Tốt nghiệp thạc sĩ ngành chính sách công đại học Princeton (Hoa Kỳ), chọn con đường trở về đầy thử thách trong lĩnh vực người đồng tính và nhóm thiểu số, kinh nghiệm 15 năm nghiên cứu văn hoá – xã hội đã giúp anh biến viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) thành người bạn đường tin cậy của những phận người yếu thế, nỗ lực xoá bỏ rào cản của định kiến và kỳ thị, nhằm tạo ra một xã hội tôn trọng sự đa dạng, bình đẳng và quyền con người.
Bất ổn lớn gây ra sự đổ vỡ về các giá trị nhân văn phải chăng xuất phát từ định kiến và kỳ thị?
Định kiến và kỳ thị, hiểu đơn giản là thái độ tiêu cực của cá nhân, hoặc nhóm thường là đa số và nắm giữ quyền lực trong xã hội với những khác biệt của người khác, hay nhóm khác thường là thiểu số và yếu thế. Khi người ta coi mình là trung tâm vũ trụ, dùng hệ giá trị của mình để phán xét người khác, thì những khác biệt sẽ bị coi là xấu và không mong đợi.
Nếu nghiêm trọng, nó có thể dẫn đến sự áp đặt một hệ giá trị duy nhất lên tất cả mọi người. Ai không khớp với hệ giá trị “chuẩn” đó sẽ bị phân biệt đối xử, thậm chí loại bỏ. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của việc phân biệt chủng tộc trước đây, tội phạm hoá đồng tính ngày nay, hay xung đột tôn giáo ở nhiều nơi trên thế giới.
Khi xã hội kỳ thị những khác biệt, ví dụ như kỳ thị người đồng tính, thì họ phải che giấu không dám sống thật là mình. Điều này gây ra nhiều hậu quả về sức khoẻ tâm thần vì họ luôn phải sống trong vỏ bọc, lo âu đối phó với thái độ tiêu cực của xã hội. Nhiều người bị đánh đập bởi cha mẹ, bị bắt nạt ở trường học, hoặc bị ngăn cản yêu đương.
Nếu không chịu đựng nổi, họ tìm đến rượu, chất kích thích, thậm chí tự tử. Theo một nghiên cứu của viện iSEE trong cộng đồng đồng tính nữ, tỷ lệ đã từng tự tử (nhưng không thành) cao hơn khoảng 30 lần tỷ lệ tự tử của thanh niên ở Việt Nam. Đây là tiếng chuông cảnh báo cho hậu quả nghiêm trọng của định kiến và kỳ thị.
Ngoài hậu quả tiêu cực trực tiếp lên những người thiểu số, yếu thế, định kiến và kỳ thị còn hạn chế sự sáng tạo trong xã hội. Để phát triển, chúng ta cần có những phát minh, sáng kiến và những giải pháp mới. Nếu con người sợ sự khác biệt, sợ cái mới thì sẽ không có tư duy sáng tạo.
Hơn nữa, sự đa dạng bao giờ cũng là nền tảng của sáng tạo vì những con người có niềm tin khác nhau, có nền tảng giáo dục khác nhau, kinh nghiệm sống khác nhau, thế mạnh khác nhau, sẽ bổ trợ cho nhau trong quá trình phát triển. Đây chính là hậu quả lâu dài của định kiến kỳ thị: nếu chúng ta loại bỏ cái khác biệt, cái ngoại vi, thì chúng ta khó có cái mới tốt hơn.
Viện iSEE đang tích cực vận động hợp pháp hoá hôn nhân cùng giới. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đồng tính và chuyển giới là căn bệnh của một xã hội đang phát triển?
Đúng là nhiều người đang có nỗi lo về việc càng ngày họ càng thấy nhiều người đồng tính xuất hiện hơn. Họ lo nếu cho người đồng tính kết hôn thì sẽ phá huỷ gia đình truyền thống, tổn hại đến đạo đức xã hội, thậm chí ảnh hưởng đến sự tồn vong của giống nòi.
Thực ra ngày càng nhiều người đồng tính xuất hiện, sống công khai là do xã hội cởi mở, con người ngày càng muốn sống thật là mình, nên mọi người thấy họ nhiều hơn. Thừa nhận người đồng tính, công nhận quyền kết hôn bình đẳng thực ra là một việc làm tử tế, vun đắp đạo đức xã hội. Vì con người sống thật với xu hướng tính dục của mình là một điều đúng, và có đạo đức hơn sống giả dối. Không cho phép những người yêu nhau đến với nhau chắc chắn là việc làm không đạo đức, vi phạm quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc của người khác.
