
Phạm Minh Hiếu, chàng trai được ba đại học hàng đầu thế giới cấp học bổng vừa trở về sau chuyến thăm nước Mỹ. Chuyến đi được các trường đại thọ toàn bộ chi phí với mục đích muốn Hiếu trải nghiệm cuộc sống thật của một sinh viên quốc tế tại trường.
Hiếu đã chia sẻ với sinhvienusa.org những điều thú vị mà anh vừa trải nghiệm:
Chào Hiếu! Sau một chuyến bay dài trở về từ Mỹ, hiện giờ Hiếu cảm thấy thế nào? Bạn có thể chia sẻ những trải nghiệm thú vị của chuyến đi này?
Đến giờ khi đã trở về Việt Nam nhưng mình vẫn còn cảm giác lâng lâng như vừa mới xảy ra cách đây vài giây (cười). Chuyến đi này được các trường đài thọ chi phí hoàn toàn từ vé máy bay đến nơi ăn, chỗ ở. Mình đã được tạo điều kiện để có những trải nghiệm như một học sinh của trường bằng cách sinh hoạt cùng với các sinh viên trong ký túc xá, nghe giảng ở các lớp học, đi thăm phòng thí nghiệm cũng như nói chuyện với các giáo sư. Đặc biệt tại trường đại học Columbia, vì mình được chọn làm Egleston Scholar – chương trình danh giá nhất của trường engineering Columbia. (Chọn từ top 1% học sinh được nhận vào trường – cỡ 20 người tham dự chương trình). Mình được dự tiệc tối cùng các Egleston Scholars và Alumni để chúng mình có cái nhìn rõ ràng hơn về chương trình Egleston Scholars và sự kết nối của các học sinh khóa trước của trường. Ngoài ra, chúng mình còn được tham quan các công ty như Bloomberg, Google… để hiểu về mối quan hệ của Columbia với các công ty lớn trong thành phố New York và vai trò của engineering với New York khi thành phố này đang dần trở thành một Silicon Valley thứ 2 của nước Mỹ.






Hiếu đã chuẩn bị như thế nào để có thể apply thành công, được tài trợ cho chuyến đi thú vị tới nhiều nơi trên nước Mỹ?
Mình quyết định dành 1 năm gap year để tập trung cho việc chuẩn bị hồ sơ du học trên nền tảng những gì mình đã đạt được trong những năm qua một cách cụ thể. Hơn nữa mình không chỉ trau dồi tiếng Anh, viết các bài luận, thi các kỳ thi chuẩn hóa mà còn chuẩn bị các kỹ năng khác cho những năm học sắp tới ở nước ngoài.
Ngoài ra, sau một thời gian chỉ biết đến học tập, mình dường như đã bỏ lỡ điều gì đó và chưa hiểu về cuộc sống xung quanh cũng như bản thân. Vì vậy, mình quyết định dừng lại một năm để tìm hiểu mình thực sự là ai, mình muốn gì và cuộc sống này như thế nào. Mình đã đi du lịch nhiều nơi để tìm hiểu về cuộc sống xung quanh mình, học thêm các kỹ năng mềm, tìm hiểu về nhiếp ảnh, học chơi một vài nhạc cụ. Gap year rất quan trọng với mình, nó giúp mình bình tĩnh, xác định được đam mê của mình và từ đó chọn trường, chuẩn bị hồ sơ một cách cẩn thận nhất, và do đó có thể giới thiệu bản thân mình rõ ràng nhất với trường. Mình hiểu thêm về cuộc sống, và hiểu về chính mình.
Một năm gap year đã giúp bạn trưởng thành lên như thế nào?
Mình cảm thấy mình trước đây dường như quá vội vã, vì vậy đã bỏ quên những gì diễn ra xung quanh. Cuộc sống luôn mang đến cho ta nhiều điều tốt đẹp nếu ta biết sống chậm để cảm nhận. Đấy là điều mình rút ra được nhiều nhất khi sống thật với bản thân trong một năm qua. Mình đã tổ chức một triển lãm nghệ thuật đương đại “Ở đây & Bây giờ” – triển lãm như một phương tiện để mình thể hiện được bản thân và những gì đúc kết ra được từ một năm qua. Thông điệp của triển lãm là sống ở hiện tại – tức là trân trọng những gì xảy ra xung quanh mình – do đó, mình phải cân bằng để không bị vội vã mà quên đi những điều tốt đẹp xung quanh.


