Chào các bạn,
Phần chia sẻ tiếp đây là nội dung buổi training của GS Richard, được chia thành 2 phần chính:
Phần I: Sáng tạo trong dạy và học – Innovation in Learning and teaching
- Vì sao phải sáng tạo trong dạy và học
- Chương trình và lớp học nên được cấu trúc và giảng dạy ra sao
- Ai là người có thể đứng lớp giảng dạy
Phần II: Phong cách dạy và học như thế nào – Learning and teaching style
- Sinh viên học như thế nào, giảng viên dạy thế nào, vấn đề nhức nhối nằm ở đâu?
- Làm thế nào để kéo sinh viên vào cuộc trong khi giảng dạy – avtive learning
—
Phần II: Phong cách dạy và học như thế nào – Learning and teaching style
- Sinh viên học như thế nào, giảng viên dạy thế nào, vấn đề nhức nhối ở đâu ra?
Vậy thì chúng ta học với các phong cách như thế nào?
Trước hết là ở bất cứ môn học nào thì không cần phải tranh cãi chúng ta cũng thấy được là: Những điều thầy dạy một trăm, một triệu thì bao giờ học trò cũng nắm được một đôi phần có khi là không nắm được gì hoặc hiểu sai lệch.
Yếu tố quyết định phần dạy của thầy là: Đam mê, tâm huyết, khả năng, kiến thức chuyên môn, phương pháp phong cách dạy và truyền đạt. Ví dụ như là bao nhiêu năm kinh nghiệm, được ai đào tạo và đào tạo ở đâu, khả năng tự học đến đâu, khả năng sáng tạo đến đâu…
Yếu tố quyết định phần học của trò là: Động lực, phương pháp và phong cách học. Ví dụ học để đi thi, học để có kiến thức, học để xin việc kiếm tiền, học để yêu người.
Mô hình về các phong cách học có thể chia thành các cặp nhóm chính như sau
- Sensing learner vs. Intuitive learner / Người học qua giác quan vs. Người học qua trực giác
- Visual learner vs. Verbal learner / Người học qua hình ảnh thị giác vs. Người học qua ngôn ngữ lời nói
- Active learner vs. Reflective learne/ Người học qua thực nghiệm hành động vs. Người học qua chiêm nghiệm
- Sequential learner vs. Global learner/ Người học qua sự kiện rời rạc vs. Người học qua bức tranh tổng thể
Một điểm lưu ý là trong mỗi chúng ta đều có một phần trong tất cả các learning style này, chỉ là mức độ mạnh yếu rõ rệt khác nhau. Có người thì cực kỳ rõ rệt, có người thì style nào cũng trung bình ở giữa. Và trong một lớp học hay một nhóm thì bao giờ cũng có đủ loại học sinh với các learning style này. Cho nên nhiệm vụ của thầy là cần keep balanced cho chương trình học để đáp ứng nhu cầu và tạo điều kiện cho tất cả các phong cách học của học trò là vậy.
Qua nghiên cứu thực nghiệm cho thấy một trong những cái mismatch – mất tương xứng – lớn nhất xảy ra đó là phần lớn giảng viên đại học có learning style trái ngược với sinh viên. Chúng ta sẽ đi tiếp sâu vào hơn các loại learning style này và sự không tương thích này và cách khắc phục và cân bằng trong bài giảng mà GS Richard đưa ra.
Với kinh nghiệm của mình thì do cái sự mismatch luôn luôn tồn tại này thì trước hết cần phải Nói và viết giản dị.Truyền thông thật giản dị và giản dị
1 Sensing learner vs. Intuitive learner / Người học qua giác quan vs. Người học qua trực giác
Sensing learner – Người học qua giác quan
Đúng như cái tên là Người học qua các giác quan, người học với style này thích và tiếp nhận qua các thứ bên ngoài có tác động đến giác quan (external input) như sờ mó, nếm ngửi.
Người học qua thực tế, quan sát, làm thí nghiệm.
