Qua 4 năm du học tại Mỹ, Nguyễn Quang Thông – chàng trai Việt được 5 đại học hàng đầu thế giới cấp học bổng tiến sĩ, đã có những trải nghiệm thú vị. Em đặc biệt ấn tượng với cách dạy và học của thầy trò nơi đây. Cũng nhờ những tiết học sinh động của giáo sư Đại học Texas at Dallas (Mỹ), Thông lấy lại được đam mê Vật lý tưởng đã tắt, rồi liên tiếp đạt thành tích trên đất Mỹ.
Theo Thông, khác biệt lớn nhất giữa cách dạy và học của nền giáo dục Mỹ với giáo dục Việt Nam là văn hóa thảo luận trong lớp học. Các giáo sư ở đây đánh giá cao những sinh viên có khả năng phản biện và chỉ ra lỗi sai của thầy. “Năm thứ 4, học lớp Vật lý hiện đại, em phát hiện ra lỗi sai trong đáp án bài tập về nhà của thầy và lên gặp giáo viên để nói về lỗi sai đó và chỉ ra cách đúng. Thầy cảm ơn và nâng điểm của em từ A lên A+. Một số lớp em học còn tính cả mức độ đóng góp của sinh viên vào điểm tổng kết cuối kỳ, khoảng 10-20%”, Thông cho biết.
Năm thứ 3, nam sinh Việt tham gia một lớp chính trị Mỹ với hơn 20 học viên. Lớp học được bố trí ngồi quây thành vòng tròn, có những buổi dành riêng cho thảo luận. Trong những buổi này, giáo sư chỉ ngồi quan sát và sinh viên tự trao đổi. Mỗi buổi thảo luận sẽ bàn về một cuốn sách mà tất cả được yêu cầu đọc trước ở nhà. Điểm đặc biệt là cả lớp được phát một con thú nhồi bông nhỏ. Chỉ người đang cầm con thú bông mới được nói, nói xong thì chuyền cho người tiếp theo đang giơ tay để phản biện hoặc bổ sung quan điểm. Mỗi sinh viên phải phát biểu ít nhất 3 lượt trong buổi thảo luận đó mới được cho điểm.
Tại lớp học chính trị này, tất cả mọi người đều tự do nêu quan điểm. Thông kể, trong buổi học bàn về cuốn sách nói về luật hôn nhân đồng giới, dù phần lớn mọi người ủng hộ điều này, có một bạn theo Thiên chúa giáo từ nhỏ một mực phản đối, nhưng cách phản biện vẫn rất chuyên nghiệp và khoa học. “Không bao giờ xảy ra cãi nhau trong các cuộc tranh luận. Giáo sư thường là người giữ vai trò trung lập, dù họ cũng không ngần ngại chỉ trích các chính sách công, kể cả của Tổng thống”, nam sinh cho biết.
Trong 4 năm học đại học tại Mỹ, Quang Thông từng gặp nhiều giáo sư. Mỗi người có cách riêng để khiến bài giảng của mình cuốn hút. Ví dụ giáo sư Walter Lewin ở Đại học Massachusetts Institute of Technology (MIT) khi giảng về con lắc đã tự treo mình trên dây cáp để chứng minh tần số con lắc không phụ thuộc vào khối lượng vật treo.
Kỳ thứ hai của năm nhất tại Đại học Texas at Dallas, Thông cũng được học một lớp Vật lý thú vị không kém của giáo sư Joseph Izen. Những buổi học của thầy không tập trung vào giải những bài tập khó mà hướng sinh viên đến việc hiểu bản chất vấn đề và liên tục ồ lên thích thú khi hiểu thêm về một hiện tượng. “Bài kiểm tra cuối kỳ của giáo sư là đưa sinh viên đến công viên chơi tàu lượn cao tốc. Mỗi sinh viên mang theo một thiết bị đo gia tốc rồi về nhà phân tích dữ liệu từ máy đo và viết một báo cáo dài 30 trang. Lớp học của thầy đã khơi lại niềm đam mê Vật lý tưởng đã tắt trong em. Sau một mùa hè, em quyết định chuyển hẳn ngành học từ Kỹ thuật máy tính, quay trở lại với Vật lý”, Thông chia sẻ.
Một điểm khác nữa về cách dạy của giảng viên Mỹ là tất cả giáo sư đều dành một khoảng thời gian trong tuần, gọi là “office hours”, để sinh viên có thể lên gặp riêng trong văn phòng. Nhu cầu của sinh viên cho khoảng thời gian office hours này rất lớn, có người cần gợi ý cho bài tập về nhà, có người cần giảng thêm về bài học, có người muốn thảo luận về đề tài giáo sư đang nghiên cứu.
