Mới đây, một nhóm các tổ chức của người Mỹ gốc châu Á đã đệ đơn kiện liên bang đối với Trường đại học Harvard về việc trường này áp dụng việc phân biệt về mặt chủng tộc để nhận những sinh viên khác hơn là sinh viên châu Á có điểm cao.
Theo đó, hơn 60 tổ chức của người Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Pakistan đã cùng nhau đưa ra đơn kiện này lên các phòng dân sự của Bộ Giáo dục và Bộ Tư pháp Mỹ. Các tổ chức này kêu gọi cần có cuộc điều tra và họ nói rằng các trường này phải ngừng việc phân biệt chủng tộc trong tuyển sinh.
“Chúng tôi đang tìm kiếm sự đối xử công bằng, không phân biệt chủng tộc”, Chunyan Li nói. Vị giáo sư và nhà hoạt động quyền dân sự này cho biết các tổ chức nói trên muốn các trường đại học phải sử dụng thu nhập hơn là chủng tộc trong việc thực hiện các chính sách hành động.
Trong khi đó, Đại học Harvard nói rằng chính sách tuyển sinh của nhà trường là “hoàn toàn phù hợp với luật liên bang”. Nhà trường cũng cho biết con số sinh viên châu Á được nhận vào trường tăng từ 17,6% lên 21% trong thập kỷ qua.
“Chúng tôi sẽ mạnh mẽ bảo vệ quyền của Harvard và các trường khác, tiếp tục tìm kiếm những lợi ích giáo dục xuất phát từ một lớp học đa dạng”, Robert Iuliano, tổng luật sư Đại học Harvard khẳng định.
Trong khi đó, Yukong Zhao, người tổ chức vụ đệ đơn kiện của các nhóm, đề nghị Harvard phải mở sách tuyển sinh để chứng minh rằng sinh viên châu Á không bị đối xử bất lợi một cách có chủ ý. “Chúng tôi muốn đất nước này phát triển đi lên”, Zhao nói thêm.
Hiện các tổ chức của người Mỹ gốc Á khác cũng đưa ra những nhận định ủng hộ việc phải có chính sách tuyển sinh ưu ái các thí sinh từ các nhóm thiểu số, trong đó có 2 thành viên của Ủy ban Quyền công dân Hoa Kỳ. “Không ai trong chúng ta muốn tin rằng bất cứ chủng tộc nào bị phân biệt trong tuyển sinh”, ủy viên Michael Yaki và Karen Narasaki nói. “Chúng ta cũng không tin rằng chỉ dựa vào điểm thi để được nhận vào Harvard. Các sinh viên thì quan trọng hơn điểm số và điểm thi của họ”.
Theo Dân trí
Xem bài gốc tại đây