Vấn đề giới đang trở thành nỗi lo thường trực của những bậc làm cha, làm mẹ. Anh chia sẻ thế nào với họ?
Việc thừa nhận hôn nhân cùng giới không những giúp người đồng tính sống thật, mà còn giúp gia đình họ hạnh phúc hơn. Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, các bậc cha mẹ thường đau khổ và suy sụp khi biết con là người đồng tính. Từ lo sợ, khủng hoảng, dẫn đến những cư xử tiêu cực, thậm chí bạo lực với con.
Không phải họ không yêu con, mà lo sợ cho tương lai của con sẽ mất vì xã hội chưa thừa nhận. Chấp nhận điều này không dễ, nhưng không phải không thể, nhưng nhanh hay chậm, dễ dàng hay đau đớn, tích cực hay tiêu cực phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của xã hội, và sự công nhận của luật pháp.
Khi biết con là người đồng tính, cần bình tĩnh, tránh những phản ứng cực đoan như chửi mắng, đánh đập, cấm đoán.
Bởi làm vậy, có nghĩa đẩy con vào bước đường cùng, dẫn đến những nguy cơ cao như bỏ học, bỏ nhà, dùng thuốc kích thích, thậm chí tự tử. Cha mẹ không thể thay đổi được xu hướng tính dục yêu người cùng giới của con, nhưng có thể thay đổi cuộc đời con bằng cách yêu thương và ủng hộ nó. Theo các nghiên cứu, mong ước lớn nhất của người đồng tính là được gia đình chấp nhận và ủng hộ. Chắc chắn khi đó, họ sẽ đối mặt tốt hơn với những định kiến còn lại trong xã hội, học tập và làm việc hết mình vì có điểm tựa là cha mẹ và gia đình.
Còn phần thưởng cho các bậc cha mẹ là một gia đình thực sự, một gia đình mà các thành viên không có gì phải giấu giếm, lo sợ, được sống thật là mình, và được yêu thương thật là mình.
Nhìn rộng hơn vào xã hội, con người đối xử tàn tệ với nhau dường như ngày càng nhiều – theo anh căn nguyên từ đâu?
Có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, chúng ta không kiên quyết trong việc tôn vinh và khuyến khích cái tốt, phê phán và ngăn chặn cái xấu. Ví dụ, giới truyền thông báo chí bây giờ dường như có cuộc đua “sốc, sốc hơn nữa; sến, sến hơn nữa; sex, sex hơn nữa” để câu khách. Cách làm báo này vẽ lên một xã hội nơi cái xấu đang thắng thế.
Điều này rất nguy hại vì khi người ta nghĩ những người xung quanh đều xấu cả, thì chắc chắn người ta sẽ không muốn tử tế. Chúng ta nghe rất nhiều câu như “ai cho tôi tử tế?” hoặc “xã hội toàn thế mình tử tế sao được?” Điều này tạo thành trào lưu sống không tử tế. Nó giống như người dân sống ở một thành phố rất sạch thì họ tự giác không vứt rác ra đường, vì vứt rác là hành vi lạc lõng (chưa kể có thể bị phạt); còn nếu sống ở những khu phố bẩn, rác xả đầy đường, thì việc tôi vứt thêm rác cũng không ảnh hưởng gì.
Chính vì vậy, việc tôn vinh hành vi đẹp, lối sống tử tế rất quan trọng vì nó tạo ra ý thức theo cái tốt của người dân. Sự đa dạng bao giờ cũng là nền tảng của sáng tạo vì những con người có niềm tin khác nhau, có nền tảng giáo dục khác nhau, kinh nghiệm sống khác nhau, thế mạnh khác nhau, sẽ bổ trợ cho nhau trong quá trình phát triển.
Thứ hai, chúng ta đang có một nền giáo dục không tập trung đào tạo những con người tử tế, mà thiên về kiến thức kỹ thuật và bằng cấp. Những giá trị tự do, bình đẳng, bác ái, không phân biệt đối xử chưa được coi là trọng tâm. Cách dạy học mang tính áp đặt tư duy, hơn là khai phóng để con người tự biết phân tích, và rút ra cái đúng, cái sai cho mình
. Chính vì vậy, trong vũ bão thông tin, thật giả lẫn lộn, con người khó tự mình phân biệt đúng sai, dễ lao vào “ném đá theo phong trào”. Nguy hại hơn, con người không học cách lắng nghe nhau, chấp nhận sự khác biệt, và tranh luận để tìm ra giải pháp. Khi không có lý lẽ, hoặc lý lẽ bị đuối, con người sẽ từ bỏ đối thoại, chuyển qua bạo lực hoặc đàn áp. Như vậy, xã hội sẽ chỉ tích thêm mâu thuẫn, sự bất bình, và dẫn đến xung đột.