Thích các facts, sự kiện, sự vật con số, tính toán. Để ý những chi tiết nhỏ.
Lúc nào cũng đòi hỏi có phương pháp cụ thể để giải toán hoặc phải có phương pháp vạch sẵn cho một vấn đề để giải quyết.
Thích làm việc với những chi tiết nhỏ tỉ mỉ, có tính lập lại, tính toán.
Thường phàn nàn là các môn học không có tính thực tiễn, kiến thức không áp dụng được với thực tế.
Vấn đề trong khi làm bài kiểm tra: thường bị thiếu thời gian vì để ý và tốn quá nhiều thời gian cho những chi tiết nhỏ.
Intuitive learner – Người học qua trực giác
Người có style này tiếp nhận thông tin và kiến thức qua trực giác (internal input) như là suy nghĩ, trí nhớ, hình ảnh.
Có khả năng tưởng tượng tốt và rất nhanh, định hướng tốt.
Luôn tìm kiếm ý nghĩa the meaning behind điều gì đó mà bỏ qua các chi tiết nhỏ lặt vặt.
Thích những thứ trìu tượng, lý thuyết, mô hình.
Thích học nhiều môn đa dạng, không thích những thứ lặp lại.
Thích làm việc với các concepts, ý tưởng.
Thường phàn nàn về những bài học có tính lặp lại nhàm chán.
Vấn đề trong khi làm bài kiểm tra: bị mất điểm do những lỗi nhỏ cực kỳ ngớ ngẩn
MISMATCH – mất tương xứng ở đâu?
Hầu hết các sinh viên ở bậc đại học là sensing learner – sensor, khoảng 70%.
Hầu hết các giảng viên là intuitive learner – intuititor.
Cách khắc phục
Quay lại nguyên tắc cân bằng khi đi làm dâu trăm sinh viên đó là kết hợp lý thuyết và thực hành. Đưa các bài giảng lý thuyết nhỏ trong phòng lab và các thì nghiệm nhỏ trong bài giảng, sử dụng hình ảnh, biểu đồ và phân tích ý nghĩa…
2 Visual learner vs. Verbal learner / Người học qua hình ảnh thị giác vs. Người học qua ngôn ngữ lời nói
Visual learner – Người học qua hình ảnh thị giác
Luôn đòi hòi chỉ cho tôi thấy: Hình ảnh, biểu đồ, hình vẽ, sơ đồ (a picture is worth a thousand words).
Verbal learner – Người học qua ngôn ngữ lời nói
Yêu cầu giải thích cho tôi: ý nghĩa bằng từ ngữ, diễn giải bằng lời nói, văn bản.
MISMATCH – mất tương xứng ở đâu?
95% chúng ta là visual learners trong khi đó hầu hết nội dung, textbook và sách biểu đạt bằng từ ngữ và không có nhiều hình ảnh (trừ text book của mấy ngành nghệ thuật, kiến trúc).
Cách khắc phục
Lấy ví dụ, hình ảnh, vật thể cụ thể. Cái này rất dễ search trên Google và Youtube. Google search by Images is an excellent source. Ngoài ra cho engineering có SMETE và MERLOT digital libraries mới đây có coursera.
Hồi mình học đại học, những lúc làm viết luận bao giờ mình cũng lấy rất nhiều hình ảnh minh họa cho bài luận. Và mình rất khó chịu khi thầy cô giảng không có hình ảnh minh họa.
3 Active learner vs. Reflective learne/ Người học qua thực nghiệm hành động vs. Người học qua chiêm nghiệm
Active learner – Người học chủ động qua thực nghiệm hành động
Rất chủ động làm cái gì đó với các vật liệu công cụ thí nghiệm.
Muốn nhảy vào làm ngay lập tức để kiểm chứng “let’s try it out and see how it goes”.
Học thì thường đọc to, nói to, ầm ĩ.
Thích làm việc nhóm.
Reflective learne – Người học qua chiêm nghiệm
Thường là thích suy nghĩ, chiêm nghiệm.
