Huỳnh Thế Du
Tôi đã tham dự khá nhiều các cuộc tiếp xúc hay trao đổi của du học sinh với những người có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam. Câu hỏi được không ít các bạn du học sinh đặt ra là chính sách đã ngộ hay thu hút nhân tài đang là cản trở để nhiều người trở về trong nước làm việc và cống hiến.
Nhìn trên bình diện chung toàn xã hội thì có những trục trặc cho những người có khả năng làm việc và phát huy khả năng trên chính quê hương của mình. Tuy nhiên, những người thực sự có khả năng không cần quan tâm đến việc đãi ngộ hay ưu ái gì đó mà chính họ có thể “chiến đấu” để khẳng định vị trí của mình trong xã hội.
Nhìn trên bình diện toàn cầu trong khoảng 250 quốc gia và vùng lãnh thổ thì chỉ có khoảng 50 đạt trình độ phát triển còn lại là đang hoặc chưa phát triển. Tuy nhiên, bất cứ nơi nào cũng có vô số những trục trặc, kể cả các nước phát triển vào diện bậc nhất thế giới.
Tôi có dịp gặp các bạn ở các nước phát triển mà gần nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, hầu hết những người này đều có những than phiền về quốc gia của họ nào là lao động hà khắc, cạnh tranh mệt mỏi, áp lực công việc….
Việt Nam đang là một nước đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người tính theo ngang bằng sức mua (PPP) chỉ mới trên 100 triệu đồng hay 5 nghìn đô-la Mỹ một năm. Đây là một mức còn rất thấp so với bình diện chung và kỳ vọng của người Việt Nam.
Với trình độ phát triển như vậy, đương nhiên là nhìn đâu cũng thấy vấn đề như hành chính quan liêu kém hiệu quả, tham nhũng ở khu vực công, hệ thống giáo dục, y tế có nhiều bất cập, các doanh nghiệp tư nhân trong nước làm ăn theo kiểu đánh quả, chụp giật…
Nhà nước cũng có những chính sách thu hút người tài, những người có khả năng nhưng đa phần các chính sách này chẳng ăn nhập gì với cuộc sống cả. Nhiều người có cảm giác như bị hắt hủi sau khi trở về.
Nhìn vào những bất cập nêu trên, cũng có người cho rằng không nên về Việt Nam vì cơ hội phát huy khả năng của bản thân không có, đời sống sẽ khó khăn.
Ở lại các nước phát triển nơi mình có thể tìm được việc làm thường đảm bảo một đời sống dễ chịu cho bản thân và gia đình như thế là đủ và không cần quan tâm gì đến sự phát triển của nước nhà. Đây là một lựa chọn và như vậy cũng đã là hữu ích cho xã hội vì giá trị người đó làm ra đã lớn hơn những gì người đó nhận được.
Tuy nhiên, trong nước sẽ không đánh giá cao lựa chọn này.
Những người ở lại để đảm bảo cho gia đình một cuộc sống dễ chịu, nhưng cũng thường xuyên quan tâm và có những đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam bằng những cách thức khác nhau. Những người như vậy sẽ được đánh giá rất cao.
Tuy nhiên, cách thức này thường không được trải nghiệm thực tế hay hòa mình vào những gì đang xảy ra trên thực tế ở Việt Nam – một cảm giác thường thì rất yomost!
Lựa chọn thứ ba là trở về Việt Nam để thử thách và khẳng định mình. Đối với lựa chọn này, nhìn chung là chông gai hơn hai lựa chọn nêu trên, nhất là những ai thuộc diện thân cô thế cô.
Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là ở nơi nào đó có nhiều vấn đề, nhiều trục trặc thì là nơi có nhiều cơ hội để thử thách và khẳng định mình. Đây là những nơi cho những người có khả năng thực sự.
Nếu bạn muốn cần đãi ngộ thì mới về để khẳng định mình thì rất có thể bạn là người có khả năng, nhưng bạn không cần bất kỳ sự đãi ngộ hay điều kiện gì mà trở về Việt Nam và khẳng định mình thì không nghi ngờ gì bạn là một nhân tài và rất có ích cho xã hội?
Vậy bạn là người có khả năng hay nhân tài?