Thứ ba, tôi lo ngại với sự bất bình đẳng trong xã hội ngày càng lớn về điều kiện kinh tế cũng như quyền lực chính trị, sự bất bình đẳng giữa thành thị và nông thôn, giữa người Kinh ở đồng bằng và người dân tộc thiểu số ở vùng cao, giữa người có chức có quyền và người lao động trong công xưởng nhà máy. Sự giàu lên nhanh chóng một cách không chính đáng của nhiều người, trong khi nhiều người khác không đủ ăn, không có tiền chữa bệnh, không có tiền cho con đi học, mất đất, thất nghiệp… sẽ làm cho mâu thuẫn xã hội phát sinh.
Điều này dẫn đến tệ nạn xã hội, trộm cắp, dẫn đến sự bất ổn của xã hội. Đây chính là một thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong quá trình phát triển.
Vậy làm thế nào để gầy dựng lại sự tử tế? Viện iSEE có thể đóng góp gì vào quá trình này?
Đây là vấn đề quốc gia đại sự, nhưng không phải là việc riêng của Chính phủ, của các cơ quan ban ngành, mà là của mỗi người Việt Nam. Nếu không hành động từ bây giờ, con cái chúng ta sẽ thừa hưởng một cuộc sống tồi tệ hơn.
Trước tiên cần phải đẩy mạnh tự do và dân chủ để mọi người dân có thể tham gia góp ý chính sách phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nói cách khác, vấn đề của nhân dân, thì nhân dân phải có quyền tham gia giải quyết. Luật về hội là cơ sở pháp lý để người dân có không gian tự do trao đổi ý kiến, tương trợ lẫn nhau, đưa ra giải pháp cho các vấn đề liên quan đến mình.
Từng người dân không thể tự đi góp ý cho chính sách, hoặc bảo vệ quyền lợi của mình hiệu quả được, họ cần phải được tổ chức để tập trung trí tuệ và nguồn lực, thực hiện quyền làm chủ của mình. Có luật về hội, chắc chắn Chính phủ sẽ có được nhiều phản hồi chất lượng cho các chính sách của mình, đảm bảo lợi ích của các nhóm xã hội được cân bằng.
Các giá trị tự do, bình đẳng, nhân văn, không định kiến kỳ thị phải được giáo dục trong nhà trường, tôn vinh trong xã hội. Đây chính là những giá trị đạo đức nền tảng, giúp con người điều chỉnh hành vi một cách đúng đắn hơn. Việc này không dễ, đòi hỏi một quá trình học hỏi và rèn luyện, nhưng phải bắt đầu bằng việc sống thật, không giả dối.
Chỉ khi sống thật, không giả dối thì chúng ta mới tạo dựng được những giá trị thật khác. Tôi nghĩ có hai môi trường quan trọng cần thực hành điều này ngay, đó là nhà trường và truyền thông. Nhà trường là nơi tạo ra con người có nhân cách, báo chí tạo ra môi trường xã hội nơi cái tốt được tôn vinh. Khi đó, chúng ta có thể dần dần xoay chuyển được tình hình.
Có lẽ mỗi chúng ta khi quan hệ với người khác, hãy tự hỏi mình đối xử với họ như vậy có tử tế hay không. Nhiều khi, chúng ta làm những việc không tử tế một cách vô thức. Tôi tin rằng bản chất người Việt Nam rất tốt, đẹp và nhân văn, thể hiện rất rõ qua những câu ca dao, tục ngữ “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương”… Đây chính là nền tảng vững chắc, mà tôi tin rằng khi được khơi nguồn, nó sẽ trở thành dòng chảy chính, mạnh mẽ trong xã hội Việt Nam.
Tốt nghiệp một đại học danh tiếng ở Mỹ, lý do nào anh chọn con đường trở về là dấn thân vào một lĩnh vực quá mới mẻ và đầy thách thức?
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ sinh sống và làm việc ở nước ngoài lâu dài. Ở Việt Nam, tôi thấy mình được hoà vào dòng chảy của xã hội, là một phần của những thay đổi hàng ngày của đất nước, của cộng đồng nơi mình sống và gắn bó. Tôi là một người thích quan sát và phân tích các thay đổi trong xã hội, và lý giải nó. Là một người Việt Nam, một người trong cuộc, ngấm văn hoá dân tộc, đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, thì việc lý giải sẽ đa chiều hơn nhiều.