Làm việc một mình, im lặng.
Trì hoãn sự bắt đầu “let’s think it through and then try it”.
Thích học một mình hoặc là chỉ học với một người khác chứ không phải một nhóm.
MISMATCH – mất tương xứng ở đâu?
Tất cả các lớp học thì đều có tất cả các thể loại người học qua thực nghiệm và chiêm nghiệm. Nhưng hầu hết các lớp học (trừ trong phòng lab) đều là BỊ ĐỘNG (passive) tức là: người học chủ động qua thực nghiệm thì không có thực hành và người học chiêm nghiệm thì không có khoảng thời gian chiêm nghiệm trong bài giảng ở trên lớp.
“the active learners don’t get to act on the material presented, the reflectice learners don’t do much reflecting during the lectures”.
Cách khắc phục
Để làm cho lớp học trở nên CHỦ ĐỘNG (active): đưa vào những khoảng ngắn dưới 3 phút có những hoạt động nhóm và các nhân để cung cấp những thực hành và phản hồi cho những concepts và phương pháp khó. Điều này tạo cơ hội cho cả hai nhóm actioners and reflectioner tiếp thu được.
Tham khảo thêm và download tại đây: Active learning: An Introduction
4 Sequential learner vs. Global learner/ Người học qua sự kiện rời rạc vs.Người học qua bức tranh tổng thể
Sequential learner – Người học qua sự kiện rời rạc
Cắt nghĩa qua những tư duy phân tích logic từ A suy ra B ra C.
Hoạt động tiếp nhận kiến thức thông tin dựa trên những thông tin rời rạc (function with partial understanding of information).
Có những bước tiến rất đều trong khóa học.
Dễ dàng giải thích các khái niệm concepts.
Tốt trong tư duy phân tích, nhìn rõ từng cây từng cá thế riêng lẻ.
Global learner – Người học qua bức tranh tổng thể
Tiếp nhận thông tin rất ngẫu nhiên sau đó tổng hợp thành bức tranh lớn – synthesize the big picture through random information.
Hoạt động tiếp nhận kiến thức dựa trên những bức tranh lớn tổng thể để kết nối các sự kiện.
Không có những bước tiến đều đặn nhưng thường có những bước tiến vượt bậc.
Không dễ dàng giải thích ngay lập tức các khái niệm concepts.
Tốt về tư duy tổng hợp, nhìn thấy bức tranh lớn của cả một cánh rừng.
MISMATCH – mất tương xứng ở đâu?
Hầu hết sinh viên, người học, giảng viên, người soạn sách hay nói đúng hơn là tất cả chúng ta là những người tư duy rời rạc. Đây không hẳn là một điều mất tương xứng NHƯNG
Những người học global learners là thiểu số rất nhỏ và họ có vai trò cực kỳ quan trọng trong xã hội, ví dụ như Einstein là một trong số global learners. Nguy cơ của hệ thống giáo dục và trường học hiện nay đánh mất những con người này là không cung cấp và trang bị được cho những người học global learners những bức tranh tổng thể để liên kết sự việc.
Cách khắc phục
Điều này quay lại việc cân bằng trong bài giảng bởi vì trong khi thời gian thì có hạn không thể nào đưa đủ thứ thông tin vào bài giảng. Cho nên đòi hỏi người soạn bài giảng bài phải có bước review về topic mà mình dạy để đưa ra những bức tranh lớn; cung cấp thêm những tài liệu tham khảo cho người học nếu họ có nhu cầu tìm hiểu thêm.
