Đó cũng là nhận định của giáo sư dành cho giọng tiếng Anh của tôi khi học luật tại Mỹ. Thậm chí, lúc còn đi học, tôi trả lời đúng câu hỏi của thầy, thầy bảo mọi người ghi lại, thế nhưng các bạn đều yêu cầu: ‘Thầy nói lại đi, bọn em chẳng hiểu gì cả’.
Học tiếng Anh là cả một quá trình dài, nhất là với những ai học tiếng Anh khi đã thông thạo ngôn ngữ mẹ đẻ (hầu hết chúng ta). Tôi xin chia sẻ chút ít về quá trình học tiếng Anh của mình.
Tôi bắt đầu học tiếng Anh khi 7 tuổi, lúc vừa tạm thông thạo tiếng Việt. Ngày đó thì ABC rồi học từ theo bảng chữ cái. Những năm 90, học tiếng Anh hầu như chỉ là đọc và viết, còn nghe, nói hầu như bị bỏ mặc.
Tôi học nghe bằng cách nghe nhạc tiếng Anh. Thoạt đầu tôi chọn những bài có giai điệu chậm, từ ngữ đơn giản để nghe. Tôi cũng tìm lời bài hát để so sánh và nghe lại những từ lạ.
Lúc đó, tôi may mắn có được một cái máy Walkman và bao nhiêu tiền dành dụm tôi đều dùng vào việc mua băng casette nhạc tiếng Anh. Tôi cắm tai nghe nhạc ngay cả khi học các môn khác vì tôi tin rằng thường xuyên nghe sẽ giúp tiếng Anh đi vào tiềm thức.
Học nói, tôi không có cách gì khác là tự lặp đi lặp lại những câu mà mình học. Tôi lớn lên ở tỉnh lẻ, các thầy cô của tôi nói tiếng Anh cũng như tiếng Việt và tôi cũng y chang, nhưng không vì vậy mà tôi không nói. Sau này khách du lịch tới nhiều, tôi lại nói chuyện với họ để tăng cường khả năng nói.
Cái khó nhất khi nói tiếng Anh với tôi là… nói chậm đi. Tôi vốn nói nhanh, nói nhiều và khi nói tiếng Anh cũng thế. Giọng phát âm rất không chuẩn mà nói nhanh thì chẳng ai hiểu, nên tôi cố nói chậm lại.
Về chuyện học đọc, tôi cố đọc các sách báo bằng tiếng Anh. Khi vốn từ vựng hơi khá chút thì những tạp chí viết đơn giản như Reader’s Digest là phù hợp nhất. Tôi biết rằng tiếng Anh không phải là tiếng của mình nên dùng từ đơn giản và cách diễn đạt đơn giản là phương pháp phù hợp nhất. Lúc đầu đọc thì chẳng hiểu gì, nhưng tôi cũng cố nhận mặt chữ rồi dần dần sẽ hiểu.
Học viết thì tôi có một cách, đó là viết nhật ký. Ngày nào tôi cũng cố viết chừng nửa trang giấy bằng tiếng Anh, chỉ thuật lại những việc đơn giản trong ngày. Nhờ vậy mà tôi viết thường xuyên và dần quen với cách diễn đạt bằng tiếng Anh.
Sau mười năm như thế thì tôi thi IELTS được 6.5. Xin nói thêm là tôi chẳng biết IELTS là cái gì cho tới một tháng trước khi thi, nhưng cũng đủ điểm để đi du học. Sang Australia năm đầu rất đau khổ, việc thầy giáo phải bỏ bục giảng chạy xuống hỏi lại xem câu hỏi của tôi là gì xảy ra thường xuyên.
Rồi tôi đi làm và sống ở Mỹ. Tiếng Anh của tôi lúc này đã rất khác, và tôi kết hôn với người Tây nên tôi rất tự tin về tiếng Anh của mình. Cho đến khi tôi thi vào trường luật thì mọi chuyện lại bắt đầu trở lại.
