Dương Nhật Duy, cựu học sinh trường THPT Hà Nội – Amsterdam xuất sắc chinh phục ĐH Grinnell (Top 19 ĐH Liberal Arts – Mỹ) cùng suất học bổng trị giá 136.000 USD/ 4 năm, với số điểm TOEFL iBT gần như tuyệt đối (118/120).
Quá trình “nếm mật nằm gai”
Sinh năm 1996, là cựu học sinh của lớp chuyên Anh 1, Nhật Duy từng giành nhiều thành tích với đam mê ngoại ngữ của mình: Giải Nhì cấp Thành phố môn tiếng Anh (lớp 9 và 12), giải Nhì cấp Quốc gia môn tiếng Anh năm lớp 12.
Giữ vững phong độ, chàng trai này tiếp tục khiến mọi người ngưỡng mộ bởi số điểm TOEFL iBT “khủng” (118/120). Duy nói, đó là cầu nối đầu tiên giúp cậu chạm tới ước mơ du học đất Mỹ.
Khoảng thời gian chuẩn bị nộp hồ sơ (bắt đầu từ năm lớp 10) là thời kỳ thực sự “cân não” với Duy. Anh chàng xác định, phải cố gắng hết sức để vừa có bảng điểm ấn tượng trên lớp, vừa giành thời gian tích lũy trải nghiệm sống. Đặc biệt là các bài thi quốc tế phải được điểm cao để đủ khả năng cạnh tranh với các ứng viên trong nước và quốc tế.
Nhật Duy đạt 2240 điểm SAT 1, ở kì thi SAT 2, Duy đạt 800 điểm (tuyệt đối) môn Toán và 750 điểm môn Vật lí. Điểm trung bình học tập (GPA) của Duy qua các năm đều dao động trong khoảng 9.0 – 9.1.
Bộ hồ sơ của chàng trai chuyên Anh còn nổi bật với những trải nghiệm xã hội ngoài ghế nhà trường. Nhật Duy xông xáo tham gia các hoạt động cộng đồng với vai trò một thực tập viên ở các tổ chức phi chính phủ như: Rutgers WPF (Tổ chức Tiếng nói của thanh thiếu niên về quyền sức khỏe sinh sản và tình dục, Hà Lan), CCIHP (Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số), UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc)…
Nhìn lại chặng đường “nếm mật nằm gai” để chuẩn bị hồ sơ du học, Duy cho rằng khó khăn lớn nhất đối với bản thân là viết luận: “Đó là một công việc rất mệt nhọc và nhiều lúc khá chán nản”.
“Em nhớ, đã thức trắng đêm hạn nộp hồ sơ vào trường Early Decision 1 (lựa chọn sớm). Trước đó, em cùng bố mẹ và thầy cô cố gắng chỉnh sửa hoàn thiện bài luận, các thông tin sao cho ấn tượng nhất có thể; chờ qua cả hạn nộp online để chắc chắn là không có gì trục trặc xảy ra. Sau hơn 1 tháng, kết quả được gửi về, và rất không may mắn, em đã không được nhận. Vâng, đó là một kỉ niệm không vui lắm”, chàng trai tươi cười kể lại.
Bài học về “cái tôi” trong những điều bình dị…
Chắn chắn, bài luận giữ vị trí quan trọng trong việc làm nên một bộ hồ sơ nổi bật. Thất bại là mẹ thành công, Nhật Duy biết cách đầu tư nhiều hơn vào bài luận của mình từ chọn đề tài, cách dẫn dắt vấn đề đến hành văn…
Ở hồ sơ gửi đến ngôi trường Grinnell, anh chàng đã thuyết phục Hội đồng tuyển sinh với bài luận xoay quanh vấn đề công bằng trong xã hội – “Social justice” và phản ứng của con người trước những bất công xảy ra trước mắt.
“Nhiều người cứ nghĩ khi viết bài luận phải chọn đề tài nào đó độc đáo, cao siêu. Tuy nhiên, em lại thấy thực tế không phải thế, các bạn nên chọn cái bình dị và biến nó thành cái riêng của mình”, Duy chia sẻ.
Theo Nhật Duy, bài luận tốt phải có phong cách viết thật thoải mái, tự nhiên và chân thành. Nữa là, cảm nhận đó phải sâu sắc, thể hiện lối tư duy độc lập, sáng tạo.
“Có lẽ bài học lớn nhất khi viết luận của em đó là hãy trung thực, với trường ĐH và với bản thân. Hãy viết về những đam mê thật sự của mình, những tham vọng thật sự của mình.
Văn phong thì có một điểm cần lưu ý, đó là cần có những dẫn chứng thuyết phục, tránh viết câu từ bóng bẩy, hoa mỹ mà không có nội dung thực sự”, anh chàng nói.
Giành suất học bổng toàn phần trị giá 136.000 USD/ 4 năm, Nhật Duy đã chính thức đặt chân tới Grinnell.
“Có lẽ ước mơ lớn nhất của em khi theo học ở Grinnell, đó là tìm được đam mê thực sự của mình ở đây, tìm mọi cách để theo đuổi nó trong 4 năm học, và kể cả sau khi tốt nghiệp rồi tìm việc làm”, Duy cho hay.
“Em chọn thi TOEFL iBT thay vì các chứng chỉ ngoại ngữ khác vì nó là bài thi này được chấp nhận bởi tất cả các trường ĐH danh tiếng tại Mỹ mà mình apply học bổng.
Ưu điểm nổi bật của bài thi TOEFL iBT là đánh giá chính xác cùng lúc 4 kỹ năng tiếng Anh. Để đạt được điểm cao, ngoài kiến thức tiếng Anh tốt, cần nắm vững cấu trúc bài thi, các tiêu chí đánh giá, thuần thục kỹ năng làm bài trên máy tính…
Em thường tham khảo các tài liệu: TOEFL official guides, Sample questions hay Toefl quick prep… Đặc biệt, để không bị bỡ ngỡ, em chọn thi thử bài thi TPO (TOEFL Practice Online) của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS).
Ngoài việc học các kĩ năng, kiến thức trong sách học và luyện đề, em thường đọc tiểu thuyết, xem tin tức, nghe đài, xem phim bằng tiếng Anh. Đây là những cách mà các bạn có thể trau dồi thêm vốn từ, làm quen với văn phong trong tiếng Anh.
TOEFL iBT không phải là điều gì khủng khiếp nếu chúng ta hiểu bản chất của nó và có chiến thuật chinh phục hiệu quả”, Nhật Duy khẳng định.
Theo Ybox
Xem bài gốc tại đây