Ví dụ nếu mà giảng về môi trường, ô nhiễm thì từ những hành động nhỏ như tiết kiệm điện, tiết kiệm nước của cá nhân ảnh hưởng môi trường toàn cầu ra sao. Mình quan sát đây là một lỗi rất phổ biến ở các trường dạy về khoa học kỹ thuật. Ngay từ đầu vào sinh viên, học sinh không hiểu background của môn học, không hiểu liên quan thực tế như thế nào mà chỉ cắm cúi tính toán. (Bản thân mình xưa nay các môn tính toán lúc nào điểm cũng kém thậm tệ)
Đi sâu xa hơn về tâm lý học, triết học thì đòi hỏi người giảng dạy nắm rất chắc để áp dụng vào giảng dạy. Điều này áp dụng cho những môn intangible như là tư duy tích cực hay Thiền thì đi từ cái cụ thể tại sao kiểm soát cảm xúc hơi thở của mình lại liên quan đến giữ gìn hòa bình thế giới…
Nhắc lại một điểm lưu ý là trong mỗi chúng ta đều có một phần trong tất cả các learning style này, chỉ là mức độ mạnh yếu rõ rệt khác nhau. Các bạn có thể sẽ thấy hiện nay rất nhiều những test xuất hiện nhan nhản về personality về phong cách, tính cách để hướng nghiệp chọn nghề đủ kiểu. Nhưng thầy cô giáo và cha mẹ rất không nên dựa vào cái đó để hướng nghiệp sinh viên học sinh. Điều này GS Richard Felder cũng nhắc lại.
CÂU HỎI: Trong buổi training có rất nhiều người, hay cũng có thể chính bạn đặt câu hỏi này: Vậy tại sao lại có sự mismatch, mất tương xứng giữa phong cách dạy và học này?
Trả lời: Rất đơn giản, do quá trình chọn lọc tự nhiên, self-seletion process cho bậc đại học mà thôi. Từ sinh viên đại học, đến master, rồi PhD, số lượng dần dần giảm. Và phong cách học từ khi còn nhỏ tới qua bậc đại học cũng thay đổi là chuyện rất bình thường do tâm lý, môi trường được giáo dục và tự giáo dục của bản thân.
Mình tự quan sát bản thân mình cũng thấy vậy. Ví dụ như còn bé, học theo đúng kiểu active, tức là thấy cái gì cũng muốn mở tháo tung nó ra xem bên trong ra sao, như là thấy cái đồng hồ dây cót nào cũng tháo tung tóe rồi không bao giờ lắp lại được; lớn lên thì thích ngồi yên đọc sách hơn. Ví dụ vậy…
- Làm thế nào để lôi kéo sinh viên vào cuộc trong khi giảng dạy – avtive learning and teaching
Đặt câu hỏi, thúc đẩy sinh viên đặt câu hỏi (tham khảo kỹ hơn tài liệu trên website của GS Richard)
Rõ ràng là trong lớp có trao đổi, hỏi đáp thì đỡ boring và buồn ngủ hơn là thầy độc thoại một mình rồi. Áp dụng việc đặt câu hỏi cụ thể cho các bài giảng như thế nào thì bạn có thể tham khảo kỹ hơn tài liệu trên website của GS Richard.
Một cách rất đơn giản GS Richard đề cập và mình cũng thấy nó rất hiệu quả ở mọi lớp học đó là những câu hỏi lửng kích thích tư duy ví dụ: có một cái biểu đồ thì chưa đưa tất cả ra vội và chỉ đưa ra cái khung thôi, còn đồ thị lên xuống như thế nào thì hỏi sinh viên và khán giả đoán xem xu hướng lên xuống ra sao. Có thể sinh viên không cần trả lời nhưng cách đó cũng giúp sinh viên chủ động suy nghĩ ngay tại đó.
Mình có những ông thầy thích tranh luận và muốn sinh viên đặt câu hỏi đến mức mà ông giảng xong 1 đoạn, dừng lại rồi hỏi có câu hỏi gì không. Có khi sinh viên còn chưa kịp tiêu hóa để có câu hỏi thì ông nói: “if you do not have any question, then I have to ask you. So, ASK ME NOW!!! (very loud voice!)
