Trong bài phỏng vấn cùng sinhvienusa, anh Trung đã cùng chúng tôi bàn luận về sự cần thiết của các chương trình định hướng du học cũng như tầm quan trọng của một người dẫn đường – mentor.
Tốt nghiệp Cử Nhân tại Đại Học Pennsylvania, Thạc Sĩ Giáo Dục tại đại học Harvard, Thạc Sĩ Marketing tại Đại Học Indiana, hiện là nghiên cứu sinh Tiến Sĩ tại HEC Paris; và từng làm việc và hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục và tuyển sinh, anh Trần Đắc Minh Trung đang đảm nhiệm vai trò nghiên cứu chiến thuật nộp hồ sơ cho các học viên APUS Việt Nam, anh có kinh nghiệm dạy và hướng dẫn thành công học sinh, sinh viên ở mọi trình độ học vấn.
Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ Việt Nam đang nuôi ước mơ du học, nhưng các bạn đang gặp rất nhiều khó khăn, một trong những khó khăn là thiếu người dẫn đường? Anh nghĩ như thế nào về điều này? Liệu rằng một mentor giàu kinh nghiệm sẽ giúp các bạn ấy thành công trong con đường du học của mình?
Tôi nghĩ đối với du học thì người dẫn đường là không thể thiếu. Ở xã hội Mỹ, các em đã được tiếp xúc với người dẫn đường từ rất sớm. Tại gia đình thì cha mẹ người Mỹ thường có kiến thức khá vững về hệ thống giáo dục và hướng nghiệp, tại nhà trường thì cũng có sự hiện diện thường trực của các counselor chuyên đưa lời khuyên dẫn dắt học sinh vào đại học. Ngoài ra, trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt vào đại học của các sinh viên quốc tế thì có 70% sinh viên (theo số liệu nghiên cứu của International Business Time vào tháng 3 năm 2015) nộp đơn vào đại học dưới sự trợ giúp của một chuyên gia tuyển sinh. Con số này cho ta thấy rằng việc tìm được người dẫn đường không chỉ là hữu hiệu mà còn ngày càng trở nên cần thiết. Một mentor nhiều kinh nghiệm sẽ giúp được sinh viên càng nhiều hơn khi mentor này am hiểu nhiều môn học khác nhau, nhiều hội đồng tuyển sinh khác nhau, cũng như nhiều tính cách và tiềm năng khác nhau ở từng sinh viên.
Theo anh để chuẩn bị một lộ trình du học dài hạn, các bạn trẻ Việt Nam cần chuẩn bị những gì?
Để chuẩn bị du học dài hạn thì các bạn trẻ Việt Nam nên chuẩn bị ba thứ đó là tự tin, kỷ luật, và sức khỏe. Không có kẻ thù nào lớn hơn là sự thiếu tự tin. Khi bạn thiếu tự tin và cho rằng mình không thể đủ sức vào một trường nào đó, bạn sẽ tự tạo ra sức ỳ tâm lý và từ đó hồ sơ của bạn sẽ rất khó để trở nên tốt hơn. Trước khi bắt đầu lộ trình du học, hãy tìm hiểu những câu chuyện về những người có khả năng tương đương với mình và ghi nhớ các thành quả mà họ đạt được. Tự tin quyết định giới hạn sức mạnh hồ sơ của bạn ngay từ đầu do vậy khi chưa có tự tin tuyệt đối thì đừng nên bắt đầu. Một người mentor tốt và những người bạn thân gây dựng tự tin nhanh hơn. Kỷ luật là kẻ thù thứ hai của bạn. Tôi đã từng gặp qua không biết bao nhiêu bạn học sinh phải bỏ qua cơ hội vàng chỉ vì thiếu tính kỷ luật. Trong hầu hết các trường hợp thì deadlines sẽ luôn được tuân thủ nghiêm ngặt. Việc “để nước tới chân mới nhảy” gây hại nhiều hơn bạn có thể tưởng tượng được. Ngoài ra, khi bạn miss một deadline, khả năng là bạn sẽ miss nhiều deadline tiếp theo và gây ra một hiệu ứng domino kéo ngã cả quá trình nộp hồ sơ. Hãy soạn ra thời gian biểu khắt khe và hãy tuân thủ nó. Hoặc là bạn hãy tìm một người giúp mình làm trợ lý quản lý và nhắc nhở toàn bộ các bước trong hoạch định du học. Điểm cuối cùng mà không kém quan trọng đó là sức khỏe. Để đi du học thì bạn cần bắt đầu rèn luyện sức khỏe từ thật sớm. Kết quả học tập trong 1-2 học kỳ đầu thường quyết định toàn bộ quá trình học tập về sau của một sinh viên, và sức khỏe là điều quan trọng nhất mà bạn cần để du học. Có rất nhiều bạn vì chuẩn bị hồ sơ mà mất ăn mất ngủ, sụt giảm sức khỏe nghiêm trọng. Đến khi bạn được đi du học thì sức khỏe yếu khiến việc bám theo giáo trình trở nên khó khăn và điểm số kém quá, việc này dễ dẫn đến chán nản bỏ học hoặc chuyển trường thấp hơn. Bạn đã làm tất cả để có thể đi du học, vậy hãy chuẩn bị sức khỏe để tận hưởng quá trình đó.
Xin cảm ơn anh Trung về những chia sẻ của mình, chúc anh ngày càng thành công hơn trông sự nghiệp nghiên cứu của mình.
Hạnh Nguyễn
Đón đọc phần 2 – Những chia sẻ của Trung Trần về cách tạo điểm mạnh trong hồ sơ và việc lựa chọn thời gian du học
Thông tin về Trung Trần
Trung Trần đã sinh sống ở Âu Châu và Mỹ từ năm 2005. Tác giả tốt nghiệp cử nhân tại University of Pennsylvania, Thạc Sĩ Giáo Dục tại Harvard University, hiện đang hoàn tất chương trình Thạc Sĩ Quản Trị Kinh Doanh tại Indiana University và sắp tới sẽ là nghiên cứu sinh Tiến Sĩ tại Trường Quản Trị HEC Paris (Pháp). Tác giả hoạt động tích cực trong lĩnh vực giáo dục; từng là Phó Chủ Tịch Học Thuật tại chapter Beta Delta Omicron của tổ chức Phi Theta Kappa, công tác tuyển sinh tại University of Pennsylvania, Cố Vấn Phát Triển tại Quỹ Học Bổng Huỳnh Tấn Phát, và là thành viên của TandemED Cambridge, một tổ chức giáo dục thuộc Harvard Innovation Lab từng dành tài trợ $130,000 từ quỹ Bill and Melinda Gates.
2 thoughts on “Trung Trần – Mỗi cá nhân du học rất cần một người dẫn đường (Phần 1)”
Comments are closed.