Thể hiện “cái tôi” trải nghiệm, thú vị, sáng tạo thông qua một clip độc đáo, đậm chất quê hương xứ sở. Đó là cách Dương Quang Ngọc (SN 1995) – cựu học sinh trường THPT Lê Hồng Phong chinh phục hội đồng tuyển sinh trường ĐH Vassar College (Mỹ).
“Gap year” để trải nghiệm và trở nên… thuyết phục
Nhen nhóm ý định du học từ năm lớp 11 nhưng kết thúc cấp 3, Ngọc vẫn cảm thấy chưa sẵn sàng với những lựa chọn phía trước: “Em chưa chuẩn bị bản thân kĩ càng để đi và thành công, về bản lĩnh, ước mơ và phương hướng, kĩ năng”.
Vậy nên anh chàng quyết định không thi ĐH, mà dùng 1 năm để tự do sống và định hình hướng đi (còn gọi “gap year”).
“Trong thời gian này em chủ yếu khám phá bản thân, học thêm ngôn ngữ, văn hóa, tìm hiểu các ngành. Tự cho phép mình sống thoải mái, nhẹ nhàng hơn”, Ngọc tâm sự.
Cậu tận dụng triệt để khoảng thời này để tìm kiếm chính mình, giải đáp câu hỏi “Đâu mới thực sự là điều bản thân thích?” qua các hoạt động cộng đồng.
Cũng theo Ngọc, gap year không chỉ như kì nghỉ giữa hiệp mà còn là chặng trau dồi bản thân bằng những trải nghiệm lí thú trước khi quyết hướng đi và chạy tăng tốc.
Ngọc trở thành tình nguyện viên năng nổ của tổ chức Operation Smile Việt Nam (Phẫu thuật nụ cười cho trẻ em Việt Nam). Anh chàng hóa thân thành một người bán hàng để gây quỹ từ thiện, làm phiên dịch viên cho bác sĩ nước ngoài.
Ngọc tích cực tham gia vào diễn đàn VietAbroader – tổ chức du học sinh với hàng nghìn thành viên để gặp gỡ, giao lưu kinh nghiệm cùng những bạn trẻ tài năng, yêu nghệ thuật… Môi trường này giúp cậu cọ xát, học hỏi tác phong làm việc chuyên nghiệp để không bị bỏ xa so với mọi người xung quanh.
Với cách đi “chậm mà chắc”, cuối cùng Ngọc đã trở nên thuyết phục hơn trong mắt Hội đồng tuyển sinh và nhận được học bổng của ĐH Vassar College (top 13 các trường ngành Khoa học xã hội nhân văn ở Mỹ).
Theo Ngọc, nhờ gap year mà cậu có thời gian chuẩn bị kĩ hơn, trưởng thành hơn và trở nên thuyết phục hơn trong mắt hội đồng tuyển sinh. “Những điều học hỏi được và những mối quan hệ đều rất quý giá, dù sau này em có làm gì và đi đâu chăng nữa”, Ngọc nói.
Chuyện của chàng trai Sài thành qua clip “độc”
Để xin học bổng thành công, Ngọc hoàn thiện bộ hồ sơ bằng các điểm chuẩn hóa với 110/120 điểm TOEFL, 2200/2400 điểm SAT… Nhưng đó chỉ là bước đầu tiên, anh bạn xác định, để không bị “bỏ qua” cần nhiều hơn một bảng điểm chuẩn và các hoạt động cộng đồng. Quan trọng, hồ sơ phải nói được với những người xa lạ ở Hội đồng tuyển sinh bên Mỹ rằng: Tôi là một ứng viên có cái “tôi” khác biệt..
Trong khoảnh khắc, Ngọc chợt nảy ra ý tưởng làm một thứ sáng tạo về chính những điều gần gũi – về cuộc sống của bản thân, của những người Sài Gòn. Và câu chuyện thú vị, sống động về cậu con trai sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này ra đời: clip “Người Sài Gòn”.
Clip khắc họa tính cách đặc trưng của người Sài Gòn qua lăng kính của Ngọc với bao ký ức tuổi thơ ở quê nhà. Từ chuyện “nghiền” những món đặc sản như bánh mì Sài Gòn, cà phê bệt tám chuyện, đến “say” thời tiết đỏng đảnh, sáng nắng chiều mưa mà người bản địa không thể quên…
Cuộc sống và những thú vui thường nhật của người Sài Gòn hiện lên dung dị được chắt chiu từ tình yêu sâu đậm của anh chàng. Qua đó, Ngọc phác họa sự vươn mình của quê hương sau chiến tranh và tỏ lòng mến thương những con người Sài Gòn lạc quan, chăm chỉ.
Ngọc chia sẻ, có lẽ chính những trải nghiệm đã giúp cậu hiểu rõ mình, hiểu về quê hương và muốn mang hình ảnh của bản thân – một người Sài Gòn để đính kèm trong bộ hồ sơ ứng tuyển.
“Là một người Sài Gòn đã là sự khác biệt rồi. Em nghĩ, việc ý thức được sự khác biệt, tự hào về nó và muốn thể hiện nó sẽ làm nên bản sắc cá nhân. Và điều này thường được đánh giá cao ở các trường ĐH nước ngoài”, cậu khẳng định.
Với quyết tâm tìm thấy và vượt qua chính mình, cuối cùng anh chàng Sài Gòn đã đặt chân tới ngôi trường Vassar đất Mỹ để chinh phục những đam mê đã được định hình.
Chia sẻ về kinh nghiệm chọn trường du học“Mỗi bạn sẽ có một tiêu chí chọn trường khác nhau, có bạn đặt vấn đề tài chính lên hàng đầu, có bạn quan tâm đến chất lượng giảng dạy, ngành mình thích, vị trí, danh tiếng,…
Có lẽ, em quan trọng nhất là việc mình nghĩ mình có thể sống tốt, vui vẻ, và tận dụng được tối đa trải nghiệm trong suốt 4 năm sắp tới hay không, vì mỗi trường đều có một “spirit” (tinh thần) khác nhau. Có trường thì đặt nặng việc học và nghiên cứu, có trường thì thường xuyên “party scene” (tiệc tùng), trường “liberal” (tự do, phóng khoáng), trường “conservative” (tư tưởng truyền thống và thường không linh hoạt). |
Theo Dân Trí
Xem bài gốc tại đây