Liệu chỉ số IQ có là thang điểm chuẩn để đánh giá trí thông minh một con người?
Thông thường, người ta luôn lấy chỉ số IQ làm tiêu chí so sánh trí thông minh của hai con người khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những người IQ ở mức bình thường song đạt được thành công lớn lao trong cuộc sống. Dưới đây là những lý do khiến cho chỉ số IQ không còn quá quan trọng nữa…
1. Ban đầu IQ được dùng để phát hiện trẻ em bị thiểu năng trí tuệ
Ít ai biết rằng, mục tiêu ban đầu của IQ hoàn toàn trái ngược với cách mà chúng ta sử dụng nó hiện nay.
Bản thân Alfred Binet và Theodore Simon – những người xây dựng cách tính IQ vào năm 1905, chỉ muốn dùng nó để phát hiện các trẻ em bị thiểu năng trí tuệ. Trong khi ngày nay, con người dùng IQ để đo trí thông minh và phát hiện ra những thiên tài.
Thêm vào đó, nhiều nghiên cứu, khi con người bước đến độ tuổi 15, các bài kiểm tra IQ đã không còn quá quan trọng nữa. Vào thời điểm này, chỉ số IQ đạt tới sự ổn định và gần như không tăng lên nữa trong suốt cuộc đời.
Do vậy, IQ chỉ thực sự thích hợp với trẻ em ở độ tuổi thấp hơn, vì nó phản ánh một cách khá chính xác tương quan trí thông minh giữa hai đứa trẻ khác nhau, với sự phát triển tuổi trí tuệ khác nhau.
2. Bài test IQ không công bằng
Các bài test IQ thật sự không công bằng. Vì phần lớn chúng ta sử dụng những câu hỏi thuộc lĩnh vực kiến thức chung để kiểm tra IQ một đứa trẻ. Do đó, nó hàm chứa sự may rủi rất cao nếu như đứa trẻ vô tình biết hết những gì có trong bài test.
Chẳng hạn, với một bé chỉ nhìn thấy quả táo màu xanh từ nhỏ. Vậy với câu hỏi “quả táo màu gì?” khi đưa đáp án là màu đỏ, hiển nhiên em sẽ làm sai. Điều đó liệu có nói lên rằng em không thông minh?
Hay như một câu hỏi sắp xếp các chữ C, I, F, A, I, P, C thành một từ. Nếu học tiếng Anh, hiển nhiên bạn rất dễ tìm được câu trả lời là PACIFIC.
Tuy nhiên, sẽ ra sao nếu người được kiểm tra IQ biết tiếng Đức, Pháp, Nga nhưng lại không học tiếng Anh? Anh ta cũng sẽ làm sai nhưng đâu có nghĩa là anh ta không thông minh.
3. IQ không đo được chỉ số sáng tạo
IQ không đo được chỉ số sáng tạo của con người. Chúng ta thường biết Einstein có chỉ số IQ là 160 Leonardo da Vinci là 220. Điều này đâu thể khẳng định rằng, Einstein không sáng tạo bằng thiên tài người Ý? Đồng thời chỉ số IQ đâu thể giúp ta so sánh các thiên tài trong các lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn toán học với ngôn ngữ.
Trên thực tế, việc đo chỉ số thông minh của các thiên tài thời trước trong các lĩnh vực khác nhau là rất khó chính xác. Người ta hoàn toàn phải ước lượng chỉ số ấy thông qua những cống hiến mà các thiên tài để lại cho cuộc đời.
Ví dụ như trường hợp của Beethoven – một thiên tài âm nhạc. Nếu cho ông làm một bài test IQ bình thường như ngày nay, liệu ông có đạt được chỉ số IQ cao là 165 như ước tính? Câu trả lời là chưa chắc.
Bởi trong lịch sử, Beethoven chỉ giỏi trong lĩnh vực âm nhạc và… không xuất sắc môn toán. Thực tế, ông chỉ dừng lại ở việc học số học và còn không thể giải những bài tập ở mức trung bình khá.
4. IQ thiếu tính toàn diện
IQ không đo được độ thông minh thực sự của con người. Theo một nghiên cứu tại ĐH Western ở Canada, việc nhận định độ thông minh chỉ có thể đo được bằng IQ là một sai lầm thực sự.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ thần kinh học Adrian Owen cho biết các bài kiểm tra hiện hành được phát triển từ thập niên 50, 60 của thế kỷ XX đã không còn phù hợp với sự phát triển chung. Nó quá đơn giản.
Thay vào đó, trí thông minh của một con người phải được xác định bằng ba yếu tố: lý luận, trí nhớ tức thời và khả năng ngôn ngữ.
Để thay thế các bài test IQ, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một bài kiểm tra khác, gồm 12 bài tập nhận thức, tiến hành trên 100.000 người tình nguyện. Họ xây dựng chúng thành 6 loạt câu hỏi trắc nghiệm nhằm kiểm tra tính nhanh nhẹn của trí óc trong 8-18 phút, kết hợp quét não.
Sau thí nghiệm, tiến sĩ Owen kết luận: “Nếu có một cái gì đó trong não là chỉ số IQ, chúng ta đã có thể tìm thấy nó bằng cách quét não. Nhưng hóa ra không có một khu vực nào trong não có liên quan đến cái được gọi là chỉ số IQ của con người”.
5. Vấn đề thời gian trong bài test IQ
Lấy một trường hợp cụ thể, đó là câu chuyện về việc Einstein là một học sinh yếu kém khi còn đi học có phần sai sự thật. Theo tư liệu lịch sử, thực ra các bài kiểm tra của ông luôn đạt điểm từ khá trở lên, đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực liên quan tới tự nhiên.
Điều mà Einstein gặp phải khi còn đi học là sự mâu thuẫn với phương pháp dạy học của giáo viên. Ông không thể thích nghi với cách học thuộc lòng máy móc cần tốc độ cao, vì thế luôn bị mắng là một đứa trẻ thiểu năng, ghi nhớ kém.
Cũng giống như các bài test IQ, thông thường có thời gian hẹn giờ, thật sự không phù hợp với những người cẩn trọng. Họ tư duy rất chính xác, cẩn thận tuy nhiên, điểm test IQ có thể lại không cao vì giới hạn thời gian không phù hợp.
Ngoài ra, mặc dù có chỉ số IQ cực cao, tuy nhiên Einstein lại chỉ đạt điểm vừa phải trong các bộ môn như tiếng Pháp, địa lý. Người ta ví von rằng, nếu Einstein thi vào trường Bách khoa Liên bang Thụy Sĩ, chắc chắn ông sẽ bị đánh trượt vì không giỏi ngoại ngữ bằng một học sinh có IQ thấp hơn mình.
Theo Ybox.
Xem bài gốc tại đây.