Các hoạt động san lấp, xây dựng, mở rộng trái phép của TQ trên thực địa
Từ cuối năm 2013, đầu 2014 đến nay, TQ đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự tại hầu hết các bãi đá chiếm đóng trái phép ở Trường Sa với tốc độ nhanh và quy mô lớn chưa từng có:
– Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) là một rạn san hô rạn san hô thuộc cụm Nam Yết, dài 25km, rộng 7km, diện tích 110 km2, chìm dưới nước khi thủy triều lên. Từ khi chiếm đóng năm 1988, TQ đã nhiều lần cải tạo, xây dựng căn cứ quân sự với cơ sở hiện đại, trang bị các loại vũ khí chống hạm và phòng không và các thiết bị thông tin liên lạc…
Đặc biệt, từ giữa tháng 7/2014, TQ đã tập trung hàng chục tàu các loại, trong đó có tàu chiến, để bảo vệ san lấp đá Chữ Thập. Khu vực san lấp được mở rộng với quy mô, tốc độ rất nhanh: Từ 2,2 hecta giữa tháng 8, lên 23 hecta cuối tháng 9, 37 hecta đầu tháng 10, 125 hecta cuối tháng 11, và vẫn đang tiếp tục được mở rộng. Tính đến đầu tháng 3/2015, diện tích bãi được phun đắp tại đá Chữ Thập đã lên tới 235 hecta tăng thêm 11 hecta so với ngày 13/2; chỗ dài nhất của bãi khoảng 3.6 km theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, chỗ rộng nhất khoảng 1 km, khu vực dự kiến xây dựng đường băng có bề rộng khoảng 250m. Chỉ trong vòng 8 tháng, đá Chữ Thập đã được mở rộng diện tích gấp hơn 200 lần, lớn gấp gần 5 lần đảo Ba Bình, vốn là đảo lớn nhất khu vực Trường Sa (có diện tích khoảng 50 hecta), đủ điều kiện để xây dựng 01 sân bay quân sự cỡ lớn. Song song với việc bồi đắp, TQ còn xây dựng các công trình trên đảo như một cảng lớn có diện tích khoảng 60 hecta, với đê bao, kè chắn sóng xung quanh.
– Đá Gạc Ma (Johnson Reef) là một rạn san hô nằm ở phía Tây Nam cụm đảo Sinh Tồn, phần lớn chìm dưới mặt nước, dài 4.5km, rộng 2.3km, diện tích 8,6km2, hướng Bắc Nam. TQ đã đánh chiếm bãi đá này từ năm 1988.
Ngoài một doanh trại vững chắc làm nơi đồn trú cho một đơn vị hải quân, từ đầu năm 2014 đến nay, TQ triển khai san lấp với diện tích khoảng 15 hecta. TQ đã xây dựng hệ thống bờ kè bao quanh; mở rộng diện tích khu nhà tạm từ 1.500 m2 lên 2.150 m2; hoàn thiện 01 dãy nhà cao tầng dạng khối, diện tích khoảng 6.500 m2
Trên khu vực mặt bằng được san lấp, TQ đang tiến hành xây dựng nhiều công trình như nhà kiên cố, trồng mới một số cây… tại phía tây bắc của khu vực san lấp mặt bằng đang hình thành cầu tàu. Do điều kiện tự nhiên của đá Gạc Ma (hình lòng chảo, ở giữa sâu hơn xung quanh) nên khả năng tại Gạc Ma sẽ hình thành một cảng nước nông tại khu vực giữa của đảo đá này, khi hoàn thiện có thể tiếp nhận tàu cỡ nghìn tấn hoạt động tại đây. Trong số các đảo, đá mà TQ đang chiếm giữ thì Gạc Ma có vị trí trung tâm và điều kiện tự nhiên thuận lợi, do vậy trong tương lai Gạc Ma có thể tiếp tục được mở rộng và phát triển thành trung tâm hành chính của TQ ở Trường Sa.
– Đá Châu Viên (Cuarteron Reef) là một rạn san hô, dài 5.5 km, rộng 1.1 km, có diện tích khoảng 6 km2, đa phần chìm dưới nước, hướng hơi chếch Tây Bắc – Đông Nam, phần ngoài mấp mé mực nước biển, phần trung tâm và phần phía Bắc cao khoảng 1.2-1.5m. Từ khi chiếm đóng trái phép năm 1988, TQ đã từng bước cải tạo và xây dựng một công trình quân sự kiên cố.
