Rời bỏ điều kiện làm việc rất thuận lợi ở nước ngoài, nhiều trí thức nổi tiếng đã trở về cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của TPHCM và cả nước.
PGS-TS Nguyễn Văn Thuận là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới ở lĩnh vực tái biệt hóa tế bào và công nghệ sinh học ứng dụng trên động vật như sinh sản vô tính động vật, động vật biến đổi gien… Quyết định trở về khi đang đạt “độ chín” tại nước ngoài của ông vào năm 2013 đã gây “sốc” đối với nhiều học giả, trí thức trong và ngoài nước.
Từ một câu hỏi gây nghẹn lòng…
PGS-TS Nguyễn Văn Thuận sinh năm 1966, đã có 14 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản và 7 năm ở Hàn Quốc. Sau khi tốt nghiệp ĐH Kobe (Nhật Bản), ông có 5 năm làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và làm việc tại Viện Riken (Nhật Bản; 2002-2007), 6 năm giảng dạy tại Khoa Công nghệ sinh học động vật tại ĐH Konkuk (Hàn Quốc; 2007-2013).
Trước thời điểm PGS Thuận trở về Việt Nam, một tờ báo điện tử đã khảo sát ý kiến độc giả và theo đó, 90% người tham gia cuộc khảo sát này khuyên ông đừng về vì đóng góp cho đất nước thì ở đâu cũng đóng góp được trong khi điều kiện nghiên cứu còn hạn chế trong nước sẽ khiến người tài khó phát huy, bản thân ông sẽ vơi niềm tin và cạn nhiệt huyết.
Tuy nhiên, PGS Thuận đã quyết tâm trở về khi Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân có chuyến thăm và nói chuyện với sinh viên Việt Nam đang học tại Hàn Quốc vào tháng 11-2012. Lúc đó, một nghiên cứu sinh đã hỏi: “Thành tích của chúng em còn cao hơn cả sinh viên Hàn Quốc nhưng khi học xong, về nước chúng em lại không thể phát triển chuyên môn của mình, còn các bạn Hàn Quốc ngược lại. Xin hỏi tại sao?”. Cảm giác ứ nghẹn trong lòng và ông đã ứa nước mắt trước câu hỏi ấy. Ngoảnh lại, ông thấy nhiều sinh viên Việt Nam ngồi phía sau đang lau nước mắt. Ngay lúc đó, ông hiểu sinh viên Việt Nam cần lắm những người thầy đủ vững vàng tạo nền tảng để họ trở về. Và sau đó không lâu, vào đầu năm 2013, PGS Nguyễn Văn Thuận đã cùng vợ và 2 con về nước.
Chọn “điểm đến” là ĐHQG TP HCM, PGS Thuận bắt đầu công việc của mình khi lĩnh vực mà ông nghiên cứu vẫn chỉ là con số 0 tại Việt Nam. Vừa giảng dạy tại Khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế, PGS Thuận vừa bắt tay thực hiện đề án xây dựng phòng thí nghiệm về tế bào gốc. Sau hơn 2 năm, đề án được duyệt và sẽ được triển khai trong thời gian tới. “Tiến độ như vậy là khá nhanh, hy vọng có phòng thí nghiệm thì việc nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là sau ĐH, sẽ được thuận lợi hơn” – ông lạc quan.
PGS Nguyễn Văn Thuận còn kết hợp với Tập đoàn Tân Tạo xây dựng Bệnh viện Tân Tạo để khai thác thế mạnh chuyên ngành kỹ thuật sinh sản mà ông đang theo đuổi, nhất là kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy không phải là kỹ thuật mới ở Việt Nam nhưng với sự hỗ trợ của ông, Bệnh viện Tân Tạo đã có thể chữa một số loại bệnh vô sinh mà các bệnh viện khác chưa làm được như vô sinh do không có tinh trùng – loại bệnh phổ biến ở Việt Nam do nam giới bị bệnh quai bị khi còn nhỏ. Bàn tay và tấm lòng của ông đã mang lại hạnh phúc cho nhiều vợ chồng hiếm muộn.
