
Trong một bài phỏng vấn cùng sinhvienusa, tiếp nối câu chuyện về sự cần thiết của các chương trình định hướng du học cũng như tầm quan trọng của một người dẫn đường – mentor, anh Trung đã cùng chúng tôi bàn luận về cách tạo điểm nhấn trong hồ sơ du học của mỗi cá nhân.
Nhiều bạn mong muốn đi du học nhưng lại vướng bởi điểm số GPA không cao, tiếng Anh đang yếu, ít tham gia hoạt động xã hội, … anh có lời khuyên nào cho những trường hợp này? Liệu các bạn ấy nên chuẩn bị những gì để tạo điểm nhấn trong hồ sơ của mình?
Trong các điều kiện trên thì tiếng Anh là quan trọng nhất bởi vì nếu điểm tiếng Anh không đủ thì không trường nào có thể nhận bạn cả, dù những phần khác có tốt đến đâu. Do vậy nếu tiếng Anh yếu và không đủ điểm thì bạn chỉ có cách là cắm cúi “cày” môn này, ngoài ra, nếu khả năng tài chính cho phép, bạn có thể tìm các chương trình có “conditional admission” nghĩa là họ có thể nhận bạn vào học nhưng sẽ yêu cầu bạn sang sớm hơn và hoàn thành một khóa học tiếng Anh đầu vào do trường tổ chức (thường khá đắt đỏ, $10,000 – $15,000 mỗi học kỳ).
Các điều kiện về điểm số, SAT, và hoạt động xã hội thì linh hoạt hơn. Bạn nên biết rằng các trường đại học ở Mỹ khá đặt nặng yield (tỉ lệ sinh viên sẽ chọn vào nhập học tại trường, nếu được nhận học) và đây là một trong những tiêu chí hàng đầu để các trường cạnh tranh xếp hạng với nhau. Trừ một số ít trường top ở cấp Ivy League ra thì đa phần các trường khác (dù cũng là những trường giỏi và rất nổi tiếng), đều luôn lo lắng về vấn đề nâng cao mức yield của trường và thường dành một quota nhất định để tuyển những hồ sơ mà họ cho là “yield an toàn”, nghĩa là nếu được nhận vào thì gần như chắc chắn sẽ nhập học. Do vậy, nếu có một hồ sơ không mạnh lắm về điểm số nhưng thú vị và độc đáo (thể hiện qua essay và resume) thì vẫn có cơ hội được chọn cao, do họ tin tưởng phần nào rằng bạn ở chiếu dưới và sẽ chắc chắn nhập học nếu được nhận. Điểm bạn cần làm là nghiên cứu và am hiểu kỹ về các trường cũng như học cách thức để tạo ấn tượng với họ qua mọi mặt của bộ hồ sơ. Để làm điều này bạn có thể liên hệ với các sinh viên, cựu sinh viên trường, hoặc các chuyên gia trong lĩnh vực du học.
Về hoạt động xã hội thì đây lại càng là một vấn đề dễ bị hiểu lầm. Cụ thể các trường đại học Mỹ thật ra yêu cầu sinh viên trình bày về hoạt động ngoại khóa tức là các việc làm ngoài lớp học và hoạt động ngoại khá bao gồm hầu hết những gì bạn làm, ko chỉ đơn thuần bao gồm tài năng nghệ thuật xuất sắc hay những việc to tát có ảnh hưởng đến xã hội. Nếu bạn thành lập một tổ chức phi lợi nhuận giúp 1000 người nghèo, đó là hoạt động ngoại khóa. Nếu bạn đóng cửa ở nhà chơi lego hàng ngày, đó cũng vẫn là hoạt động ngoại khóa. Việc đầu tiên chứng tỏ bạn có tấm lòng vì cộng đồng và có khả năng hành động nhanh chóng hiệu quả; nhưng việc sau cũng chứng minh rằng bạn có sự đam mê với logic và có tính nhẫn tại tập trung hiếm thấy. Không có hoạt động ngoại khóa nào là quá nhỏ và không quan trọng cả, chỉ có học sinh tự bỏ qua cơ hội thể hiện sự độc đáo của hoạt động mà mình làm hằng ngày. Một lần nữa, lời khuyên của tôi cho mục này cũng như cho toàn thể câu hỏi này đó là bạn phải tự tin và đừng bỏ cuộc. Những người thành công trên đời không phải là người chỉ có toàn điểm. Những người thành công là người biết biến điểm yếu của mình thành điểm mạnh.
Theo anh thời gian nào là thích hợp cho việc đi du học? Có nên lựa chọn những trường TOP tại Mỹ hoặc Anh là nơi hiện thực hóa giấc mơ của mình hay không?
Như đã nói ở trên, tùy vào trình độ, tài chính, và khả năng hòa nhập văn hóa cũng như ngành mà bạn chọn, bạn có thể du học ở nhiều thời điểm khác nhau. Đối với đại đa số người nước ngoài thì đi du học sau khi hết lớp 12 là thời điểm thích hợp. Tuy nhiên do người VN có nhiều nét văn hóa khác biệt với phương Tây do vậy rất nhiều bạn chọn du học khi vào lớp 10 và điều này thường giúp các bạn hòa nhập nhanh hơn cũng như là sâu hơn. Ngược lại, đối với nhiều ngành kỹ thuật như hóa, sinh, cơ khí … thì rất nhiều người lựa chọn du học ở bậc cao học. Ở bậc Thạc Sỹ thì học bổng ít có và học phí trở nên một gánh nặng, do vậy nhiều người lựa chọn học trong nước để tiết kiệm chi phí cho việc lên cao học tại Mỹ. Nếu bạn quyết định theo ngành kỹ thuật thì đây cũng là một lựa chọn mang tính chiến thuật. Ngược lại, nếu bạn học những ngành xã hội và có nhiều giao tiếp như kinh doanh, dịch vụ … thì bạn rất cần đi du học từ sớm để hòa nhập vào xã hội Mỹ. Tổng quan mà nói về mặt sư phạm thì du học từ lớp 10 là tốt nhất, tuy nhiên ngoài trừ việc phát triển các soft skills và hòa nhập nhanh hơn thì nó không mang lại quá nhiều lợi ích. Ngược lại, nếu du học từ lớp 10 mà học không tốt do không theo kịp chương trình mới thì sẽ gây hại cho bộ hồ sơ vào đại học của bạn. Nếu bạn đang học tốt và là một người cởi mở về văn hóa cũng như giao tiếp thì lựa chọn giữa du học từ lớp 10 và lớp 12 là lựa chọn mang tính cá nhân nhiều hơn, do cả 2 hướng đều có lợi ích và rủi ro của riêng mình và không có mặt lợi/hại nào quá lấn lướt.