TQ bắt đầu tiến hành cải tạo bãi đá này từ 3/2014, đến 7/2014 diện tích mặt bằng san lấp khoảng 23 hecta tại khu vực giữa của đảo, xung quanh nhà công sự
cũ. TQ đã xây dựng bờ kè quanh khu vực mặt bằng này và hiện nay các đoạn kè bao quanh đảo đã cơ bản hoàn thiện, với tổng chiều dài khoảng 1300 m. Trên bãi đá TQ đang cho xây dựng 1 tòa nhà mới diện tích khoảng 6000 m2, tòa nhà này có cấu trúc khá giống với các tòa nhà đang cho xây dựng trên bãi đá Gạc Ma, Tư Nghĩa.
– Đá Gaven (Gaven Reefs) là rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa, dài 2.2km, rộng 1.4 km, diện tích 2.25km2 , bị TQ kiểm soát từ năm 1988.
TQ bắt đầu cải tạo GaVen từ tháng 5/2014, đến tháng 8/2014 diện tích mặt bằng được san lấp khoảng 14 hecta. TQ đã nạo vét kênh dẫn mới phục vụ việc tập kết vật liệu và các tàu cỡ lớn neo đậu; kết nối cơ sở quân sự cũ với khu vực san lấp mới. Trên bãi đá xuất hiện một khu nền móng mới đang được xây dựng có diện tích khoảng 6.000 m2 và một cấu trúc mới, có thể là một tòa nhà có diện tích khoảng 1.200 m2.
– Đá Tư Nghĩa (Hugh Reef) là rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, dài 2km, rộng 1.4km, diện tích 2.9 km, hướng Bắc Nam, chỉ nổi khỏi mặt nước khi thủy triều xuống.
TQ bắt đầu cải tạo đá Tư Nghĩa từ tháng 3/2014, đến 8/2014 diện tích san lấp được là hơn 8 hecta. TQ đã xây dựng bờ kè xung quanh khu vực san lấp, triển khai xây dựng nhà cao tầng kiên cố trên diện tích khoảng 7000 m2, đồng thời tiếp tục hoàn thiện bờ kè và cầu tàu cho tàu lớn neo đậu.
– Tại đá Xu Bi (Subi Reef) là một bãi đá khép kín hình gần tròn bán kính khoảng 1.6km, dải đá này nằm mấp mé mực nước biển, chưa có thực vật phát triển trên dải đá này.
Hiện nay trên bãi đá phát hiện 06 khu vực được phun đắp vật liệu với tổng diện tích khoảng 112 hecta tập trung chủ yếu ở phía Tây Nam và Tây Bắc bãi đá, chỗ dài nhất khi nối những bãi vật liệu này với nhau lên tới 3.2 km, chỗ hẹp nhất khoảng 300 m (với kích thước như vậy TQ hoàn toàn có thể triển khai xây dựng thêm 1 căn cứ không quân trên bãi đá này).
– Đá Vành Khăn (Mischief Reef) nằm ở trung tâm của cánh phía đông của quần đảo Trường Sa, gần với tuyến đường biển dọc phía đông của Biển Đông, do TQ chiếm từ tay Philippines năm 1995. Đá Vành Khăn là một bãi đá gần khép kín, hình gần tròn bán kính lên tới 4km, dải đá này nằm mấp mé mực nước biển, chưa có thực vật phát triển trên dải đá này.
Từ đầu năm 2015, TQ bắt đầu cải tạo đá Vành Khăn, hiện nay trên bãi đá phát hiện 04 khu vật liệu được phun đắp với tổng diện tích khoảng 15 hecta, tăng thêm 9 hecta so với ngày 23/2. Các bãi vật liệu này vẫn đang tiếp tục được phun đắp và đang có xu hướng mở rộng về phía Tây Tây Bắc bãi đá.
– Tại bãi Én Đất (Eldad Reef) (hiện chưa có nước nào chiếm giữ): tháng 01/2014, TQ lần đầu tiên đưa người và máy xúc đến để đào rãnh và dựng cột sắt tại đây. Trước sự phản đối quyết liệt của VN, TQ đã tạm rút người và phương tiện. Hiện TQ chưa thực hiện hoạt động cải tạo ở khu vực này, song vẫn thường xuyên cho tàu đến neo đậu.
Sơn Nguyễn