Tôi nhớ mãi năm đầu ở trường luật. Ở Mỹ, luật được dạy theo phương pháp Socrate, tức là thầy đặt ra câu hỏi, các sinh viên tham gia trả lời, khi một vấn đề được sáng tỏ thì các sinh viên ghi chép. Thầy đặt câu hỏi, tôi trả lời đúng, thầy bảo “các em ghi lại” thì các bạn đều đồng thanh nói: “Thầy nói lại đi, bọn em chẳng hiểu gì cả”.
Chả là, thầy thì đã nghe đủ các sinh viên với nhiều quốc tịch nói tiếng Anh, còn các bạn học cùng thì nhiều bạn ở miền quê hẻo lánh, ít người quốc tịch khác nên nghe không quen. Nếu các bạn nghĩ lại về lần đầu mình nghe một người nói giọng Huế thế nào thì với các bạn cùng lớp, tiếng Anh của tôi còn tệ hơn thế.
Được ít lâu, các giáo sư của tôi nói riêng với tôi rằng: “Em học tốt nhưng giọng tiếng Anh này thì chắc không ra tòa cãi được”. Suy đi nghĩ lại, tôi học tiếng Anh với các thầy cô Việt Nam, phát âm chẳng đúng, lại còn sống ở Úc và học được giọng Úc, nay pha trộn các giọng hài hước ấy để nói ở Mỹ thì thật là…
Tôi đành phải thuê riêng một chuyên viên về phát âm để học cách phát âm đúng giọng Mỹ. Cái này gọi là “accent reduction” và là một ngành dịch vụ phát triển như diều gặp gió ở Mỹ. Mỗi tuần tôi dành một giờ để làm việc với chuyên viên, rồi tha cả đống bài tập về nhà.
Bài học đầu tiên, giáo viên “chẩn đoán” những bệnh mà tôi hay mắc phải. Nói chung là những bệnh rất thông thường với người Việt: phát âm thiếu âm cuối, phát âm sai các vần “or” và “l” âm cuối (như well, không thể đọc là “queo”), nhầm lẫn giữ “ee” và “i”, thiếu kết nối (“and I” phải nối âm d và i), và cách phát âm “flap t” như trong từ “better”)… Tôi lại còn bị thêm ít “bệnh” của người Úc, nhưng cách phát âm của vần “a” (giọng Úc kéo dài thành “ây…i”), cách phát âm vần “o”…
Mỗi tuần chúng tôi tập một vấn đề. Chẳng hạn như phân biệt giữ âm “ee” và “i”, thì tôi tập phát âm các từ “sheep” và “ship”, “team” và “Tim”. Mỗi ngày lái xe đi học, tôi vừa lái vừa phát âm, trông cứ như người đang hát trên đường xa lộ.
Có một điểm rất thú vị: tiếng Anh giọng Mỹ nói dùng âm gió rất nhiều, vì vậy bạn phải đẩy hầu hết âm lên vòm họng phía trước. Cái này giáo viên của tôi gọi là “resonance”. Resonance là nguyên nhân chính khiến người Mỹ nói có giọng “xì xào” và “nhẹ” so với tiếng Việt, vốn dùng âm phát ra từ cổ họng.
Sau cùng, tôi phải tập nói chậm lại. Bởi những vấn đề tôi phải trình bài trước luật pháp rất rắc rối nên ai cũng phải nói chậm, kể cả các luật sư bản xứ. Nếu các bạn xem những bài phát biểu của tổng thống Obama, vốn xuất thân từ luật sư, bạn sẽ thấy cách nói chậm nhưng suôn sẻ của giới luật gia ra sao.
Đấy là hành trình học tiếng Anh của tôi. Ngày nay tôi đã là luật sư, đã ra toà nhưng mỗi sáng vẫn còn lái xe là tập nói một mình, chủ yếu là những câu dài, đòi hỏi sự ngắt quãng và cách nhấn cần thiết, và những từ khó phát âm. Học tiếng Anh với tôi năm nay đã hơn 25 năm, nhưng tôi vẫn còn mãi học.
Chúc bạn học tiếng Anh vui vẻ. Hãy dùng tiếng Anh của mình ngay từ bây giờ, bạn nhé.
Theo Dân trí.
Xem bài gốc tại đây.