản đầu tư lâu dài cho sức khỏe. Bạn ăn sạch thì dĩ nhiên sẽ tránh được nhiều bệnh tật về sau. Chỉ có điều đôi khi chúng ta thích có một chiếc xe hơi mới hơi là chấp nhận bỏ ra 15$ mua một chú gà free-ranged của nông dân thay vì con gà quay 5$ ở Walmart.
- Đi chợ farmer’s market
Thực phẩm bán ở farmer’s market thường đắt, gấp đôi thậm chí gấp 3 giá ở siêu thị. Tuy vậy không phải cái gì cũng đắt. Ví dụ đến mùa ngô, ngô tươi bán cũng rất rẻ. Nói chung bạn sẽ luôn tìm thấy một vài thứ rau củ quả giá cả phải chăng, nhất là vào đúng mùa của chúng. Mình cũng để ý thấy các hộ nông dân gốc Á (thường là người Lào, Campuchia, Thái) bán rau giá cũng khá phải chăng mà lại toàn các loại rau người Việt hay ăn.
Ngoài ra còn có một số cách khác ví dụ như đi đến tận nhà của nông dân. Một số người bạn của mình thi thoảng đến làng của người Amish để mua gà, rau củ, trứng sữa vv…giá tương đối rẻ (5$ một con gà – rẻ ngang với gà bán ở Walmart).
Một số hợp tác xã của nông dân còn có chương trình CSA – mỗi đầu mùa các gia đình/cá nhân đăng kí với họ mua rau cả một mùa (6 tháng), đặt tiền trước. Mỗi tuần bạn có thể đến farm hoặc đến farmer’s market để lấy túi rau của mình. Với cách làm này thì tính ra giá mua của bạn sẽ rẻ hơn là mua lẻ ở farmer’s market, tuy vậy giá cả vẫn vượt ngoài tầm với nhiều gia đình.
- Một số lựa chọn khác
Đa phần mỗi người chúng ta có một mức chi tiêu nhất định cho thực phẩm và dù có “đi xe rách” thì số tiền đó cũng không thể vượt quá một con số nào đó. Tuy vậy chúng ta vẫn có thể mua một số loại thực phẩm tốt hơn bằng cách:
- Giảm bớt chi tiêu cho thịt và thay thế bằng các loại đậu. Ở Mỹ có rất nhiều các loại đậu từ to tới nhỏ và giá bán cũng rất rẻ. Nấu đậu hạt hơi mất thời gian nên mình hay dùng đậu đóng hộp và chọn loại chỉ có thêm nước và muối, không có chất bảo quản. Đậu phụ organic hoặc non-GMO giá bán cũng không khác đậu thường là mấy. Nếu bạn nào thích mua đồ organic thì có thể săn lúc nào siêu thị có sale thì mua tích trữ thật nhiều để ăn dần. Nếu bạn không biết nấu thế nào thì có thể lên mạng search rất nhiều công thức từ salad cho tới soup – nhà mình còn hay nấu cả đậu với gạo (vì gạo trắng cũng là một loại “emty calories” vốn không có nhiều dinh dưỡng).
- Cá – các loại cá sông, cá biển (không phải cá nuôi công nghiệp) cũng là một lựa chọn tốt.
- Trứng gà là một loại thực phẩm rất tốt và nghiên cứu đã cho thấy trứng gà không là tác nhân làm tăng cholesterol như lâu nay khuyến cáo (tất nhiên với những người đã có tiền sử cao mỡ máu thì phải dè chừng – kết luận này là đối với người bình thường nói chung). Giá một hộp trứng gà organic (hoặc free-ranged) chỉ hơn 3$ đủ cho 2 người ăn cả tuần. Sữa bò tươi organic 1 gallon giá cũng chỉ gần 4$. Đây là 2 loại thực phẩm theo mình bất cứ ai cũng có thể mua được vì giá của chúng tương đối rẻ.
- Tự trồng rau. Nếu bạn có một mảnh đất đầu tư trồng một ít rau theo mùa cũng rất tuyệt. Vừa đảm bảo thực phẩm sạch lại vừa là thú vui hằng ngày khi chăm sóc chúng.
- Mua chung – ví dụ một số farm họ chỉ bán thịt bò cả tảng thì mấy nhà cùng chung với nhau mua và chia ra. Cách làm này cũng khá phổ biến ở một số thành phố lớn ở Mỹ.
Mình chỉ có từng ý tips thôi. Nói chung đây là một bài toán cost-benefit và nếu chúng ta sáng tạo một tí thì chắc chắn sẽ tìm ra giải pháp phù hợp :).