Trong lớp, khi sinh viên mắc lỗi ngủ gật hay làm việc riêng, đa phần giảng viên không xử phạt vì thông cảm với sinh viên phải thức cả đêm hoàn thành deadline. Một số giáo sư có mẹo nhỏ để đánh thức học trò, như trong lớp Cơ học của thầy Joseph Izen Thông từng học năm nhất, nếu phát hiện ra có sinh viên ngủ gật, thầy sẽ đặt ra câu đố gì đó để có người trả lời rồi cả lớp vỗ tay, hoặc đồng thanh đếm ngược để giáo sư tiết lộ đáp án. Người đang ngủ tự khắc tỉnh dậy.
Lỗi nghiêm trọng nhất thường không bao giờ được tha thứ ở đại học Mỹ là sao chép (plagiarism). Nếu bài viết của sinh viên bị xác định sao chép từ một nguồn khác, mức phạt nhẹ nhất là nhận luôn điểm F. Nặng hơn là đuổi học.
Phần lớn trường đại học Mỹ áp dụng luật đuổi việc ngay lập tức với các giảng viên có quan hệ yêu đương với sinh viên. Các giáo sư có ràng buộc điểm số với sinh viên thì không được phép nhận bất kỳ món quà nào từ người học. “Sinh nhật giáo sư Joseph Izen, em tặng thầy một quyển sách giá 10 USD (217.000 đồng), thầy phải lên khai báo với lãnh đạo của khoa rồi làm thủ tục giấy tờ mới được phép nhận quyển sách đó”, Thông cho biết.
Theo du học sinh Việt Nam, các sinh viên ở Mỹ có sự chủ động nhất định trong việc học của mình. Những người phát biểu nhiều trong lớp thường nằm trong tốp dẫn đầu về thành tích học tập, vì họ phải rất tập trung mới có thể nghĩ ra câu hỏi để chất vấn giáo sư. Các sinh viên cũng chủ động viết email hẹn gặp riêng giáo sư để xin tham gia nhóm nghiên cứu. Nếu cảm thấy không phù hợp, sinh viên có thể tự rút lui hoặc chuyển sang nhóm khác. Việc nghiên cứu khá phổ biến ở các đại học Mỹ, đặc biệt là với sinh viên các ngành khoa học kỹ thuật.
Tại các lớp học ở Mỹ, Thông không hiếm gặp sinh viên trên 30 tuổi, nhiều người đi làm và muốn thay đổi công việc nên quay lại học đại học, có người từng trong quân đội. Học chung lớp với những người này, Thông thấy rất thú vị vì họ thường phát biểu và chia sẻ kinh nghiệm cá nhân nếu nội dung buổi học có liên quan gì đó đến nghề nghiệp trước đây của họ.
“Trong lớp Cơ học năm 1, khi học về nguyên lý của máy bay, có sinh viên trong lớp từng là phi công đã được thầy hỏi để giải thích quá trình máy bay rẽ và quay đầu. Tại lớp Kinh tế học, cô giáo hỏi ai từng làm nhân viên thu ngân ở Walmart. Một vài bạn giơ tay, rồi cô giáo mời họ chia sẻ góc nhìn về việc nâng mức lương tối thiểu. Có người ngoài 60 tuổi đã về hưu vẫn đăng ký học để thỏa mãn đam mê khám phá thời trẻ. Có sinh viên vừa học vừa làm full-time 40 tiếng một tuần để tự trang trải học phí và lo cho gia đình”, Thông cho biết.
Những lớp học, những người thầy biết khơi dậy hứng thú, đam mê cho sinh viên ở Mỹ đã tiếp thêm cho nam sinh Việt động lực để học tập, nghiên cứu và đạt nhiều thành tích cao. Tháng 2 vừa qua, Quang Thông được 5 đại học hàng đầu thế giới cấp học bổng tiến sĩ, trong đó có cả trường Califonia Institute of Technology (viết tắt là Caltech, đứng thứ nhất thế giới theo xếp hạng của tạp chí Times Higher Education – Anh; thứ 8 thế giới theoU.S.News & World Report – Mỹ); Columbia University (thứ 10 thế giới); Đại học Michigan (thứ 23)… Mỗi học bổng 5 năm trị giá khoảng 400.000 USD (tương đương 8,6 tỷ đồng).
Tháng 9 tới, nam sinh Việt sẽ vào Caltech để tiếp tục theo đuổi đam mê Vật lý.
Theo Dân Trí
Xem bài gốc tại đây