Việc chọn đi học ở trường top hoặc ở các cường quốc hàng đầu như Mỹ và Anh là lựa chọn dễ hiểu. Đối với trường top thì câu hỏi đặt ra ở đây là việc bạn có chắc chắn chịu nổi áp lực của các trường này hay không? Không phải tự nhiên mà Harvard có tỉ lệ tốt nghiệp trong 4-năm là 86%, có nghĩa là mỗi năm có gần 250 sinh viên tại Harvard trì hoãn tốt nghiệp hoặc bỏ học. Trong mấy mươi năm trở lại đây ai trong chúng ta cũng từng nghe nói về những drop-outs nổi tiếng của Harvard như Bill Gates hay Mark Zuckerberg, nhưng khi quan sát lại, giữa vài ngàn sinh viên Harvard bỏ học trong suốt mấy thập niên đó, có bao nhiêu người được như 2 vị đã nêu trên? Tỉ phú Warren Buffett học đại học tại University of Pennsylvania ở Ivy League trong 2 năm đầu, sau đó ông chuyển sang University of Nebraska–Lincoln, một trường có thứ hạng thấp hơn nhiều. Lý do là vì ông cực kỳ cảm thấy không thích Philadelphia (một thành phố u ám và mưa nhiều), ngoài ra ông cảm thấy mình có thể thành công ở bất kỳ đâu và việc chuyển trường giúp ông tiết kiệm kha khá học phí. Mỗi con người có những đặc tính khác nhau, có người chỉ đóng của trong phòng để học, có người lại luôn đi rong chơi bên ngoài. Cũng có ngành như business đòi hỏi bạn phải giao tiếp và yêu thích nơi mình theo học (vì nhiều khả năng bạn sẽ phải gắn bó tại thành phố này sau khi tốt nghiệp) cũng lại có ngành chỉ cần vùi đầu trong lab ko cần gặp ai. Trước khi bạn quyết định lựa chọn vào một trường top thì nên tự chuẩn bị tâm lý cho mình về mọi thử thách mà bạn sẽ phải đối mặt, ngoài ra bạn nên tìm hiểu thật kỹ về mọi mặt của ngôi trường đó. Chúng ta nên học theo người Mỹ là ưu tiên chọn trường theo tiêu chí fit (phù hợp) về văn hóa cũng như môi trường làm việc địa phương. Đôi khi có những trường top sẽ biến một sinh viên top thành một người rất tầm thường, và cũng có những ngôi trường tưởng như tầm thường nhưng lại biến bạn thành một người thành công hàng top trong xã hội.
Về mặt quốc gia để du học thì tôi đồng tình rằng Mỹ – Anh là sự lựa chọn hàng đầu trong thế giới nói tiếng Anh, bởi lẽ các nền giáo dục Úc, Canada, New Zealand … tuy tốt nhưng vẫn còn non trẻ và đang phát triển, chưa thể bì kịp Anh – Mỹ về độ sâu rộng. Các nền giáo dục khác thì đều có thế mạnh riêng ở một ngách nhất định, ví như là Pháp ở mảng thời trang, hàng xa xỉ phẩm, Đức – Nhật – Hàn Quốc ở cơ khí, Ý ở thiết kế, vân vân … tuy nhiên đa phần là ở cao học và nếu không phải là chuyên gia thì bạn khó có thể chọn được trường và ngành phù hợp ở các quốc gia này. Đối với đại đa số sinh viên du học, Mỹ – Anh vẫn là nơi tốt nhất để phát triển toàn diện lâu dài.
Xin cảm ơn anh Trung về những chia sẻ của mình!
Cùng đón đọc phần 1: Trung Trần – Mỗi cá nhân du học cần một người dẫn đường
Thông tin về Trung Trần
Trung Trần đã sinh sống ở Âu Châu và Mỹ từ năm 2005. Tác giả tốt nghiệp cử nhân tại University of Pennsylvania, Thạc Sĩ Giáo Dục tại Harvard University, hiện đang hoàn tất chương trình Thạc Sĩ Quản Trị Kinh Doanh tại Indiana University và sắp tới sẽ là nghiên cứu sinh Tiến Sĩ tại Trường Quản Trị HEC Paris (Pháp). Tác giả hoạt động tích cực trong lĩnh vực giáo dục; từng là Phó Chủ Tịch Học Thuật tại chapter Beta Delta Omicron của tổ chức Phi Theta Kappa, công tác tuyển sinh tại University of Pennsylvania, Cố Vấn Phát Triển tại Quỹ Học Bổng Huỳnh Tấn Phát, và là thành viên của TandemED Cambridge, một tổ chức giáo dục thuộc Harvard Innovation Lab từng dành tài trợ $130,000 từ quỹ Bill and Melinda Gates.
Hạnh Nguyễn