Gầy dựng lại giá trị những cộng đồng nhỏ sẽ góp phần thay đổi như thế nào cho sức mạnh cộng đồng Việt Nam?
Động cơ quan trọng nhất thúc giục tôi làm việc chính là những thay đổi trong từng con người cụ thể mà tôi đã may mắn được làm việc cùng. Tôi nhớ, lần đầu tiên một triển lãm về người đồng tính được tổ chức ở TP.HCM, đó là triển lãm Mở vào tháng 11.2009. Trước khi khai mạc, cộng đồng người đồng tính rất hồi hộp, họ chờ đợi xem công chúng sẽ đón nhận họ như thế nào qua một sự kiện công cộng ngoài trời (sân nhà văn hoá Thanh niên).
Khi được báo chí và người dân đón nhận và ủng hộ, cộng đồng đã vỡ oà. Có bạn đồng tính nam viết trên diễn đàn Táo Xanh: “Mình cảm thấy thật hạnh phúc và an toàn, vì từ nay trở đi, khi bước xuống đường mình biết có những tổ chức và cộng đồng bảo vệ mình khỏi kỳ thị và bạo lực”.
Tôi tin công việc mình làm không những bảo vệ quyền bình đẳng cho những người thiểu số, mà rộng hơn còn góp phần nâng cao giá trị nhân văn trong xã hội. Khi mọi người tôn trọng những khác về sắc tộc và tính dục, thì khả năng họ tôn trọng những khác biệt khác dễ dàng hơn. Khi đó, chắc chắn con người sẽ đối xử tử tế với nhau hơn. Một xã hội mà nơi mọi người đối xử tử tế với nhau sẽ tạo ra nền tảng để phát triển bền vững. Để biết một quốc gia có văn minh, dân chủ và tôn trọng quyền con người không, hãy nhìn vào cách người ta đối xử với người thiểu số.
Các nhà kinh tế học hay nói: để biết cuộc sống của một cộng đồng dân cư như thế nào, hãy ra chợ. Còn tôi thì muốn nói: để biết một quốc gia có văn minh, dân chủ và tôn trọng quyền con người không, hãy nhìn vào cách người ta đối xử với người thiểu số. Nếu người thiểu số – có thể là thiểu số sắc tộc, thiểu số tôn giáo, hay thiểu số tính dục – được đối xử công bằng, không bị phân biệt đối xử, thì có nghĩa quốc gia đó có dân chủ và văn minh. Ngược lại, nếu người thiểu số còn bị định kiến, kỳ thị, thì quốc gia đó còn có nhiều việc để làm. Và tôi tin việc mình làm đang góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Trong môi trường xã hội còn quá khắt khe của văn hoá Á Đông và những rào cản về quyền con người, để thực hiện được sứ mệnh của mình hẳn iSEE gặp rất nhiều khó khăn?
Công việc ở iSEE là thúc đẩy tự do và quyền của người thiểu số, là một việc làm rất cần thiết và có ích cho xã hội. Tuy nhiên, ở Việt Nam cũng có khái niệm “lợi dụng quyền tự do và dân chủ” để làm việc khác, nên chúng tôi luôn phải minh bạch những hoạt động của mình. Một số cơ quan chức năng có hỏi thăm, có tìm hiểu về hoạt động của iSEE, nhưng khi họ hiểu động cơ chúng tôi đang làm là vì một xã hội công bằng và nhân văn hơn, thì những khó khăn cũng qua đi.
Tôi thực sự may mắn có một đội ngũ đồng nghiệp là những người tâm huyết với sứ mệnh của iSEE. Có bạn tốt nghiệp xuất sắc ở châu Âu, ở Mỹ và ở Úc về, đã “nhắm” iSEE từ khi đang học vì họ thấy công việc iSEE đang làm giàu ý nghĩa, thực sự tạo ra thay đổi trong cuộc sống của từng con người cụ thể, từng cộng đồng cụ thể. Có nhiều đồng nghiệp ở TP.HCM nhưng vẫn ngược ra Hà Nội, và có người rời các cơ quan quốc tế để nhập iSEE cũng vì lý tưởng tương tự. Tôi thực sự không có bí quyết nào, đơn giản là những người chia sẻ và cam kết một sứ mệnh chung thì sẽ tìm đến với nhau.
Điều quan trọng là chúng ta phải lên tiếng, để biết những người cùng chí hướng đang ở đâu, cùng hợp tác với nhau.
Theo Một Thế Giới
Xem bài gốc tại đây