Theo Hiếu, yếu tố nào quyết định sinh viên Việt Nam được lựa chọn vào các trường hàng đầu thế giới?
Hiện tại, các trường đang có triết lý phát triển học sinh thành một con người toàn diện, nghĩa là không chỉ có năng lực về riêng một ngành nào đó, mà còn có hiểu biết về các ngành khác và cuộc sống xung quanh mình. Họ muốn học sinh nhìn một vấn đề từ nhiều lăng kính và giải quyết vấn đề đó bằng cách tổng hợp lại các thông tin thu được từ những lăng kính đó. Việc trở thành một con người toàn diện cũng là điều mình theo đuổi, và qua các bài luận cùng với một hồ sơ đã được chuẩn bị cẩn thận, mình đã bộc lộ bản thân rất rõ ràng với niềm đam mê về cả vật lý và nghệ thuật; do đó, mình nghĩ rằng trường sẽ hiểu được mình.
Mình cảm thấy mình cần “biết người, biết ta,” vì ta phải hiểu bản thân mình trước khi đi giới thiệu với trường, và phải tìm hiểu xem trường có phù hợp với mình không.
Mình nghĩ rằng bảng điểm SAT, TOEFL đẹp, bài luận trau truốt, tham gia nhiều hoạt động cộng đồng… chưa phải tất cả để làm nên thành công. Với mình, quan trọng là hiểu được mình là ai, thứ mình đam mê thực sự là gì và sự phù hợp của bản thân với phương châm, mục tiêu đào tạo của trường rồi thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy.
Các trường sẽ quan tâm đến cả quá trình hoạt động trong nhiều năm của học sinh thay vì khoảng thời gian ngắn. Vì thế, sự đồng bộ trong các hoạt động, vì một mục tiêu, một đam mê thực sự của bản thân, sẽ tạo được thế mạnh cho hồ sơ xin học bổng du học hơn việc tham gia nhiều sự kiện ngoại khoá không có liên quan, chỉ để làm đẹp cho hồ sơ.
Cảm ơn Hiếu vì cuộc trò chuyện thú vị. Chúc Hiếu sớm lựa chọn cho mình một nơi học tập, nghiên cứu phù hợp để thỏa mãn niềm đam mê kỹ thuật nhé!
Thành tích nổi bật:
Sinh năm: 1996, Cựu học sinh chuyên Lý trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam
Thành tích:
– Giải Nhất HSG Vật Lý cấp Thành phố – TP Hà Nội năm 2010 – 2011
– Giải Nhì HSG Vật Lý cấp Thành phố – TP Hà Nội năm 2012 – 2013
– Giải Nhì HSG Vật Lý cấp Thành phố – TP Hà Nội năm 2013 – 2014
– Giải Ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật ISEF cấp Quốc gia, nhì lĩnh vực Nằng lượng và giao thông vận tải năm 2012 – 2013
– Giải Nhì HSG Vật lý cấp Quốc gia năm 2013 – 2014
– Học sinh Giỏi tiêu biểu Thủ đô năm học 2010-2011, 2012-2013 và 2013 – 2014
– 2 năm liền được nhận học bổng danh dự của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Căn phòng trống của triển lãm “Ở đây & Bây giờ” – nơi để con người thực sự sống giây phút hiện tại, thoát ra khỏi cuộc sống hỗn loạn bên ngoài.
Hiếu (Ngoài cùng bên phải) cùng ban giám hiệu trường HN – Amsterdam và ngài Ronald Leopold, giám đốc bảo tàng Anne Frank ở Hà Lan, trong lần mở cửa thứ 2 của triển lãm tại trường Ams nhân dịp đón ngài Leopold và ngài thị trưởng Hà Lan đến thăm trường.
Hạnh Nguyễn
One thought on “Phạm Minh Hiếu: “Sống chậm để cảm nhận””
Comments are closed.