May quá có người hỏi một câu. Ổng nói là: “I’m glad you asked otherwise it could be an awkward moment.” 😀
Mang trực quan thí nghiệm cho phép vào trong lớp học
Mình nhớ một lần xem video bài giảng môn Vậy lý ở đâu đó, ông giáo sư biến lớp học như một phòng thí nghiệm, bài học về con lắc ông giáo sư đã tự treo mình lủng lẳng làm con lắc để miêu tả cho học sinh. Những hoạt động như vậy dễ tạo kích thích cho học sinh đặt câu hỏi.
Tất nhiên là trong điều kiện cho phép chứ nếu những thí nghiệm liên quan đến cháy nổ khói lửa tùm lum thì phải thực hiện ở phòng lab yêu cầu an toàn nghiêm chỉnh.
Làm phiếu đánh giá
Đừng ngại sinh viên, đồng nghiệp đánh giá mình. Không có người góp ý thì mình đâu khá lên được. Các trường ở các nước đều có phiếu đánh giá giảng viên hàng kỳ. Sinh viên bây giờ rất giỏi, có thể làm việc cùng giảng viên góp ý và giúp mình cải thiện.
(Thế nên các cô cậu sinh viên mà giỏi quá thì cũng đừng nên tự hào mà trách móc thầy cô, hãy cùng học và dạy lại thầy cô, bạn bè)
Mình làm nghiên cứu sinh mà đến giáo sư hướng dẫn của mình hiện giờ cũng vậy. Điều gì ông giúp được, ông nói sẽ giúp hoặc tìm người giúp. Có những thứ mình phải tự học và dạy lại ổng. Không ai có thể biết hết mọi thứ.
Ở Việt Nam, trường đại học chưa yêu cầu phiếu đánh giá thì giảng viên có có thể tự làm phiếu đánh giá cho lớp học của mình 2 lần cho 1 kỳ để điều chỉnh dần nội dung khi mà mới bắt đầu dạy. Phiếu đánh giá như thế nào thì tùy thuộc vào mục đích mình muốn truyền đạt cho học sinh. Nên tham khảo những mẫu phiếu đánh giá mà có thể thu được nhiều thông tin và phản hồi nhất từ học sinh vì tâm lý ai cũng lười làm phiếu đánh giá.
NGUY CƠ
Trong tài liệu của GS Richard có đề cập đến nhiều giảng viên và giáo viên khi mới thực hiện và cố gắng thực hiện active learning class thì một số risk nguy cơ hay những trường hợp có thể dẫn đến mà người dạy cần kiểm soát trong lớp học khi mà:
Để phần câu hỏi tranh luận diễn ra quá dài cháy bài giảng: stay focus.
Nhóm hoàn thành rồi nhóm chưa.
Chẳng có phản hồi nào từ sinh viên cho câu hỏi đặt ra (cái này cần phải work out rất nhiều nữa cho kỹ năng đặt câu hỏi của học sinh, sinh viên Việt Nam).
Sinh viên chưa biết cách làm việc nhóm
Sinh viên chưa biết cách đặt câu hỏi
Lớp quá ồn
Sinh viên phàn nàn là thầy cứ dạy những cái gì ở đâu, chả có dẫn đến cái point nào: make sure students understand your points, let them know what you expect them to get from the lectures.
Cuối cùng, Richard Felder mất 15 năm dạy học để nhận ra rằng “something is going wrong with my way of teaching and how student’s learning” do đó ông mới bắt đầu trăn trở tìm hiểu và tìm cách cải thiện bằng cách hiểu về learning and teaching style qua tìm hiểu tâm lý học, truyền thông…. Và lời khuyên cuối cùng kết thúc khóa học của ông là nếu bạn mới đi dạy, chưa biết làm gì thì find a star to follow! Sẽ luôn luôn có một star ở mọi trường đại học, ở mọi nơi để mà học đó chính là Tìm thầy giỏi mà học, đó chính là when the student is ready the teacher appears
Chúc các bạn sáng tạo vượt bậc trong dạy và học.
Thân mến,
Thu Hằng
Xem bài gốc tại đây