
Mình có một nhóm bạn thi thoảng lại gặp nhau potluck cuối tuần. Lần này bọn mình đến nhà Jamie. Mình đang nói chuyện với Dali ở ngoài phòng khách thì thấy Caroline từ trong bếp bước ra. Caroline đang làm giảng viên ở trường, dạy về xã hội học. Chị học PhD khá muộn nên cũng mới bắt đầu công việc này được mấy năm. Chị cũng mới lập gia đình cách đây mấy tháng, ở cái tuổi gần 50 – mình đoán thế chứ chưa hỏi tuổi chị bao giờ. Caroline người mảnh khảnh và khá rụt rè.
Mình chào Caroline – rồi bất ngờ phát hiện ra chiếc quần jean của chị ở gần đầu gối có 3 miếng vá cỡ bằng nửa bàn tay. Mình thoáng nghĩ “Hay thật” và khen chị “Nice patchwork”. Caroline cười bảo “My mom did that for me”. Dali gật gù thêm vào, mình không nhớ chính xác bà nói gì nhưng đại ý là như thế chị ý không phải vứt cái quần đi.
Phải công nhận là 3 miếng vá ở cả hai bên đầu gối được vá rất đẹp và khá ăn nhập với màu chiếc quần. Mình nhớ là có một miếng màu xanh nước biển hơi phai phai và một miếng màu đỏ có họa tiết. Nó làm mình liên tưởng tới các tác phẩm quilt mà các bà nội trợ Mỹ khéo tay rảnh rang hay làm, và cả đến những người thích phong cách hippy vì họ hay mặc đồ màu sắc pha trộn lung tung.
Mình không hỏi là cái quần ấy bị thủng cả 3 chỗ hay chỉ có 1 chỗ thủng còn hai chỗ còn lại để “tạo kiểu” hay thôi.
Dù gì thì việc Caroline mặc chiếc quần jean vá khiến mình suy nghĩ.
Vì điều này rất ngược với văn hóa mà mình sinh ra và lớn lên.
Mình chưa bao giờ nghĩ sẽ mặc một chiếc quần vá, dù đó là quần jean và được vá đẹp như vậy. Có lẽ vì từ bé mình đã được dạy chỉ có con nhà nghèo mới mặc quần áo vá – và vì thế nếu mình lỡ làm hỏng một chiếc quần jean mới mua trị giá cả mấy trăm ngàn, mình cũng không bao giờ nghĩ sẽ đem đi vá và mặc nó một cách tự tin như Caroline.
Và chắc là mình sẽ rất đau khổ, giằn vặt với chính mình hoặc đổ lỗi cho cái người đã làm hỏng chiếc quần vì bây giờ nó vô dụng rồi.
Còn Caroline đã không phải vứt đi cái quần jean của chị, cũng không phải thất vọng quá lâu về việc chiếc quần bị rách. Chiếc quần vẫn dùng được thậm chí lại còn là một tác phẩm nghệ thuật.
Mình biết nhiều bạn bị rách quần jean cũng sáng tạo bằng cách làm thêm vài đường ngoằn nghèo nữa, thế là có một chiếc quần hở đầu gối trông cũng rất bụi và thời trang.
Chỉ có điều mình có tự tin mặc nó hay không? Tại sao không?
Mình nghĩ có lẽ là vì mình luôn được dạy để giấu đi những cái gì không hoàn hảo. Nếu mình nói với ai đó mình làm rách cái quần, người ta sẽ đặt câu hỏi “Sao cậu vụng về thế?”. Mình không muốn mọi người cho là mình “rẻ tiền”, rách thì vứt đi mua cái khác chứ sao. Vân vân và vân vân…Có rất nhiều nỗi lo sợ bị người khác đánh giá, nên mình sẽ chọn cách cho cái quần xấu số kia ra đi.
Còn Caroline, mình nghĩ khi chị mặc một chiếc quần jean vá như vậy là chị đã có một thông điệp rõ ràng: Chiếc quần của tôi đã bị rách và tôi đã vá nó lại để mặc tiếp.
Chị đã thành thật đối mặt với thực tế là chiếc quần đã bị rách. Và chị cũng tự tin với giải pháp của mình là vá nó.
Tất nhiên, chị cũng hiểu rằng giải pháp này có hạn chế của nó. Chị sẽ chỉ mặc nó khi ở nhà, đi chợ, hay gặp những người bạn thân thiết. Chiếc quần vá này chắc sẽ không phải là lựa chọn của chị khi đi gặp một người mới quen hay khi lên lớp giảng bài. Và tất nhiên cũng không phải thứ gì rách ta cũng đem đi vá để dùng lại. Chiếc quần jean là một lựa chọn hợp lý vì giá trị sử dụng lâu dài của nó.
Dù gì đi nữa Caroline đã cho mình một bài học về sự thành thật với chính bản thân.
Nếu lỡ may mình làm rách một chiếc áo hay một chiếc quần mình vốn rất thích thì mình sẽ làm gì?
Mình sẽ hối hận hay tức giận? Mình sẽ giấu mọi người bằng cách vứt nó đi? Rồi tốn tiền mua một chiếc quần mới?
Không, mình sẽ cố gắng học cách chấp nhận thực tế “như nó là – as it is”. Và mình sẽ tìm cách biến cái lỗi đó thành một tác phẩm. Có thể là một bông hoa trên vai áo và chiếc áo sẽ còn đẹp hơn. Cái khó ở đây là làm thế nào để mình có được một miếng vá đẹp đẽ và phù hợp chứ không phải là vài đường chỉ cẩu thả gọi là “vá cho xong”.
Điều này cần một chút thẩm mĩ, một chút công sức và một chút nhạy cảm để biết như thế nào là hợp lý –toàn những cái chẳng có trường lớp nào dạy cả.
Nhân chuyện này mình lại liên hệ với ngày giải phóng đất nước. Nghe thì chẳng ăn nhập gì với nhau nhưng chiếc quần vá làm mình liên tưởng đến chiến tranh – bên nào cũng đều mang về cho mình những mảnh vỡ, những rách nát. Vậy chúng ta có nên che giấu lịch sử, hay ngồi trách cứ nhau ai đúng ai sai?
Nên chăng hãy nhìn thẳng vào sự thật và chấp nhận như nó là – và sự thật là chúng ta có rất nhiều mảnh rách nát. Chúng cần được vá lại cho đẹp đẽ, để sử dụng lại chứ không phải để vứt đi cho thỏa mãn cái danh dự hão của chính mình.
Nhưng nếu đó là một miếng vá, thì nó phải là một miếng vá đẹp – chứ không phải một miếng vá cẩu thả.
Còn có vẻ như chúng ta đang nghiêng về việc đổ lỗi cho nhau, tiếc cho một thời chiếc áo đẹp đã không còn, cố tình vứt đi chiếc áo rách và mua một chiếc mới chất lượng tệ hại, hoặc nếu có vá thì là vá víu cẩu thả khiến cho chiếc áo không còn ra hình thù gì nữa.
Và chuyện chính sách, con người cũng không dễ như thay quần áo. Cho nên chúng ta cũng không nên hi vọng nhiều “bình mới rượu mới”. Đôi khi chỉ là sửa cái đã cũ, đã hỏng, đã rách cho tốt hơn lại là một lựa chọn không tồi – chỉ có điều ta có dám thành thật với chính ta hay không mà thôi.
One thought on “Hoàng Khánh Hòa – Chiếc quần Jean vá và sự thành thật với chính mình”
Comments are closed.