…Đến giấc mơ truyền “lửa” nghiên cứu khoa học
Năm 2005, GS Huỳnh Hữu Tuệ, giảng viên ĐH Laval – một trong những ĐH danh giá nhất của Canada, quyết định về nước. Huỳnh Hữu Tuệ là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin khi từ năm 1986, tại ĐH Laval, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về lĩnh vực được coi là rất mới mẻ này.
Bằng những công trình có giá trị khoa học và ứng dụng cao, năm 1981, ông được phong hàm GS. Quyết định về nước của GS Tuệ lúc đó cũng khiến nhiều người bất ngờ. “Từ sau giải phóng, tôi đã có nhiều lần về nước giảng dạy, nói chuyện với sinh viên Việt Nam và tôi thấy tiềm năng, trí tuệ nghiên cứu của các em cực lớn, rất cần người khơi gợi” – GS Tuệ nói và đó là lý do mà ông quyết định từ bỏ tất cả để về nước cách đây đúng 10 năm.
Ban đầu, ông thành lập và đảm nhận vị trí chủ nhiệm Bộ môn Xử lý thông tin và Trung tâm Xử lý tích hợp thông minh tại Trường ĐH Công nghệ (Hà Nội) theo lời mời của GS Nguyễn Văn Hiệu, hiệu trưởng nhà trường lúc đó. Đến năm 2007, ông nhận làm hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà và sau 4 năm thực hiện mô hình giáo dục mà ông đã nung nấu, Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà đã “hái quả” khi nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp đã nhận được học bổng sau ĐH từ các trường ĐH ở châu Âu.
Mới đây, TP HCM tiếp tục là miền đất lành đón bước chân ông. GS Tuệ đã chọn về Khoa Điện tử Viễn thông Trường ĐH Quốc tế – ĐHQG TP HCM và tiếp tục truyền “lửa” đam mê, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu, cho sinh viên ở đây. “Tôi rất muốn đóng góp và thỏa mãn khi giúp được sinh viên đi đúng hướng trong khoa học” – ông bày tỏ.
Nghe theo tiếng gọi quê nhà
Một trong những PGS trẻ nhất hiện nay là PGS-TS Lê Thị Lý – sinh năm 1978, giảng viên Bộ môn Hóa sinh ứng dụng, Khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế – người đã quyết định về Việt Nam sau khi đã đạt học vị tiến sĩ và có nhiều cơ hội làm việc tại Mỹ. “Chuyên gia thiết kế dược phẩm ở Mỹ có mức lương rất cao. Khi quyết định trở về, tôi cũng có đắn đo và chạnh lòng bởi nếu ở lại Mỹ thì điều kiện làm việc và con cái học hành sẽ tốt hơn. Nhưng cuối cùng, tôi cũng đã về với mong muốn góp sức để chương trình đào tạo trong lĩnh vực của mình được tốt lên”.
Theo đuổi lĩnh vực cấp thiết hiện nay là sự tiến hóa của virus cúm A và phát triển các loại thuốc chống cúm bằng dược liệu có sẵn từ thiên nhiên với giá rẻ, từ khi về nước đến nay, chỉ sau 5 năm, chị cùng cộng sự đã có 30 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Nhiều sinh viên của PGS Lý cũng nhận được học bổng của các trường ĐH nước ngoài danh tiếng sau khi cùng chị tham gia các công trình nghiên cứu. Mơ ước của PGS Lý là xây dựng hệ thống thử nghiệm thuốc để thúc đẩy ứng dụng vào thực tế.
“Tôi muốn xắn tay làm việc với sinh viên để góp phần tạo ra nguồn nhân sự chất lượng cao, có kinh nghiệm nghiên cứu. Nhiều sinh viên của tôi tìm được học bổng thành công ở nước ngoài cho biết khi học xong, các em cũng sẽ trở về theo tiếng gọi thôi thúc của quê hương…”.
Theo báo Người lao động.
Xem chi tiết tại đây.